Cuối tháng 6 vừa qua, tại Sài Gòn một cuộc liên hoan nhạc rock hardcore của các ban nhạc trẻ sinh viên đã thu hút được sự quan tâm của những người hâm mộ và tác động lan tỏa tích cực của nó đang được các thành viên của ban tổ chức tính nhân rộng ra các tỉnh miền bắc, miền trung.
Cuộc chơi mang tên Rock Hardcore United do một số bạn trẻ hiện còn đang là sinh viên cùng nhau chung sức thành lập với mục đích truyền tải sức mạnh của rock hardcore đến với đông đảo người nghe nhạc, đồng thời tạo một sân chơi cho các ban nhạc trẻ cùng nhau thưởng thức sự sáng tạo và đam mê mà dòng nhạc này mang lại cho tuổi trẻ đầy hoài bão.
Trong chương trình âm nhạc kỳ này, chúng tôi mời quí vị cùng nghe cuộc trao đổi đặc biệt với một số thành viên trong ban tổ chức của Hardcore United.
Vũ Hoàng: Trước hết Vũ Hoàng cám ơn bạn Thiện Di và các bạn trong nhóm đã giúp mình thực hiện chương trình này. Mình được biết là chương trình Hardcore United của các bạn với hardcore rock không có gì là quá mới lạ trên thế giới nhưng khi đưa vào Việt Nam thì hardcore rock ở VN khác gì so với trên thế giới?
Thiện Di: Trước hết em giới thiệu toàn bộ nhóm (team) của chúng em có các bạn sau tham gia: Cao Vinh là trưởng nhóm (leader), có bạn Chánh Hiệp là phó team, em (Thiện Di) lo về phần fan, bạn Hòa lo về mặt truyền thông cho chương trình, để trả lời câu hỏi của anh, em giới thiệu bạn Vinh là trưởng team của em sẽ trả lời cho anh được cụ thể hơn.
Vũ Hoàng: OK, mình cám ơn bạn.
Cao Vinh: Nếu gọi là khác biệt so với thế giới thì tụi em không có gì khác biệt nhiều, thực sự là hiện giờ tụi em đang mang hardcore của thế giới đến với mọi người ở Việt Nam, khác biệt là những band (ban nhạc) của tụi em đa phần là band trẻ và tụi em đến từ khắp các vùng miền ở trên Việt Nam. Nếu gọi gì là khác biệt thì bọn em cũng không có gì mới, bọn em cũ trong một thị trường mới mà thôi.
Vũ Hoàng: Cho mình hỏi là ý tưởng nào để mà nhóm tổ chức của các bạn bắt đầu thực hiện chương trình Hardcore Rock United này?
Cao Vinh: Thực sự việc mang anh em chơi nhạc rock ba miền lại với nhau cũng đã tồn tại rất lâu rồi, đây không phải là ý tưởng mới cả, đơn thuần là mọi người ngồi trên bàn nhậu và nói rằng tôi muốn gặp mặt anh em miền Trung, anh em Hà Nội tất cả mọi người đứng chung trên một sân khấu. Tụi em muốn làm một cộng đồng, tụi em muốn đưa mọi người lại với nhau.
Vũ Hoàng: Lúc nãy các bạn vừa nói rằng muốn tạo ra một sân chơi cho mọi người, nhưng khi đứng ra tổ chức cho các nhóm như vậy thì các bạn có những khó khăn gì trong công tác tổ chức trong việc đưa các nhóm nhạc từ các vùng miền lại với nhau không?
Cao Vinh: Dĩ nhiên là có nhiều khó khăn lắm ạ! Tại vì nếu nói về mặt tổ chức thì tụi em chỉ đơn thuần là các học sinh, sinh viên, tụi em không phải là những người tổ chức sự kiện (event) chuyên nghiệp cho nên các quy trình tổ chức tụi em bắt đầu từ con số không và cũng không có người chỉ bảo tụi em, nên tụi em tự chèo tự chống. Còn nếu nói về mặt thành viên ban nhạc thì đây không chỉ là khó khăn một mình cho ban tổ chức mà còn là khó khăn đối với cả các ban nhạc. Vì ở show này, mọi người quyết định là các ban nhạc vào đây đánh (chơi) không có thù lao, nghĩa là mọi người giúp đỡ nhau, chứ không phải như kiểu tụi em trả tiền cho mọi người tới.
Vũ Hoàng: Đây là điểm mà mình nghĩ rằng thú vị nhất mặc dù các bạn nói là có khó khăn khi các ban nhạc đến chơi là phải tự bỏ tiền ra hay là gặp khó khăn trong khâu tổ chức mà tính chuyên nghiệp chưa được cao. Vậy điều gì khích lệ để cho các ban nhạc hay các người tổ chức như các bạn có thể đi rong ruổi khắp mọi miền để mà nối liền mọi người lại trong một chương trình underground như vậy?
Chánh Hiệp: Em là Chánh Hiệp và em sẽ trả lời câu hỏi này.
Vũ Hoàng: OK Chánh Hiệp.
