Ở những quốc gia tiên tiến như Canada và Mỹ, ngày nay nuôi một bé thơ tới tuổi trưởng thành tốn kém vô cùng và
cha mẹ muốn có con phải hy sinh phần lớn hạnh phúc của đời mình. Những bé thơ, được gọi là “bé triệu đô”
(million dollar babies), như nhà báo Tamsin McMahon so sánh trên tờ MacLean số đầu tháng 10, 2013, đã biểu lộ
phần nào công cha nghĩa mẹ mà xưa kia cổ nhân ta ví “như núi Thái sơn và nước trong nguồn”.
Câu chuyện hy sinh hạnh phúc bản thân để nuôi con!
Đôi vợ chồng Elisa và Dave Santiago mua một condo hai phòng ngủ và một gian xép ở trung tâm thành phố Toronto
vào năm 2009 với ý nguyện xây tổ ấm hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng ở chưa nóng chỗ, Elisa phát giác mình có
thai và rồi hai bé gái xinh xắn song đôi ra đời, một bé có tên Micah và bé kia có cái tên mỹ miều là Yuma. Đôi vợ
chồng trẻ cảm thấy hạnh phúc tràn đầy nhưng mối lo âu xuất hiện. Giữa lòng thành phố lớn như Toronto, sinh hoạt
đắt đỏ trăm bề thì thêm hai đứa nhỏ trong một tiểu gia đình, cha mẹ không thể không cảm thấy áp lực kinh tế gia
tăng đáng sợ.
Elisa, 35, chỉ là một chuyên viên chữa bệnh theo phép naturopath (tự nhiên liệu pháp) tự mở văn phòng chẩn đoán,
tự mình làm chủ, nên khi sinh không được hưởng phúc lợi sinh nở nào cả. Còn ông chồng, Dave, 36, lại mới bỏ một
công việc kế toán lương cao để mở một văn phòng cố vấn nhưng bước đầu chưa có khách. Đồng lương không ổn
định, bây giờ phải xoay xở ra sao? Cặp này quyết định bán condo cho dù tiếc hùi hụi, để quay về bên ngoại nương
náu qua thời kỳ kinh tế khó khăn lại dưới nách có hai con thơ.
Dù Elisa giải thích việc về ở với mẹ để hy vọng mẹ đỡ một tay nuôi hai công chúa bé bỏng nhưng thực sự biện
pháp này còn giải quyết được khó khăn tài chính.
Cứ thử tính nhẩm thì biết. Tiền giữ trẻ, tùy từng nơi, có thể lên tới hằng tháng 2000 Gia kim cho một đứa. Còn tiền
mortgage và bảo trì mỗi tháng cũng phải chi gần 3000 Gia kim. Nào ngờ condo nơi xây dựng tổ ấm giờ đây trở
thành gánh nặng cho đôi vợ chồng trẻ. Thôi thì bye, bye condo cho xong! Elisa tâm sự: “Bỏ thương, vương tội. Còn
chọn lựa khác nữa đâu!”
Vợ chồng Santiago mới cảm nhận nỗi nhức nhối mà gần sáu triệu người Canada có con cái bên hông, đã nếm trải
từ lâu. Tốn phí nuôi con ngày nay đã lên cao tới mức khó tưởng tượng. Trong một xã hội khi cha mẹ nghĩ rằng việc
mua nhà là một kế hoạch quan trọng xây dựng gia đình, thì tốn phí cho nhà cửa trong thành phố đã lên cao tới tột
đỉnh, và đã đẩy một gia đình có hai đầu lương tới mức kiệt quệ. Thêm con nghĩa là thêm gánh nặng: Tiền giữ trẻ
(daycare), giờ đây trong một vài vùng, tốn phí chẳng khác tiền mortgage mấy tí. Thù lao, tính theo giờ, thuê người
giúp việc (nannies) và coi trẻ (babysitters) đã gia tăng gấp đôi. Tiền dành đầu tư cho việc học của con cái cũng tiếp
tục nhích lên. Hiện giờ người ta không ngạc nhiên khi thấy cơ quan Thống kê Canada (Statistics Canada) cho rằng
cha mẹ có con nhỏ ở Canada ngày nay gánh nợ tới mức 180 phần trăm tiền kiếm được sau khi đã trừ thuế, còn
vượt hơn tỷ số nợ 161 phần trăm, một mức trung bình toàn quốc đã kể là cao. Do đó “đa tử đa tôn” không còn là
phú quý mà là mối đe dọa cho bậc cha mẹ ngày nay.
