Trích từ "TỬ VI HÀM SỐ"
Tác giả: Nguyễn Phát Lộc

PHẦN THỨ HAI
Chương 6 - Luận về giá trị khoa Tử vi

Mặc dù khoa Tử vi có từ đời Tống, nhưng vì ít ai chịu khó nghiên cứu đến tận cùng và đưa ra những phê phán, cho nên khoa này bị nhiều dư luận ngộ nhận.

A. NHỮNG NGỘ NHẬN THÔNG THƯỜNG VỀ KHOA TỬ VI

Có hai khuynh hướng phê bình khoa Tử vi.

Có người cho rằng khoa học này giải đáp tất cả ẩn số của vận mệnh con người, tiên liệu được tất cả biến cố, đề ra nhiều kết luận chính xác về tướng mạo, cốt cách, nhân phẩm, tâm tính, gia đình, bạn bè, xã hội, quan trường, tài sản, con cái… Dựa vào đó, dư luận này cho rằng khoa Tử vi gói ghém tất cả những gì thiên định của Trời Đất dành cho một cá nhân, tức là chỉ cần mở lá số Tử vi ra là có thể đọc hết tiểu sử của đương sự, thấy hết các giai đoạn của cuộc đời, nhìn được các tai họa hay phúc lộc hiện tại và tương lai của mình và cả những người có liên hệ với mình. Quan niệm này đã đề cao quá đáng khoa Tử vi, thậm chí cho nó một giá trị thần huyền rất lớn. Các vì sao được xem như các vị thần hộ mạng hay ám mạng mà hiệu lực bảo trợ hay phá hoại hầu như không ai cưỡng nổi. Từ đó, con người không còn chủ động kiến tạo được tương lai của mình, mà phải chịu phó mặc cho thiên – định. Trái lại, có người lại không tin Tử vi, không cho khoa này có một giá trị nào. Họ cho rằng Tử vi là một dị đoan, mê tín, thậm chí là một tà thuật của những nhà bói toán trục lợi trên tín ngưỡng thiên hạ. Có người hiểu biết hơn đánh giá Tử vi như một môn kém khoa học, không đủ nền tảng để đưa ra một kết luận khả chấp về vận mệnh con người, vốn là một vấn đề quá ư phức tạp, không thể tiên liệu hay lý giải một cách chính xác. Họ cho rằng Tử vi chỉ xác định mà không giải thích, mà cho dù có giải thích, thì sự giải thích, hoặc dựa vào huyền bí, hoặc không được thỏa đáng, vì căn bản của khoa Tử vi chưa vững vàng. Trước hai khuynh hướng đánh giá như vậy, ta nên nhận định thế nào về khoa Tử vi?

