Sự xuất hiện lần đầu tiên của Michelle Việt Thương trên sân khấu của Viện Việt Học đã đem lại thích thú và ngạc nhiên cho người nghe
Tiếng hát của Candice Thy thể hiện bài nhạc Pháp “Pleut Sur Bruxelles.”
Đôi song ca Hoài Hạnh- Lê Quân, cùng con gái và con trai trên sân khấu
Kim Thoa hát theo phong cách Blues Jazz, thể hiện rất tốt ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” và “Điệu ru nước mắt’’.
Ban hợp ca Viện Việt Học hát bài “Những nẻo đường Việt Nam” (Thanh Bình) kết thúc đêm nhạc
Mưa không chỉ là một hiện tượng quen thuộc của thiên nhiên, mà dưới góc nhìn của các nhạc sĩ, thi sĩ, tiếng mưa thánh thót là một nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận của cảm xúc, gợi mở những ý tưởng, gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Trong thơ ca, âm nhạc, các thi sĩ, nhạc sĩ đã biến những giọt mưa tí tách trở thành biểu tượng của khát vọng hạnh phúc, tưới mát tâm hồn, xoa dịu nỗi đau, hoặc tràn ngập tiếng mưa là nỗi buồn tê tái chia xa, tựa như bong bóng mưa tan vỡ, buồn nhưng mang một vẻ đẹp quyến rũ lạ kỳ! Với những người đa cảm ai mà chẳng yêu nỗi buồn của “mưa” như thế!
Đối với những người Việt xa xứ phiêu bạt khắp phương trời, thì mưa luôn là nỗi nhớ ám ảnh khó tả, những người từng gắn bó với Sài Gòn, sẽ nhớ da diết những cơn mưa đỏng đảnh dễ thương chợt đến rồi đi, trời đang nắng bỗng mưa ào đến, mưa chỉ rơi một chút rồi tạnh, rồi lại mưa, những cơn mưa Sài Gòn chẳng lẫn lộn với thành phố nào khác.
Người từng sống ở Hà Nội sẽ nhớ những cơn mưa rào xối xả, dữ dội, dầm dề. Còn người Huế- xứ của mưa dầm sẽ nhớ những cơn mưa sợi to, sợi nhỏ, tỉ tê, ray rứt, dai dẳng.
Mưa đi vào âm nhạc là những kỷ niệm của các nhạc sĩ và rồi nó cũng trở thành kỷ niệm của người nghe.
Để chia sẻ cùng khán giả kí ức về những cơn mưa nơi quê nhà, chương trình đêm nhạc thính phòng chủ đề “Mưa Xa” do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ-Viện Việt Học tổ chức ngay tại sân khấu của Viện vào tối Thứ Bảy tuần qua, 12-7-2014 đã mang đến nhiều cảm xúc.
Từ ký ức về những cơn mưa trong âm nhạc...
Khán giả đã được đắm mình trong không gian âm nhạc sâu lắng và bay bổng, như ký ức chợt trào dâng, tưới đằm nỗi nhớ cùng những kỷ niệm đã qua, như được trở về vùng trời kỷ niệm dấu yêu qua các nhạc phẩm, ca từ bài hát đầy khắc khoải, mãnh liệt và cháy bỏng, đã đem lại những cung bậc cảm xúc, sắc thái tình cảm ngọt ngào, da diết. Những tác phẩm âm nhạc “Mưa” (Văn Phụng), “Tình Khúc Chiều Mưa” (Nguyễn Ánh 9), “Chiều Mưa Biên Giới” (Nguyễn Văn Đông), “Pleut Sur Bruxelles” (Michel Jouveaux), “Liên khúc Lạnh Trọn Đêm Mưa và Mưa Rừng” (Huỳnh Anh), “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” (Tô Vũ), “Đường Xa Ướt Mưa” (Đức Huy), “Tôi Đưa Em Sang Sông” (Nhật Ngân), “Giọt Mưa Trên Lá” (Phạm Duy), “Phố Buồn” (Phạm Duy), “Nghe Tiếng Mưa Rơi,” “Mắt Lệ Cho Người” (Từ Công Phụng), “Thương Nhau Ngày Mưa” (Nguyễn Trung Cang), “Điệu Ru Nước Mắt” (Anh Sơn và Vũ Lai), “Cơn Mưa Hạ” (Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ), “Tiếng Mưa Đêm” (Đức Huy)... là những ca khúc đã từng làm say đắm nhiều hệ trẻ thuở xưa, nó đã có một đời sống thật dài, vẫn tiếp tục chinh phục khán giả của ngày hôm nay, vẫn luôn “mới,” luôn làm rung động những trái tim người mộ điệu.
