Trích trong cuốn LUYỆN LÝ TRÍ
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê
Khoa số và bói của phương Đông
Tôi xin nhắc lại, tôi không biết chút gì về khoa chiêm tinh của Âu. Riêng tôi,
không tin nó, và tôi thấy những lý lẽ của ông Paul Couderc đủ vững, nhưng tôi
xin đưa ít ý kiến của tôi về môn lý số và bói mà tôi được biết sơ sài vì trong
hai chục năm nay, tôi đã đọc năm bảy bộ sách Hán, Việt về các môn đó, lại được
tiếp xúc với ít nhà coi số, coi bói chuyên nghiệp hoặc tài tử.
Heywood Brown, một ký giả nổi tiếng của Hoa Kỳ đã viết: “Tôi đã nhiều khi lầm
lẫn, đã viết sai không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng không bao giờ tôi chịu viết
một điều gì mà lúc viết tôi không tin là đúng.” Câu đó diễn đúng tâm trạng tôi
lúc này. Những điều tôi sẽ bàn dưới đây có thể lầm lẫn; có thể rằng năm mười năm
nữa, tư tưởng của tôi sẽ thay đổi; nhưng khi diễn ra, thì tôi tin là đúng.
Tôi đã đọc những sách về số tử vi, số tử bình và bói Dã hạc.
Khoa tử vi và khoa tử bình cũng dùng ngày, giờ, năm, tháng và các ngôi sao như
khoa chiêm tinh của Âu, nhưng khác hẳn với lối chiêm tinh, nhất là không liên
quan gì với khoa thiên văn cả; vì vậy các nhà khoa học phương Tây có nghiên cứu
khoa tử vi và tử bình, cũng không thể chứng minh được nó trái với khoa học, nói
đúng hơn, là trái với khoa thiên văn ở chỗ nào. Hai môn khác hẳn, không có điểm
để so sánh.
Tôi không bàn đến lý thuyết của tử vi và tử bình. Cả hai môn đều dùng những
thuyết âm dương, ngũ hành tương sinh tương khắc… mà ta còn có thể hiểu được;
nhưng ngoài ra còn những qui tắc, những phép đặt chỗ cho các ngôi sao. Chẳng hạn
về khoa tử vi tại sao lại có 12 cung mà không phải là 16 hay 8? Tại sao cung ách
lại nằm giữa cung thiên di và cung quan lộc? Tại sao những người sinh năm Nhâm
Tý, Quí Sửu thì mạng lại là mộc? Tại sao những người sanh ngày nọ ngày kia thì
sao tử vi lại ở cung này cung khác?...
Có thể rằng những nhà sáng lập ra môn số, bói, khi định những phép tắc đó cũng
có lý do riêng; nhưng hiện nay đọc sách về các môn đó, ta phải tin những lời chỉ
trong sách là đúng, chứ đừng hỏi tại sao. Mà nếu không tin thì thôi. Tôi tưởng
đó là một tính cách chung của các nhà khoa học huyền bí, ở phương Đông cũng như
phương Tây.
Đã không thể xét về lý thuyết, thì ta xét về kết quả để định giá trị của những
môn ấy. Kể ra như vậy cũng không thật là hợp lý vì hai lẽ:
- Ta không thể tin được những lời đoán của người trước. Chẳng hạn có sách Tử Vi
in lá số của Khổng Tử, Hạng Võ, Lữ Hậu, cả của Hitler nữa. Làm sao mà kiểm soát
được giờ sinh ngày đẻ của Khổng Tử? Còn Hitler thì sinh ở Đức, mà giờ Trung Hoa
với Đức khác nhau 7,8 giờ, không biết người ta tính ra sao? Dù những ngày giờ đó
có đúng chăng nữa thì những lời đoán cũng không có nhiều giá trị vì đoán sau khi
việc đã xảy ra.
- Còn những lời đoán của người ngày nay về những việc hiện tại, nếu đúng thì
không nói gì, nếu sai thì ta cũng không thể do đó mà bảo rằng những khoa đó sai
vì biết đâu thước thì đúng mà vì thợ vụng nên hình vẽ hóa sai.
Nhưng không còn cách nào khác nên tôi phải căn cứ vào lời đoán của người đương
thời và đối chiếu với những lời chỉ trong sách để xem khoa lý số đáng tin đến
mức nào. Căn cứ vào đối chiếu như vậy, tôi thấy hoang mang.
Xét về đại cương thì các sách số không khác nhau nhiều vì sách đó có lẽ đều do
một nguồn gốc. Nhưng về tiểu tiết, nhiều tác giả không đồng ý nhau, ngay trong
việc đặt các sao và tính đại hạn, tiểu hạn.
