Theo dòng đời trôi dạt, nhiều niềm vui đã đến với tôi tùy theo cảm hứng ở mỗi thời của tuổi tác, niềm đam mê, và
sức khỏe. Có những thú vui đến rồi đi hoặc giảm bớt sự cuồng nhiệt theo thời gian, chẳng hạn như nghe nhạc
(punk, classic, sến VN, sến Mỹ), viết truyện, chụp hình, xem phim, sửa nhà (thú vui từ cốt lao động), trồng rau (cốt
nông dân), nuôi cá cảnh (chắc từ cốt con rùa sống dưới đại dương thỉnh thoảng hí mắt nhìn mấy con cá sặc sỡ bơi
ở chung quanh). Cũng có vài thú vui đến rất hiếm hoặc chưa bao giờ có, ví dụ như kiếm được nhiều tiền để khỏi đi
làm chừng một tháng. Rồi đôi khi có niềm vui chợt đến bất ngờ, không chờ đợi mà lại thấy… dzui. Chẳng hạn như
nấu ăn.
Viết theo kiểu sến, tôi khám phá trong mình đã có sẵn một anh chàng đầu bếp. Thật ra điều đó không chắc đúng, tôi
tìm đến nấu ăn vì nhu cầu, rồi từ đó tôi mang chàng đầu bếp vào chung sống với mình. Sống thì phải hít thở, ăn
uống để nuôi dưỡng tấm thân, nên phải biết nấu ăn chút chút nếu không được người khác mang thức ăn đến tận
miệng. Xuất thân từ một gia đình không sành ăn uống, và cũng không có dịp để mà “sành” – mẹ bán quán ở chợ
nuôi hai con, có gì ăn nấy, như mèo hoang may mắn được thí chủ đến chùa thảy cho vài hạt cơm, tôi rất dễ nuôi
mặc dù ăn rất ít.
Tôi bắt đầu “khám phá” nấu ăn từ lúc mới qua Mỹ hồi 1975. Má đi làm suốt trong tuần, chỉ có ngày nghỉ cuối tuần
mới có chút thời giờ để nấu ăn cho hai con. Hồi còn học trung học, tôi đi làm ở nhà hàng Mỹ và Tàu, nên được học
cách chiên khoai, nướng gà theo lối Mỹ, xào nấu mấy món kung-pao theo cách Trung Hoa, rồi về nhà biểu diễn cho
má và em xem. Họ là hai thực khách đầu tiên thẳng thừng từ chối món tôi nấu, nên nhờ đó mà tôi không nuôi mộng
mở nhà hàng. Và cũng nhờ vậy mà tôi dần dần làm quen với chuyện bếp núc, đi chợ, tự lo chuyện ăn uống để má
khỏi phải bận tâm khi tôi xa nhà.
Bước vào đại học, tôi nhận ra sinh khí nấu ăn bùng lên mạnh mẽ trong tôi. Vì là sinh viên thuộc dạng nghèo, chung
quanh phố Happy Valley ở đại học Pennsylvania State University thời đó cũng chưa có quán “cơm chỉ,” food-to-go
của người Việt hoặc người Hoa, nên tôi phải tự túc chuyện nấu ăn để tránh phải vay thêm tiền học. Thời đó mì gói
không đa dạng như bây giờ, chưa có mì ma-ma hay ma-meo chi hết, chỉ có mỗi một hiệu Kung-fu ăn riết ngán.
Nhân được xem một phim cũ trong trường, thấy một gia đình Tây nghèo quay quần chung quanh một nồi súp với
mấy khúc bánh mì thời hậu chiến, tôi nảy ý định nấu món súp khoai tây. Ngày ấy chưa có Internet, tìm công thức rất
khó, nên tôi ráng nhớ cách má nấu súp khoai ở nhà. Khoai tây rẻ, thêm cà rốt, hành tây, và vài miếng sườn bán ở
siêu thị cũng không mắc, nên tôi thường nấu một nồi súp được nêm muối thay cho nước mắm, rồi cất tủ lạnh ăn dần
cả tuần mà không ngán.
