logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
nga  
#1 Đã gửi : 04/07/2014 lúc 11:48:59(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Tại Việt Nam, ngay cả dưới chế độ Cộng Sản, bài hát “Những Đồi Hoa Sim” vẫn còn sống mãi trên môi mọi người. Nói như thế không phải là quá đáng, vì đến bây giờ người ta vẫn thường nghe một ai đó cất lên **“Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim...”**, và mọi người lại nhớ tới thuở mới lớn của ca sĩ Phương Dung, rồi nhạc sĩ Dzũng Chinh...

Bài hát “Những Đồi Hoa Sim” xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 60 và số người thích nó không phải là ít. Giọng ca lảnh lót của Phương Dung cất lên bài hát làm cho người nghe phải chùng xuống, hình như có cái gì đó làm họ phải thổn thức, phải rung động và nghẹn ngào. Không chỉ dừng lại ở các cảm giác nầy, người nghe còn đi xa hơn, liên tưởng đến một cuộc tình thật đẹp nhưng quá ngắn ngủi vì nghịch cảnh trong thời chiến tranh (...để không chết người trai khói lửa, mà chết người em gái hậu phương...). “Những Đồi Hoa Sim” không giống như những bài hát nổi tiếng khác cùng thời. Nó không vui, không rộn ràng theo điệu nhạc như bài “Gạo Trắng Trăng Thanh” của Hoàng Thi Thơ qua sự trình bày của cặp Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm. Lúc đó bài nầy được quần chúng tiếp nhận rất nồng nhiệt, thậm chí tại những bàn nhậu bình dân, các khứa “xỉn” thường nghêu ngao ca trại ra: “Đêm hôm qua, đây cùng em, đi vespa trên con đường “tina” (tức Ca-ti-na)... Xe không phanh, rầm người ta, anh với em ủ tờ... Anh với em ở tù...” “Những Đồi Hoa Sim” theo điệu bolero khá trầm buồn nhưng lại quyến rũ, dễ nghe, dễ thuộc, đó là đặc tính làm cho nó nổi bật.

Thời đó giới thưởng thức nhạc thời trang đa số là “dân nghe ké”. Dân có tiền dĩ nhiên không thèm nghe ké mà họ vào phòng trà, hoặc mua đĩa nhựa 45 tours về nhà bỏ vào máy hát để thưởng thức. Thành phần “nghe ké” có nhiều cách nghe, như nghe trên radio hoặc nghe dĩa ở nhà người quen chẳng hạn. Họ nghe đi nghe lại nhiều lần đến nỗi thuộc lòng, rồi sau đó truyền ra bên ngoài, nhất là tại những nơi có người đồng cảm. Điều này rất dễ thấy, cứ mỗi lần đi ngang qua những máy nước công cộng là thế nào cũng nghe được một vài bài ca loại này. Người ta nghêu ngao theo đúng như lời của bản nhạc cũng có, mà lời hát trại ra cũng có, mục đích chỉ là để cùng nhau cười vui, giết thời gian chờ đến phiên mình hứng nước vào đầy thùng mang về nhà. Bài “Những Đồi Hoa Sim” cũng không tránh khỏi chuyện bị hát trại lời. Điều này rất thông thường đối với các bản nhạc nổi tiếng, không biết đây có phải là sự thể hiện chất “văn nghệ” của người Việt Nam chăng?

Trở lại bài ca “Những Đồi Hoa Sim”, dù nó phổ từ bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan nhưng dĩ nhiên lời ca không giống hệt như bài thơ vì nhạc sĩ dầu có tài giỏi cách mấy cũng khó phổ nhạc đúng y theo từng câu thơ gốc vì bị trở ngại về dấu bằng trắc của tiếng Việt, nên chỉ cần bằng cách nào đó đưa được nội dung của bài thơ vào nhạc điệu do mình phổ để khi ca sĩ hát lên thì được thính giả hưởng ứng. Bản “Những Đồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh đã làm được điều này. Vào đầu, Dzũng Chinh đã đặt lời:”Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt...” chứ không giống lời mở đầu của bài thơ “Màu Tím Hoa Sim”: “Nàng có ba người anh đi bộ đội...” như nhà thơ Hữu Loan viết.

