Một chuyện tưởng chừng như chỉ có trong phim và truyện hài đang xảy ra trong đời thực, với những con người thực đóng những màn giả dối không chỉ để giải trí hay trêu đùa. Những dịch vụ có tầm mức quy mô đến mức có thể dựng lên cả một đám cưới giả đủ lễ bộ, và những màn kế tiếp sau đám cưới nếu cần, tất cả để đảm bảo mức an toàn của sự dối trá của mình và khách hàng.
Bản thân chuyện bồ bịch giả, vợ chồng giả tự nó không có gì mới, đã xảy ra nhiều lần trong cuộc sống con người, gần đây nhất trong cộng đồng người Việt hải ngoại là những vụ hôn thú giả để mang người trong nước ra ngoại quốc, thường có chi phí từ phía người trong nước trả công cho Việt kiều. Chuyện này bất hợp pháp, cho nên đương nhiên chẳng có doanh nghiệp nào đăng ký phục vụ, mà trước nay cũng chưa nghe nói có dịch vụ “chui” nào cung cấp, tuy rằng rất nhiều người đã ”bị” những chào mời cá nhân cách này hay cách khác. Nghe đâu cái giá hôn thú giả đi nước ngoài thuở mười mấy năm trước khoảng 5-10 ngàn đô la, sau này nghe nói có khi lên đến 20-30 ngàn đô la. Tuy giá có vẻ tăng mạnh, nhưng tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam tăng nhanh hơn tỷ lệ hối đoái, cho nên 20-30 ngàn đô la hiện nay có thể dễ kiếm hơn 5-10 ngàn đô la lúc trước.
Dịch vụ thuê “người ấy” ở Trung Quốc và Việt Nam đang hoạt động hoàn toàn hợp pháp, và chứng tỏ lừa gạt cũng là chuyện hợp pháp nếu không dẫn đến một kết quả hoặc hành động khác không hợp pháp. Nếu dịch vụ này có mặt ở những nước tư bản, thì chắc đã thành ví dụ trong sự chứng minh xã hội tư bản đồi trụy tiêu cực đến mức nào. Nhưng nó đang xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc, nghiễm nhiên thách thức bốn chữ “đạo đức cách mạng” đẹp đẽ hay được nhắc đến và cười diễu bộ luật phạt vạ những người ngoại tình ở Việt Nam.
Mức chuyên nghiệp và toàn hảo của những dịch vụ và người trong nghề ở Việt Nam dường như rất cao, và cái giá cũng không rẻ. Ở trên đỉnh là đám cưới trọn gói tức là đầy đủ lễ tiệc một đám cưới giả, giá 120 triệu đồng VN (khoảng $5,700 đô la) hoặc hơn. Để phục vụ chu đáo mọi yêu cầu của khách hàng, dịch vụ hỏi những chi tiết tỉ mỉ như “đối tượng” cần như thế nào (tính cách, hoàn cảnh, công việc, tuổi tác…).
Không chỉ có cô dâu chú rể giả mà còn có cả một đại gia đình được lựa chọn thích hợp (cùng những đặc trưng địa phương). Thậm chí giấy đăng ký kết hôn giả cũng được trình làng cho những gia đình quá cẩn thận. Gia đình khách hàng muốn đi xem chỗ ở của “đối tượng,” dịch vụ cũng có thể giàn xếp. Sau đám cưới giả, dịch vụ có thể cung cấp những màn giả liên hệ như chào họ hàng, cách vài năm cũng có thể được.
Nguyên nhân để khách phải bày ra cả một màn lừa gạt nhiều công phu và tốn tiền của này có thể là lừa gạt thực sự (bòn rút tiền cha mẹ, đại gia đình), nhưng đa số thường rất giản dị và khiêm tốn: chỉ muốn được yên thân. Với những người con hiếu thuận đủ để không chịu nổi áp lực “thành thân” từ cha mẹ, nhưng không đủ hiếu thuận để thành thân thực, thì đám cưới giả là cách giải quyết. Những người đồng tính vì không muốn “bị lộ” cũng cần một đám cưới giả che mắt gia đình và cả thiên hạ. Những cô gái chưa lập gia đình lỡ mang bầu và không cưới thực được thì phải cưới giả để gìn giữ mặt mũi thanh danh cũng không thật chút nào của chính mình và gia đình.
Không biết dịch vụ cho thuê bồ ở Việt Nam có thịnh như đám cưới giả hay không, nhưng ở Trung Quốc thì rất đắt khách. Tuy chính sách một con trong mấy thập niên của Trung Quốc cộng với tâm lý thích con trai “nối dòng” đã gây ra mức trai thừa gái thiếu trầm trọng (20 triệu đàn ông nhiều hơn phụ nữ ở lứa tuổi dưới 30), vẫn có nhiều cô gái không kiếm ra ý trung nhân. Đây là những phụ nữ có học và thành công không tìm được đối tượng tương xứng, và cho dẫu họ chịu ưng những người đàn ông ít thành công hơn, nhưng người đàn ông này cũng thường ngại ngùng, vì phái nam thường thích đối tượng thua kém mình. Thế nên những phụ nữ này phải thuê bồ cho những dịp họp mặt gia đình, nhất là dịp Tết.
Dù thông cảm cho những khách hàng dịch vụ thuê “đối tượng” đến thế nào chăng nữa, không thể không nhắc đến mục đích và hậu quả của những màn kịch này chỉ là lừa đảo và lừa đảo. Màn kịch càng tinh vi phức tạp thì sự lừa đảo càng nghiêm trọng. Nhất là những vụ đám cưới để bòn tiền cha mẹ thì lại càng nghiêm trọng hơn. Tại sao khách hàng của dịch vụ không có đủ can đảm để sống thực với mình hơn, đấy là vấn đề cá nhân nhưng cũng là vấn đề xã hội. Gia đình, cha mẹ đã áp lực con cái thế nào để chúng phải dối trá đến cùng chứ không dám nói thật? Tuy luật pháp đã không còn xem khuynh hướng đồng tính là một cái tội, xã hội Việt Nam phải còn thiên kiến kỳ thị đến thế nào để nhiều người vẫn chưa dám công khai khuynh hướng này?
Tiểu Thư