Mỗi tối về phòng trọ sau buổi học, mang súp ra hâm và ăn với bánh mì lát (không có bánh mì baguette như trong
phim Pháp) mà lại thấy ngon, có lẽ vì đói hay vì nhớ đến những khuôn mặt vui khi được ăn như trong phim mặc dù
chén súp của họ rất lỏng, ít khoai, chỉ có nước để chấm bánh mì, nên tôi cảm thấy như được chia sẻ với những
người khốn khó ở một thế giới nào khác. Anh bạn sinh viên sống chung cư xá với tôi không biết và cũng không
muốn nấu ăn, một phần là nhờ anh có bạn gái.
Mỗi tuần, cô vợ sắp cưới thường lái xe gần cả trăm dặm để tiếp tế cho chàng mấy món “độc chiêu” như thịt kho
trứng, mắm, cá muối, toàn những món tôi từng được má cho ăn ở nhà. Anh và tôi học ngành khác nhau, cũng không
mấy hạp trong các lãnh vực khác, chỉ giống nhau ở điểm hiền và ít nói. Thế nên anh không thắc mắc về chuyện nấu
ăn, lao xao chộn rộn dưới bếp mỗi tuần một lần của tôi, hoặc chuyện tôi thường đi học về khuya để tránh ăn cùng
bàn với anh ta. Cho đến nay tôi vẫn thích ăn món súp khoai tây mặc dù bây giờ món này được nấu theo kiểu chay,
ăn với bánh mì baguette “ổ ốm” mua ở ngay phố Bolsa cách nhà tôi không tới một khu phố.
Từ ngày đến phố Bolsa gần ba chục năm trước, tài nấu ăn của tôi được khởi sắc… thấy rõ. Nhờ sống gần mấy tiệm
bán các rau trái, thịt cá Việt Nam, tôi cũng bắt chước người ta mua nhiều thứ về chiên xào, nấu nướng mỗi ngày,
khiến mấy ông độc thân khác share phòng chung nhà phải thắc mắc, “Thằng chả làm gì mà lăng xăng dưới bếp cả
buổi chiều, làm mực, nhặt rau, nấu nướng… hôi thấy mồ tổ.”
Cũng nhờ vậy mà tôi được vợ thương, tôi đoán. Một lần kia lúc mới quen nàng, tôi mời nàng ăn món ragu mà tôi
nghĩ là tôi nấu khá lắm với sốt cà chua, khoai tây. Sau này, mỗi lần nấu món ragu và thấy tôi ăn hết mà còn thòm
thèm, nàng nhà tôi thường nói, “Hồi đó thấy anh ăn ragu mà tội nghiệp, nấu chi mà lạt nhách, thiếu đủ thứ, nấu trật
lất, dỡ òm, vậy mà cũng ăn ngon lành.”
Sự nghiệp nấu ăn của tôi đã tạm ngưng nhiều năm, một phần vì bị vợ và các con chê, một phần vì tôi “khớp” tài nấu
ăn của vợ, mặc dù vợ nấu không hơn ai nhưng chắc chắn có khá hơn tôi chút chút.
Đến nay, như được hồi sinh trở lại từ thời sống ở trường đại học, tôi bỗng thích nấu ăn mặc dù có rất ít thời giờ.
Khởi đầu cho sự kiện “tái khám phá” ông đầu bếp trong tôi là chuyện chúng tôi bắt đầu ăn chay trường từ ba năm
trước. Ở Little Saigon này có mấy quán chay, chùa cũng nhiều nên việc tìm thức ăn chay không khó. Thế nhưng
không lẽ ngày nào cũng đi nhà hàng, vừa tốn thời giờ lại tốn tiền, hay chỉ ăn rau luộc, đậu hũ chấm nước tương?
Nhờ Internet, tôi khám phá có rất nhiều bạn đồng hành ở khắp thế giới trong việc ăn chay. Nhiều bà, các cô và cũng
có mấy ông cung cấp những công thức nấu ăn chay, dễ có, khó có. Rồi lại cũng nhờ ở ngay phố Bolsa đây, tìm
thực liệu nấu ăn không khó, nên tôi đã học nấu ăn chay, “khai triển” được nhiều món, một phần để giúp vợ vì nàng
bận đi làm suốt ngày, một phần (khá lớn) vì thấy vui trong lòng.
