Tiên Cookie (trái) và Bích Phương kết hợp ăn ý cho ra đời nhiều sản phẩm âm nhạc phù hợp giới trẻ như bản "Mình yêu nhau đi" trở thành bản hit trong mùa Valentine 2014 này. Nguồn doisongphapluat.com
Một trong những trào lưu mới của nhiều ca sĩ trẻ Việt Nam thời gian gần đây là sự bùng nổ tự làm video ca nhạc… Nếu ghé thăm những website như zing music, youtube, yantv, yeah 1…thì không khó để tìm thấy những “hiện tượng mạng” đang thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ nhờ những video ấn tượng, độc đáo mà chính họ dàn dựng, lên ý tưởng và thể hiện…số lượng những clip này nhiều đến choáng ngợp và không ngạc nhiên khi giải thưởng âm nhạc truyền thống thường niên Làn Sóng Xanh năm ngoái đã đưa hạng mục MV – video âm nhạc (viết tắt của tiếng Anh là music video) vào giải thưởng của mình.
Sự bùng nổ các video ca nhạc trên các kênh trực tuyếnTác phẩm Mình Yêu Nhau Đi sáng tác của Tiên Cookie được thể hiện qua giọng hát của Bích Phương. Đây được xem là một sản phẩm điển hình của video âm nhạc do các bạn trẻ tạo dựng và phổ biến. Ra đời nhân dịp Lễ Tình Nhân vừa qua, nhưng clip Mình Yêu Nhau Đi đã nhanh chóng chiếm lĩnh hầu hết các bảng xếp hạng và có lượng view hàng triệu người chỉ sau một thời gian ngắn xuất hiện. Công bằng mà nói, việc phát hành các sản phẩm âm nhạc trên các kênh trực tuyến ngày càng thuận tiện và dễ dàng thì sự bùng nổ các video ca nhạc cũng là điều dễ hiểu. Rất nhiều giọng ca được giới trẻ ưa chuộng đã thoát thân từ những sản phẩm online, hãy khoan bàn tới chất lượng thực sự của giọng hát, nhưng ít nhất thì những video clip trên cũng đã đưa các giọng hát trẻ tiếp cận nhanh hơn với thị trường bằng một chi phí khiêm tốn, không cần phải đánh bóng tên tuổi và nhiều khi hiệu quả lại vượt cả sự mong đợi, đồng thời, các ca sĩ trẻ vẫn tạo ra được những hiệu ứng tích cực cho các sản phẩm mà họ hướng đến số khán giả đích nhắm.
Có thể nhận thấy xu hướng phát hành các video nhạc hay single (bài hát đơn) đang là trào lưu mà nhiều ca sĩ trẻ mới bước chân vào làng giải trí đang hướng tới, bởi nếu có một vài video nhạc ưng ý, đánh trúng thị hiếu giải trí của giới trẻ với những hình ảnh bắt mắt, lãng mạn, ca từ ngọt ngào là ngay lập tức họ được chú ý và dĩ nhiên thành công bước đầu để công chúng biết tới đã hoàn thành.
Đức Tuấn với mashup “Tình Ca Phố” (video clip/HCTT)
Tuy vậy, bởi quá nhiều sản phẩm được các ca sĩ trẻ phát hành cùng lúc, nội dung vẫn chỉ là những đề tài tình yêu tuổi trẻ, chia tay, nuối tiếc… nên tình trạng bão hòa đã bắt đầu xuất hiện, hơn nữa, thị hiếu của giới trẻ lại thay đổi rất nhanh nên để bắt kịp xu hướng này, đòi hỏi các ca sĩ cũng phải làm mới hình ảnh liên tục, hơn thế nữa, sự cạnh tranh trên lĩnh vực video ca nhạc cũng đầy khốc liệt thế nên, dù là mảnh đất béo bở nhưng nhiều nhân vật đã phải bỏ cuộc chơi.
