Du học sinh Việt Nam tại Oklahoma tổ chức tiệc Tết Giáp Ngọ 2014. Courtesy sinhvienusa.org Gần đây, ngưòi dân trong nước, đặc biệt là cư dân cộng đồng mạng lại dậy sóng về chuyện 13 nhà vô địch của chương trình “Olympia” được Úc cấp học bổng từ cuộc thi. Sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài thì chỉ có 1 người duy nhất quay về Việt Nam làm việc. Tất cả những người khác đã sử dụng chất xám của họ ở tại ngay nước họ được đào tạo. Vì sao lại có quá ít những người đi du học và thành đạt lựa chọn ở lại nước ngoài mà không quay về lại quê hương để đóng góp cho đất nước? Đó cũng là chủ đề cho diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với sự tham gia của các bạn Khanh Nguyễn, Tuyết Minh và Thanh Tuấn, các bạn là những du học sinh, hiện đang học tại Hoa Kỳ.
Muốn được thể hiện
Chân Như: Các bạn thấy việc ở lại nước ngoài hay quay về nước cống hiến cho đất nước, quyết định nào là sáng suốt và vì sao?
Khanh Nguyễn: Theo em, đối với những người nghĩ nước Việt Nam, văn hóa tốt, con người thân thiện hoặc có ý định là muốn quay về để giúp nước thì người ta nghĩ quyết định đó là sáng suốt. Còn một số người nghĩ rằng họ sẽ lo cho gia đình họ có cuộc sống tốt bên này, có điều kiện để làm việc, để học tập và sinh sống thì người ta sẽ lựa chọn ở lại để có cuộc sống tốt hơn.
Thanh Tuấn: Em nghĩ đa phần đi du học tuổi trẻ cỡ từ 16 tới 20 hoặc 22. Khi qua rồi thì họ tiếp xúc với nền văn hóa mới, cuộc sống mới và có nhiều sự lựa chọn mới sau khi tốt nghiệp. Em nghĩ đối đế lắm một số người mới quay về còn lại thì họ đã tìm thấy được con đường của mình, hoặc thấy được sự khác biệt giữa cuộc sống Việt Nam, cuộc sống bên này (Hoa Kỳ).
Chẳng hạn như vấn đề xin việc làm hay vào công ty của Việt Nam thì phải là con ông cháu cha, phải đút lót. Bên này, vấn đề đó dựa vào thực lực của mình nhiều hơn. Và bên này, tốt nghiệp ra đi làm với đồng lương căn bản mới bắt đầu thì mọi người vẫn sống đủ chứ không phải quá chật vật như bên Việt Nam. Còn với một số bạn nhà có cơ sở ở Việt Nam muốn quay về làm cho nhà thì cũng tốt, nhưng đa số mọi người muốn ở lại chứ không muốn đi về tại vì cuộc sống bên này tốt và thoải mái hơn. Hơn nữa là tự do hơn và được thể hiện hơn.
T
uyết Minh: Ý kiến của em cũng giống như của anh, thường người ta sẽ không thích về Việt Nam một khi đã bước chân qua Mỹ. Còn trường hợp những bạn nhà có điều kiện bên Việt Nam, đúng là các bạn đi du học để sau nay giúp đỡ cho gia đình thì các bạn sẽ về. Ví dụ em chỉ là du học bình thường, nhà cũng không có công ty hay gì bên Việt Nam nên em cũng thoải mái trong việc có về hay không quay về. Nhưng lý do khiến đa số muốn ở lại Mỹ là về Việt Nam chính quyền không biết trọng dụng nhân tài. Giống như anh có tiền nhiều anh sẽ được chức cao hoặc công việc tốt; Còn nếu anh không có tiền cho dù có tài cũng không có được.
Chân Như: Chân Như nhận thấy rằng chính sách của Việt Nam cũng là một rào cản khiến các du học sinh quay lưng với đất nước vì có rất nhiều trường hợp tài năng của họ không thực sự được trọng dụng. Còn theo các bạn thì nguyên nhân chính dẫn đến việc các du học sinh quyết định không quay về nước làm việc là gì?
