Biến đổi khí hậu : Báo động đỏ khắp nơi Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu khai mạc ngày 26/11 tại Doha (Reuters)Hai ngày trước lễ khai mạc thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Doha (Qatar), hôm nay 24/11/2012, Le Figaro đăng bài « Khí hậu : Các tín hiệu báo động khắp nơi đều đỏ ». Liệu hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 này có đạt được một thỏa thuận quốc tế mới, cho phép hạn chế nhiệt độ gia tăng trên hành tinh chúng ta hay không ? Le Figaro điểm qua một số thách thức đối với hội nghị này.
Bài viết trên Le Figaro mở đầu với lời phát biểu ngắn của tổng thống Mỹ, mang lại niềm hy vọng, ngay sau khi tái đắc cử: « Chúng ta không muốn con cháu chúng ta phải sống trong một thế giới bị đe dọa bởi việc trái đất bị hâm nóng », trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa trải qua nhiều thiên tai gây thiệt hại nặng, như cháy rừng, bão lốc... Tuy nhiên Le Figaro đặt câu hỏi : liệu việc Hoa Kỳ quan tâm trở lại đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể thúc đẩy các thương thuyết quốc tế hay không ?
Từ khắp nơi, các tín hiệu báo động đỏ dồn dập gửi về : từ Châu Âu, Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, từ các nhà khoa học… Các báo động nhắc nhở rằng, nếu chúng ta không kiên quyết giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (GES), khí CO2 hay methane, thì nhiệt độ trái đất sẽ tăng lên rất nhanh, nhanh hơn nhiều so với dự kiến.
Hiện tại, công cụ duy nhất của quốc tế về mặt pháp lý để giới hạn khí thải gây hiệu ứng nhà kính là Nghị định thư Kyoto, sẽ tới hạn vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Nhật Bản, Canada và Nga đã cho biết sẽ không ký tiếp cho việc triển hạn chế tài pháp lý này. Chỉ có Châu Âu, Úc, Thụy Sĩ và Na Uy là sẵn sàng. Mà, tất cả khối các nước này chỉ chịu trách nhiệm có 15% lượng khí thải toàn cầu.
Hội nghị Doha sẽ được coi là thành công, nếu như nó thực hiện được các bước tiến đầu tiên hướng về một thỏa ước mới toàn cầu chống biến đổi khí hậu, định hình vào năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2020. Khuôn khổ pháp lý của thỏa ước và sự chia sẻ trách nhiệm giữa các quốc gia là hai vấn đề chủ yếu của các đàm phán tại Doha. Nhà kinh tế học Nicholas Stern nhấn mạnh rằng : « Việc giảm bớt lượng khí thải mang lại các cơ hội lớn cho sự tăng trưởng. (…) thúc đẩy một thời kỳ đầy sáng tạo và cách tân của cuộc cách mạng công nghiệp, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các nước nghèo ».
Về chủ đề này, tờ La Croix có loạt bài giới thiệu để hiểu về hội nghị thượng đỉnh Doha. La Croix nhấn mạnh đến mong muốn của Châu Âu đạt được một thỏa ước mang tính bó buộc, với sự tham gia của các nước thuộc nhóm « đang phát triển » hay « đang trỗi dậy ». Đây là điều khó khăn, vì Trung Quốc và Hoa Kỳ - hai nước gây ô nhiễm chính - cho đến nay vẫn không muốn tham gia. Cộng đồng quốc tế hy vọng báo cáo kỳ tới của nhóm chuyên gia về biến đổi khí hậu Giec vào năm 2014, để đánh động công luận, trước khi tái khởi động các đàm phán.
Hơn 2/3 diện tích rừng có nguy cơ bị hủy diệt vì trái đất nóng lên
Cũng liên quan đến biến đổi khí hậu, Le Monde có bài : « Hai phần ba cây cối trên thế giới có nguy cơ bị hủy diệt », với nhận định, rừng – lá phổi của hành tinh - dễ bị tổn thương hơn nhiều trước các biến đổi khí hậu so với các dự đoán khoa học.
Kết luận gây chấn động kể trên rút ra từ một nghiên cứu khoa học đầu tiên về hiện tượng này trên quy mô toàn cầu. Nghiên cứu do Viện nông học Pháp tiến hành, cùng với các đại học Western Sydney (Úc) và Ulm (Đức), được công bố trên tạp chí khoa học Nature (đưa lên mạng ngày 21/11), cho thấy « sức khỏe » của 70% cây cối trên hành tinh hiện nay đang ở trong tình trạng hết sức bấp bênh. Điều này đúng với thực vật ở các khu vực khác nhau, từ vùng nhiệt đới đến vùng ôn đới.
Nhà nghiên cứu Hervé Cochard, Viện Nông học Pháp tóm lại tình trạng sức khỏe đáng lo ngại này như sau : « Tất cả cây cối và tất cả rừng trên trái đất liên tục sống trong tình trạng đe dọa bị kiệt nước. Cần phải có một sự phối hợp toàn cầu để có giải pháp cho các hệ sinh thái bị khô kiệt ».
Điều chủ yếu được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ trong nghiên cứu này là hiện tượng nghẽn mạch của nhựa cây. Trong trường hợp khô hạn, để chống lại việc thiếu nước, cây buộc phải gia tăng tốc độ bơm nhựa ra các cành. Tốc độ bơm nhựa càng cao, thì càng có nhiều nguy cơ xuất hiện các bóng khí trong « hệ thống mao mạch » của cây. Sự hình thành các bóng khí cản trở sự lưu thông của nhựa cây. Nghiên cứu cho thấy, các vùng rừng khác nhau trên trái đất đều ở gần mức giới hạn của sự chịu đựng.
Nhiệt độ nóng lên cũng khiến cây khép lại các lỗ khí, để tránh mất nước. Cũng vì thế mà cây không còn hút được CO2 và quá trình quang hợp bị ức chế, cản trở việc tạo ra dưỡng chất nuôi cây. Cây buộc phải hút kiệt những chất dự trữ cho đến khi kiệt sức. Quá trình hủy diệt của cây còn bị gia tăng bởi sự tấn công của các loài ký sinh….
Hiển nhiên là cây cối có khả năng thích nghi với việc khí hậu nóng lên, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, 40% nhóm các cây rộng lá đã vượt quá mức chịu đựng thông thường, và chỉ có 6% các cây có quả hình nón là còn có thể chịu đựng được việc nhiệt độ tăng lên. Cây lá rộng và cây hình quả nón là hai nhóm cây chủ yếu trên trái đất.
Theo Le Monde, phát hiện bất ngờ gây ngạc nhiên này dẫn đến việc phải xem xét lại các kịch bản về những thảm họa có thể xảy ra, mà cho đến nay vốn chưa được giới khoa học tính đến. Việc cây cối chết đi nhanh hơn tốc độ dự kiến là những mối đe dọa mới
Source: RFI
Sửa bởi người viết 24/11/2012 lúc 11:04:54(UTC)
| Lý do: Chưa rõ