Tốn phí bao nhiêu để nuôi dưỡng một đứa trẻ là đề tài gây ra nhiều tranh cãi.
Tháng trước (9/2013) viện Fraser Institute (tên một viện nghiên cứu kế hoạch của Canada) công bố một kết quả
nghiên cứu cho rằng phải tốn phí từ 3000 tới 4000 Gia kim mỗi năm hay 72.000 Gia kim nuôi trẻ tới 18 tuổi. Nhưng
con số này không tính tới tốn phí nhà ở và trông coi trẻ. Trong khi ấy, theo nghiên cứu của MoneySense (một tạp
chí chuyên đầu tư của Canada) trong năm 2011 thì tốn phí sẽ tới hơn 243.600 dollars hay gần với con số mà Bộ
Canh nông Mỹ (US Department of Agriculture) đưa ra là 241.080 Mỹ kim.
Nhưng John Ward, một kinh tế gia ở Kansas, cho rằng ngay cả những con số trên vẫn không tính đủ tốn phí nuôi trẻ
vì chưa kể tới các tốn phí xã hội (societal costs) như thuế sở hữu nhà cửa mà các chủ nhà phải đóng để để duy trì
giáo dục công cộng. Trong khi tính tới tốn phí nơi ở khi gia đình thêm người, thì đã không kể tới các khoản tốn phí
khác như dành dụm để cho con vào đại học sau này. Thế mà học phí đại học cho bốn năm ở Canada hiện nay đã là
40.000 dollar và khi trẻ tới tuổi vào đại học thì tốn phí có thể lên tới 110.000 Gia kim kể cả sách giáo khoa và các
phương tiện học tập khác.
Nuôi trẻ cha mẹ còn chịu nhiều tốn phí khác. Nếu mang số tiền dành nuôi dưỡng trẻ cho tới tuổi 18 mà đầu tư hay
để dành, chỉ cần tính lợi tức 5 phần trăm, thì con số lên tới 280.000 dollars. Còn nữa, có con thì thường một bậc
hoặc cha hoặc mẹ phải nghỉ việc trông con. Ward đưa ra một thí dụ: “Nếu mẹ là luật sư phải tạm nghỉ việc trong
bốn, năm năm trời, thì gia đình phải bỏ nguồn lợi nhuận có thể từ 60.000 tới 100.000 đô la mỗi năm để giúp trẻ có
thể tới tuổi đi học.”
Statistics Canada ước lượng ngay cả những bà mẹ làm việc toàn thời gian thì so với phụ nữ không con có thể kiếm
tiền ít hơn tới 12 phần trăm. Trong 18 năm nếu lương hằng năm 50.000 dollars có thể vì con cái mà lợi tức mất
trắng 108.000 dollars.
Ward ước lượng mọi tốn phí cho việc nuôi một đứa trẻ cho tới 18 tuổi ở Mỹ vào khoảng 700.000 Mỹ kim, hay xấp xỉ
900.000 Mỹ kim tới tuổi 22. Ước lượng này phản ánh thực tế với gia đình ngày nay.
Tính toán ở Canada cũng gần con số này, tổng số phí tổn nuôi con cho tới tuổi 18, trong đó kể cả thất thoát lợi
nhuận, tiền tiết kiệm không thể đầu tư và tốn phí cho con theo đuổi đại học thì cũng tới con số hơn 670.000 dollars.
Còn ai muốn có hai con thì số tiền đầu tư cho chúng sẽ ngốn hơn 1 triệu dollars.
Do đó, người ta không ngạc nhiên khi gia đình trẻ Canada chịu nhiều áp lực tài chính hơn các gia đình khác trong
xứ. Statistics Canada cho biết vợ chồng có con chỉ chiếm ước chừng 30 phần trăm tổng số gia đình cả liên bang,
nhưng số nợ nhiều hơn phân nửa số nợ của tất cả các gia đình trong nước.