B. THỬ PHÊ BÌNH KHOA Tử vi

Theo thiển ý của tác giả, cả hai nhận định nêu trên đều có tính cách phiến diện và hời hợt. Khoa này không hề có giá trị huyền bí nào. Các vì sao không phải là những thần linh giám sát hay điều hướng vận mệnh con người. Đó là những yếu tố có ảnh hưởng đến con người. Chúng ta không nên linh thiêng hóa các yếu tố đó, không nên cho nó giá trị tuyệt đối. Không có một sự sắp xếp nào của đấng Chí Tôn hay của thần linh trên vận mệnh con người! Việc kê khai đặc tính của con người qua đặc tính một số sao không có nghĩa là con người do các sao trên trời chi phối. Sanh từ “sao” trong khoa Tử vi chỉ mà một tên gọi biểu kiến, mượn tên một vật thể để mệnh danh một yếu tố của con người và khoa Tử vi là một phương pháp tìm hiểu con người bằng những yếu tố gọi là “sao”. Thật sự, con người là một tổng hợp các yếu tố cơ thể, tướng mạo, tính tình, công danh, tài lộc, phúc thọ, cha mẹ, anh em, xã hội, vợ chồng, con cái, bệnh tật, bạn bè… Mỗi yếu tố được biểu hiện trong một cung, qua một số đặc tính của một sao. Theo thiển nghĩ, người sáng lập khoa Tử vi không nhìn lên tinh tú để biết con người dưới thế, mà phân tích con người dưới thế thành từng yếu tố để rồi tổng hợp lại. Mỗi yếu tố được đặt tên, và người sáng lập đã mượn tên các sao để gọi. Kỳ thật, tên của một sao không quan trọng, vì đó chỉ là cách mệnh danh. Quan trọng là ý nghĩa các sao mà người sáng lập gán cho nó. Còn nói về thiên định hay tiền định thì khoa Tử vi không hoàn toàn tiền định mà cũng không chối bỏ sự tiền định. Khoa Tử vi không hoàn toàn tiền định vì là khoa này vẫn chấp nhận ảnh hưởng của cá nhân trên vận mạng. Cuộc diện đời người không phải chỉ do các yếu tố ngoại cảnh sắp xếp. Bằng chứng là cung Mệnh vẫn là một trong các cung quan trọng và góp phần định đoạt vận mạng cá nhân cùng với các cung khác. Khoa Tử vi không chối bỏ sự tiền định, vì cho rằng, ngoài yếu tố của bản mệnh cá nhân, con người có nhiều yếu tố ngoại lai khác chi phối con người. Vả chăng, ngay trong bản mệnh, có những sao mà ý nghĩa tâm tính, bệnh lý là những yếu tố góp phần quyết định phản ứng bị tiền định ít nhiều do ở bản tính của mình. Mặt khác, khoa Tử vi rất coi trọng ảnh hưởng của Phúc đức đối với cá nhân. Ý niệm này bao hàm những lợi điểm hay bất lợi điểm của gia thế, giòng họ đối với cá nhân và cả đối với con cháu về sau. Coi trọng phúc đức giòng họ, khoa Tử vi đã xem định mệnh con người như lệ thuộc vào cái tốt cái xấu của cha mẹ, ông bà và xem con cháu mình vẫn còn lệ thuộc sự tốt xấu đó. Kỳ thật thì ý niệm phúc đức cũng chỉ làl một yếu tố ảnh hưởng đến con người, nhưng, mức độ ảnh hưởng vẫn còn tùy thuộc vào cái tốt cái xấu của mình. Mệnh và Thân con người không hẳn bị Phúc Đức chi phối theo một chiều, mà vẫn chi phối trở lại Phúc Đức. Chính vì thế mới cần có sự cân nhắc, chế hóa các ảnh hưởng theo sự tác động hỗ tương qua lại. Hàm số cá nhân tùy thuộc một phần vào âm đức ông bà cha mẹ, nhưng, vẫn tùy thuộc phần vào công nghiệp của chính mình. Vậy, ảnh hưởng của Phúc Đức không có tính cách quyết định toàn diện; ảnh hưởng đó vẫn có giới hạn, có mức độ, có thể bị gia giảm bởi những yếu tố cá nhân. Có người nói rằng khoa Tử vi là một mê tín dị đoan, thiếu căn bản khoa học để giải thích các biến cố trong đời người. Quan niệm này có đúng hay không?

