Một tin nhỏ mới đưa ra trên báo, nhanh chóng gây chú ý vì mang lại sự ngạc nhiên cho mọi người.
Bà M., 83 tuổi, nguyên quán ở Quảng Ngãi, hiện sống tại Sàigòn, cả chồng lẫn con trai là liệt sĩ nhưng hồ sơ xét tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” bị ách lại vì bà đã… tái giá. Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong vô số trường hợp.
Theo cổ tục của Tàu thì người phụ nữ phải hội đủ tam tòng tứ đức. Việt Nam chịu ảnh hưởng nên một thời gian dài cũng đòi hỏi người đàn bà Việt cũng phải học tập ba điều, bốn chuyện trên làm câu răn mình.
Tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh. Làm thân pgười phụ nữ thì phải thạo việc bếp núc, may vá…; vẻ mặt phải luôn giữ tươi đẹp, dáng điệu gọn gàng; lời ăn tiếng nói khôn ngoan, nhẹ nhàng, phép tắc; tính nết thì hiếu đễ, hòa thuận, trên kính dưới nhường…
Tứ đức thì áp dụng cho thời đại nào cũng tốt, cổ cũng như kim. Riêng cái khoản “công” thì nay giảm bớt mà chuyển sang… công việc kiếm tiền vì người phụ nữ hiện đại đã ra ngoài xã hội làm việc trí óc cũng như chân tay như nam giới.
Còn tam tòng mới nặng nề làm sao. Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Khi còn là con gái trong nhà phải nghe lời dạy bảo của người cha. Khi về nhà chồng phải nương bóng người chồng. Khi chồng chết phải thủ tiết, ở vậy, đi theo con… Bởi đàn bà Tàu ngày xưa bó chân nên không thể không phục tùng, lệ thuộc người đàn ông.
Thời cổ xưa hay cả gần đây thôi cách vài chục năm, người đàn bà ít được cho đi ra ngoài xã hội học hỏi nên không có nghề trong tay, khi lấy chồng lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng, dù người chồng đánh đập hay có vợ lẽ cũng không dám hó hé. Nếu phản kháng, dễ bị đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Mà quay về với gia đình mình thì cha mẹ đẻ cũng không cho vào vì sợ mang tiếng chứa chấp con gái đã gả đi làm dâu nhà người khác.
Miền Nam phóng khoáng, tân tiến hơn. Nữ giới được học chữ, học nghề như nam giới. Có quyền, làm chủ kinh tế gia đình. Không hợp tính tình thì ly dị, đường ai nấy đi, xây dựng hạnh phúc riêng.
Miền Bắc sau 54 đã đập nát mọi chế độ cũ, xóa bỏ tàn dư phong kiến, tiểu tư sản… Từng người dân, nam cũng như nữ là chủ thể kinh tế. “Lao động là vinh quang, lang thang là chết đói”. Đa số đi làm công nhân, cán bộ cho nhà nước, nông dân trong tổ, đội của hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Trong nền kinh tế bao cấp, người dân tương đối bình đẳng… Phụ nữ được “giải phóng” ngang hàng với đàn ông. Thế nhưng ở trong cuộc cách mạng bình đẳng nam nữ đã mấy chục năm nay thì riêng lãnh vực được coi danh giá là xét danh hiệu mẹ liệt sĩ, bà M. bị gạt phăng vì lỡ tái giá. Nếu muốn được giữ cái danh hiệu cao quý ấy, nhất thiết bà phải thủ tiết.
Trong cổ sử, bao nhiêu tấm gương mẹ góa con côi, thờ chồng nuôi con được nhà vua ban cho ấn chiếu “tiết hạnh khả phong”. Nay tuy không còn thời quân chủ nữa, nhưng xem chừng nếu bà không tuẫn tiết, chẳng những không chết theo chồng, chẳng chết theo con, lại chẳng một mình vò võ ấp mồ nhang khói. Lại đi tái giá, nghe chữ ‘tái giá’ xem chừng đã thấy không êm tai (!). Có người còn cho rằng đã có chồng, con là anh hùng mà còn tái giá là vi phạm… đạo đức. Người kém đạo đức mà còn được tặng danh hiệu hóa ra danh hiệu ấy đã giảm giá trị mới phát tràn lan như vậy.
Có vẻ người phụ nữ vẫn được khuyến khích khi góa chồng thì nên thờ chồng nuôi con hơn là bước đi bước nữa. Luân lý Khổng Mạnh cổ xưa tưởng chừng bị xã hội mới hết sức đạp đổ, té ra lại ngấm ngầm nuôi dưỡng.
Người phụ nữ Việt thật khổ trăm bề. Nhất là ở miền Bắc, phụ nữ chẳng được thay đổi bao nhiêu. Vẫn cặm cụi tam tòng như nghìn xưa.
Con gái lấy chồng, đi làm dâu đã là con của nhà khác. Phải xin phép, nhà chồng đồng ý mới được về thăm cha mẹ, không cho thì không được ra khỏi nhà. Cha mẹ ruột đau ốm, không được về thăm nom săn sóc, Cha mẹ ruột mất, không được thờ cúng giỗ chạp. Thời nay vẫn còn cảnh trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Dù bị chồng đánh đập cũng không dám bỏ chồng, không dám ly dị.