Trong một nghiên cứu, viện Vanier Institute (Vanier Institute of the Family) cho biết, ở mức bình quân, một gia đình
điển hình Canada tốn từ 1000 tới 1.200 dollars mỗi tháng để cho một trẻ hai tuổi tới nhà trẻ toàn thời gian, tương
đương với số tiền trả nợ ngân hàng nếu mua một căn nhà trị giá 360.000 dollars với điều kiện thanh toán trong 25
năm. Nora Spinks, tổng giám độc điều hành của viện, nhận xét: “Trong một số trường hợp, tiền giữ trẻ ngang bằng
tiền thuê nhà. Đối với nhiều gia đình thì tình trạng này là gánh nặng khó mang”.
Điều này càng xác đáng vì tìm nơi giữ trẻ do chính quyền bảo trợ không phải dễ dàng. Vanier Institute tiết lộ sau
một cuộc điều tra, chỉ có chỗ dành cho 22 phần trăm trẻ em Canada dưới 6 tuổi. Vì thiếu nơi giữ trẻ chính thức đã
đẩy kỹ nghệ thuê mướn người săn sóc và giữ trẻ tăng cao. Trong khoảng thời gian từ 1998 và 2012, số nhân viên
dùng trong kỹ nghệ chăm sóc trẻ ở Canada tăng 65 phần trăm, từ 20.800 tới 34.400, trong khi xét mọi lãnh vực của
nền kinh tế Canada mức gia tăng chỉ có 28 phần trăm.
Tiền công trong khu vực này cũng tăng gấp đôi, từ 6.87 đô mỗi giờ lên 11, 74 đô, một tỷ lệ gia tăng vượt mức lạm
phát và mức tăng lương bình quân của công nhân viên trên khắp Canada.
Theo CanadianNanny.ca, lương tối thiểu cho người giúp việc ở luôn trong nhà từ 19.000 tới 21.000 dollars mỗi
năm, không kể được ăn ở không tốn tiền. Tình trạng trên dẫn tới hệ lụy là nhiều trung tâm daycare không có giấy
phép, kiểu “nhà trẻ tư gia” (home-based centre) xuất hiện, và những gia đình nghèo không kiếm được nơi gửi trẻ
chính thức đành phải mang con tới gởi trong phập phồng lo âu dù phải trả trung bình mỗi tháng 550 Gia kim.
Tình toán của đôi vợ chồng ở BC
Vợ chồng Sarah và Chris Jefferies ở Victoria có hai con, bé trai Jackson 4 tuổi và bé gái Emma 10 tháng, tâm sự
tốn phí nuôi con không phải là điều không dự trù nhưng không ngờ có những hao tốn ngoài dự liệu, chẳng hạn mỗi
tháng phải tốn 100 Gia kim cho thể thao, 50 Gia kim cứ ba tháng một lần cho tiền bơi lội, cho con đi chơi, mua đồ
chơi cho trẻ… Khi chúng bệnh phải nghỉ việc ngoài những ngày bệnh của bản thân nên không được trả lương. Còn
khi trung tâm giữ trẻ đóng cửa hai tuần thì mẹ phải ở nhà trông con và nhịn đủ thứ, tiết kiệm đủ thứ!
Bà cũng tâm sự, bé Emma ra đời, tiền giữ trẻ cho hai đứa đang từ 800 tăng gấp đôi thành 1600 dollars mỗi tháng,
còn cao hơn cả tiền thuê căn hộ “townhouse” ba phòng ngủ. Còn phải đầu tư cho chúng trong tương lai về mặt giáo
dục, nghĩa là phải dành cho mỗi đứa 40.000 Gia kim, nói cụ thể là mỗi tháng phải để ra 200 Gia kim cho vào quỹ
RESP.
Tính đi nhẩm lại, gia đình Jefferies ước chừng họ chi tiêu gần 32.000 Gia kim mỗi năm cho việc nuôi dưỡng trẻ,
tương ứng với số 672.000 Gia kim trong 21 năm, ấy là không kể tiền nhà, tiền chuyên chở, tiền ăn uống, ước chừng
khoảng gần 34.000 Gia kim cho hai bé. Bản thân cha mẹ còn phải trả nợ học hành và lâu lâu đi nghỉ hè! Ôi, đành
giật gấu vá vai!