Khanh Nguyễn: Theo em có hai lý do chính. Thứ nhất điều kiện làm việc ở Việt Nam đối với du học sinh nước ngoài chưa có. Nền giáo dục của Mỹ và Việt Nam là hai nền giáo dục hơi khác nhau. Gần đây, giáo sư Ngô Bảo Châu có nói là giáo dục đại học không được tốt nên cần đổi mới vì không có tính thực tiễn và chỉ áp dụng lý thuyết là nhiều. Do vậy khi ra trường khó có cơ hội có việc làm. Khi du học sinh về làm việc sẽ có một sự mâu thuẫn giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên du học và chắc chắn là hai bên sẽ không làm việc được với nhau. Lý do thứ hai nhà nước vẫn chưa tạo được điều kiện tốt cho những người đi du học làm việc chẳng hạn như về vấn đề lương bổng, về tư chế làm việc. Tóm lại, do không có một sự đảm bảo cho cuộc sống gia đình chính bản thân của những du học sinh, họ không mặn mà với chuyện quay về Việt Nam làm việc.
Sinh viên, học sinh VN tìm hiểu về du học tại một hội chợ du học tổ chức ở Hà Nội năm 2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam. T
uyết Minh: Nói chung là do những ngành nghề ở Việt Nam. Nhiều khi một bạn rất đam mê một ngành nhưng ngành này lại không phát triển ở Việt Nam thì bạn đó buộc phải ở lại bên đây để theo đam mê của mình. Cái đó cũng là một lý do chính đáng để ở lại chứ không phải vì quay lưng với nước nhà.
Thanh Tuấn: Nếu mà trên đường suy nghĩ để vòng về, theo em, khó mà để làm ăn chính trực tại Việt Nam và có thể lo đầy đủ cuộc sống của mình. Thứ hai nếu đã vào với những công ty của nhà nước mà làm thì cũng hơi khó. Nói thẳng ra rằng vấn đề con ông cháu cha là thứ nhất; Thứ hai người ta thường nói là “ăn từ trên ăn xuống dưới”: đã vô nhà nước làm là phải theo guồng máy; Ai cũng phải làm theo, nên tất cả vào sẽ bị biến chất. Nên hướng của em là sẽ tự kinh doanh. Vấn đề tự kinh doanh ở Việt Nam cũng hơi khó vì làm ra thì đủ các giấy tờ; Phải chung chi cho người này, chính quyền kia mỗi tháng hay đầu tháng; Cuối năm lương bổng, lễ lộc. Còn nếu ở bên này có xíu vốn và đi làm vài năm và muốn tự mở kinh doanh thì cũng dễ hơn, vấn đề giấy tờ cũng rõ ràng; Chỉ cần đạt đủ điều kiện tiêu chuẩn của chính phủ Mỹ yêu cầu. Theo em vấn đề sáng suốt là vẫn nên ở lại đây rồi lo cho gia đình sau. Đối với em, thành phần đi du học thì đa số gia đình đều khá giả nên gia đình cũng không yêu cầu hay đòi hỏi con em mình phải lo lại nhiều. Chủ yếu là làm để tương lai con em mình được sống thoải mái và có một cuộc sống tốt hơn sau này, nên em không nghĩ gia đình mong con mình trở về hay lo lắng. Mong thì mong trở về, nhưng không nghĩ phải lo lắng cho gia đình hay phải trả lại. Em không nghĩ đó là áp lực để mọi người trở về.
Có nên trách du học sinh?
Chân Như: Nhiều người cho rằng cũng không nên trách các du học sinh, bởi cá nhân ai khi có cơ hội tốt cho tương lai của mình thì cũng không muốn bỏ lỡ; Nhất là cơ hội đó lại là ở những nước tiên tiến, văn minh. Tuy nhiên nhiều người khác lại cho rằng điều kiện và môi trường sống ở nước ngoài đã làm thay đổi con người. Các bạn nhận định như thế nào về những ý kiến này?