Phan Thị Trang ở Quảng Ngãi có hai con, chồng làm nghề bốc vác. Trong 14 năm xuất giá, bà thường xuyên bị chồng đánh đập. Có lần bà bị chồng đánh rách màng nhĩ khiến một bên tai bị điếc. Võ Thị Tường ở Bình Định có đủ nếp, tẻ. Chồng hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng bỗng nhiên nổi chứng nghiện rượu chè, về nhà đòi tiền đi nhậu không được nên sinh tật đánh vợ con. Cả mười năm trời, ba mẹ con thường xuyên ra bờ ruộng, đống rơm, lùm cây ngủ vì sợ người chồng vác dao chém. Ôi, ở đâu cũng thấy cảnh chồng bạo hành vợ con. Mặc dù bây giờ đã có một vài nhà tạm lánh mở ra dành cho các bà vợ tám trú khi bị chồng đánh đập tàn nhẫn, nhưng số phụ nữ tìm đến nơi này không nhiều.
Người phụ nữ xuất giá rồi là ván đã đóng thành thuyền. Ly hôn thì sợ thiên hạ chê cười, sợ con cái thiếu cha. Nhiều người phụ nữ còn sợ con gái lớn không có cha sẽ khó lập gia đình (!) nên cứ phải nín nhịn chịu đựng
Rồi “phu tử” thì phải “tòng tử” dù còn tuổi xuân sắc. Nhà dưỡng lão ở Việt Nam chưa phát triển nên tới tuổi già đau yếu, khi không còn thể sống một mình, người ta buộc phải nương nhờ con cháu. Lúc đó không tòng tử thì biết tòng ai bây giờ.
Trong quan niệm tòng tử, tử được xem là con trai chứ không phải con gái. Nhất nam viết tử, thập nữ viết vô. Dù chỉ một con trai mới được xem là con, mười con gái vẫn như không có con. Người phụ nữ khi xuất giá lại phải mang trách nhiệm sinh con hoặc sinh con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng. Vô số gia đình tan vỡ, đau khổ vì không có con trai. Ra chốn đình trung, không có con trai, không được ngồi chiếu trên, bị chế giễu thật khổ sở. Gánh nặng ấy lại trút lên đầu bà vợ. Không sinh con hoặc không sinh được con trai cho nhà chồng, đó là lỗi của người vợ. Nếu không lấy vợ hai cho chồng, nếu không để chồng ra ngoài trăng gió kiếm con trai thì kết cục là ly dị. Người vợ bị về nhà ngoại. Câu chuyện cổ hủ tưởng chừng như chỉ còn đọng lại trong tiểu thuyết tiền chiến, té ra vẫn xảy ra ở thời hiện đại này.
Lê Thị Hai ở Thanh Hóa không sinh được “thằng chống gậy” cho nhà chồng nên ông chồng buồn chán, bỏ thuốc diệt cỏ vào thức ăn của vợ. Bùi Thị Dung ở Nghệ An sinh tới bốn “con vịt giời”. Chồng chán nản bỏ đi Daklak mấy năm rồi quay về thành kẻ nát rượu. Tới một hôm, hai vợ chồng cãi nhau, đánh nhau, cùng đường, vợ dùng rìu chém sả vào người, vào đầu chồng…
Thay vì trước kia có bầu trước bị coi là xấu, thì nay, nhiều bà mẹ chồng yêu cầu cô gái mang thai, thậm chí sinh con hẳn hoi mới cho cưới. Gánh nặng sinh con và sinh con trai cho nhà chồng đe dọa hạnh phúc của người phụ nữ.
Mặc dù giá trị của con trai được đẩy cao lên tận mây xanh nhưng chữ hiếu lại được đặt lên con gái. Hầu hết các cô gái quê lấy chồng ngoại quốc (chồng Hàn quốc, chồng Đài loan, chồng Mã Lai…) đều có gia cảnh nghèo khó, thấy cha mẹ, các em nghèo khổ nên các cô tìm cách xuất khẩu lao động, tha phương cầu thực, đi làm ăn xa. May mắn thì kiếm được đồng tiền ổn định ở các nhà máy ở khu công nghiệp, hoặc nhắm mắt đưa chân lấy chồng xứ lạ đầy rủi ro. Bị nhà chồng đánh đập, hành hạ thậm chí bị giết hay bị bán vào chốn lầu xanh… nhằm mục đích muốn có chút ít tiền giúp đỡ gia đình, trả hiếu cho cha mẹ, giống y như Thúy Kiều. Hiếm có trường hợp nào gia đình khá giả mà con cái phải lưu lạc như thế.
Trở lại trường hợp bà M. chồng chết, con chết nhưng bà không được công nhận là mẹ của liệt sĩ. Lý do đưa ra là khi bà tái giá tất nhiên cuộc hôn nhân cũ đã mất hiệu lực. Tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hi sinh, nhưng giữa một người tái giá và người không tái giá thì sự mất mát, thiệt thòi của người không tái giá vẫn nhiều hơn. Danh hiệu vinh dự nhà nước là để tôn vinh phẩm giá các bà mẹ, do vậy cần phải xét đến những vấn đề đạo đức.
Tức là bà M. nên thủ tiết thờ chồng con, nên một mình vò võ ôm hai tấm di ảnh để hằng tháng lãnh trợ cấp, lễ tết được đoàn thể tới nhà thăm hỏi, động viên, được tung hô là gương mẫu, là điển hình, sống trọn đời với tinh thần anh hùng…
Cũng may, sau rất nhiều tranh cãi om xòm trên báo chí thì người ta đành phải công nhận bà M. là mẹ liệt sĩ. Chứ chẳng lẽ vì tái giá mà bà bị phủ nhận là mẹ của một người con. Rằng người con ấy không thể có một bà mẹ tái giá. Thực ra mẹ liệt sĩ cũng chẳng còn bao nhiêu. Cứ tranh cãi mãi về tiết hạnh khả phong, về phu tử tòng tử thì rồi đây chẳng còn bà nào còn sống để nhận các “danh hiệu cao quý” ấy!
Saigon Cô Nương