Theo tác giả, đây cũng là một sự phê bình hời hợt, phiến diện của dư luận. Khoa Tử vi trước hết không phải là một dị đoan, dựa vào thần linh để biết con người. Trái lại, khoa Tử vi dựa vào con người để biết con người. Khoa này phân tích con người thành những yếu tố chi phối, từ yếu tố bản tính, cơ thể, bệnh trạng, cho đến các yếu tố gia đình, vợ chồng, con cái, anh em, và yếu tố về công danh, tài lộc, xã hội, bạn bè. Con người chính là sự tổng hợp các yếu tố. Như vậy, khoa Tử vi không có tính linh thiêng, mê tính… Trái lại, đó là môn khảo cứu về con người khá thực tiễn. Chính sự phân tích con người thành những yếu tố phức tạp đó, cho nên khoa Tử vi có một căn bản hợp lý để khảo sát đời người. Đây là môn căn bản nghiên cứu có thể gọi là khoa học. Căn bản này vừa dựa vào các đặc điểm của cá nhân như cơ thể, bệnh trạng, tính tình, tướng mạo, vừa dựa vào đặc điểm của gia đình như cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, vừa dựa vào đặc điểm chung của giòng họ như phúc đức ông bà, vừa dựa vào các yếu tố xã hội khác như môi trường sinh sống bên ngoài, bạn bè, tôi tớ, người ngoài, vừa dựa vào các yếu tố quan hệ mật thiết đến cuộc sống của mình như nghề nghiệp, tiền bạc, điền sản. Thiết tưởng sự phân tích này khá tinh vi và hợp lý, khả dĩ tạo được một căn bản khảo sắt đời người một cách khoa học. Căn bản này nhất định không có gì là dị đoan, mê tín hay thần huyền. Nó rất thiết thực. Khuyết điểm khả hữu có thể là nó còn tổng quát và chưa có qui luật vững vàng về sự chi phố hỗ tương. Quả thật, khoa Tử vi không gói ghém được hết các uẩn khúc phức tạp của sự việc, cũng không giải thích đầy đủ tại sao sự việc đó lại xảy ra trong lúc đó. Khoa này chỉ kể ra những biến cố, không đưa ra nguyên ủy. Nếu có chỗ khoa Tử vi giải thích được thì sự giải thích không chi tiết. Về điểm này phải công nhận khoa Tử vi còn thiếu sót. Căn bản áp dụng để đề ra quy luật các biến cố hãy còn sơ sài, thiếu phong phú và chưa vững chãi. Nhưng, không phải vì vậy mà nói khoa Tử vi thiếu căn bản khảo sát. Nó vẫn có giá trị, chỉ hiềm giá trị đó hãy còn tổng quát và tương đối. Khoa Tử vi cao hay thấp còn tùy người giải đoán, chớ riêng bó, giá trị nội tại không mấy cao lắm. Dù sao, ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở một khoa học nhân văn xưa nay chỉ có người sáng lập mà người không có khai triển. Giá trị của một khoa học nhân văn không hẳn bắt nguồn nguồn ở giá trị nội tại của môn họa đó, mà còn bắt nguồn ở sự bồi đắp, sự phong phú hóa của nhiều thế hệ nhân loại khai triển thêm nó. Khoa Tử vi gặp sự bất là thiếu người khai triển mặc dù nó rất được phổ cập và tín nhiệm. Nhưng, người áp dụng không phải là người khai triển. Những người sử dụng khoa này, hầu hết, nhằm mục đích thương mại hay hiếu kỳ, chớ không nhằm khai triển một bộ môn văn hóa. Cho nên khoa Tử vi chết ở chỗ thiếu sót lý thuyết gia bổ túc căn bản khảo sát tiên khởi. Nhưng, sự thịnh hành của các môn đệ Tử vi cũng là một lý do xác nhận phần nào giá trị của khoa này. Trên đây, tác giả đã tham luận về những ngộ nhận thông thường trên giá trị khoa Tử vi. Để có thể phê bình khoa này một cách phong phú hơn, cần khảo sát về giá trị nội tại của nó.

1) Nhận định về đối tượng khoa Tử vi

Từ khởi thủy cho đến nay, khoa Tử vi vẫn không thay đổi đối tượng: tìm hiểu con người. Tác giả khoa Tử vi là đạo sĩ Trần Đoàn, sinh dưới đời nhà Tống bên Tàu. Ông này đã dựa vào Kinh Dịch cùng những khai triển về lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành của Đổng Trọng Thư, một triết gia đời nhà Hán, để lập ra khoa Tử vi. Theo nguyên ngữ, danh từ Tử vi không nói lên đối tượng của môn khảo cứu. Tử là đỏ tía, Vi là li ti nhỏ hay vi diệu. Nhưng, mục đích của khoa này là tìm hiểu con người và vận số con người, dựa trên hệ thống quy luật biến hóa của triết thuyết về vũ trụ thời đó. Dù căn bản tìm hiểu con người và đời người mà thôi.

Trong việc tìm hiểu này, khoa Tử vi có tham vọng khảo sát cả con người lẫn đời người, tức là các điểm chi tiết sau:

A) Đặc tính cá nhân mỗi người, bao hàm các yếu tố:

Cơ thể (constitution anatomique). Tướng mạo (constitution morphologique). Tính tình (constitution caratérologique). Bệnh tật (constitution pathologique).

B) Đặc tính gia đình (đại gia đình và tiểu gia đình) như: Cha mẹ (ascendants). Anh chị em (consanguins). Vợ chồng (vie conjugale). Con cái (desecendants). Đời sống ngoại hôn (relations extra-conjugales).

