Nhìn chung khổ qua, còn gọi là mướp đắng, là loại trái có hình thù nhăn nheo, có mùi vị hơi đắng, tương đối xa lạ với nhiều người Úc. Tuy nhiên khổ qua có thể trở thành một dụng cụ quan trọng để kiềm chế các triệu chứng của bệnh tiểu đường loại 2.
Hình: Giới khoa học đang nghiên cứu để xem khổ qua (mướp đắng) có thể được sử dụng như một dược liệu để làm giảm lượng đường trong máu của bệnh tiểu đường Loại 2 hay không. Clint Jasper
Tại nhiều nước châu Á, khổ qua được xem như là một loại thực phẩm bổ dưỡng có khả năng làm ‘mát’ cơ thể, và được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị các triệu chứng có liên quan tới lượng đường trong máu cao.
Nay loại trái này là chủ đề nghiên cứu kéo dài 3 năm của Dự án Khổ qua (BGP - the Bitter Gourd Project) trong đó các nhà khoa học sẽ tìm các chứng cứ khoa học căn bản của loại trái này.
Dự án có trụ sở tại Đài Loan, và được World Vegetable Centre (Trung tâm Rau Thế giới) của Đức tài trợ.
Giám đốc Truyền thông Dự án Khổ qua Jen Wen Luoh phát biểu: "Chúng tôi đang tìm kiếm các đặc điểm trồng trọt của nhiều loại khổ qua khác nhau đồng thời tìm kiếm các hợp chất nhất định.
"Chúng tôi cũng đang thực hiện các cuộc đánh giá những chất dinh dưỡng của khổ qua để tìm kiếm các hợp chất giúp hạ giảm lượng đường trong máu".
Nghiên cứu sẽ tập trung vào Ấn Độ, nơi có nhiều người mắc bệnh tiểu đường nhất thế giới, và Tanzania, nơi bệnh này phát triển nhanh nhất.
Bà Shelley Rozario, người từ Bangladesh di cư đến Úc và có mẹ mắc bệnh tiểu đường loại 2, trồng khổ qua trong vườn của mình tại Irymple ở phía Tây Bắc tiểu bang Victoria.
Bà cho biết mặc dù mẹ bà vẫn dùng thuốc để điều trị bệnh tiểu đường, nhưng cũng như nhiều người khác, bà vẫn cố gắng mỗi ngày ăn khổ qua.
Bà Rozario phát biểu: “Việc ăn thêm khổ qua là một phần của chế độ ăn uống thường xuyên của mẹ tôi. Dù cho có dùng thuốc Tây, mẹ tôi vẫn tin rằng khổ qua giúp điều trị bệnh tiểu đường”.
Thục Vũ, một cư dân tại vùng nông thôn Riverland ở Nam Úc, là người vẫn trồng và bán khổ qua.
Ông cho hay từ khi ông sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn ở Việt Nam, khổ qua vẫn là một phần của chế độ ăn uống và loại trái này vẫn thường được coi là một loại thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe.
Hình: Mặc dù được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia châu Á, khổ qua vẫn chưa được nhiều người Úc biết tới. Clint Jasper
Theo ABC