Khanh Nguyễn: Theo em, ý kiến như thế cũng có thể đúng cũng có thể sai tùy vào mỗi người thôi. Đối với em nó đúng một phần bởi vì văn hóa Việt Nam với văn hóa Mỹ nó khá là khác nhau. Mình tiếp thu những nền văn hóa khác nhau thì mình sẽ có những nhận định khác nhau về cuộc sống cũng như những dự định của mình trong tương lai. Với em, cũng có một phần tác động nhưng em chỉ cảm nhận những điều đúng sự thật thì em tiếp thu. Đa số du học sinh sẽ cho rằng điều kiện và môi trường sống ở nước ngoài tác động đến cuộc sống của con người bởi vì đa số sẽ quyết định ở lại bởi vì họ thấy cuộc sống ở Mỹ tự do, văn minh. Mặt khác đa số bộ phận người Việt Nam sống bên này họ cũng có tư tưởng giống người Mỹ. Họ nhận định cuộc sống bên này ổn định, có tiềm năng hơn so với ở Việt Nam cho nên người ta coi đó là cơ hội mà không bỏ lỡ được.
T
uyết Minh: Em cũng nghĩ giống như anh Khanh. Nếu so sánh giữa môi trường Việt Nam với Mỹ thì Mỹ tốt hơn rất nhiều. Ba mẹ em cũng muốn em ở lại Mỹ vì sẽ có tương lai tốt hơn. Thứ nhất là văn minh, an toàn. Em cũng có người bạn du học ở Đức. Học xong chị quyết định quay về vì đồng lương ở Đức nếu đổi ra tiền Việt Nam nhiều thật, nhưng nếu với mức sống bên đó thì cũng thuộc dạng bình thường. Nếu lấy bằng rồi quay về Việt Nam, mức lương ví dụ 1 ngàn rưỡi một tháng thì với mức lương đó sẽ sống dư giả còn hơn bên Đức. Em thấy quyết định của chị cũng được nhưng Việt Nam dạo này không có an toàn nên nếu là em thì em sẽ không muốn về.
Thanh Tuấn: Quan điểm của em sống là không chờ đợi. Có cơ hội là em sẽ làm và phân định được cái nào đúng cái nào sai và cái nào nên làm cái nào không làm. Tuổi trẻ không có bao nhiêu hết. Lúc đã qua thời, qua tuổi thì khó có thể lấy lại nhiệt huyết, khó lấy lại những năng lượng để làm việc như lúc trẻ. Nếu ở Mỹ mà có cơ hội là em sẽ bắt tay làm liền. Nói chung là chụp giật, đánh đổi để làm được cái em muốn. Còn vấn đề điều kiện và môi trường sống ở nước ngoài, tất nhiên, nó tốt hơn hẳn Việt Nam rất nhiều: từ khí hậu thời tiết, giao thông, an sinh xã hội... Chẳng hạn như bảo hiểm du học sinh mua, nếu bị bệnh hoạn hay có vấn đề gì thì vẫn chi trả đầy đủ. Nói chung, đồng tiền mình bỏ ra nó đáng chứ không như Việt Nam bỏ ra mua để cho có; Hay là mua để đối phó mà không xài được hay là mua rồi vô bệnh viện đối xử mình khác. Nên em nghĩ điều kiện làm thay đổi thì cũng đúng. Ở Việt Nam, du học sinh thường sống trong vòng tay cha mẹ không tự lập, không biết bươn chải. Khi qua đây, một thân một mình, đa số đều đi làm thêm nên biết quý đồng tiền mình làm ra và biết quý cuộc sống của mình hơn. Em thấy là như vậy nên em nghĩ cái thay đổi là cái thay đổi tốt, điều kiện và môi trường tốt đã dừng chân du học sinh. Ai cũng vậy thôi người ta thấy cái nào tốt người ta sẽ ở lại làm. Ai cũng có sự lựa chọn cho riêng mình hết. Và cái đúng cái sai cũng tùy vào suy nghĩ của mỗi người và qua sự lựa chọn đó của mình có đúng hay không.
Chân Như: Nếu bạn là thủ tướng Việt Nam, bạn làm gì để các bạn du học sinh luôn sẵn sàng đặt Việt Nam là lựa chọn hàng đầu khi quyết định cho tương lai của mình và người Việt không còn mang ý tưởng thoát khỏi Việt Nam?
