Anh Tim Clements bế bé Hiếu, cô Phương ôm em Văn. (Reading Post)
READING, Pennsylvania - Anh Tim Clements và vợ anh là cô Phương đang nóng lòng muốn gặp những gia đình Việt Nam khác, để họ có thể dạy cho mấy đứa con trai của họ thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của bên ngoại.
Theo tin của nhật báo Reading Post hôm thứ Năm vừa qua, sự kết hôn giữa Tim và Phương đã tạo một gia đình đa ngôn ngữ ở thị xã Tilehurst gần Reading, một thành phố nằm ở phía đông tiểu bang Pennsylvania. Hai vợ chồng nói với nhật báo rằng họ đang tìm kiếm thêm các gia đình gốc Việt Nam ở Reading, để giúp họ dạy hai cậu con trai sinh đôi nói được tiếng mẹ đẻ của bên ngoại.
Anh Tim Clements, 42 tuổi, và vợ anh là Phương, 37 tuổi, đang mong muốn gặp các gia đình Việt Nam khác, để họ có thể dạy ngôn ngữ bản quán của mẹ cho hai đứa con trai của họ là Văn và Hiếu, cả hai đều mới chín tháng tuổi.
Anh Tim đã học tiếng Đức và tiếng Pháp tại trường đại học. Anh gặp người vợ của mình thông qua nhóm bạn nói tiếng Tây Ban Nha ở Reading.
Anh nói, “Vợ tôi nói được một chút tiếng Tây Ban Nha, và tôi cứ bám theo cô đi dự một trong những chương trình xã hội của họ, nơi đó chúng tôi đã khám phá ra rằng cả hai chúng tôi đều yêu thích vũ điệu Salsa.
“Nói cho công bằng, so với tôi thì Phương đã khá hơn nhiều và quyết tâm hơn tôi trong vấn đề kết bạn, và điều đó đã cho tôi một cái cớ tốt để gặp cô lại một lần nữa. Đó là hồi những ngày trước khi chúng tôi có hai đứa con sinh đôi và vẫn muốn có một cuộc sống trong xã hội.
“Phương sinh ra ở Việt Nam và lớn lên tại Úc, và dĩ nhiên cô rất muốn cho hai đứa con trai của chúng tôi nói được tiếng mẹ đẻ của cô, và có thể nói được tiếng Việt với bà ngoại.
“Mẹ Phương có thể nói được tiếng Anh, nhưng bạn có thể tưởng tượng bà sẽ sung sướng như thế nào, nếu hai đứa cháu trai của bà có thể nói chuyện với bà ngoại bằng tiếng Việt.”
Gia đình này đang kêu gọi bất kỳ những gia đình nào khác nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ hãy liên lạc để thành lập một nhóm ngôn ngữ cho con cái của họ.
Anh Tim nói, “Mặc dù có một lòng yêu thích và vui thú đối với các ngôn ngữ trong gia đình chúng tôi, nhưng cũng có nhiều bằng chứng cho thấy song ngữ đem lại lợi ích cho sự phát triển của trẻ em và tương lai của chúng.
“Chúng tôi rất muốn cho hai đứa con trai của chúng tôi có một mối liên kết với di sản văn hóa, trong đó ngôn ngữ là một phần quan trọng. Tiếng Việt có thể bị mất từ thế hệ của Phương trở đi, nếu chúng tôi dạy con cái chúng tôi nói được cả hai thứ tiếng Việt và Anh.”
Cặp vợ chồng này hy vọng sẽ thành lập được một nhóm không chính thức, mỗi tuần quây quần với nhau một lần để trò chuyện và uống cà phê, trong khi trẻ em cùng vui chơi và và hy vọng sẽ giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt.
Theo báo Viễn Đông