Trước khi bài ca “Những Đồi Hoa Sim” ra đời, nhạc sĩ Dzũng Chinh đã có nhiều ca khúc hay đóng góp vào làng văn nghệ thời bấy giờ, nhưng tên tuổi của ông chưa “nổi” lắm so với những nhạc sĩ khác cùng thời. Bản “Những Đồi Hoa Sim” qua giọng ca của ca sĩ mới vào nghề Phương Dung đã làm cho mọi người ngạc nhiên, buột miệng thốt lên hai tiếng ngắn gọn: “Quá hay!”, và tên tuổi của ca sĩ và nhạc sĩ tạo nên nó đã nổi bật lên.

Có thể nói rằng, trước đó người ta chưa biết Phương Dung là ai, vì cô chỉ là một cô bé ở độ tuổi học trò, chưa có gì đặc biệt. Phương Dung tên thật là Phan Phương Dung, sinh năm 1946, tại Gò Công trong một gia đình thuộc loại khá. Mẹ của Phương Dung là em gái của bà Hồ Biểu Chánh (vợ của nhà văn Hồ Biểu Chánh nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20). Năm 1958, Phương Dung từ Gò Công lên Sài Gòn để thi vào lớp Đệ Thất trường Gia Long, rồi sau qua học tại trường Nguyễn Bá Tòng (theo Wikipedia).

Vốn ưa thích ca hát từ nhỏ nên mới 12-13 tuổi, Phương Dung đã tự mình đến Đài Phát Thanh Sài Gòn (1958) xin ghi tên tham dự “tuyển lựa ca sĩ”. Sau khi vượt qua được vòng sơ khảo, bán kết, đến vòng chung kết, Phương Dung bị đánh hỏng (2 trong 3 người được chấm đậu kỳ này là Nhật Thiên Lan và Thanh Sơn (Thanh Sơn là tác giả bản Nỗi Buồn Hoa Phượng). Không may mắn trong kỳ thi tuyển lựa ca sĩ, nhưng Phương Dung lại nhận được sự may mắn khác, cô được nhạc sĩ Khánh Băng (đang phụ trách chương trình Văn Nghệ của giải trí trường Thị Nghè) nhận dìu dắt. Từ đó, Phương Dung bắt đầu hát ở các phòng trà (phòng trà Tứ Hải của Trần Cao Tăng, từng làm Giám Đốc Đài Phát Thanh Pháp-Á). Lúc đầu (khoảng 1959), tuy cùng hát tại các phòng trà với các ca sĩ nổi tiếng, nhưng Phương Dung chỉ được giao cho việc “hát lót” còn “hát chính” là phần của các ca sĩ đàn anh đàn chị như Duy Khánh, Thanh Thúy...

Dần dần, quen với nghiệp cầm ca, năm 1960, Phương Dung được mời về hát tại phòng trà Anh Vũ, nơi đang tụ tập nhiều ca sĩ tên tuổi đương thời. Ở môi trường mới này, tên tuổi Phương Dung bắt đầu được nhiều người chú ý. Từ đây “con nhạn trắng Gò Công” (danh hiệu này do nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà đặt) đã cất cánh bay cao hơn và dĩ nhiên không còn là một ca sĩ “hát lót”nữa. Khán, thính giả đón nhận Phương Dung như đón nhận các ca sĩ nổi tiếng đương thời (Thanh Thúy, Trúc Mai, Bạch Yến, Bích Chiêu, Tâm Vấn, Phương Lan...) qua các nhạc phẩm tiền chiến như Thiên Thai, Khối Tình Trương Chi, Suối Mơ, Buồn Tàn Thu...

Thế rồi bài hát “Nỗi Buồn Gác Trọ” của hai nhạc sĩ Hoài Linh và Mạnh Phát (không phải danh hề Hoài Linh) ra đời năm 1962 đưa Phương Dung tiến lên thêm một nấc trên bực thang danh vọng. Bài hát này vang lên khắp nơi vì được thính giả rất yêu thích.