Chẳng hạn, trong khoa tử vi, có sách nói sao Kinh dương đứng trước sao Lộc tồn,
sao Đà la đứng sau sao Lộc tồn. Có người nói ngược lại: Kinh dương đứng sau, mà
Đà la đứng trước. Đa số đều tính đại hạn (hạn từng mười năm một) từ cung mạng;
có sách lại bảo nên tính từ cung ở giáp cung mạng tùy theo là dương nam hay âm
nam, âm nữ hay dương nữ. Cách tính tiểu hạn (hạn từng năm một) cũng có hai
thuyết. Cách tính tháng còn rắc rối hơn nữa: có đến ba thuyết mà hai thuyết
tương phản nhau.
Về tính cách của các sao cũng vậy. Như sao Thiên Lương người thì cho là thuộc
mộc, người thì cho là thuộc thổ, có kẻ lại vừa mộc vừa thổ. Những sai biệt đó
tuy nhỏ mà rất quan trọng làm thay đổi cả phép đoán.
Và trong những sách tôi đọc, không cuốn nào không chứa một vài chỗ mâu thuẫn:
cùng một ngôi sao đó, trang này bảo là ở cung nọ thì tốt, mà trang khác lại bảo
ở cung đó là xấu.
Như vậy tôi phải kết luận rằng khoa tử vi, hiện nay có vẻ lộn xộn; không thống
nhất, có thể vì cái học nguyên thủy đã sai lạc, hoặc vì người ta tự ý thêm thắt
mà không có lý do chính đáng để người khác phải theo. Khoa tử bình cũng có tình
trạng đó nhưng ít hơn.
Sách dạy đã khác nhau thì lời đoán tất phải khác nhau và người nào cũng cho cách
của mình là đoán đúng, cũng có thể dẫn lời trong sách hoặc của tôn sư ra để bênh
vực được.
Cùng một đại hạn đó, người đoán là tốt người đoán là xấu. Khổ một nỗi là trong
rất nhiều trường hợp cả hai thuyết tương phản đó đều có lý một phần. Biết tin ai?
Đem nhân sự ra đối chiếu thì đôi khi cũng khó quyết định được thuyết nào đúng,
thuyết nào sai vì cùng một hạn mười năm đó thường khi có cả tốt, lẫn xấu, cho
nên có thể cho là tốt, mà cũng có thể cho là xấu, tùy quan niệm của mỗi người.
Đoán một tiểu hạn, tức họa phúc trong một năm cũng vậy, cũng không có gì là chắc
chắn cả. Đó là tôi xét trường hợp mà các nhà đoán số đồng ý nhau về cách đặt
những đại hạn hoặc những tiểu hạn vào cung nào, sao nào. Nếu họ đặt khác cung
nhau như trên tôi đã nói thì đoán làm sao mà giống nhau được nữa?
Việc đoán họa phúc trong một tháng càng dễ sai hơn vì tháng là một đơn vị nhỏ
nằm trong đơn vị tiểu hạn, tiểu hạn lại nằm trong đơn vị đại hạn, đại hạn lại
nằm trong toàn thể số mạng của mỗi người. Nói chi đến việc đoán tử vi hàng ngày?
Theo tôi, đoán việc hàng ngày chỉ là một câu chuyện đùa, cứ nói mười điều thế
nào cũng được dăm điều trúng, theo luật trung bình.
Tuy nhiên, tôi không quả quyết rằng khoa tử vi, tử bình hoàn toàn vô lý. Vì tôi
đã thấy những trường hợp đó đúng một cách không phải ngẫu nhiên. Tôi lấy ngay
thí dụ một gia đình nọ gồm bốn anh em mà tôi được biết. Khi mới sanh mỗi người
đều có một lá số tử vi. Số đoán rằng một người con trai sẽ khá nhất, đi càng xa
nhà càng khá, một người con trai nữa sẽ chết yểu, một người con gái được nhờ
chồng, một người nữa không được nhờ chồng mà được nhờ con. Hiện nay (sau nửa thế
kỷ), tôi nghiệm thấy những lời đó đều đúng, mà đúng tới như vậy thì không thể
cho là ngẫu nhiên được.
Từ khi tôi tìm hiểu khoa tử vi, tôi thấy những lời đoán đó không phải vô căn cứ.
Tôi lại nghiệm rằng coi qua những số của các bà con, bạn bè cũng có thể đoán
ngay được mỗi người vào hạng nào trong xã hội nghĩa là số tốt hay xấu. Mà những
lời đoán đó phần nhiều đúng, đúng về đại cương, đúng một cách tương đối. Và vấn
đề nhân sự, hoàn cảnh vẫn là quan trọng.
Tôi cần giảng thêm câu tôi vừa viết.
