Ông Phạm Nhật Vượng là một trong những doanh nhân giàu nhất Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Việt Nam hiện có 110 người siêu giàu, với tài sản từ 30 triệu đôla Mỹ (630 tỷ đồng) trở lên.
World Bank nói số người siêu giàu ở Việt Nam “tương đương” với các quốc gia khác cùng mức thu nhập như Việt Nam.
Con số này được nêu trong một báo cáo về kinh tế vĩ mô được World Bank công bố hôm 8/7.
Theo báo cáo, Việt Nam ước tính có 110 người siêu giàu vào năm 2013, tăng từ mức 34 người siêu giàu năm 2003.
World Bank khen ngợi Việt Nam “đã đạt mức tăng trưởng cao trong khi bất bình đẳng về thu nhập chỉ tăng ở mức khiêm tốn trong thời gian qua”, khác với các nước như Trung Quốc.
Tuy vậy, vẫn có lo ngại về bất bình đẳng, “phản ánh sự khác biệt đáng kể về điều kiện kinh tế theo nhóm dân tộc và vùng miền”.
“Bên cạnh đó là khoảng cách giữa những người rất giàu và phần đông người Việt Nam cũng như tình trạng bất bình đẳng đáng kể về cơ hội.”
Kinh tế ‘cải thiện’Báo cáo của World Bank nhận định “ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện”.
“Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn khiêm tốn và tiếp tục dưới mức tiềm năng,” báo cáo nói.
Theo báo cáo, Việt Nam gần đây chứng kiến lạm phát giảm, cải thiện tài khoản đối ngoại và ổn định thị trường ngoại hối.
Kinh tế Việt Nam đang cải thiện nhưng còn chưa xứng với tiềm năng
Nhưng tăng trưởng GDP năm 2014 dự báo ở mức khiêm tốn khoảng 5,4%.
“Cầu trong nước của Việt Nam vẫn còn yếu do lòng tin của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh, tỷ lệ nợ trên vốn của các doanh nghiệp nhà nước và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại còn cao, dư địa tài khoá bị thu hẹp.”
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: “Tăng trưởng dự báo ở mức 5,4% vẫn cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhưng mức tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.”
World Bank cũng cảnh báo: “Sự căng thẳng kéo dài về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực cũng làm trầm trọng thêm rủi ro bất lợi.”
Theo BBC