Note: You must be registered in order to post a reply.
T O P I C R E V I E W
pham5
Posted - 08/25/2010 : 16:11:41Tìm Hiểu Thuật Thôi Miên Bạn đã từng xem cảnh một người bị thôi miên trong trạng thái nửa ngủ nửa mê. Bạn thấy người ấy ngoan ngoãn làm theo tất cả những gì người thôi miên nói với họ, kể cả những hành động kỳ quái. Thực chất, những người bị thôi miên không hề “ngoan ngoãn” như bạn thấy, mà họ hoàn toàn có ý thức tự chủ chứ không phải bị sai khiến, và họ cũng không rơi vào trạng thái nửa ngủ nửa mê mà đó chỉ là biểu hiện của sự tập trung quá mức. Lịch sử của thuật thôi miên Con người đã thực tập và làm quen với một số loại hình thôi miên từ nhiều ngàn năm về trước. Nhiều dạng thức của thiền có vai trò quan trọng trong nhiều tôn giáo. Nhưng các khái niệm mang tính khoa học đầu tiên về thôi miên chỉ bắt đầu xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 18. Cha đẻ của thuật thôi miên hiện đại là Franz Mesmer, một bác sĩ người Áo. Mesmer tin rằng sức mạnh của thôi miên là do một dạng năng lượng huyền bí được truyền từ người thôi miên sang người bị thôi miên. Ông gọi sức mạnh này là “từ khí động vật”. Giả thiết này của Mesmer chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó, các yếu tố ma thuật đã bị loại khỏi giả thuyết này. Trước đây thuật thôi miên được lấy theo tên của vị bác sĩ này (trong tiếng Anh) - “mesmerism”. Trong thế kỷ trước, tuy khoa học đã có nhiều phát hiện và hiểu biết hơn về thuật thôi miên, nhưng hiện tượng này vẫn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu những gì mà khoa học đã khám phá được về thuật thôi miên. Thuật thôi miên là gì? Thuật thôi miên mang nhiều bí ẩn và kích thích trí tò mò của con người từ hơn 200 năm trước, nhưng đến hôm nay khoa học vẫn chưa hoàn toàn giải thích tận gốc cơ chế này hoạt động ra sao. Chúng ta đã thấy một người khi bị thôi miên có những hành động thế nào, nhưng chưa ai hiểu rõ tại sao họ lại làm như vậy. Thắc mắc này chỉ mới là một mảnh ghép nhỏ của một bài toán nan giải hơn rất nhiều: trí óc của con người hoạt động ra sao. Trong tương lai gần, các nhà khoa học vẫn chưa thể khám phá và giải đáp bài toán hóc búa này, vì thế, về mặt nào đó, thuật thôi miên vẫn mang nhiều bí ẩn. Tuy vậy, các nhà tâm thần học đã biết khá rõ các đặc điểm chung của thuật thôi miên, và họ cũng đã phần nào hiểu được cơ chế của hiện tượng này. Người bị thôi miên ở trạng thái cực kỳ dễ bị ám thị, cơ thể và trí não hoàn toàn được thả lỏng, trí tưởng tượng được kích thích cao độ. Trạng thái này không giống lúc ngủ, vì thực chất người bị thôi miên vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Trạng thái này gần giống với trạng thái lúc bạn ngồi suy nghĩ mơ mộng mà quên mất mọi việc xung quanh, bạn tỉnh táo nhưng tâm trí tạm thời không bị tác động bởi các kích thích tố xung quanh. Bạn vui buồn theo những sự kiện trong trí tưởng tượng của mình. Một số nhà nghiên cứu phân loại những “giấc mơ ngày” là một hiện tượng tự thôi miên. Trong thôi miên truyền thống, bạn tiếp cận với các yêu cầu của người thôi miên và xem nó như thể là thực tại. Chẳng hạn, nếu người thôi miên nói với bạn rằng bạn bị đứt tay, bạn sẽ cảm thấy tay mình đau nhói; hoặc nếu ông ta bảo rằng bạn đang ăn kem, bạn sẽ cảm thấy lưỡi và cổ họng tê lạnh; nếu ông ấy nói rằng bạn đang rất hoảng sợ, bạn sẽ cảm thấy hoảng sợ thật sự và toát cả mồ hôi. Tuy nhiên, trong suốt quá trình này bạn hoàn toàn tỉnh táo và vẫn ý thức được đây chỉ là sự tưởng tượng. Thực chất, bạn đang chơi trò “giả vờ” với một sự nhập tâm và tập trung cao độ. Tuy nhiên, ý thức về đạo đức và sự an toàn cho bản thân vẫn tồn tại khi bị thôi miên. Người thôi miên không thể khiến bạn làm những việc nguy hiểm mà bạn không muốn làm. Điều bí ẩn Về bản chất, thuật thôi miên là cách để tiếp cận và giao tiếp với tiềm thức của con người một cách trực tiếp. Thông thường, bạn chỉ nhận thức được những ý nghĩ trong ý thức. Bạn suy nghĩ về mọi chuyện một cách có chủ ý, như tìm từ ngữ thích hợp để đối đáp, hoặc cố nhớ lại xem bạn đã để chìa khóa cửa ở đâu. Tuy nhiên, trong tất cả các hoạt động của ý thức đều có sự phối hợp “tiếp sức” của tiềm thức. Chính tiềm thức đã lục lọi trong kho thông tin khổng lồ mà bạn đã cất trữ trong suốt từ trước đến nay, giúp ý thức lựa chọn thông tin phù hợp để giải quyết các tình huống. Nói cách khác, tiềm thức điều khiển các phản xạ tự nhiên hay các thói quen của bạn, bạn không cần phải suy nghĩ gì khi thực hiện những hành động này. Các nhà tâm thần học cho rằng các bài tập thả lỏng và tập trung cao độ trong thôi miên làm cho ý thức lắng xuống, không còn đóng vai trò chủ động trong quá trình suy nghĩ của bạn nữa. Ở trạng thái này, ý thức vẫn tồn tại nhưng “đứng lùi về sau” để nhường chỗ cho tiềm thức phát huy sức mạnh của mình. Điều này cho phép cả nhà thôi miên và bạn tiếp cận và làm việc trực tiếp với tiềm thức. Lý giải trên đã được chấp nhận rộng rãi trong giới tâm thần học, vì nó có thể giải thích được hầu hết các đặc điểm của trạng thái thôi miên. ST