Sắp tìm ra hành tinh giống trái đất Các nhà khoa học tin rằng chỉ trong vòng 4 hoặc 5 năm tới, con người có thể phát hiện được một hành tinh thích hợp cho sự sống. Đầu tuần này, giới thiên văn học xôn xao trước tin kính viễn vọng không gian Kepler khám phá 5 hành tinh mới nằm ngoài Thái dương hệ. Kết quả trên được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố hôm 4.1 tại hội thảo thường niên của Tổ chức Thiên văn Mỹ ở Washington. Hãng tin AFP dẫn lời đại diện nhóm theo dõi hoạt động của Kepler nói, phát hiện này giúp con người hiểu rõ hơn về sự hình thành và phát triển của các hệ thống hành tinh. Tuy nhiên, cả 5 hành tinh nói trên đều quá nóng để hình thành sự sống như trên trái đất với nhiệt độ từ 1.2000C tới 1.6490C. Mặc dù vậy, việc kính viễn vọng Kepler có thể tìm ra tới 5 hành tinh mới chỉ sau 10 tháng được phóng vào vũ trụ đã tạo ra một bầu không khí lạc quan cho giới thiên văn lẫn những người tin vào sự sống ngoài không gian. Khám phá này cho thấy vẫn có những hành tinh ổn định như trái đất tồn tại ngoài vũ trụ và Kepler hoàn toàn có khả năng tìm ra chúng.
Con mắt khổng lồ
Kính viễn vọng Kepler, được phóng lên quỹ đạo vào ngày 7.3.2009, là sứ mệnh đầu tiên của NASA nhằm tìm ra những hành tinh giống trái đất trong khoảng không bao la của vũ trụ. Kính viễn vọng mang tên nhà thiên văn lỗi lạc người Đức Johannes Kepler (1571-1630), hoạt động theo “phương pháp quá cảnh”, theo website Kepler.nasa.gov. Theo đó, khi một hành tinh di chuyển theo quỹ đạo quanh một ngôi sao của mình, nó sẽ che bớt một phần ánh sáng từ ngôi sao đó. Kính viễn vọng mới sẽ có nhiệm vụ tìm kiếm những ngôi sao nhấp nháy kiểu này, phân tích các tham số để rút ra các đặc tính của những hành tinh cần quan tâm. Khác với viễn vọng kính Hubble, vốn được dùng để nghiên cứu tổng quát về vũ trụ, Kepler được thiết kế để săn tìm các hành tinh với tổng chi phí 60 triệu USD. Được trang bị một máy ảnh lớn nhất và nhạy nhất từ trước tới nay, kính viễn vọng này có khả năng theo dõi và chụp ảnh khoảng 150.000 ngôi sao cùng lúc để thu thập dữ liệu về các hành tinh của chúng. Tạp chí Time dẫn lời Giám đốc dự án Kepler của NASA - James Fanson nói: “Nếu Kepler quan sát một thị trấn nhỏ trên trái đất vào buổi tối từ không gian, nó có thể thấy được một ngọn đèn bị che mất khi ai đó đi ngang qua”.
Trong chiến dịch tìm kiếm đầy tham vọng này, các nhà khoa học chủ yếu quan tâm tới những hành tinh thể rắn và nằm trong “vùng sự sống” của các ngôi sao. Định nghĩa “vùng sự sống” ý nói tới khoảng không gian hẹp xung quanh ngôi sao mà hành tinh dịch chuyển qua, về mặt lý thuyết có khả năng thuận lợi cho sự tồn tại của các sinh vật tương tự như trên trái đất. Những hành tinh nằm quá gần ngôi sao của mình sẽ quá nóng, còn những hành tinh quá xa sẽ là những “địa ngục băng giá”. Khu vực vũ trụ mà Kepler giám sát trong sứ mệnh kéo dài 3 năm rưỡi nằm giữa 2 chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và Thiên Cầm (Lyra), nơi theo đánh giá của các chuyên gia có khoảng 4,5 triệu ngôi sao, phần lớn tương tự như mặt trời của chúng ta, theo NASA.
Không đơn độc
Cho tới nay, người ta đã phát hiện 400 hành tinh nằm ngoài Thái dương hệ nhưng chưa có tinh cầu nào có đặc điểm tương tự trái đất, theo AP. Tuy vậy, kỳ vọng của NASA dành cho Kepler là rất lớn. Theo dự tính, kính viễn vọng siêu hiện đại này sẽ giúp nhân loại tìm ra được từ 50 cho tới vài trăm hành tinh có kích thước gần giống trái đất ngay trong năm nay, nhưng vẫn còn phải xem xét liệu chúng có thích hợp cho các dạng sống phát triển hay không. Tại hội nghị ngày 4.1, các nhà thiên văn gần như nhất trí rằng lần đầu tiên trong lịch sử văn minh nhân loại, chúng ta đang tiến rất gần đến câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta có đơn độc hay không?”. Giám đốc Trung tâm theo dõi hoạt động của Kepler - Simon Worden nói: “Tôi dám cá là chúng ta không cô đơn trong vũ trụ. Có rất nhiều sự sống ngoài kia”. Worden còn nói với hãng tin AP ông tin rằng cao lắm là 5 năm nữa, Kepler sẽ phát hiện ra hành tinh có kích thước giống trái đất nằm trong “vùng sự sống” của một ngôi sao nào đó. Giáo sư Geoff Macy thuộc Đại học California (Mỹ), một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực săn tìm hành tinh mới, thì nói: “Từ những dữ liệu của Kepler, chúng ta có thể chắc rằng có rất nhiều hành tinh nhỏ quanh rìa Thái dương hệ”.
Các nhà khoa học cũng tin rằng con người không biết đến sự tồn tại của những hành tinh như vậy vì chúng quá nhỏ hoặc quá xa so với những thiết bị quan sát trước đây. Giờ đây với một “con mắt” tinh vi như Kepler, bức màn tăm tối của vũ trụ sẽ dần được vén lên. Dĩ nhiên không phải ai cũng tin tưởng 100% vào một trái đất thứ hai. Nhà thiên văn hàng đầu Jill Tarter, người đã dành cả đời tìm kiếm sự sống ngoài trái đất, bảo: “Tôi luôn lo là chúng ta tự huyễn hoặc về sự hiểu biết của chính mình đối với vũ trụ”. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa nghiêm trọng cuộc sống trên trái đất, việc tìm kiếm một hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống như trái đất ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.
Dù cho Kepler có hoàn thành trọng trách của nó hay không thì những người mộng mơ đã bắt đầu nghĩ tới trận chiến giữa con người với chủng tộc da xanh trên một hành tinh xinh đẹp xa xôi, như trong siêu phẩm Avatar mới đây của đạo diễn James Cameron.
ThanhNien.com.vn |