Note: You must be registered in order to post a reply.
T O P I C R E V I E W
daiphu
Posted - 09/19/2010 : 23:12:56Nền ca nhạc trong thời đại khoa học điện tử Quý vị thân mến! Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bàn về đề tài “Nền ca nhạc trong thời đại khoa học điện tử”. So với trên dưới năm mươi năm trước đây thì âm nhạc nói chung và ca nhạc nói riêng khi đến với đại chúng thì đã chịu ảnh hưởng hết sức sâu rộng và triệt để về rất nhiều mặt. Ở đây, vì khuôn khổ hạn hẹp về mặt thời gian cho chương trình cho nên chúng tôi chỉ nêu một số nét chính. Xưa kia, âm nhạc và ca nhạc đến với quần chúng chủ yếu là qua hệ thống rất hạn chế của một vài đài phát thanh công. Kể như không có hệ thống các đài phát thanh tư nhân. Trong Nam, vào gần cuối thập niên 60 có một đài phát thanh thương mại, thế nhưng nó cũng không hẳn là một đài của tư nhân,với tầm họat động hết sức hạn chế, với người Quản Đốc đầu tiên, nếu như chúng tôi không nhầm, là nhạc sĩ Nguyễn Hiền, trước đấy là Chủ Sự Phòng Chương Trình của Đài Phát Thanh Quốc Gia, và trước sau thì ông vẫn là công chức ở nhiều cơ quan khác nhau cho đến năm 75. Từ thời thập niên 60 trở đi thì trong Nam đã có các phòng trà ca nhạc, có các buổi trình diễn ca nhạc, các trung tâm sản xuất băng nhạc, đĩa hát, v.v.. Người nghe ca hát thì chỉ có thể nghe chủ yếu từ các đài phát thanh, rồi kế đến mới ở các phòng trà, các buổi trình diễn ca hát ở những rạp hát, các băng nhựa lọai lớn, thường được gọi là “băng cối” so với lọai băng “cassette” xuất hiện về sau. Số đĩa nhựa về ca hát là rất ít so với các băng nhựa. Ca sĩ khi hát ở các phòng thu của những trung tâm sản xuất băng nhựa hay đĩa hát thì đều có ban nhạc gồm nhiều nhạc công sử dụng những nhạc cụ thứ thiệt và như vậy là về mặt tổ chức ghi âm là khá cồng kềnh. Phương tiện nghe ca hát phổ biến nhất ngoài các nguồn xuất phát từ những đài phát thanh là các băng nhựa. Muốn nghe thì trước hết phải có cái máy ghi âm và phát âm vẫn được gọi là các máy “magnétophones”. Nhưng muốn “sang băng” thì hoặc là phải có đến hai cái máy như thế hoặc phải có loại đặc biệt, tốn kém hơn nhiều. Tóm lại là chỉ có nước đi mua băng nhạc về để nghe là tốt nhất nếu như đã có tiền để mua máy “magnétophone”. Từ gần giữa thập niên 60 trở đi, vẫn ở trong Nam, thì lại thêm các chương trình ca nhạc qua hệ thống truyền hình quốc gia chứ không phải tư nhân. Còn như từ hơn 40 năm trở lại đây thì tình hình về các mặt đó đã khác xưa nhiều lắm; khác một cách triệt để và toàn diện. Khác ra sao thì vì sự chuyển biến đã diễn ra từ hơn 40 năm nay cho nên quý vị cũng đã có thể có được những ý niệm khá cụ thể. Có điều là sự chuyển biến đó nếu như có lợi điểm về mặt phổ biến thì lại càng ngày càng bất lợi về mặt tài chánh cho giới ca sĩ cũng như giới sản xuất CD, DVD. Ngày hôm nay, hệ thống các đài phát thanh cũng như truyền hình của nhà nước, ở trong nước, đã họat động mạnh mẽ hơn xưa thì ở hải ngọai hệ thống các đài phát thanh và truyền hình tư nhân phục vụ cộng đồng người Việt lại càng sinh động và đông đảo! Hầu như không trừ một đài nào cũng đều có chương trình ca nhạc. Số lượng CD, DVD từ hải ngọai nếu như có lọt về được một cách hạn chế vào trong nước, thì ngược lại số CD, DVD từ trong nước, cộng thêm số được thực hiện ở hải ngọai lại càng nhiều; có thể nói là đếm không xuể nếu như ta đến một cửa hiệu bán CD, DVD về ca nhạc. Và quan trọng hơn nữa là các tiến bộ về mặt khoa học điện tử đã giúp cho việc sản xuất các CD ca nhạc được thực hiện gọn nhẹ hơn xưa rất nhiều. Chẳng hạn như ở các phòng thu ngày nay người ta không cần đến các nhạc công. Chỉ cần một người sọan hòa âm phối khí với một vài thiết bị điện tử là người ta đã có thể coi như có trong tay cả một dàn nhạc đồ sộ. Thoảng hoặc, người ta có thể thêm một vài nhạc cụ thứ thiệt như cây đàn piano hay cây guitare, v.v.. để có thêm tí hương vị không đến nỗi thuần túy máy móc, thế nhưng về mặt cung cách thực hiện thì đã khác xưa hàng vạn dặm! Chúng tôi xin tạm ngưng phần chuyện trò ở đây để mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đọan một bài hát rất mới mẻ ở bên nhà được thực hiện theo phương thức như vừa nêu. Bài hát tựa là “Khi không thuộc về nhau” của Ưng Đại Vệ, qua giọng ca Justin Nguyễn. ( Trích “Khi không thuộc về nhau” ) Vừa rồi là trích đọan ca khúc “Khi không thuộc về nhau” của Ưng Đại Vệ qua giọng ca Justin