Mức tốn phí nuôi trẻ tăng cao dẫn tới mức suy thoái về tỷ lệ sinh nở ở các quốc gia kỹ nghệ, và dù chính phủ có
khuyến khích phụ nữ sinh đẻ cho nhiều nhưng xem ra chính sách này không mấy thành công. Từ 1960, tỷ số hứa
hẹn sinh con của nữ giới Canada đã giảm từ 3,81 đối với một người nữ xuống 1,63. Trong khi chính quyền cho
rằng tỷ số sinh sản thấp có hại cho kinh tế vì thiếu nhân công trong lực lượng lao động cần thiết cho một quốc gia
tiền tiến. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, như Lauren Sandler, tác giả cuốn sách mới xuất bản tháng 06, 2013: One
and Only: the Freedom of Having an Only Child and the Joy of Being one (Chỉ một mà thôi: Có một con sẽ có tự do
và nguồn vui). Cây viết Sandler lý luận, ít con là có lợi cho kinh tế vì xã hội có thể tập trung số tiền dành cho trẻ vào
số ít đối tượng thì có lợi cho chúng hơn nhiều. Tác giả này viết: “Nếu ta có ít con, chúng sẽ được giáo dục đàng
hoàng hơn và khả năng thành công của chúng trong sự nghiệp sau này nhiều hơn”.
Các nghiên cứu còn cho thấy cha mẹ đời nay chi tiêu nhiều cho con cái hơn thế hệ hệ trước.
Nghiên cứu mức chi tiêu của gia đình có con cái vào năm 1972 cho thấy cha mẹ thường chi tiêu tương đối ít đối với
trẻ dưới 6 tuổi và với thiếu niên trên 19 tuổi. Mức chi tiêu lúc ấy tập trung vào nhóm trẻ tuổi teen đang chuẩn bị vào
đại học hay đi làm. Nhưng nghiên cứu vào năm 2007 cho thấy sự chi tiêu có chiều hướng ngược lại. Ngày nay, cha
mẹ chi tiêu nhiều cho con cái ở tuổi ấu thơ và thanh niên ở tuổi đại học, khiến cho mức chi tiêu về giữ trẻ và giáo
dục gia tăng.
Điều này có thể giải thích. Càng ngày số thanh niên ngoài 20 chưa lập gia đình còn ở lại với cha mẹ càng đông, với
tỷ số gia tăng trong nhóm ngoài 20, còn ở với song thân, đã tăng từ 27 phần trăm trong năm 1981 lên tới 42 phần
trăm trong năm 2011.
Một cuộc thăm dò do Leger Marketing thực hiện cho CIBC vào mùa hè vừa qua cho thấy hơn một phần ba cha mẹ
có con dưới 25 tuổi ở với mình, cho tiết họ phải hoãn kế hoạch dưỡng già để giúp con cái tiếp tục học bậc đại học.
Xài tiền cho con tăng nhanh hơn trong những gia đình lợi tức thấp so với gia đình giàu có, chỉ vì ở đẳng cấp trung
lưu sự cạnh tranh tìm việc làm mỗi lúc trở nên thêm mãnh liệt, nên đầu tư giáo dục không đủ cho con là điều cha
mẹ trung lưu không muốn. Nghiên cứu cho thấy trong năm 2007 cha mẹ có lợi tức thấp đã chi tiêu 14 phần trăm thu
nhập của mình cho con cái về giáo dục, quần áo, giữ trẻ trong khi vào 1972 thì mức này chỉ ở 4,5 phần trăm mà
thôi.
Thực tế, cha mẹ giàu cũng phải chi ra cho con cái nhiều hơn trước vì sợ con cái mình sẽ thất thế không tìm được
nơi ngon lành trên vận trình như bản thân mình và sẽ kém cạnh so với con cháu những người thượng lưu kề vai sát
cánh với chúng.
Nhưng đông con dù hy sinh nhiều, cha mẹ có vui hay không? Càng ngày càng có nhiều cha mẹ cho rằng họ rất vui
với con cái. Các tâm lý gia đã khám phá ra điều này: cha mẹ chấp nhận sinh con không hề tính toán trước xem mình
phải tốn phí bao nhiêu và có lợi cho mình như thế nào mà quyết định “có baby” là quyết định tình cảm, của con tim.
Có thể sau khi sinh đứa thứ nhất, cha mẹ mới xét lại hoàn cảnh mình, về tài chính, công việc và sức khỏe… rồi mới
tính toán xem có nên sinh đứa thứ hai hay thứ ba hay không. Nhưng dù sao tình cảm vẫn là yếu tố quyết định tăng
gia sinh sản.
Thôi thì, nghèo mà vui!
Chu Nguyễn