Một cảnh diễn của đoàn nghệ thuật sân khấu Văn Lang. Courtesy Ðoàn NTSK Văn LangSoạn giả Vĩnh Hà trúng giải nhứtHội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại và ban tổ chức giải Phụng Hoàng trong phiên họp chiều ngày 23 tháng Bảy 2014 vừa qua tại Santa Ana Miền Nam California, để chung quyết về cuộc thi sáng tác bài ca vọng cổ.
Hội Đồng Thẩm Định (Ban Giám Khảo & Hội Đồng Giám Sát Thi Cử) sau khi thảo luận đã quyết định trao giải Phụng Hoàng cho các soạn giả các bài ca vọng cổ theo thứ hạng có tên sau đây:
1) Bài vọng cổ Yêu Lắm Quê Hương của Vĩnh Hà trúng giải nhứt sẽ được trao văn bằng & huy chương vàng.
2) Bài vọng cổ Tâm Sự Người Thương Binh của Trần Văn Tứ trúng giải nhì sẽ được trao văn bằng & huy chương bạc.
3) Bài vọng cổ Gánh Hàng Rong của Phạm Văn Phúc trúng giải ba sẽ được trao văn bằng.
4) Bài vọng cổ Tháng Ngày Lưu Lạc của Trường Giang sẽ được trao giải khuyến khích.
Tiền thưởng các giải tùy theo mạnh thường quân bảo trợ ban tổ chức sẽ thông báo sau.
Các bài ca vọng cổ trúng giải trên đây sẽ được các ca sĩ hát trong buổi lễ phát giải, và theo như nhận định của những người am tường thì bài ca trúng giải chắc chắn sẽ được giới ca sĩ, nghệ sĩ cổ nhạc hoan nghinh chào đón. Do bởi từ lâu nay họ cứ phải hát đi hát lại mãi các bài cũ gây nhàm chán cho giới mộ điệu.
Điều đáng ghi nhận là bài ca vọng cổ Tâm Sự Người Thương Binh của soạn giả Trần Văn Tứ từ Úc Châu gởi về tham dự. Không biết soạn giả có về Hoa Kỳ để nhận giải hay không? Hội Cổ Nhạc cũng thông báo các soạn giả có bài ca vọng cổ dự thi trúng giải trên đây cần liên lạc với ban tổ chức để biết ngày giờ, địa điểm, cũng như chuẩn bị hoàn tất mọi thủ tục trước khi lãnh giải.
Cũng theo ban tổ chức thì tuồng cải lương “Thu Sầu Nhả Tơ”, của soạn giả Trần Văn Hương trúng giải Phụng Hoàng hồi cuối năm 2013 cũng được trao giải cùng lúc. Tuồng “Thu Sầu Nhả Tơ” tức cuộc đời tình ái của ông Cao Văn Lầu tức nhạc sĩ Sáu Lầu, cha đẻ bài Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản Vọng Cổ ngày nay. Ban tổ chức đã thông báo cho soạn giả Trần Văn Hương, đồng thời gợi ý soạn giả nên cho trình diễn một trích đoạn vở tuồng trong buổi lễ phát giải nói trên. Người ta còn nhớ khi xưa, thời thập niên 1960 các vở tuồng đoạt giải Thanh Tâm thường được hát trong buổi lễ phát giải rất được hoan nghinh. Thì ngày nay ở hải ngoại giải Phụng Hoàng cũng không làm khác hơn người xưa trong vấn đề tổ chức thi cử này.
Soạn giả Trần Văn Hương cho biết là ông đang xúc tiến việc mời nam nữ nghệ sĩ tập dượt vở tuồng “Ông Sáu Lầu” để trình diễn trước quan khách trong buổi lễ.
Sách 100 Năm Cải Lương ViệtSách 100 Năm Cải Lương Việt Nam của tác giả Ngành Mai phát hành cách đây hơn 3 tháng, và được, khán thính giả các đài phát thanh, đài truyền hình hoan nghinh. Nói chung là những người hâm mộ cổ nhạc cải lương chiếu cố. Theo lời một vị trong ban giám đốc nhựt báo Người Việt, tức cơ sở phát hành quyển sách nói trên tiết lộ, thì đây là một trong những cuốn sách bán chạy nhứt.
Có nhiều câu hỏi của thính giả bốn phương mà tôi ghi nhận, là ai cũng muốn biết rõ nội dung cuốn sách gồm những vấn đề gì? Có vị còn hỏi rằng trong đó có tuồng cải lương này, tuồng cải lương nọ không v.v... Thật rất khó mà kể ra cho hết, bởi quá nhiều đề mục liên quan đến cải lương từ thời mới hình thành (1914) cho đến những lúc sau này. Tóm lại nếu có quyển sách thì cũng giống như quí vị đã theo dõi hoạt động cải lương từ thời xa xưa đến giờ. Có một vị đã có cuốn sách trong tay rồi, tiếp xúc trên điện thoại bà nói rằng rất xúc động, bởi trọn tuồng cải lương Hoa Rơi Cửa Phật được in lại trong quyển sách, kể cả cái bìa. Bà nói thêm rằng cuốn tuồng cải lương khổ nhỏ kia bà từng có từ thời còn con gái, tức từ nửa thế kỷ trước, và luôn cả dĩa hát cũng được nghe nhiều lần. Và bà yêu cầu nếu như nhà văn Ngành Mai còn lưu giữ được dĩa hát Hoa Rơi Cửa Phật thì xin cho được phát thanh trên đài Á Châu Tự Do giờ tạp chí cổ nhạc. Và cũng theo lời bà thì nhiều thính giả cũng rất muốn nghe dĩa hát xưa ấy.
Cuốn “100 Năm Cải Lương Việt Nam” của tác giả Ngành Mai đã hoàn thành, do nhà xuất bản Người Việt phát hành.Rất may là tôi còn lưu giữ dĩa hát nói trên. Dĩa được phát hành khoảng 1948 với các danh ca thời ấy như: Năm Nghĩa, Tám Thưa và nữ danh ca Tư Sạng. Và bây giờ mới quí vị nghe lại đoạn cắt đứt dây chuông và đoạn cuối, tức là lúc vị Hòa Thượng cho Điệp mượn chiếc áo cà sa, giả dạng Hòa Thượng vào chốn hậu liêu để cho Lan trao gởi nỗi niềm tâm sự.
Cảnh này theo như trong tuồng được diễn trên sân khấu, thì Lan bịnh đang nằm. Hai chú tiểu đưa Điệp vào (Điệp trong chiếc áo cà sa) và Lan bắt đầu kể về thân thế của nàng bằng bản ca Nam Ai lớp mái. Ca dứt bản Lan mệt nhọc hấp hối. Điệp vội vàng cởi chiếc áo cà sa ném về phía hai chú tiểu, rồi chạy lại ôm Lan trong vòng tay. Lan nói thêm vài tiếng và đi luôn. Màn từ từ hạ, vãn hát khán giả ra về, một số các bà các cô còn lau nước mắt. Và đây là dĩa hát Hoa Rơi Cửa Phật.
Theo RFA