Chánh Hiệp: Khích lệ to lớn nhất đến từ các anh em chơi nhạc chung với nhau, bởi vì mọi người những anh em chơi nhạc đều xuất phát từ những khó khăn là mọi người không có nhiều lựa chọn cho mình hay cho ban nhạc của mình để xuất hiện trên sân khấu. Tụi em họp lại với nhau cũng vì một mục đích chính là tạo ra một lựa chọn mới cho tất cả các anh em chơi dòng nhạc hardcore nói chung để mình có thể góp mặt trên sân khấu, mình đưa được đến cho người khán giả thấy là những sáng tác và sản phẩm của ban nhạc như thế nào rồi. Thứ hai nữa, như ban đầu tụi em nói là thành lập một cộng đồng, tất cả anh em chơi dòng nhạc hardcore nói chung và các dòng nhạc rock khác nói riêng trên cả Việt Nam cũng đã muốn thành lập những cộng đồng như thế này rất nhiều rồi, cũng chưa có cộng đồng nào kéo dài được, vì thế, tụi em ráng để giữ và phát triển và mang ra ngoài Hà Nội, để phát triển một nhánh mới ngoài Hà Nội để họ tiếp tục phát triển. Tụi em giống như thể gieo mầm, ở ngoài Hà Nội sẽ có một cây hardcore united phát triển lên, có thể tụi em cũng ra miền Trung, Đà Nẵng hoặc Huế gì đó… để gieo mầm ở đó. Khi nó phát triển đồng đều với nhau ở cả 3 miền trên Việt Nam ở cả 3 miền thì cộng đồng sẽ thực sự lớn mạnh, tạo dựng được một sân chơi thực sự có ý nghĩa cho các anh em chơi nhạc.
Vũ Hoàng: Chánh Hiệp nói rằng Chánh Hiệp muốn gieo mầm ở những địa điểm khác nhau thì các bạn có một biện pháp cụ thể nào để giữ được ngọn lửa, nhiệt huyết của các anh em ở các vùng miền đó không?
Chánh Hiệp: Ngọn lửa mà em thấy để giữ cho niềm tin vào sự lựa chọn của các anh em chơi nhạc khi họ lên sân khấu, họ có thể thấy sự bùng cháy của khán giả, sự hưởng ứng của khán giả đứng dưới sân khấu hòa theo điệu nhạc hay hòa theo những người chơi nhạc, người hát, người đánh guitar, người chơi trống. Đó chính là những niềm khích lệ lớn lao nhất để các anh em có thể tiếp tục chơi nhạc hoặc anh em ban tổ chức tiếp tục cố gắng tổ chức những show tiếp theo nữa, đó là mặt lớn nhất.
Vũ Hoàng: Tình hình rock ở Việt Nam lâu nay được gọi là hoạt động chìm underground theo các bạn nguyên nhân chính vì sao mà hiện tượng này diễn ra và làm thế nào để hardcore rock thâm nhập sâu hơn vào đời sống âm nhạc hiện nay của Việt Nam?
Chánh Hiệp: Để em giới thiệu anh Hòa, anh Hòa sẽ trả lời câu hỏi của anh.
Vũ Hoàng: Chào Hòa.
Hòa: Theo em khi khảo sát thị trường, vì em làm truyền thông, trước khi tổ chức chương trình, em đều tìm hiểu các đối tượng để chương trình mình tổ chức có thể thành công. Em thấy là đa số người ở Việt Nam còn định kiến với những người chơi nhạc rock không tốt, thí dụ, hình xăm, thuốc lá… những tệ nạn, thường họ có thành kiến với dòng nhạc này, đồng thời, dòng nhạc này cũng kén người nghe, không phải ai cũng có thể nghe được nhạc đó. Underground là do một số bạn trẻ tìm tòi văn hóa của ngoại quốc thì mới hiểu được cái hay của dòng nhạc mà họ theo đuổi để bám trụ với đam mê. Dòng nhạc này cũng cần sự đầu tư và hỗ trợ. Thứ nhất là không có người nghe, thật ra là không nhiều người nghe, nhiều người không có điều kiện để đầu tư dụng cụ để chơi và cọ xát. Thứ hai là việc tìm hiểu nâng cao bản thân bị hạn chế, vì vậy, đa số anh em chơi với nhau chỉ quanh quẩn trong cộng đồng underground với nhau mà thôi.
Vũ Hoàng: Nếu vậy mình phải có một biện pháp gì đó trong dài hạn, chẳng hạn, như Chánh Hiệp lúc nãy có nói là đi gieo mầm ở các vùng miền khác nhau, ngoài những biện pháp như vậy ra thì mình cần phải có một điều gì về lâu về dài đối với những người tổ chức như mình mới có thể giữ được cái đam mê, chất united về lâu dài được chứ?
Lê Thiện Di: Lúc nãy anh Chánh Hiệp có nói đến truyền thông và hình ảnh của các bạn khán giả khi nhìn nhận về rock thường xấu xí. Lần này, tụi em muốn phát rộng ra những hình ảnh và góc nhìn mới, góc nhìn không chỉ đơn thuần là hình xăm hay là bạo lực…vì vậy, tụi em đang cố gắng thay đổi hình ảnh. Thứ hai là tụi em khai thác các kênh truyền thông, sau lần này, tụi em cố gắng hết sức khai thác để hướng tới nhiều loại khán giả khác nhau để họ có cái nhìn và hiểu biết hơn về dòng nhạc và loại nhạc mà chúng em đang chơi. Với những nỗ lực như vậy, tụi em hi vọng là sẽ lôi kéo được khán giả mới cũng như quan niệm cũ của khán giả về rock nói chung và nói riêng.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn các bạn và hi vọng sân chơi Hardcore United sẽ thành công trên khắp mọi miền đất nước.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 17/08/2014 lúc 08:40:52(UTC)
| Lý do: Chưa rõ