Năm 1964, tài năng của Phương Dung lại càng được khán thính giả mến mộ hơn. Cô xác định được vị trí hàng đầu bằng giọng ca vừa réo rắt, vừa nghẹn ngào trong nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” mà nhạc sĩ Dzũng Chinh đã phổ nhạc theo bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của nhà thơ Hữu Loan. Đến giai đoạn nầy thì tên tuổi Phương Dung sáng bật lên, sánh ngang hàng với các ca sĩ đàn chị đang nổi tiếng thời bấy giờ.

Vào năm 1965, Phương Dung ca bài “Tạ Từ Trong Đêm” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và đã nhận được “huy chương vàng” giành cho nữ ca sĩ trong năm! Sau giải nầy, Phương Dung có thêm mỹ danh “Con Nhạn Trắng Gò Công”, rồi cô ta bay lên cao mãi trong vòm trời ca nhạc tại miền Nam. Nhiều người cho rằng Phương Dung nổi tiếng nhờ vào bản “Nỗi Buồn Gác Trọ”, nhưng cũng có nhiều người không đồng ý và cho rằng cô thực sự được nổi tiếng là nhờ vào nhạc phẩm “Những Đồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh!

Đối với dân thưởng thức tân nhạc thời đó, họ hiểu nhạc sĩ Dzũng Chinh không phải chỉ nổi tiếng ở bản “Những Đồi Hoa Sim” mà còn có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng khác như “Tha La Xóm Đạo”, “Các Anh Đi”... Người nhạc sĩ này tuy nhiều tài nhưng lại mất quá sớm, khiến ít người biết về thân thế của ông ta như thế nào, chỉ phỏng đoán theo ngày tháng mà ông gia nhập quân lực VNCH cho đến khi bị tử nạn (?) trên đường công vụ. Một số tài liệu nói rằng: Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chinh (không ghi ngày tháng năm sinh, cũng như năm mất), tham dự khóa 39 HSQ Trừ Bị Quang Trung (vào khoảng tháng 9 năm 1965), rồi sau đó một thời gian, xin tham dự vào khóa Sĩ Quan Đặc Biệt (không ghi tên khóa) của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (còn có tên gọi là Trường Bộ Binh Thủ Đức, Trường Võ Khoa Thủ Đức). Theo Lương Y Hòa trong hoa@dongnhacxua.com (bạn đồng ngũ với Dzũng Chinh) thì khi Lương Y Hòa về công tác tại Trung Tâm Truyền Tin Đà Lạt có nghe tin Dzũng Chinh “vừa chết tại Quy Nhơn”!

Một tài liệu khác nói rằng, khi còn là sinh viên Trường Luật (Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, 1961, 1962 hay 1962, 1963), Dzũng Chinh cho phổ biến nhạc phẩm “Những D(ồi Hoa Sim”. Qua tiếng hát ngọt ngào của Phương Dung, cả ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác đều nổi lên như cồn... Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn Úy của Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức (không rõ tên khóa), Nguyễn Bá Chinh được “điều xuống miền Tây” để nhận công tác. Và trong một chuyến công tác khác, “xe của ông bị trúng mìn VC trên quốc lộ 4” nên ông đã bị tử nạn, xác được đưa về chôn ở nghĩa trang quân đội Gò Vấp (?),với bia ký đề “Cố Thiếu Úy Nguyễn Bá Chinh” (?) (diemhenViet.com)

