Những câu nói sặc mùi kỳ thị chủng tộc được nhắc đến trong truyền thông trong thời gian gần đây cho thấy hệ lụy của chế độ nô lệ không chỉ là cái gánh tâm lý khó bỏ xuống của dân da đen mà cũng là sự phân biệt dường như đã ăn vào xương tủy của dân da trắng.
Năm ngoái có vụ bà Paula Deen, một bà da trắng rất mệnh phụ miền Nam đã làm giàu và nổi danh nhờ tài nấu nướng của mình, khóc lóc xin lỗi những câu nói kỳ thị da đen của bà trước đấy và từ “N” (Negro, chỉ da đen) bà đôi khi dùng để nhấn câu. Đài truyền hình Food Network chuyên về ăn uống và những chuỗi tiệm lớn cắt ngay quan hệ với bà. Năm nay, có vụ ông trại chủ da trắng ở Nevada. Thoạt tiên báo chí gọi ông là anh hùng bảo thủ, dám thách thức chính quyền liên bang cấm ông không được thả đàn bò ăn cỏ trên đất thuộc liên bang. Nhưng chỉ chốc lát là ông lộ bộ mặt kỳ thị chủng tộc, hỏi rằng dân da đen làm nô lệ (cho chủ da trắng) tốt hơn hay nô lệ tiền trợ cấp của chính phủ tốt hơn.
Hai vụ trên tuy ầm ĩ nhưng vẫn là chuyện nhỏ so với vụ mới nhất. Một đoạn thu âm cho thấy giọng Donald Sterling, chủ nhân đội bóng rổ Clippers (của LA), một ông nhà giàu da trắng trị giá khoảng $1.9 tỷ đô la, trong những câu kỳ thị da đen khi nói chuyện với bạn gái của mình. Tóm lược những câu này, Sterling nói rằng trong nền “văn hóa” mà ông biết, người ta có thể thương yêu hoặc thậm chí ngưỡng mộ dân thiểu số (không chỉ da đen), nhưng chỉ trong vòng riêng tư. Chụp hình với dân thiểu số và đưa lên mạng xã hội như Instagram là không được.
Điều đáng nói ở đây là người bạn gái trong cuộc đối thoại cũng lai da đen, và đa số thành viên của đội bóng rổ Clippers của Sterling cũng là dân da đen. Nếu Sterling thực hành đúng như ông nói, tại sao có bạn gái da đen và xuất hiện trước công chúng với cô ta? Mặt khác, có một mức nhất quán giữa lời nói và việc làm của ông nhà giàu này. Tuy có bạn gái “thiểu số”, ông vẫn giữ người vợ chính da trắng. Ông là chủ đội bóng, tức trên một nghĩa nào đấy ông sở hữu những cầu thủ, và dù sao đi nữa ông cũng không giao thiệp với những cầu thủ ấy.
Những câu nói của Sterling, tuy khó nghe, cũng cho thấy một loại kỳ thị chủng tộc mới, không rành mạch rõ rệt và đơn giản như lúc xưa. Sterling không nói dân “thiểu số” là thiếu giá trị hay thấp hèn, mà nhắc đến “văn hóa,” “lịch sử,” và dường như sợ tai tiếng trong một giới nào đó nếu ông có quan hệ mật thiết với dân “thiểu số.” Trong giới ấy, có lẽ có một người tình thiểu số không phải là vấn đề, vì có lẽ trong giới ấy người ta cũng coi phụ nữ như món đồ chơi mà thôi, nhưng quan hệ kiểu bạn bè thì phải cần thân thế hoàn cảnh đúng mức. Hơn nữa, trong vòng riêng tư thì sao cũng được, nhưng ra công chúng thì phải giữ hình tượng (da trắng cao quý?).
Đây không phải là lần đầu tiên Sterling có những phát ngôn bừa bãi kiểu này, trong những chuyện làm ăn khác của ông cũng như trong nhiều năm làm chủ đội Clippers, nhưng lần này là lần đầu tiên Sterling phải trả giá thực sự (ngoài những phản ứng chê trách của nhiều người) cho hành động của mình. Ông bị loại trừ vĩnh viễn ra khỏi Hiệp Hội Bóng Rổ Mỹ và rất có thể sẽ bị buộc phải bán đội bóng Clippers. Cho dù ông phải bán, trị giá hiện nay của đội bóng từ $1 đến $1.5 tỷ đô la sẽ mang lại số lời khủng so với giá $12 triệu ông mua năm 1981.
Nhưng nếu kỳ thị chủng tộc không còn đơn giản, thì chống kỳ thị chủng tộc cũng không còn đơn giản. Nếu sự kỳ thị của Sterling là con sâu làm rầu nồi canh (con người của ông), thì chúng ta nên đổ cả nồi canh vì có con sâu, hay cẩn thận dùng canh sau khi gạt con sâu ra ngoài? Nói cho cụ thể hơn, Sterling là một doanh nhân có thực lực và như mọi doanh nhân có tiền và biết sắp xếp tài chính và thanh thế của mình, ông quyên tặng khá nhiều tiền cho những cơ sở giáo dục nghiên cứu xã hội khác nhau. Nay tay ông đã nhúng chàm, những cơ sở ấy có nên từ chối đồng tiền từ bàn tay có dấu vết ấy không? Người bảo không, kẻ nói có. Đúng ra có tội thì phải có hình phạt, nhưng cũng phải có cơ hội sửa đổi cho người phạm tội sau khi họ đã phải chịu tội. Nếu lấy sự kỳ thị chủng tộc làm điển hình bao quát cho Sterling, phải chăng chúng ta cũng sẽ phạm vào một loại kỳ thị khác?
Nguyễn Phương