“Mệnh trời”, nghe có vẻ huyền bí, nó thuộc về một thế giới quan cao siêu. Hiểu
một cách đơn giản theo thời đại công nghệ thông tin này, “mệnh trời” là những
xu hướng, xu thế tất yếu, là những điều mà con người không thể xoay chuyển
nổi. Trong cuộc sống chúng ta thường nghe nói “cãi mệnh trời”, để chỉ những
hành động dốt nát của những kẻ kém tấm nhưng ngông cuồng ngoan cố, biết là
không thể nhưng vẫn làm.
Trong đạo lý về gia đình, ông bà có câu
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
để khuyên răn giáo dục người con phải ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục
của các bậc làm cha làm mẹ. Cha mẹ sinh ra con cái, xét về những kiến thức xã
hội, kinh nghiệm cuộc sống, vào những năm tháng đầu đời, cha mẹ luôn luôn là
người thầy của con mình. Thế nhưng theo “mệnh trời” thì
“Con khôn hơn cha là nhà có phúc” tức là con cái mà dốt nát hơn cha mẹ, kém
cỏi hơn cha mẹ thì dòng họ đó, gia đình đó không tốt phúc, sẽ suy vong đi và
không phát triển được về danh tiếng.
Trong giáo dục, đạo nghĩa thầy trò, chắc không ai không biết câu “nhất tự vi sư,
bán tự vi sư” thế nhưng lại có câu “học thầy không tầy học bạn” để chỉ ra rằng
kiến thức của người thầy cũng có giới hạn, kiến thức được học tập, được tích
lũy từ rất nhiều nguồn khác nhau mà trong đó học tập từ những người bạn bè
đồng trang lứa của họ cũng có những người vượt trội và rất ưu tú hơn cả
người thầy. Thực tế đã chứng minh điều này là lẽ tự nhiên, là “mệnh trời”.
Xét về mặt xã hội, con người là sinh vật tiến hóa bậc nhất, là chủ thể của xã hội.
Tri thức của loài người luôn luôn được tích lũy, kế thừa và lớn dần lên, nâng
cao hơn về độ rộng cũng như chiều sâu. Vì thế theo “mệnh trời”, con người
của thế hệ sau phải hiểu biết hơn thế hệ trước, phải khôn hơn thế hệ trước vì
họ đã có những nền tảng tri thức của thế hệ trước tích lũy lại cộng với những
khám phá mới trong thời đại họ sống. Nếu không như thế thì làm sao xã hội
phát triển được.
Một xã hội lành mạnh và công bằng văn minh là xã hội mà trong đó từng chủ
thể đều có quyền bày tỏ tiếng nói của mình. Trong bất kỳ một xã hội nào, người
trí thức cũng luôn luôn được coi trọng, họ chính là những người có tri thức và
sự hiểu biết cao hơn mặt bằng chung của mọi người dân, cộng với một chút
dấn thân, họ có đóng góp cho xã hội nhiều nhất. Chưa một xã hội thịnh vượng
nào mà giới trí thức bị coi rẻ. Mọi vấn đề của xã hội giống như những khối lập
thể nhiều cạnh mà một người dù tài giỏi đến mấy đứng ở một góc nhìn nhất
định cũng khó có thể nhìn hết các vấn đề, những khúc mắc thiếu xót cần được
xem xét để hoàn chỉnh. Vì vậy, xã hội loài người là một xã hội bầy đàn, là xã hội
dân sự trong đó từng cá thể bắt buộc phải có mối quan hệ hữu cơ mật thiết với
nhau. Bạn tài giỏi đến mấy, giàu có đến mấy, nếu tách bạn ra khỏi xã hội, lập tức
tất cả các giá trị về trí tuệ, về tài chính sẽ là vô nghĩa và không có đất để dụng
võ. Ca dao Việt Nam có một câu khá hay
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài gắn với chữ tai một vần”
Vì vậy đừng cậy mình giỏi, đừng cậy mình có quyền lực, sống chỉ biết có bản
thân, xem thường những lời phản biện xung quanh mình, một khi bạn bị xã hội
thờ ơ, ném trả lại bằng một thái độ im lặng lạnh lùng, đó là sự trừng phạt đó là
ghê gớm nhất. Nó chứng tỏ, bạn thuộc về một thế giới khác, không bình thường
và xa lạ với xã hội con người. Nó không hợp với “mệnh trời” là con người phải
tồn tại trong xã hội loài người.
Xã hội mà những tiếng nói phản biện của những trí thức luôn bị làm ngơ, bị
bưng bít thậm chí bị dập tắt và trù dập một cách tàn bạo là một xã hội mông
muội, nó đi ngược với xu thế của thời đại, không hợp đạo lý không hợp “mệnh
trời”, thể chế xã hội đó nhất định sẽ bị tiêu vong. Chính những phản biện là
động lực, là sức mạnh trí tuệ được tập hợp giúp xã hội tiến lên.
Trong thời buổi của công nghệ thông tin, một tin tức, một hình ảnh được tung
lên internet, chỉ cần một vài người đọc thì nó đã là một thông tin mang tính cộng
đồng. Sẽ vô cùng buồn cười cho kẻ nào đó bị phản biện hay bị phanh phui
những “bí mật” về đạo đức, học vị học hàm hay thậm chí là tội ác mà lại có ý
định bưng bít thông tin, buồn cười hơn ở chỗ, họ lại dùng quyền lực trong tay
để chỉ thị ra lệnh cho kẻ dưới quyền hay tổ chức dưới quyền gây nhiễu, phá
hoại trang mạng đưa thông tin trên. Họ không biết rằng, càng như thế người ta
càng tìm đọc vì nó đánh vào đặc tính sinh học của sinh vật mà con người là một
sinh vật đỉnh cao về óc tò mò, ham tìm tòi khám phá. Thông tin trên sẽ lan
truyền không kém tốc độ của ánh sáng, càng nhiều người đọc, thậm chí sao
chép để lưu dữ lâu dài…. Sức mạnh của công nghệ thông tin là ở chổ đó, tức là
sẽ hướng con người tới việc phải biết chấp nhận sự thật, phải chịu trách nhiệm
về những hành vi, đạo đức của mình vì không gì có thể bưng bít được.
Mong những kẻ đang làm cái chuyện không tưởng, những kẻ cãi lại “mệnh
trời” hãy nắm chắc một chân lý: sự thật có một sức mạnh ghê gớm, dù nó chậm
chạp, không ồn ào bằng sự dối trá thế nhưng sự thật như những cỗ máy khổng
lồ luôn lừng lững tiến về phía trước, sức mạnh của nó đủ để nghiền nát tất cả
những vật cản trên đường nó đi qua.
Tác giả: Hai Lúa