Trong bài “World Cup, chủ nghĩa quốc gia và toàn cầu hoá”, tôi có kể thói quen đi tắm trong hồ bơi công cộng gần
nhà vào mỗi sáng sớm. Giờ mở cửa của hồ bơi, vào các ngày thường là 6 giờ; hai ngày cuối tuần là 8 giờ. Thường,
tôi đi khá sớm, lúc hồ bơi vừa mở cửa. Sau khi tắm xong, tôi vào ngồi trong spa. Thời điểm ấy, trong spa, quanh đi
quẩn lại, chỉ có trên dưới mười người. Đó là những người thường xuyên đi tắm sớm. Thành ra, chúng tôi biết mặt
nhau và quen nhau. Tuy nhiên, tính tôi ít nói; ở những chỗ công cộng như vậy, lại càng ít nói. Suốt một, hai tháng
đầu, gặp ai tôi cũng chỉ gật đầu chào và cười cười. Rồi thôi. Ai hỏi câu gì thì đáp câu ấy. Xong, tôi vội vã tắm rửa,
thay quần áo và vào trường làm việc. Tôi không dây dưa chuyện trò với ai cả.
Một hôm, cũng sáng sớm, từ bãi đậu xe, tôi đi bộ vào hồ bơi, bỗng nghe có tiếng gọi giật sau lưng, không rõ là
“Henry” hay “Harry”, nhưng tôi cũng quay lại. Một người đàn ông Úc, thường tắm chung, đang đi phía sau, đưa tay
ngoắc ngoắc. Tôi nhìn quanh: Không thấy ai cả. Tôi đoán anh ấy gọi tôi nên dừng lại, chờ. Té ra, anh ấy gọi tôi thật.
Suốt đoạn đường vào hồ bơi, anh ấy nói huyên thuyên, kể chuyện này chuỵện nọ, và gọi tôi là “Henry” (hay Harry?,
thú thực, tôi nghe không rõ lắm). Ô kê. Thì Henry/Harry. Tôi thấy chả cần phải cải chính làm gì.
Mấy ngày sau, vào hồ bơi hay spa, những người Úc đi tắm chung vào sáng sớm cứ ơi ới chào Henry/Harry. Chào
Henry, tôi cười và chào lại. Chào Harry, tôi cũng cười và chào lại. Với tôi, Henry hay Harry thì cũng vậy. Ai ngờ, mấy
ngày sau, trên đường vào hồ bơi, một bà người Úc, sau khi chào tôi, kéo tay tôi lại hỏi: “Anh tên là Henry hay Harry?”
Tôi đáp: “Henry”. Khoảng một tuần sau, một người đàn ông lại hỏi tôi: “Anh tên Henry hay Harry?” Chẳng hiểu sao,
tôi lại buột miệng đáp: “Harry”. Ông ấy mừng, reo lên: “Thấy chưa? Mấy người kia gọi anh là Henry, tôi nói là không
phải mà!”. Nhưng câu chuyện không chấm dứt ở đó. Một hai tuần sau, giữa spa có năm bảy người, một ông người
Úc lại nêu vấn đề tôi tên là Henry hay Harry, tôi đáp: “Harry”. Mọi người rộ lên: “Thế nhé. Anh ấy tên Harry chứ không
phải là Henry”.
Từ đó về sau, mọi người gọi tôi là Harry. Ừ thì Harry. Tôi chả biết tại sao tôi lại có cái tên ấy. Nhưng tự nhiên cũng
thấy vui vui. Tôi có cảm giác, sáng sớm, vào hồ bơi, giữa khoảng trên dưới mười người Úc, hầu hết đều già, cỡ
70-80 tuổi, tôi là một người khác. Với một cái tên khác. Tên giả. Một cái tên Tây trong cái không gian công cộng nhỏ
xíu vào mỗi tinh sương.
Thật ra, đó không phải là lần đầu tiên tôi có tên tiếng Anh. Trước, nhiều lần vào quán mua cà phê take away (hay “to
go”, theo cách nói ở Mỹ, tức mua xong mang đi chứ không ngồi uống tại chỗ), nhân viên bán hàng thường hỏi tên và
viết ngay vào ly, thoạt đầu, tôi nói tên Tuấn nhưng ngay sau đó, tôi gặp vấn đề: khi người làm cà phê gọi tên tôi, vì
phát âm không đúng, tôi cứ lơ ngơ không biết đó có phải là ly cà phê của mình hay không; sau, tôi đổi chiến thuật,
dùng tên tiếng Anh tương đối gần với tên mình, nhưng do hờ hững, tôi lại khá bất nhất, lúc nói là “Tom”, lúc nói là
“Tony”. Tùy hứng.