Cả hai tài liệu nói về nhạc sĩ Dzũng Chinh đều có những chỗ không mấy rõ ràng. Trong hoa@dongnhacxua.com thì nói chết tại Quy Nhơn, nhưng trong diemhenViet.com thì nói chết trên QL 4! Vấn đề thứ hai, nếu đã là sinh viên của Đại Học Luật Khoa Sài Gòn từ năm 1961-1962, thì làm gì có chuyện tham dự vào khóa 39 HSQ Trừ Bị Quang Trung vào thời điểm 1965! Còn nếu sau khi tốt nghiệp Trung Sĩ khóa HSQ rồi vài năm sau được tham dự khóa Sĩ Quan Đặc Biệt tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, thì Dzũng Chinh làm điều này có vô lý không? (những tiêu chuẩn do trường BBTĐ áp dụng đối với những ai được tham dự khóa này, có lẽ không cần phải có trình độ cao như sinh viên Luật Khoa Nguyễn Bá Chinh (vì bằng cấp tối thiểu của ông ta hiện có lúc đó là Tú Tài 2), mà theo tôi biết thì khóa Sĩ Quan Đặc Biệt nầy chỉ dành cho những người từng mang cấp bậc Trung Sĩ nhưng được sự đề nghị của đơn vị trưởng nơi người đó đang phục vụ; còn nếu bình thường thì vị Trung Sĩ đó phải học thêm để có được bằng Tú Tài 1, và phải làm đơn xin được học khóa Sĩ Quan Đặc Biệt (chỉ có quyền làm đơn thôi, còn vấn đề được đơn vị trưởng chấp nhận hay không chấp nhận là vấn đề khác). Sở dĩ có chuyện dông dài chỗ nầy vì người viết nghĩ rằng khi đọc những dòng mà người viết vừa trình bày, sẽ có những vị hiểu biết rõ về nhạc sĩ Dzũng Chinh để “chỉnh lại” giúp, chứ hiện tại cứ nói rằng trên “bia mộ” chỉ ghi đơn giản như thế thì thật khó tin, vì “Cố Thiếu Úy” mà không có ghi năm sinh, năm mất... thì thật vô lý.

Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm, bài ca “Những Đồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dzũng Chinh vẫn được lưu truyền, không phải do “ca sĩ nhà nước” trình bày (vì đây là nhạc vàng) mà chỉ do những người hành khất hát dạo, hoặc do các người bán kẹo kéo dùng cassette cho phát lại những băng nhựa cũ.

Thế rồi, đường xe lửa Nam Bắc làm xong, một số gia đình phía Bắc được vào phía Nam thăm bà con, trong số nầy có nhà thơ Hữu Loan. Vào một buổi chiều, đang thả bộ dạo phố Sài Gòn, Hữu Loan chợt nhận ra có lời ca tiếng hát nào đó vọng lại nghe “quen quen”. Tò mò, ông bước đến đó. Một người cụt chân, quần áo rách rưới, đang hát dạo kiếm tiền độ nhật. Ôm cây guitar cũ rích, ông vừa đàn vừa hát... “Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt...” Hữu Loan bước đến ngồi xuống bên cạnh người nghệ sĩ “tài tử" đó rất tự nhiên. Chờ cho bản nhạc dứt, Hữu Loan đề nghị:

- Xin anh bạn cho tôi nghe lại bài hát này một lần nữa, có được không?

Dĩ nhiên, đối với khách yêu cầu thì người hát dạo chấp nhận, anh ta không lên tiếng trả lời mà chỉ gật đầu, dạo nhạc, cất tiếng:

** Những đồi hoa sim, ôi những đồi hoa si, tím chiều hoang biền biệt...
Vào chuyện ngày xưa, nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai.
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến, ai hẹn được ngày về...
Rồi một chiều mây bay, từ nơi chiến trường Đông Bắc lần ghé về thăm xóm,
hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân,ôi những chiều hành quân, tím chiều hoang biền biệt.
Một chiều dừng mưa, được tin em gái mất, chiếc thuyền như vỡ đôi...
Phút cuối không nghe được em nói, không nhìn được một lần,dù một lần đơn sơ.
Để không chết người trai khói lửa,mà chết người em gái hậu phương tuổi xuân thì...
Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ
Ôi đồi sim tím chạy xa tít tan dần theo bóng tối
Xưa xưa nói gì bên em...
Một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên
Nói nói gì cho mây gió
Một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết
Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang
đến ngồi bên mộ nàng
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới
Thoáng buồn trên nét mi
Khói buốt bên hương tàn nghi ngút
Trên mộ đầy cỏ vàng
Mà đường về thênh thang
Đồi sim vẫn còn trong lối cũ
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang mới tiêu điều!**

Nghe xong bản nhạc, Hữu Loan đứng dậy, cặp mắt lờ đờ gần như ngấn lệ. Ông móc trong túi ra hết số tiền còn lại giao cho người hát dạo, và nói:

- Anh bạn ca hay quá, tôi là tác giả bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đây!

Nói xong, nhà thơ Hữu Loan lặng lẽ bước đi, trước sự ngơ ngác của mọi người.

Hồ Quân
Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.151 giây.