Thế nên chỉ trong mấy tháng “dùi mài internet recipe sử,” tôi nấu được một số món để hai vợ chồng… già ăn lai rai
mà không sợ thiếu món. Kể sơ sơ cho bạn nghe để… sợ chơi: tôi đã biết nấu các món chay như phở, bún huế, bún
thì là, chả cá… bôn-sa, bánh xèo, trứng chiên, cá sốt cà, rồi còn bánh flan, sữa đậu nành, chè đậu xanh, đậu đen
nữa nha. Khiếp chưa! Nàng nhà tôi còn thêm mấy món “độc” mà tôi phải chịu thua như cá kho, bún măng, đồ kho
chay Biên Hòa.
Còn rất nhiều món mà tôi có thể học và biết chắc mình sẽ vui khi nấu được thành công. Tuy nhiên, cũng qua giai
đoạn tìm hiểu và nấu ăn cả mấy tháng trời, dành suốt một ngày nghỉ loanh quanh ở trong bếp, tôi cũng khám phá vài
bí quyết giúp cho món được ngon. Đó là khi nấu thì nên vui vẻ trong lòng. Nấu trong lúc bực bội, buồn bã vì chuyện
gì đó thì khó có món ngon. Tôi đã kinh nghiệm được điều đó và chưa thật sự hiểu tại sao, làm như tâm trạng của
người nấu cũng thấm vào món ăn như gia vị. Mình vui khi xào nấu và nghĩ đến hạnh phúc của người khác thì hình
như niềm vui ấy cũng quyện vào món ăn, làm cho người ăn cũng thưởng thức được cái vui sâu xa hơn vật thực ở
trên dĩa. Tôi đoán vậy.
Muốn vui thì làm sao? Tùy mỗi người tự tìm niềm vui cho chính mình. Phương pháp của tôi không chắc hợp với
bạn. Ngày trước tôi thường mở nhạc mình thích mỗi khi vào trong bếp. Thế là tôi đã nhún nhảy đôi chân, miệng ca
hát khi nhặt rau, vo gạo, gọt khoai, băm boa-rô thả vào chảo dầu canola. Thời gian sau tôi nghe nhạc êm dịu, rồi
nhạc niệm, nghe những câu chuyện đạo, nên trong lòng vẫn vui một cách đằm thắm mà không còn náo nhiệt như
ngày trước. Rồi nữa, nghĩ đến sự mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác chắc chắn sẽ giúp bạn yêu đời hơn,
tôi bảo đảm điều đó.
Cũng qua kinh nghiệm nấu ăn, tôi khám phá thêm một điều đã nảy sinh trong tôi. Đó là thức ăn không cần cầu kỳ mà
vẫn thấy ngon miệng. Điều này khó giải thích hơn cho bạn hiểu. Tôi chỉ có thể nói rằng được ngồi trước một dĩa rau
cải bẹ xanh luộc, thêm một miếng đậu hũ chiên, tôi cảm thấy vui vô cùng, vui hơn rất nhiều so với những lần dự tiệc
với mấy món sơn hào hải vị được trưng ngay trước mặt. Mỗi khi nghe tôi nói cho xin một chén cơm với rau luộc
chấm nước tương là vui rồi, các bạn thường nghĩ tôi nói giỡn, rồi họ lại đi tìm mấy món khác mà họ nghĩ ngon hơn
cho tôi.
Không cần nói thêm nhưng chắc bạn cũng đoán ra bữa ăn chiều nay của chúng tôi: cải bẹ xanh hấp với đậu hũ
chiên ướp xã ăn với cơm trắng. Ô mà còn thiếu một món, món này tuyệt lắm. Đó là tương Cự Đà. Tôi mới học được
bí quyết làm tương Cự Đà, đã làm thử một lần và tương đối thành công. Bảo đảm ngon như mua ở tiệm mà lại chắc
chắn rẻ hơn nhiều, mỗi lần làm được cả keo lớn.
Một lát nữa đây, sau khi viết xong bài tạp ghi này, tôi sẽ xuống bếp để làm tương Cự Đà. Bí quyết cho món tương
ấy có hai nguyên liệu chính mà tôi chỉ cần nói mớm là bạn sẽ biết ngay công thức, nếu bạn sành nấu ăn. Đó là Miso
mua ở chợ Đại Hàn và niềm vui tự trong lòng.
Phúc Quỳnh