Bàng bạc trong những ca khúc này là những xúc cảm chân thành trên nền những rung cảm về tình yêu của các nhạc sĩ và đã tạo nên những dấu ấn, những phong cách riêng, đầy chất tự sự, thiết tha. Đây là những tình khúc lãng mạn, nồng nàn, xao xuyến, bâng khuâng; nghe có chút e ấp, ngại ngùng, nhưng cũng thật đam mê và đầy ám ảnh. Có nỗi nhớ, sự khắc khoải, và cả sự day dứt khôn nguôi. Khiến tâm hồn người nghe lắng đọng, để buồn cho hết nỗi buồn, nhớ cho hết nỗi nhớ, trùng xuống cho hết cái lặng lẽ.
...Đến những tiếng hát trong chương trình
“Mưa” (Văn Phụng) đã được thể hiện bởi những giọng ca giàu cảm xúc của phần hợp ca Xuân Thanh, Ngọc Quỳnh, Châu Quyên, Lynn Hân mở đầu cho chương trình; Tam ca Trọng Thái- Kỳ Hương- Trần Thạch đã tạo một điểm nhấn thú vị khi hát “Tình khúc chiều mưa” (Nguyễn Ánh 9); những đôi song ca Hoài Hạnh- Lê Quân, Kim Phượng- David Tùng, Lâm Dung- Thạch Thảo, Hồng Quyên- David Tùng khá thuyết phục khi thể hiện những ca khúc “Liên khúc Lạnh Trọn đêm mưa và Mưa Rừng,” “Đường Xa Ướt Mưa,” “Phố Buồn,” “Thương Nhau Ngày Mưa”; Sở hữu chất giọng đẹp, dày, ấm, giọng hát đơn ca của Mạnh Bằng, của Trọng Thái khá thuyết phục khi hát “Chiều mưa biên giới,” “Mắt Lệ Cho Người,” “Tôi Đưa Em Sang Sông,” tiếng hát của Candice Thy rất có “hồn,” rất “quyến rũ,” không bị sự gò bó của âm sắc tiếng Việt, thể hiện thật ngọt ngào bài nhạc Pháp “Pleut Sur Bruxelles.”
Kim Thoa với cách nén hơi, lấy giọng, nhã chữ, cách diễn tả bằng lối láy, uốn note nhạc, cách sử dụng phân nhịp, nhịp điệu, tiết tấu theo phong cách Blues Jazz, thể hiện rất tốt ca khúc “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” và “Điệu Ru Nước Mắt,” nhất là những nốt thấp chị hát rất vững, đầy cảm xúc.
Đặc biệt sự xuất hiện lần đầu tiên của Michelle Việt Thương trên sân khấu của Viện Việt Học đã đem lại thích thú và ngạc nhiên cho người nghe, bởi vẻ đẹp giọng ca của Michelle Việt Thương gợi nhớ đến giọng hát của nữ ca sĩ quá cố Ngọc Lan. Michelle Việt Thương có chất giọng trong vắt bay bổng, mượt mà, du dương, khi hát cô không cố gắng luyến láy, đưa đẩy giọng để ra được chất trữ tình của ca khúc, mà để cho nó xuất hiện một cách tự nhiên nhất tương tự như cách ca sĩ Ngọc Lan đã lưu dấu trong trái tim người nghe bao thế hệ bằng phong cách rất riêng của mình.
Ban hợp ca Viện Việt Học thật thuyết phục khi thể hiện ca khúc “Những Nẻo Đường Việt Nam” để kết thúc chương trình, hòa cùng những giọng hát của đêm diễn là tiếng đàn guitare tuyệt vời của các nhạc sĩ Ngọc Thạch, Trọng Hoàng, Lưu Trọng Đạt, Keyboard Duy Lâm, âm thanh Quốc Đông, với hai MC Bùi Đường- Diệu Trang dẫn dắt chương trình.
Đêm nhạc đã kết thúc, nhưng giai điệu của các bản nhạc cứ như khơi gợi, làm cho người nghe như tìm thấy một phần nào đó của tâm hồn đã bỏ quên từ lâu, không muốn đánh mất, để thấy cái tình trong tim mình càng thêm dạt dào, tươi trẻ. Mọi người ra về, trên môi rộng nở nụ cười, bởi họ đã có một đêm nhạc nhiều xúc cảm và đầy luyến nhớ.
Băng Huyền/ Viễn Đông