Khanh Nguyễn: Nếu em làm thủ tướng có 3 điều em sẽ làm đầu tiên. Thứ nhất có chính sách nào đó để đãi ngộ những du học sinh, ví dụ lương bổng, những điều kiện làm việc cho du học sinh. Thứ hai là thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam, chẳng hạn như cuộc sống có văn minh, thay đổi tình trạng trộm cắp hay những văn hóa ứng xử của người Việt Nam vẫn đang bị lên án rất nhiều. Nên thay đổi để cho du học sinh thấy được rằng con người Việt Nam cũng như con người khác trên thế giới đều như nhau và cũng có lối sống văn minh. Thứ ba nữa là Việt Nam nên có chương trình giáo dục ở Việt Nam và nước ngoài để người du học sinh và sinh viên Việt Nam có thể làm việc chung trong môi trường để xây dựng đất nước Việt Nam tốt hơn.
T
uyết Minh: Em nghĩ về chính sách đãi ngộ với việc tiền lương thì dĩ nhiên là du học sinh sẽ phải được tốt hơn. Mặt khác, em nghĩ đó lại là một thiệt thòi cho mấy bạn sinh viên Việt Nam. Bây giờ nếu mà áp dụng chính sách đó cho du học sinh thì nếu có 10 hồ sơ nộp vô một công ty thì em nghĩ chắc chắn những bạn du học sinh sẽ được xếp lên trước. Em nghĩ điều đó là thiệt thòi cho các bạn sinh viên Việt Nam. Còn nếu là thủ tướng thì em nghĩ cần phải thay đổi chính sách này nọ rất nhiều. Tại vì một khi du học sinh qua Mỹ rồi thì họ sẽ so sánh tại sao Việt Nam lại cổ hủ, không công bằng. Em nghĩ việc đó (giải pháp) rất là khó nên em cũng không có ý kiến nhiều trong câu này.
Thanh Tuấn: Theo em nghĩ để giữ chân du học sinh quay về nước hay là không còn ý định thoát khỏi Việt Nam thì rất khó làm và khó thực hiện tại vì cơ cấu của Việt Nam đã vậy rồi. Để mà thay đổi được giống như Khanh nói thì chính sách đãi ngộ là thứ nhất. Tuy nhiên về rồi, Việt Nam đãi ngộ, nhưng đãi ngộ theo cách nào, trọng dụng nhân tài theo cách nào? Hay lại là vẫn vấn đề con ông cháu cha? Nếu để đãi ngộ thì phải kết thúc vấn đề con ông cháu cha trong nước trước. Thứ hai nên tạo nhiều điều kiện hơn để cho du học sinh đi học ví dụ như mở thêm quỹ, thêm tiền đầu tư cho nhiều du học sinh đi học. Nếu học bằng tiền của nhà nước và có ký hợp đồng với nhà nước và có một sự ràng buộc nào đó thì học xong là chắc chắn sẽ phải quay về. Thứ ba, vấn đề môi trường đời sống và mức lương nói chung, chứ không đãi ngộ không dành cho du học sinh hay những người học ở Việt Nam. Ai có tài thì làm được nhiều tiền cao, chứ không phải ưu đãi quá cho du học sinh là tại vì tự bỏ tiền ra đi học. Nhiều người đi du học mà về làm vẫn không bằng người học trong nước. Cái đó có chứ không phải không. Do đó không hẳn phải ưu tiên cho du học sinh. Phải trả tiền ưu đãi cho đúng người, đúng việc và đúng năng lực. Em nghĩ là vậy.
Chân Như: Xin cám ơn 3 bạn Khanh Nguyễn, Tuyết Minh và Thanh Tuấn đã dành thời gian để đến với chương trình hôm nay.
Chân Như cũng hy vọng các bạn đang nghe/xem chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có.
Các bạn có thể gởi email về cho chân như qua
hoangc@rfa.org hay theo dõi chân như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa mến chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào chương trình kỳ sau.
VIDEO Theo RFA