Nạn trộm chó vốn thịnh ở miền Bắc, nhất là tại Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa… Đó là những nơi có nhiều thực khách “hảo” món thịt cầy. Dần dần trộm chó lan xuống miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.
Thịt cầy được tiêu thụ nhiều. Chó mặc dù bị ngăn chặn ở cửa khẩu nhưng được chở lậu từ Lào, Campuchia về cũng khá, thế mà vẫn không đủ cung ứng cho thị trường. Dê, cừu, ngựa… cho chí nhím, chồn… dế, bò cạp, ve sầu… đều có trại cung cấp cho quán xá. Thế nhưng không có chỗ nào nuôi chó dành riêng cho các quán Sống Trên Đời cả. Vì thế nạn trộm chó gia tăng.
Ngoài ra, trong lúc nạn thất nghiệp gia tăng, đời sống khó khăn. Thử hỏi có nghề nào dễ kiếm tiền bằng trộm chó. Bắt con nào ăn tiền con đó. Tám chục ngàn đồng một ký thịt chó. Đi vòng vòng một đêm đã kiếm bạc triệu như không. Mỗi tháng kiếm hàng trăm triệu khỏi cần bỏ vốn, khỏi sợ lỗ lã, chẳng nặng nhọc tay chân, suy nghĩ đầu óc. Chỉ trộm con chó quèn chứ đâu phải vàng bạc, xe cộ, đồ đạc quý báu cho cam. Lại thêm nghiện ngập, cờ bạc… thì trộm chó là cách kiếm tiền dễ dàng nhất.
Chó thả rong sẽ bị xe bắt chó ví liền. Muốn chuộc lại mất công nhiều nên người dân thường giữ chó rất kỹ. Bắt chó không đơn giản vung sợi thòng lọng như xưa mà tên trộm thay đổi nhiều cách: bả chó, câu chó, chích điện, súng bắn điện…
Chó có phải loài gia súc bình thường đâu mà là con vật có tình có nghĩa trong gia đình. Gà qué mất, chủ cũng còn bực tức huống hồ con chó thân thương. Thế mà hết nhà này đến nhà kia bị trộm như cơm bữa, ai mà chịu cho nổi. Thay vì chó giữ nhà thì giờ tới phiên chủ canh chó.
Chó vẫn mất mà trộm không hề sợ, lại ngày càng lộng hành mà không được xử đến nơi đến chốn khiến người dân phải ra tay. Phát giác trộm chó, cả làng cả xã hò nhau đuổi bắt. Sự phẫn nộ của đám đông lên cao và có sức lan tỏa nhanh. Kẻ trộm bị đánh thẳng tay và chiếc xe máy được coi là tài sản đáng giá nhất của tên trộm khi bắt được, cũng bị đốt cháy không thương tiếc.
Người ta bảo nhau rình rập để bắt tại trận nhưng trộm đâu có đứng yên cho mọi người bắt. Thông thường hai tên rủ nhau đi, một tên cầm lái, tên kia bắt chó thồn vào bao tải là xe phóng vèo đi ngay. Bị đuổi quá thì chống trả bằng ống sắt, bằng dao kiếm… hòng thoát thân.
Trộm đã chẳng hề sợ mà lại trở nên táo tợn. Các chủ chó không còn trông cậy vào công lý, bởi không tính chó cảnh, con chó bình thường cao lắm chỉ vài trăm ngàn. Lỡ bị bắt nhà nước cũng không thể xử nặng vì giá trị món trộm không cao, dưới hai triệu chỉ bị xử phạt hành chính thôi.
Người dân vô cùng chán nản khi chỉ một việc nhỏ nhoi là trộm chó nhưng xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng tới đời sống lại không thể giải quyết mà ngày càng lộng hành và táo tợn hơn.
Đành tự xử vậy. Cả thôn, ấp điên tiết lên. Khi bắt được kẻ trộm chó nhất định xử theo luật “mắt trả mắt, răng trả răng” bằng cách cả làng xông vào đánh hội đồng cho hả giận. Các vụ đánh trọng thương trộm chó, thiêu chết trộm và phóng hỏa xe vẫn diễn ra khắp nơi, xem chừng chẳng có dấu hiệu dừng lại.
Nạn trộm không đơn giản chỉ là con chó nuôi trong nhà mà đã động đến sinh mạng con người.
Trộm chó đã bị đánh chết ở thôn Án Sơn, thôn Tân Thọ… (Thanh Hóa), xã Tân Thành (Nghệ An), thôn Nhĩ Trung (Quảng Trị)…
Tại Quảng Trị, do cả làng xúm vào đánh chết trộm chó, mười người bị truy tố ra tòa. Sau đó sáu mươi tám người dân nhất loạt nộp đơn “tự thú” nhằm hy vọng giảm tội cho mười người chịu án. Tại Bắc Giang, tám trăm người dân cùng ký tên nhận tội đánh trộm chó để tránh một vài người bị lôi ra gánh án. Hiếm thấy vụ án nào mà dân chúng đồng lòng nhất trí như vậy. Thế mới biết nạn trộm chó liều lĩnh và kéo dài khiến người ta bức bối đến thế nào.
Tên trộm chẳng những bị đánh chết mà còn bị hỏa thiêu tại chỗ. Khi cảnh sát đến nơi chỉ còn thấy xác cháy thành than cạnh chiếc xe tang vật là khung sắt trơ cong queo đen thùi. Nhiều nơi khi xe cảnh sát, xe cứu thương tới nơi đều bị người dân ngăn cản không cho đưa kẻ trộm đi bệnh viện.
Tình trạng căng thẳng tới mức người dân thường có khi còn bị vạ lây khi xẩm tối vào nơi lạ, hỏi thăm đường liền bị đánh tả tơi vì bị nghi là trộm chó.
Chuyện thiêu chết trộm chó thoạt tiên khiến người ta bàng hoàng. Thế nhưng vụ thứ hai, thứ ba xảy ra thì có vẻ trở thành quen thuộc. Tức là nếu nạn trộm chó không thể ngăn chặn được thì trong tương lai vẫn sẽ còn những tên trộm bị đánh trọng thương, bị đánh tử vong, bị thiêu chết. Trong khoảng hơn hai năm nay, đã có hàng chục vụ kẻ trộm bị đánh chết.
Thế nhưng thật ra không phải chỉ trộm chó mới từ tội phạm trở thành nạn nhân mà thực ra chính chủ của những con chó cũng là những nạn nhân liên tiếp.
Bởi khi nhận thấy mối nguy hiểm nếu rơi vào tay những người dân, chứ không phải cảnh sát, bọn trộm chó đã hết sức liều lĩnh chống trả.
Người dân khi phát hiện chó bị trộm, cũng chỉ dám đứng xa xa hô hoán chứ không dám lại gần. Tiến gần sát sẽ bị chúng vung kiếm, vung dao đâm chém loạn xa, vung roi điện chích. Chó chẳng bắt lại được mà rất nhiều chủ đã bị thương có thể dẫn đến tử vong. Nếu ở khoảng cách xa hơn, chúng chẳng ngại giương ná thun bắn đá, súng tự chế bắn thẳng tay. Ngay cả bảo vệ, dân phòng, công an… trộm cũng không hề ngại huống hồ chủ chó. Vì thế khi chắc chắn đứng trong hàng ngũ số đông, người dân mới dám cùng xông ra đánh kẻ trộm.
Tưởng chừng nạn trộm chó… bằng súng đạn chỉ rộ lên ở miền Bắc và bắc Trung bộ, té ra nay đã lan vào miền Nam. Bên cạnh ná, dao… bọn trộm còn dùng thêm bột ớt, rìu, súng bắn chĩa gắn điện…
Gần đây nhất là vụ án mạng “đổi” ba mạng người lấy ba con chó đem bán gần một triệu đồng.
Việc xảy ra ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Đây là khu dân cư đông đúc có nhiều gia đình nuôi bò sữa, lại gần ngã tư Tân Quy quy tụ nhiều nhà trọ quanh khu công nghiệp. Bọn trộm chó lộng hành từ lúc trời chưa tối hẳn. Vì trước đó hai ngày, nhà đã bị trộm chích điện bắt đi hai con chó nên khi nghe tri hô, ba thanh niên chạy trên một xe gắn máy rượt đuổi theo. Bị tên trộm bắn trúng vai người ngồi sau nên người cầm lái loạng choạng đâm vào bức tường: Chết hết cả ba.
Khổ quá, cả ba nạn nhân đều là thanh niên, người là con trai độc nhất, người là lao động chính trong nhà, người sắp sửa xuất khẩu lao động sang Nhật. Không biết kết quả bản án dành cho ba tên “cẩu tặc” này ra sao, vì giá trị tang vật chưa tới một triệu đồng. Trước đó, một người đàn ông ở tỉnh Bắc Ninh vì đuổi theo mong bắt lại con chó cảnh của mình mà cũng bị trộm chó bắn gục.
Xem chừng nhà nước bó tay. Chẳng biết cách nào để không xảy ra những vụ chết người thương tâm như vậy chăng?
Dễ thôi. Rất nhiều ý kiến đưa ra nếu không diệt được nạn trộm chó thì tốt hơn là đừng ai xơi thịt cầy nữa!!! Đó chỉ là món nhậu, không có khách nhậu thịt cầy thì không ai hạ ‘cờ tây’ và dĩ nhiên chấm dứt nạn trộm chó.
Sao lại phải nhậu món thịt cầy?
Một số người cho rằng ngoài mùi vị đặc biệt của món thịt này thì có thể từ ngày xưa khi thực phẩm chưa được dồi dào thì thịt cầy bổ sung cho phần thiếu chất đạm chăng. Lại có người tin rằng ăn thịt cầy vào ngày cuối tháng, cuối tuần, vận hạn nhằm… xả xui, giải đen. Hoặc theo y học phương Đông, do có tính nóng nên thịt cầy ăn vào lúc trời mưa, thời tiết lạnh, sẽ ấm người.
Món thịt cầy theo người miền Bắc di cư vào Nam tập trung ở khu chợ có đông người Bắc như Ông Tạ, Tam Hà Thủ Đức… nhưng nay đã lan rộng khắp nơi. Dưới miền Tây, Cần Thơ có hẳn một con đường chuyên thịt cầy dưới chân cầu số 1…
Thực ra, ngày nay thịt chó lan rộng dưới quê nhiều hơn thành phố. Hà nội từng nổi tiếng với “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó” gồm năm mươi nhà hàng ở Nhật Tân rầm rập khách mỗi ngày. Nay đã đóng cửa hết, chỉ còn một quán bán cầm chừng. Anh Việt kiều lâu năm về Saigon tìm ngay đến hàng thịt cầy nhưng khi món rựa mận, chả chìa… đưa ra, anh không tìm thấy cảm giác mong nhớ phương xa, đáng lẽ rất ngon miệng thì chỉ thấy “chối”. Anh chia tay món thịt cầy từ bữa gặp lại sau mười năm đó.
Mỗi năm có khoảng năm triệu con chó đi vào hàng thịt cầy. Không biết có thực khách nào nghĩ tới mạng người đổi lấy miếng chả nướng thơm ngậy này không? Hay là miếng thịt luộc mềm từ… xác chó ở bãi rác. Hoặc từ con chó bị đánh bả bởi thuốc cực độc “made in China” mà chất độc vẫn nằm trong thớ thịt… Cho nên trộm chó vẫn hoành hành với những hệ lụy nặng nề của nó.
Saigon cô nương