C) Đặc tính về sinh kế như: Nghề nghiệp (situation professionnelle). Tài lộc (situation financière). Điền sản (biens acquis).

D) Đặc tính xã hội như: Môi trường sinh sống (milieu social). Những mối giao thiệp (relations sociales).

E) Đặc tính giòng họ như: Phúc đức (héritage matérial et spirituel) Ảnh hưởng của âm phần (influences immatérielles).

F) Đặc tính vận số bao gồm: Các giai đoạn của đời người (les grandes épisodes). Các biến cố lớn trong mỗi thập niên (les grandes évènements de chaque décade). Đây là những đối tượng rất rộng rãi. Đặc tính mỗi đối tượng được gói ghém vào trong một số sao ảnh hưởng lẫn nhau theo quy luật sinh khắc về âm dương ngũ hành. Về mặt phạm vi, những đối tượng này rất phong phú, đầy đủ về con người và đời người. Nhưng, về mặt giá trị, mỗi đối tượng không được đầy đủ về giá trị như nhau. Những gì thuộc về cá nhân một người thường đầy đủ hơn những yếu tố thuộc về người khác. Có nhiều trường hợp các chi tiết về cá nhân rất đúng trong khi các chi tiết về cha mẹ, anh em lại sai hoặc sót. Thành thử, đối tượng của khoa Tử vi, tuy có rộng rãi, nhưng không được cụ thể trên nhiều điểm. Cho nên, việc luận đoán về gia đình cần được phối hợp trên 2 lá số của vợ lẫn chồng, của cha mẹ lẫn con cái. Riêng 1 lá số không đủ chứa hết các chi tiết uẩn khúc quá nhiều về đời người liên hệ với mình.

2) Nhận định về nhãn quan Tử vi

Khoa Tử vi quan tâm đến nhiều ảnh hưởng trên con người, từ cá tính cho đến sinh kế, gia đình, xã hội và âm phần phúc đức. đặc biệt, khoa này chú trọng rất nhiều vào cung Phúc đức, được xem như một cung cường, tiên niệm rằng hạnh phúc con người tùy thuộc nhiều ở phần duy linh, âm đức của ông bà để lại. Nhưng, đây chỉ là một cánh cửa hé mở vào phần linh thiêng mà thôi. Kỳ thật, khoa Tử vi hướng về nhân sinh quan hơn là thế giới vô hình. Mặt khác, cần phải lưu ý rằng khoa Tử vi hướng về nhân sinh quan của con người thế tục, chớ không phải của con người tôn giáo. Nói khác đi, hầu hết ý nghĩa các bộ sao trên các cung đều nói về các đặc điểm, biến cố của người đời chớ không phải của người đạo. Khoa Tử vi, căn bản có tính cách thế tục, cho nên không xem được cho người chân tu. Điều này cũng dễ hiểu vì biến cố trên con người chỉ có nghĩa cho người đời mà thôi. Những kẻ tu hành có một nhân sinh quan siêu thoát, khác hẳn với người đời, chính vì họ không còn quan tâm đến các yếu tố ngoại giới nữa. Đối với các vị này, chỉ có nội tâm là đáng kể. Như vậy, khoa Tử vi không áp dụng cho người thoát tục. Điều này không có nghĩa là khoa Tử vi không nhìn thấy xu hướng vọng đạo của người đời, nhưng khoa này lại bắt đầu hết áp dụng khi người đời bước vào cõi đạo. Mặt khác, khoa Tử vi vẫn có thể tiên liệu triển vọng của người đạo trở lại đời người. Nhưng, lúc nào con người còn sống một sinh hoạt thế tục thì Tử vi mới ứng dụng. Đây cũng là một giới hạn khác nữa của giá trị khoa Tử vi. Trên một bình diện khác nhãn quan Tử vi rất thích đáng. Thật vậy, đây là một nhãn quang tổng hợp một căn cứ vào sự ảnh hưởng hỗ tương của nhiều yếu tố liên quan đến con người cùng một lúc. Cho nên khi nói đến Tử vi làl phải nghĩ đến hàm số. Ý niệm hàm số tiềm phục trong ý niệm Tử vi. Tử vi vi diệu ở hàm số đó. Giá trị của hàm số này được luận đoán trong phần nói về “hàm số trong khoa Tử vi”. Nhưng, thiết tưởng cần nhắc lại đây những đặc tính của hàm số đó. Trước hết, đây là một hàm số phức tạp. Nó tổng hợp các động số biến thiên vào một phường trình tổng quát trong đó có các yếu tố về Mệnh, Thân, Phúc đức, Hạn. Mỗi yếu tố là một hàm số khác. Như Mệnh tùy thuộc vào Bản Mệnh, Cục, cung an Mệnh, chính diệu thủ Mệnh, trợ tinh thủ Mệnh các cung sao chiếu Mệnh như cung Thiên Di, cung Quan, cung Tài. Như thế, hàm số Tử vi có nhiều hệ cấp: đó là một hàm số đa cấp. Giá trị của nó có lẽ bắt nguồn ở sự phức tạp hợp lý này, đồng thời ở sự tổng hợp các hàm số linh động. Những kết luận của Tử vi không bao giờ chỉ căn cứ vào một yếu tố, mà vào nhiều yếu tố phối hợp. Cho nên, khoa Tử vi không phiến diện nhìn sự kiện mà nhìn sự kiện trong bối cảnh toàn diện các ảnh hưởng chi phối. Dù sao, đây cũng là một giá trị tổng quát và là một giá trị có tính cách luân lý. Mặt khác, chính tính cách phức tạp của các ảnh hưởng đã khiến cho khoa Tử vi tối nghĩa và khó áp dụng. Những thẩm định về lượng (appréciation quantitative), về phẩm (appréciation quantitative) không được rõ ràng vì bị ảnh hưởng bởi một hàm số bách biến đa cấp. Sự thiếu sót các quy luật chi phối, làm cho khoa Tử vi trở thành mơ hồ, được giải thích tùy người chớ không phải tùy giá trị các quy luật của khoa.