Như vậy, với tôi, những cái tên tiếng Anh, dù tự chọn hay bị gọi, chả có ý nghĩa gì cả. Chúng được dùng vì lý do tiện
lợi, trong những quan hệ tạm thời, thoáng qua, ở đó, mọi người, kể cả tôi, xuất hiện và biến mất. Chúng giống những
chiếc mặt nạ, sử dụng xong thì vất.
Tên bằng tiếng Việt thì khác. Khác, trước hết, vì nó có tính lịch sử: với tên thật, do cha mẹ đặt, nó gắn liền với dòng
họ cũng như tình yêu và ước mơ của cha mẹ, hay có khi, của cả họ hàng (nhất là đối với những kẻ được gọi là con
hay cháu nối dõi); với bút hiệu, với một quan niệm hay một hoài bão riêng. Khác, còn vì lý do này nữa: mỗi cái tên
gắn liền với một bản sắc. Tên được xem là một đại diện quan trọng nhất cho một cá nhân, thậm chí, nhiều lúc, nó
còn được xem là quan trọng hơn cả thân xác của cá nhân ấy: Một số người sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để bảo
vệ cái tên của mình.
Bình thường, mỗi người đều có một cái tên, hầu hết đều do cha mẹ đặt. Các văn nghệ sĩ may mắn hơn: Ngoài cái
tên cúng cơm ấy, họ có thể tự mình đặt tên cho mình trước khi khởi nghiệp. Nhưng tại sao họ lại thích làm điều đó?
Có nhiều lý do. Như chính trị: để an toàn. Như xã hội: tránh tai tiếng. Nhưng quan trọng nhất là lý do tâm lý: Để tạo
nên một thứ bản sắc khác, trong một thế giới khác. Trong xã hội, một người cầm bút chỉ là một cá nhân với những
vai trò, trách nhiệm và quan hệ bình thường như mọi người. Nhưng trên trang giấy, dưới một bút hiệu nào đó, hắn lại
là một người khác, với những vai trò, trách nhiệm và quan hệ khác. Dùng bút hiệu là một cách khẳng định và nhắc
nhở người khác về những cái khác ấy. Đó là một trong những lý do chính giải thích tại sao trên thế giới, từ xưa đến
nay, đa số giới cầm bút vẫn thích dùng bút hiệu, ví dụ, Jean Baptiste Poquelin ký Molière, François-Marie Arouet ký
Voltaire, Jacques Anatole François Thibault ký Anatole France, Marie-Henri Beyle ký Stendhal, Sami Rosenstock ký
Tristan Tzara, Alexis Saint-Léger Léger ký Saint-John Perse, Eugène Grindel ký Paul Éluard, Françoise Quoirez ký
Françoise Sagan, Samuel Langhorne Clemens ký Mark Twain, Ricardo Eliecer Neftalí Reyes Basoalto ký Pablo
Neruda, Eric Arthur Blair ký George Orwell, v.v.
Một số người còn dùng nhiều bút hiệu khác nhau: Họ muốn đóng nhiều vai. Mỗi bút hiệu dành cho một thể loại hay
một phong cách. Joanne Rowling, khi viết Harry Potter, ký J.K. Rowling, nhưng khi viết The Cuckoo’s Calling lại ký
Robert Galbraith; Doris Lessing, Julian Barnes và Joyce Carol Oates thú nhận từng bí mật dùng nhiều bút hiệu
khác. Mỗi bút hiệu như một hóa thân. Người thành công nhất trong việc hóa thân ấy có lẽ là Fernando Pessoa (tên
đầy đủ là Fernando António Nogueira Pessoa) với ít nhất 81 bút hiệu khác nhau cho những thể loại và đề tài khác
nhau, trong đó có bốn bút hiệu nổi tiếng nhất là Ferdinando Pessoa, Alberto Caeiro, Ricardo Reis và Áivaro de
Campos. Nhưng đó chỉ là một trường hợp hiếm hoi. Như một ngoại lệ. Còn phần lớn đều thất bại.
Riêng tôi, thú thực, tôi cũng thất bại. Lúc bắt đầu cầm bút, thỉnh thoảng tôi thay đổi bút hiệu khi thay đổi đề tài hoặc
thể loại, nhưng, sau, tôi phát hiện là viết về cái gì, dưới hình thức nào, tôi cũng không giấu được giọng văn của
mình. Nên thôi. Lại trở về với Nguyễn Hưng Quốc.
Theo Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc