Sahra Vang Nguyễn. (Hình: JNFR.co)
NEW YORK – Mới đây, đài truyền hình tin tức NBC tại Hoa Kỳ đã chiếu một phóng sự về một phụ nữ trẻ tuổi, xuất thân từ một gia đình tị nạn Việt Nam. Từ kinh nghiệm khó khăn của cha mẹ trong những năm lúc mới đến Mỹ, Shara Vang Nguyễn nhận ra một sức mạnh đầy nghị lực trong những di dân thuộc thế hệ thứ nhất. Sau đây là phần lược dịch của bài phóng sự trên đài NBC ấy.
Vào năm 1980, cha mẹ của Sahra Vang Nguyễn thoát ra khỏi chế độ cộng sản Việt Nam bằng thuyền. Sau khi được bảo lãnh đến Hoa Kỳ, cha cô bắt đầu làm nghề chà nhám sàn nhà và mẹ cô mở một tiệm giặt.
Hồi còn nhỏ ở Boston, Massachusetts, Sahra nói rằng cô cảm thấy xấu hổ vì cha mẹ mình không có những nghề nghiệp “đáng nể,” và mẹ cô phải giặt quần áo các bạn học của cô. Sahra kể rằng mãi cho đến mấy năm sau, cô mới nhận ra rằng cha mẹ cô đã tạo được một kỳ công phi thường trong việc kinh doanh ở một đất nước mới, mặc dù họ không biết tiếng Anh, cũng không có một nền giáo dục Mỹ.
Sahra nói, “Việc nhìn thấy cha mẹ tôi vất vả cố gắng xây dựng công việc kinh doanh, trong khi hội nhập vào một quốc gia mới, dạy tôi biết rằng không có những giới hạn nào khi nói đến việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.”
Sahra và cha năm 1989. (Hình: Sahra cung cấp cho NBC)
“Cha mẹ tôi đã dạy cho tôi biết cách làm thế nào để đi tiên phong trên con đường riêng của tôi.”
Mặc dù mẹ cô muốn con gái trở thành một dược sĩ, nhưng cha cô – người cổ vũ cô nhiệt tình nhất – luôn luôn khuyến khích cô “hãy hoàn tất những gì con đã đến để làm.” Vì vậy, Sahra Nguyễn, 27 tuổi, đã thuộc nằm lòng bài học từ những nỗi vất vả gian nan của cha mẹ mình.
Hiện nay là một nghệ sĩ, nhà sản xuất trong lãnh vực sáng tạo, và nhà kinh doanh, Sahra Nguyễn sử dụng thơ, sơn và phim ảnh để hoàn thành sứ mạng cá nhân của cô và trình bày cho thế giới biết những câu chuyện về cộng đồng của mình.
Sahra nói, “Tôi là một người kể chuyện. Tôi muốn những gì vô hình trở thành những gì mà người ta có thể thấy, nghe, và cảm được.”
Sahra Vang Nguyễn cho biết cô xây dựng sự nghiệp của mình trên cùng một hoài bão, lòng quyết tâm và tinh thần kinh doanh của cha mẹ cô, vốn là những di dân Việt Nam.
Sahra đi khắp nước Mỹ với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn ngôn từ nói, dìu dắt giới trẻ trong phim ảnh, và hoàn tất chương trình đại học của mình tại viện đại học UCLA. Trong năm 2012, cô đã đến Việt Nam để cùng vẽ với các nghệ sĩ đường phố địa phương. Công việc của nhóm này hiện nay được cô tiếp tục hỗ trợ.
Thế nhưng dự án mới nhất của cô mới thật sự mang câu chuyện thành công của cá nhân trở lại thời khởi điểm. Hiện nay hoạt động tại thành phố New York, cô là tác giả của Maker's Lane, một loạt video web ghi lại những câu chuyện của các nhà kinh doanh trẻ. Họ nuôi dưỡng những niềm ước mơ trong một thành phố nổi tiếng là luôn luôn hối hả nhộn nhịp, với câu châm ngôn, “Nếu bạn có thể làm được ở đây, thì bạn có thể làm được ở bất cứ nơi nào.” Đây cũng chính là giấc mơ đã truyền cảm hứng cho cha mẹ cô mở những cơ sở kinh doanh của họ cách đây mấy chục năm.
Sahra Vang Nguyễn nói rằng niềm mong ước kể những câu chuyện của các nhà kinh doanh người Mỹ gốc Á Châu đã phát xuất từ những nỗi gian khổ của cha mẹ cô, khởi sự công việc kinh doanh riêng của mình như là những người người tị nạn từ Việt Nam.
Cô nói, “Với tư cách là một nghệ sĩ, mục tiêu của tôi là tạo ra nội dung truyền cảm hứng cho người ta, và thách thức hiện trạng, trong khi đó vẫn trình bày sự đa dạng, trên những khuôn mặt và trong những câu chuyện.”
Thế nhưng bất kể nỗ lực của Sahra, một cuộc nghiên cứu của đại học UCLA vào năm 2009, với tựa đề “Tình Trạng của Các Cơ Sở Kinh Doanh của Người Mỹ Gốc Á Châu,” cho thấy rằng nhiều người Mỹ gốc Á thuộc thế hệ thứ hai đã cảm thấy do dự trước việc theo đuổi ngành kinh doanh như thế hệ thứ nhất, vì họ chứng kiến những nỗi vất vả khó khăn của cha mẹ họ. Trong khi đó, Maker’s Lane lại cho thấy một câu chuyện tương phản. Lấy cảm hứng từ những người đồng trang lứa đầy tham vọng, có động lực thúc đẩy, Sahra Nguyễn thể hiện tinh thần của “Thế Hệ Tay Trắng Làm Nên.” Việc sử dụng các nguồn tài nguyên một cách canh tân sáng tạo đã cho phép xuất hiện một nòi giống mới của các nhà kinh doanh thành công. Năm tập video đầu tiên cho thấy những nhà kinh doanh người Mỹ gốc Á Châu được vinh danh trong Tháng Di Sản Á Châu - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Sahra ở giữa với mẹ Võ Ni và chị Jennifer ở Boston năm 1987. (Hình: Sahra cung cấp cho NBC)
Mặc dù Sahra Nguyễn cố gắng đề cao chân dung của những người tiên phong ấy trong lãnh vực kinh doanh, nhưng các cuộc nghiên cứu cho thấy họ vẫn là những trường hợp ngoại lệ. Theo những báo cáo gần đây cho biết, các nhà kinh doanh thuộc các nhóm thiểu số cũng không được đại diện đúng mức trong khung cảnh kinh doanh. Trong số người tìm nhờ các nhà đầu tư vào đầu năm 2013, chỉ có 8.5% là thuộc các nhóm thiểu số, và họ cũng ít có xác suất nhận được đầu tư (chỉ có 15% được tài trợ). Ở phía bên kia bảng, các nhóm dân tộc thiểu số chỉ chiếm 4,5% trong số các nhà đầu tư cho những người mới khởi sự kinh doanh vay vốn.
Sahra Nguyễn nói rằng những số liệu thống kê ấy là không đáng ngạc nhiên.
Cô nói, “Vì nhiều nhà đầu tư không xuất thân từ một bối cảnh thiểu số, nên họ không tài trợ cho các dự án mà họ không có liên quan tới. Việc đầu tư vào các nhóm thiểu số là một trách nhiệm xã hội mà không phải mọi người đều đặt nó lên hàng ưu tiên. Nhưng tôi thấy công việc của tôi, với tư cách là một nhà sản xuất phương tiện truyền thông, là công việc song song với công việc của một nhà đầu tư.”
“Bằng cách đầu tư vào những câu chuyện chưa được đại diện đúng mức, mọi người đều có lợi. Tôi khuếch đại những giọng nói không được nghe, và thế giới trở nên phong phú hơn thông qua những câu chuyện khác nhau.”
Theo báo Viễn Đông