Hôm 3/6/2014, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) trưng bày những tài liệu Hán Nôm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa có niên đại từ thế kỷ 17-18. AFP
Với những gì diễn ra ngoài biển Đông, dường như khiến hào khí nhạc Việt trỗi dậy mãnh mẽ, sôi sục với những bài hát hướng về biển đảo thân thương.
Tôi Nghe Tổ Quốc Gọi Tên Mình – Cao Thái SơnNhững ngày gần đây, giới nhạc sĩ trong nước đã liên tục cho ra đời những ca khúc mang tính thời sự, thể hiện tình yêu biển đảo quê hương, Hoàng Sa – Trường Sa tuy thật xa xôi nhưng lại vô cùng gần gũi, bởi đó vẫn luôn là một phần máu thịt của con dân Việt Nam. Những nhạc sĩ tên tuổi như An Thuyên với “Hành khúc biển Việt Nam,” Nguyễn Văn Hiên với “Hướng Về Biển Đông,” Văn Thành Nho với “Sóng Bạch Đằng Vỗ Mãi Tới Biển Đông,” hay Phương Uyên với “Những Trái Tim Việt Nam” đang lay động biết bao trái tim người yêu nước. Và đặc biệt, nhạc sĩ Quỳnh Hợp, người mà chúng tôi đã có dịp thực hiện chương trình giới thiệu về những ca khúc thời đại của chị với nhiều chục ca khúc viết về người lính đảo, ca ngợi vẻ đẹp và ý chí của những chiến sĩ ngày đêm canh gác sự toàn vẹn lãnh hải Tổ quốc Việt Nam, lần này chị có thêm Hịch Biển Đông, nhạc phẩm phổ từ bài thơ Khi Tổ Quốc Bão Giông của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý.
Hịch Biển Đông – Tập thểThời gian này, khi nghe những bài hát về chủ đề biển đảo, ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước cũng như tôn vinh hình ảnh người lính đảo đang ngày đêm bảo vệ biển trời hải phận, hẳn ai nấy cũng đều cảm thấy xúc động và tự hào, bởi họ đang là những người ngày đêm “đầu sóng ngọn gió” đối mặt với sự cường quyền, ức hiếp của Trung Quốc đang ngang nhiên hạ đặt dàn khoan trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam. Ngay khi sự kiện trên xuất hiện, nhạc sĩ Quỳnh Hợp với chùm ca khúc hơn 10 bài hát, trong đó có ca khúc phổ thơ “Tiếng Biển” và “Sôi Lên Hào Khí Việt Nam” đang được công chúng đón nhận hết sức nhiệt tình. Nếu trong “Sôi Lên Hào Khí Việt Nam” người ta bắt gặp những ca từ hào hùng, sôi sục, thì ở “Tiếng Biển” Quỳnh Hợp lại nhẹ nhàng gửi gắm ân tình của người lính biển về đất liền cho gia đình đang ở hậu phương nhưng vẫn vững chãi, khỏe khoắn:
Anh vẫn vững nơi biển đảo xa xôi
Gửi tiếng biển ru em thơ yên giấc
Tàu giặc mà tấn công bờ cõi
Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi
Tiếng Biển – Y Jang TuynNhững bài hát về biển đảo Việt Nam nhìn chung thường trầm hùng, sâu lắng, thế nhưng mỗi khi sơn hà nguy biến thì dường như những ca khúc ấy bỗng chốc dậy sóng… dường như cả người sáng tác, người thể hiện và cả người đón nhận đều tỏ ra sẵn sàng, tỏ rõ ý chí kiên định để làm tất cả những gì có thể bảo vệ chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
Dàn đồng ca 100 nghệ sĩ hát bài Những Trái Tim Việt Nam. Courtesy of afamily.vn
Chỉ trong một tháng qua, nếu nhìn vào những chương trình biểu diễn tại Việt Nam, rõ ràng những chủ đề về chủ quyền biển đảo có mật độ phủ sóng dày đặc, các gameshow truyền hình, những live show của những ca sĩ tên tuổi, cho đến những đêm nhạc và các chương trình nghệ thuật phát thanh, phát hình trực tiếp luôn gắn liền với những ca khúc nói lên sự đồng lòng của người Việt Nam hướng về biển Đông, tỏ rõ thái độ phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc, nhưng qua đó cũng khơi dậy mạnh mẽ, biểu thị lòng yêu chuộng, khát vọng hòa bình của những con dân Việt Nam. Có lẽ âm nhạc đã truyền tải được đầy đủ, trọn vẹn sức mạnh lan tỏa của truyền thống đấu tranh oanh liệt, nhiều mất mát của Việt Nam với kẻ thù phương Bắc, có đau thương nhưng rất đỗi hào hùng.
Hào Khí Biển Đông – Lương Bích HữuBiển đảo hiền hòa vốn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho nhiều nhạc sĩ, chắp cánh cho những bản nhạc, lời ca bất hủ đi sâu vào lòng người của bao thế hệ tiếp nối. Từ xưa, những giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng trong Biển Hát Chiều Nay của Hồng Đăng với “chân trời rất xanh, gọi nắng xôn xao…ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam, qua bao thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng…” người nghe bắt gặp sự yên bình, thanh thản, thì giờ đây, khi chủ quyền bị xâm lấn, biển Đông gầm sóng trước những vòi rồng, còi hú, đâm húc tàu bè ngư dân Việt của kẻ ngoại bang, thì những nhạc sĩ lại sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ, rộn rã của âm nhạc để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đang ngày đêm đối mặt với kẻ thù để gìn giữ biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng.
Bên cạnh những sáng tác âm nhạc đơn lẻ, nhiều nghệ sĩ cũng nhanh chóng cho thực hiện những dự án âm nhạc mang tính kết nối cộng đồng cao, dùng lời ca tiếng hát và sức mạnh đoàn kết để hòa mình vào không khí sôi sục cả nước hướng về Hoàng Sa.
Những Trái Tim Việt Nam – Tập thể 100 nghệ sĩNhạc sĩ Phương Uyên cùng 100 nghệ sĩ và 1000 sinh viên từ nhiều trường đại học tham gia video Những Trái Tim Việt Nam, bài hát do chính cô sáng tác hay ca sĩ Minh Quân với Quốc Ca cùng với 1000 người, trong đó có 300 nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu, phóng viên… tham gia biểu diễn.
Trước khi kết thúc chương trình Khẳng định chủ quyền biển đảo bằng âm nhạc hôm nay, chúng tôi mời quí vị cùng nghe tiếng hát của dàn đồng ca 100 nghệ sĩ qua Những Trái Tim Việt Nam.
Theo RFA