Nguyễn. Đây là một bài hát trong “album” mới của ca sĩ Justin Nguyễn gồm trên 10 bài hát mà chúng tôi lấy từ trên mạng! Và từ đấy thì ta bàn qua một khía cạnh khác hết sức then chốt về mặt tài chánh hay tạm gọi là “sinh kế” đối với giới ca sĩ cũng như giới sản xuất CD, DVD về ca hát! Ngày hôm nay đây, với một cái máy “computer” sử dụng cho cá nhân và với hàng trăm địa điểm trên mạng “Internet”, người ta, nếu không muốn bỏ tiền ra mua một CD hay DVD về ca nhạc thì vẫn có thể nghe bài hát mình thích, với ca sĩ mình thích hoặc xem những chương trình biểu diễn ca múa hát, xin lập lại là “ca múa hát”, bởi đã “trình diễn” một bài hát qua một chương trình được thu thanh và thu hình theo dạng DVD thì thường là người ta không chỉ hát mà chủ yếu là còn phải có cả một dàn diễn viên phụ họa với những động tác múa máy kiêm biểu diễn thời trang! Tất nhiên vẫn có các kỹ thuật gia về điện tử nhắc nhở chúng ta là nghe ca hát dưới dạng “mp3” trên mạng hoặc muợn ai đấy một cái DVD để đem về nhà “sao y bản chính” với máy móc thiết bị mình sẵn có thì không thể nào bằng một CD hay DVD “gốc”, thế nhưng khoa học kỹ thuật – cũng lại nó – không ngừng cải tiến các máy móc thiết bị cho sử dụng cá nhân để có được những bản sao chả có sút kém bao nhiêu so với các bản gốc! Riêng đối với các bài hát thì không những người ta có thể nghe các bài hát không thôi từ trên mạng mà còn có thể “nạp” ngay vào máy “computer” của mình, rồi từ đấy, nếu muốn thì in ngay ra một CD để đem theo nghe trên xe hoặc máy nghe CD loại cầm tay! Tóm lại thì về mặt ca hát của ngày hôm nay, nhờ các mặt tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật trong ngành điện tử, các ca sĩ, các ban nhạc dễ có “tiếng” nhiều hơn là có “miếng” nếu không kiếm sống chủ yếu là đi trình diễn ở các “shows”! Chúng tôi cũng lại xin tạm ngưng phần chuyện trò để mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đọan bài hát “Một lần yêu” của Phúc Trường qua giọng ca Uyên Trang. ( “Trích “Một lần yêu” ) Vừa rồi là trích đọan bài hát “Một lần yêu” của Phúc Trường qua giọng ca Uyên Trang. Đối với nền ca hát ngày nay, ở các chương trình phát thanh và truyền hình, kể cả một nguồn không kém dồi dào nữa là báo chí, người ta không chỉ giới thiệu những bài hát mà để tăng thêm phần hấp dẫn, người ta còn có các chương trình phỏng vấn ca, nhạc sĩ. Và về mặt đó thì chỉ cần 2 máy điện thọai ở 2 đầu là người phỏng vấn cũng như người được phỏng vấn cũng đã có thể hòan thất một chương trình phỏng vấn cho dù cách nhau hàng nghìn dặm, hàng nửa vòng trái đất. Phỏng vấn trên các đài truyền hình thì có khi người được phỏng vấn phải “quá bộ” đến “studio”, thế nhưng người phỏng vấn vẫn có thể gửi những câu mình muốn hỏi, và người được phỏng vấn có thể trả lời rồi thu hình với một cái máy thu hình loại “camcorder” mượn của bạn bè hay của chính mình, xong rồi thì gửi đến “studio” và người ta sẽ ráp nối sao đấy để cho người xem cứ có ấn tượng như thể 2 người ngồi đối diện nhau ở phòng thu nếu như ngoài đời hai con người đó ở “hai phương trời cách biệt”, tạm mượn tựa đề một bài hát của nhạc sĩ Hòang Trọng như thế! Đến đây thì lại xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe trích đọan cũng một bài hát mới tựa là “Có những giấc mơ” của Đào Trọng Thịnh qua giọng ca Giang Hồng Ngọc. ( Trích “Có những giấc mơ” ) Vừa rồi là trích đọan bài hát “Có những giấc mơ” của Đào Trọng Thịnh” qua giọng ca Giang Hồng Ngọc! Trích đọan của 3 bài hát vừa rồi là từ những bài hát mới của ngày hôm nay. Vậy thì trên 40 năm trước đây, thời cuối thập niên 60, đầu 70 ở trong Nam cũng có bài hát với đề tài về tình yêu như vậy, thế nhưng người ta viết với phong cách khác về mặt giai điệu cũng như ngôn ngữ. Xin mời quý vị, ta cùng nhau nghe bài hát “Lời gọi chân mây” của Lê Uyên và Phương qua giọng ca Trần Thái Hòa và Thúy Tiên. ( Trích “Lời gọi chân mây” ) Quý vị thân mến, chúng ta đang cùng nhau nghe bài hát “Lời gọi chân mây” của Lê Uyên và Phương qua giọng ca Trần Thái Hòa và Thúy Tiên. Nhân nói về ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành điện tử đối với nền ca nhạc thì tưởng cũng có thể thêm một cái ý là đối với một số không ít các chương trình phát thanh với chuyên đề về ca nhạc, có khi thì người thực hiện chương trình có mặt ngay tại phòng thu của đài, mà cũng có khi lại có mặt ở một nơi khác. Tòan là chuyện “Khoa Học Kỹ Thuật” cả! VOA