3) Nhận định về giá trị cơ hữu của khoa Tử vi

Khoa Tử vi đặt nền tảng trên lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành và trên các yếu tố sao, được gán cho nhiều ý nghĩa phức tạp. Phê bình khoa Tử vi ắt phải đánh giá triết lý về Âm Dương Ngũ Hành, đồng thời xét giá trị các ý nghĩa của các vì sao.

a) Giá trị khoa Tử vi về mặt triết lý Âm Dương Ngũ Hành

Như đã trình bày trong phần luận về Âm Dương Ngũ Hành các qui tắc thực tiễn áp dụng vào khoa Tử vi của lý thuyết này hãy còn mơ hồ và thiếu sót. Từ lý thuyết đó, người ta chỉ rút tỉa được các qui tắc tổng quát. Mặt khác, các qui tắc này còn thiếu sót, không đủ để giải đáp các trường hợp tương phản quá ư phức tạp của sự hội tụ các yếu tố đồng loạt. Phương trình Tử vi là một phương trình đa cấp, bách biến, lệ thuộc quá nhiều biến số một lượt, cho nên được diễn đạt một cách cụ thể và hàm súc. Chiếu theo qui luật biến hóa tương khắc tương sinh của Âm Dương Ngũ Hành, người ta ghi nhận đồng thời nhiều yếu tố tương sinh và tương khắc. Trên các yếu tố này, giá trị về phẩm cũng như về lượng bị thay đổi. Vì vậy, sự biến hóa của Âm Dương Ngũ Hành trên những yếu tố linh động như vậy trở thành quá ư phức tạp: phương trình Tử vi lâm vào ngõ cụt, thiếu đáp số cụ thể. Sự thiếu sót này làm giảm giá trị của căn bản triết lý của khoa Tử vi rất nhiều.

