Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của ông Phạm Ðình Khoan, ở Việt Nam, về chứng viêm xoang mãn tính vá ngứa mắt
Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Ông Phạm Ðình Khoan, ở Việt Nam, có thắc mắc như sau:
"Thưa bác sĩ, tôi bị viêm xoang 20 năm nay rồi, bây giờ mắt tôi bị đau và ngứa ở mắt bên trái. Tôi bị đau và ngứa ở trong hốc mắt. Tròng mắt của tôi thì bình thường, không sao. Nước mũi thường xuyên bị chảy nước và mũi hay bị nghẹt. Đi khám thì bác sĩ cho thuốc kháng sinh về uống khỏi một thời gian ngắn, nhưng giờ nó lại bộc phát lại.
Bây giờ tình trạng của tôi ngứa ở mí mắt, đau ở hốc mắt thì mắt tôi có bị ảnh hưởng gì sau này không ạ?"
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Viêm xoang mãn tính & ngứa mắt (Sinusitis and Eye itching)
Tải để ngheChúng ta có 4 cặp xoang nối liền với mũi :xoang hàm (maxillary sinuses) hai bên mũi; xoang sàng (ethmoid sinuses, sau mũi); xoang trán (frontal sinuses; giữa hai mắt), trên mũi; và xoang xương bướm (sphenoid) ở sàn sọ. Nếu do nhiễm trùng, dị ứng, u bướu, polyp, niêm mạc lót trong xoang bị sưng, chất nhờn trong xoang đặc quá, kẹo quá, không thoát ra mũi dễ dàng, chất nhờn ứ lại, làm môi trường tốt cho virus, vi trùng, nấm nảy nở, trong xoang đáng lẽ phải là nơi vô trùng. Trong trường hợp này ta có viêm xoang cấp tính.Nếu nhiễm trùng kéo dài quá 12 tuần, chúng ta gọi là viêm xoang mãn tính (chronic sinusitis).
Những trường hợp nặng, do hốc mắt (orbit) nằm sát vách với các xoang, nhiễm trùng của các xoang có thể lan ra vùng hốc mắt và gây triệu chứng phía bên mắt.
Trong một số trường hợp, bệnh dị ứng mũi có thể là một yếu tố giúp cho bệnh viêm xoang dễ xảy ra hơn (predisposing factor). Một số trường hợp viêm mũi mãn tính, chữa không dứt được cũng do mũi dị ứng với nấm mọc trong xoang (alllergic reaction to fungi).
Người bị dị ứng mũi cũng có thể bị chứng viêm kết mạc do dị ứng mắt kèm theo (allergic conjunctivitis).
Ngoài da, người bệnh cũng có thể bị ngứa mí mắt vì chứng bệnh ngoài da trên vùng da xung quanh mắt hoặc trên mí mắt. Mắt cũng có thể ngứa ngáy vì bị khô, nhất là người lớn tuổi, lượng nước mắt tiết ra để làm trơn phía trước tròng mắt không còn dồi dào như lúc còn trẻ, cần những chất thuốc bôi trơn cho mắt (eye lubricants).
Bệnh nhân (viêm xoang mãn tính, tái hồi cùng với ngứa mắt) nên đi khám bác sĩ gia đình xem mình có tạng dị ứng hay không (atopic constitution), và dị ứng mũi có phải là một yếu tố cần kiểm soát để ngăn ngừa và chữa trị viêm xoang hữu hiệu hơn.
Những biện pháp như uống thuốc dị ứng (loratidine (Claritin), cetirizin (Zyrtec), dùng thuốc xịt mũi:
1.Loại thuốc ổn định tế bào mast cell gây triệu chứng dị ứng ( mast cell stabilizer), như cromolyn [Nasalcrom],
2. Corticoid (như fluticasone propionate [Flonase], mometasone [Nasonex],
3. Loại kháng histamin (antihistaminic) như olopatadin [Patanase].
Viêm kết mạc dị ứng có thể được chữa trị bằng những thuốc có tác dụng tương tự như 3 nhóm trên, nhưng dạng thuốc nhỏ mắt: cromolyn như "Crolom ophthalmic"; antihistaminic and mast cell stabilizer như olopatadine [Patanol], ketotifen [Zaditor].
Bs cũng xem bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa mắt và ngoài da hay không, tuỳ theo tình trạng và tuổi tác của bệnh nhân (ví dụ đau tròng mắt có thể do cườm nước, áp suất trong mắt lên cao (glaucoma), bệnh nhân có thể ngứa vì nhiễm trùng, dị ứng, ung thư da, v...v
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bs Ho Van Hien
Hien V. Ho, MD, FAAP