Bệnh suyễn hiện nay rất thông thường. Hầu như trẻ em nào cũng có thời kỳ bị ho lâu ngày, khò khè, khó thở. Do đó, cha mẹ hay người chăm sóc trẻ cần phải hiểu về bệnh suyễn hầu có thể giúp con em mình tránh bị ho, khò khè... quanh năm, nhất là về mùa đông. Sau đây là một số câu hỏi thông thường về bệnh suyễn.
Hỏi: Con tôi bị suyễn. Tôi có nên thay thế thảm trong nhà bằng sàn gỗ hay nhựa?
Đáp: Một trong những cách để phòng ngừa bị lên cơn suyễn là làm giảm bớt những nhân tố kích động cơn suyễn. Thảm trong nhà là nơi chứa nhiều thứ có thể kích động cơn suyễn vì chúng gây ra dị ứng. Đặc biệt, thảm trong phòng ngủ là chỗ dễ gây bệnh hơn cà vì chúng ta ngủ cả 7-8 giờ trong phòng và hít bụi từ thảm trong suốt thời gian đó. Những loại sàn cứng như gỗ, nhựa, gạch... thì dễ giữ sạch, bớt có con bọ bụi, phấn hoa, lông chó mèo và những chất gây dị ứng khác.
Thường xuyên giặt thảm có thể giúp bớt bọ bụi và những chất gây dị ứng. Nếu đã giặt và giữ sạch thảm thường xuyên mà con bà vẫn bị lên cơn suyễn nhiều lần thì có lẽ bà nên thay thảm bằng sàn cứng. Tuy nhiên nên nhớ rằng tất cả những vật liệu sàn hóa học đều tiết ra chất hơi gọi là volatile organic compounds (VOCs) trong thời gian đầu. Chất này có thể kích động cơn suyễn. Sau một thời gian nhiều ngày thì mới hết chất này. Có một số sàn tiết ra VOC nhiều hơn, bà nên tìm xem loại sàn nào ít tiết ra chất VOC nhất.
Nếu cháu tiếp tục lên cơn, bà nên cho cháu đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên về dị ứng để làm thử nghiệm da tìm xem cháu bị dị ứng với chất gì. Một khi biết được những chất gây dị ứng cho cháu, bà sẽ dễ dàng tìm cách loại bỏ chất ấy.
Hỏi: Dị ứng thức ăn có liên quan gì với bệnh suyễn không? Tôi bị cả hai thứ từ rất nhiều năm và cảm thấy hình như chúng liên quan với nhau.
Đáp: Vâng, rất thường thấy người bị dị ứng thức ăn cũng bị suyễn. Tuy nhiên, sự liên hệ giữa hai tình trạng này chưa được hiểu rõ lắm.
Dị ứng thức ăn và dị ứng đường hô hấp rất gần gụi. Thí dụ, bị dị ứng với những chất đạm (proteins) trong phấn hoa có thể trùng hợp với phản ứng dị ứng với trái cây và rau có cùng chất đạm ấy.
Một vài chất gây phản ứng dị ứng có thể kích động gây cơn suyễn. Những chất gây dị ứng có thể là chất ta hít vào như bụi, nhưng cũng có thể là thức ăn, thí dụ như sò hến.
Một nghiên cứu trên các trẻ em sống trong thành phố cho thấy 24% các em bị suyễn có ít nhất là một loại dị ứng thức ăn. Trẻ em vừa bị suyễn vừa bị một loại dị ứng thức ăn thường bị những cơn suyễn nặng hơn và dễ bị cho vô nhà thương hơn. Trẻ bị dị ứng với nhiều loại thức ăn thì càng bị suyễn nặng hơn.
Hỏi: Con tôi 11 tháng, gần đây bị nhiều cơn khò khè. Như vậy là cháu bị bệnh suyễn phải không?
Đáp: Cũng không hẳn. Không phải em bé nào bị khò khè cũng trở thành bị suyễn. Và ngược lại, không phải em bé suyễn nào cũng khò khè.
Khò khè là tiếng không khí chuyển động khi đi qua một ống thở hẹp. Vì ống thở của trẻ em rất nhỏ và hẹp nên bất cứ một sự nhiễm trùng nào nơi đường hô hấp cũng có thể gây ra khò khè. Đôi khi , một cơn nghẹn cũng có thể làm bệnh nhân khò khè. Hoặc đường thở bị cấu tạo bất thường hay dây âm thanh có vấn đề cũng có thể gây ra khò khè. Do đó, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiếng khò khè.
Nhưng khò khè là triệu chứng ‘cổ điển’ nhất của bệnh suyễn. Ngoài khò khè ra, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng sau:
-Thường bị khó thở
-Thường bị nghẹt trong ngực
-Thường bị ho
-Ho tăng lên nếu chạy chơi nhiều hoặc khi khí hậu thay đổi.
Em bé nào đã bị một tình trạng dị ứng thí dụ như bệnh da khô hay dị ứng với thức ăn, hoặc trong gia đình có người bị suyễn hay dị ứng, thì thường dễ bị thêm suyễn.
Nếu con bà có vẻ bị khó thở, nên đem em đi khám bệnh. Tả rõ cơn hò khè của em, khi nào khò khè xẩy ra, khò khè tiếng ra sao... Càng nhiều chi tiết được ghi nhận thì càng giúp bác sĩ định bệnh cho em.
Hỏi: Làm sao để tránh những chất kích động cơn suyễn?
Đáp: Muốn tránh những chất kích động cơn suyễn, cần phải biết những chất ấy là gì đối với con bà vì mỗi người dị ứng với một số yếu tố khác nhau. Các em có thể được thử nghiệm để biết rõ dị ứng với chất gì và sau đó, tìm cách tránh các chất ấy càng nhiều càng tốt.
Những yếu tố thường gây ra cơn suyễn gồm có:
-Phấn hoa
-Bọ bụi
-Dán
-Lông thú nuôi
-Mốc trong nhà
-Khói từ gỗ hay thuốc lá
-Chất ô nhiễm không khí
-Khí lạnh
-Siêu vi trùng
-Hoạt động thể chất
-Chất hóa học volatile organic compounds (VOC's) có trong sơn, đồ làm sàn nhà, và những sản phẩm dùng trong nhà.
-Stress hay những cảm xúc tiêu cực
Ngoài chuyện tìm hiểu con mình bị dị ứng với chất gì, nên ghi nhận những hoạt động và triệu chứng của em vào một cuốn sổ để có thể nhận ra những môi trường hay hoạt động thể chất gây ra cơn suyễn của em.
Cách tránh những chất gây ra cơn suyễn:
Nếu phấn hoa, bọ bụi và lông thú nuôi gây ra cơn suyễn, nên
-Dùng máy lạnh và máy thổi khô để giữ cho độ ẩm thấp
-Dùng máy lọc không khí để giúp không khí trong nhà sạch
-Giặt mền gối bằng nước thật nóng thường xuyên
-Lau bụi và hút bụi thường xuyên
-Giặt thảm nhà thường xuyên. Nếu được, thay thảm bằng sàn gỗ hay nhựa, chọn loại có VOC thấp
-Tắm chó mèo thường xuyên và không cho chúng vào chỗ con bà chơi thường
-Tránh khói thuốc lá và các loại khói khác
-Thay đỏi hay giải quyết những yếu tố môi trường, hoạt động hay cảm xúc để trở nên tốt hơn.
Nếu một số hoạt động hay cảm xúc nào đó gây ra cơn suyễn, nên:
-Giúp cháu bé nhận ra những tình huống thường kích động lên cơn
-Hỏi bác sĩ về những thuốc dùng trước khi có những hoạt động thể chất dễ gây suyễn
-Tránh chạy chơi nhiều ở những nơi bị ô nhiễm hoặc khi có phấn hoa nhiều.
-Bịt mũi và miệng của cháu bằng khăn quàng vào những ngày quá lạnh hay gió nhiều.
BS Nguyễn Thị Nhuận