b) Giá trị khoa Tử vi về mặt các vì sao

Khoa Tử vi sử dụng khoảng 110 vì sao. Mỗi sao được gán cho nhiều ý nghĩa. Những ý nghĩa này đã được liệt kê trong phần luận về các sao và ý nghĩa các vì sao. Nhìn chung, các ý nghĩa của các sao xét ra liên quan đến hầu hết các biến cố lớn trong đời người. Diễn xuất được nhiều trường hợp cụ thể điển hình của đời người trong các phạm vi tính tình, cơ thể, tướng mạo, bệnh tật, tai họa, gia đình, vợ chồng, con cái, sự nghiệp, sinh kế, điền sản, xã hội, bạn bè v.v… Mỗi phạm vi lại diễn đạt được nhiều khía cạnh uẩn khúc của tình trạng. Mặt khác, một số lớn biến cố trong đời người đã được quảng diễn trong các cung hạn, giúp đánh giá được các giai đoạn thịnh suy của cuộc đời. Nhờ các sao, những bí ẩn âm u nhất của cuộc đời, của nội tâm con người được phát giác. Chính nhờ ở các sao, khoa Tử vi mới có giá trị nhiều hơn. Nó là căn bản khả chấp để giải đoán về con người và đời người, đó là những căn bản giải đoán phong phú và tinh vi hơn cả phần triết lý âm dương ngũ hành. Tuy nhiên, phải công nhận rằng một tuy ý nghĩa các sao có phong phú, có tinh vi, có cụ thể, có bao hàm nhiều khía cạnh, có liên hệ đến nhiều đặc trưng, nhưng, các sao hãy còn chưa nói lên hết chi tiết của một người, của một đời, của một biến cố. Trình độ cụ thể của Tử vi hãy còn chưa đúng mức. Thật sự thì con người, đời người hay biến cố về một giai đoạn nào đó của đời người nhất định phải phức tạp và phong phú hơn. Đứng trước sự phức tạp và phong phú của thực tế, những khám phá của Tử vi hãy còn ít và tổng quát. Mặt khác, có nhiều lãnh vực mà các sao Tử vi chịu bất lực. Ví dụ như lãnh vực Phúc đức. Tử vi chỉ ghi nhận được Phúc đức theo lá số, không chắc diễn xuất được Phúc đức thực tế của một người. Một địa hạt bất lực khác là Tử vi không phân biệt nổi số mạng của những cá nhân sinh trùng giờ, anh em sinh đôi, người tu hành v.v… Ngoài ra trong cung Phúc đức, khoa Tử vi đã tổng quát hóa số mạng của cả giòng họ vào một cung được 3 cung khác hội chiếu. Tử vi không phân biệt được giòng họ cha, mẹ, nội, ngoại một cách tinh vi. Vả chăng, có nhiều trường hợp cần có một lá số khác để bổ túc luận đoán, như xem số chồng phải xem cả số vợ, số con. Những người thân thuộc trong một lá số không được Tử vi mô tả đầy đủ, cho nên lá số hầu như chỉ có giá trị cao đối với cá nhân, và có giá trị thấp hơn đối với cá nhân, và có giá trị cao đối với cá nhân, và có giá trị thấp hơn đối với người khác liên hệ đến mình. Đó là những khuyết điểm chính của Tử vi. Dù sao ta cũng không thể đòi hỏi sự tuyệt đối trong một môn học sơ khai, nhất là môn đó là môn khảo sát con người và đời người. Tuy khoa Tử vi có tham vọng đó. Sau cùng, khoa Tử vi có tùy thuộc vào giá trị của người giải đoán hay không?

4) Nhận định về giá trị ngoại tại của khoa Tử vi

Không thiếu gì trường hợp khoa Tử vi được người đời mến chuộng và tin phục nhờ tài năng giải đoán của thầy bói. Cũng không thiếu gì trường hợp khoa này bị dị nghị, khả dĩ trở thành khả ố cũng vì các “thầy rùa”. Cho nên, nếu căn cứ vào giá trị người giải đoán để lượng giá một khoa khảo sát của con người thì quá hời hợt. Thật sự đoán đúng hay đoán sai không làm tăng hay giảm giá trị của khoa Tử vi. Tự khoa này có nhiều ưu điểm và nhiều khuyết điểm. Người giải đoán giỏi là người có dịp thực nghiệm, kiểm chứng nhiều trường hợp thực tế trên các lá số, cũng như người có căn bản suy luận vững chắc, đồng thời với linh cảm chính xác của giác quan thứ sáu, giải đoán hay hoặc dở là do giá trị của người giải đoán chớ không hẳn do sự cao thấp của khoa Tử vi.