Video ca nhạc theo thể loại MashupBên cạnh trào lưu làm video ca nhạc, một trào lưu mới xuất hiện, tất nhiên không phải bắt nguồn từ Việt Nam nhưng đã được nhiều ca sĩ trong nước áp dụng, tiếng Anh gọi là “mashup.” Mashup là thuật ngữ để chỉ việc ghép hoặc tự hát lại các video ca nhạc hoặc các bài hát không hề liên quan đến nhau để trở thành một clip hoặc một bản nhạc hoàn chỉnh. Tuy xuất hiện trên thế giới gần đây, nhưng làn sóng này đã du nhập vào Việt Nam khá sớm vì giới trẻ thích sáng tạo, kiếm tìm những điều mới lạ trong âm nhạc, và cả những điều tưởng chừng như không thể trong thế giới âm thanh muôn màu. Theo đánh giá của nhiều người thì mashup không đơn thuần chỉ là việc cắt ghép các bản nhạc mà người hát phải biết xâu chuỗi những đoạn clip rời rạc thành một thể liên kết, thống nhất. Điểm thú vị của mashup là có thể cùng một ca khúc, nhưng nhờ vào sự sáng tạo, biến tấu, hòa trộn khác nhau của các ca sĩ biểu diễn mà tạo nên những bản mashup hoàn toàn khác biệt.
Trong số những ca sĩ trẻ thử nghiệm có Đức Tuấn với mashup “Tình Ca Phố” được ghép từ Tình Ca Phố, Phố Xa và Umbrella hay nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong với Mashup 2014, tổng hợp từ 8 ca khúc mà chính anh sáng trong năm vừa qua… nhưng có lẽ người đang được tìm kiếm nhiều hơn cả lại là chàng trai trẻ người Mỹ hát tiếng Việt rất thuần thục Ryan Duy Hùng khi anh mashup những bản hit của giới trẻ hiện nay như: Tình Yêu Màu Nắng, Dấu Mưa hay Nắng Ấm Xa Dần.
Với việc tự làm video ca nhạc hay biến hóa trong những âm thanh bất tận của các bản phối mashup được xem là tín hiệu tích cực của nhạc Việt cho giới trẻ thì một hiện tượng trái chiều đang gặp phải nhiều chỉ trích của những người yêu nhạc Việt nghiêm túc, đó là trào lưu lạm dụng tiếng nước ngoài tràn lan trong nhạc trẻ hiện nay. Hoàn toàn không sai khi sử dụng tiếng nước ngoài mà cụ thể là tiếng Anh trong các nhạc phẩm Việt, nhưng khi cả ca sĩ lẫn nhạc sĩ cố bê nguyên những câu tiếng Anh nửa nạc, nữa mỡ vào trong các ca khúc thuần Việt hay pha trộn một cách khó hiểu, ngô nghê, thậm chí phần tiếng Anh nhiều hơn cả tiếng Việt trong một bài hát thì thật khó chấp nhận.
Từ trước đến nay đã có nhiều ca sĩ sử dụng tiếng nước ngoài như lời thứ hai trong những album nhạc song ngữ, nhằm mở rộng thị trường âm nhạc ra nước ngoài, những điều này hoàn toàn đáng trân trọng… Tuy nhiên, hiện tại việc lạm dụng tiếng Anh kiểu chêm vào trong các ca khúc thuần Việt như baby, I love you, oh first kiss hay you make me crazy…thì thật khó hiểu. Tất nhiên, khi đề cập đến trào lưu này, nhiều nhạc sĩ trẻ cho rằng việc lấy tên nước ngoài làm tựa cho album của họ với hi vọng sản phẩm âm nhạc không bị “đụng hàng” hay họ lập luận rằng do xu hướng hiện đại, cần phải đổi mới, sáng tạo với ngôn ngữ quốc tế nhằm thể hiện sự tiên tiến, học hỏi và giao thoa với thế giới… Dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những ý kiến trái chiều, chỉ hi vọng các nhạc sĩ trẻ đừng đi quá đà, đừng biến những đứa con tinh thần của mình trở nên méo mó, lai căng…
Theo RFA