Tôi nói phần nhiều đúng, vì tôi thấy cũng có lá số sai: theo số thì phải vào
hạng bác sĩ hay ít nhất cũng cử nhân mà rồi, ngoài 20 tuổi, chưa đậu bằng Trung
học đệ nhất cấp mặc dầu gặp hoàn cảnh tốt; hoặc theo số rất thông minh, (chính
tinh đắc địa, xương khúc cũng đắc địa) mà học lại ở dưới cái mực trung bình.
Tôi mới coi được độ trăm lá số, không đủ để làm thống kê, nhưng cũng nhận thấy
rằng 10 lá số, có thể có tới ba bốn lá hoàn toàn sai. Điều này đáng cho ta chú
ý: những lá số đó thì tử vi đoán khác, tử bình đoán khác, trái lại những lá nào
tử vi tử bình đều hợp nhau thì thường là đúng hết. Vậy muốn cho chắc chắn phải
lấy cả tử vi lẫn tử bình, nếu hai lá không mâu thuẫn nhau thì mới có thể tin là
có phần đúng.
Tôi lại nói: đúng về đại cương, nghĩa là chỉ đoán được số người đó tốt hay xấu,
tới hạn nào thì khá, hạn nào thì kém; càng đi vào chi tiết (như ốm đau, kiện
tụng, lập gia đình, thi đậu, phát tài, có tang…) thì càng dễ sai, mà lời đoán
của mỗi nhà càng dễ khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau.
Sau cùng tôi nói: một cách tương đối là nghĩa thế này: một lá số đó, ta đoán
được tốt hay xấu, nhưng hai lá số tốt ngang nhau thì ta không thể kết luận rằng
hai người đó sau này sẽ có địa vị ngang nhau. Có thể rằng vì hoàn cảnh gia đình,
vì chỗ ở, vì sự gắng sức mà một người thành công gấp năm gấp mười người kia,
thành một nhà văn nổi danh hoặc một thương gia, trong khi người kia chỉ là một
thầy giáo, một chủ tiệm nhỏ ở quận, phủ. Điều đó, chính các người soạn sách lý
số cũng công nhận.
Về khoa bói, tôi cũng đã được chút kinh nghiệm, nhận thấy rằng phần sai nhiều
hơn phần đúng; nhưng khi gặp một hai quẻ đúng thì đúng một cách kỳ dị, đúng tới
những chi tiết nhỏ nhặt làm cho tôi ngờ rằng không thể do sự ngẫu nhiên được.
Tôi xin dẫn hai thí dụ. Năm đó tôi làm việc ở Sài Gòn, thân mẫu tôi ở Vĩnh Yên,
đau đã vài tháng, tôi cũng tưởng là bệnh già chưa có gì đáng lo thì bỗng nhiên
có điện tín báo rằng người đã mất. Tôi ngờ rằng là chưa mất nhưng muốn tôi về
gấp nên báo vậy. Tôi xin một quẻ bói. Đoán rằng chưa mất, nhưng nửa tháng sau,
vào ngày đó hoặc ngày đó sẽ mất. Sau quả nhiên như vậy. Lần khác, một bà chị tôi
ra bán vải, xin một quẻ bói, quẻ đoán tốt; nhưng công việc làm ăn không bền, tới
tháng ba sang năm sẽ phải thôi. Quẻ đó cũng nghiệm nữa. Đoán được chết hay sống,
hoặc làm ăn khá hay không thì dù có đúng cũng là chuyện thường, có thể do ngẫu
nhiên mà đúng nhưng đoán được ngày nào chết; tháng nào phải dẹp công việc mặc
dầu công việc đương phát thì không còn là may mà đúng được nữa. Nhưng tôi xin
nhắc lại rất nhiều quẻ đoán sai be bét. Có phải tại tôi ít được gặp những người
giỏi về môn đó chăng?
Tóm lại, ý kiến của tôi hiện nay về những khoa lý số bói toán của phương Đông
như vầy:
- Những khoa đó không thống nhất, mà số người hiểu kỹ thì rất ít, không ai chịu
làm thống kê, nên không biết được nó đáng tin tới mực nào.
- Nhưng hoàn toàn bảo nó sai thì cũng không được: đôi khi nó đúng với những khoa
ấy, hiện nay tôi vẫn còn thái độ tìm hiểu, và nếu có ai đoán số cho tôi thì tôi
cũng hay vậy, đợi xem có đúng không chứ không tin ngay.
Có nhiều cái huyền bí không thể hay chưa thể dùng lý trí mà hiểu được, thì đành
phải hồ nghi. Thiếu tinh thần hồ nghi mà lại vô tình hay cố ý dùng khoa học
huyền bí thì thường là có hại. Cho nên cổ nhân rất thận trọng, chỉ truyền những
môn học đó cho người đạt quan và có đức.