Ðọc “Ðèn cù” của Trần Ðĩnh tôi mới hiểu ra lịch sử của cái gọi là “Nhà hạnh phúc,” một gian nhà tranh nhỏ được cất
ra dành cho những người trong cơ quan Cộng Sản để tiếp vợ hay chồng đến thăm viếng ngủ qua đêm, một sáng
kiến của ông Trường Chinh.
Lúc bấy giờ ở “an toàn khu” Việt Bắc, ông Dương Ðức Hiền, tổng thư ký đảng Dân Chủ (1), đi thăm vợ ở Hội Phụ
Nữ của đảng, cả hai phải đem nhau ra bìa rừng. Một ông lão trong bản ngang qua, trông thấy, than vãn là thương
chúng nó phải “đè nhau ở lưng đồi thế kia,” mà ông tổng thư ký đảng lại còn ngóc đầu lên “chào cụ” cho đủ bài bản
dân vận, “đi thưa về trình.”
Câu chuyện không ai ngờ là mãi 35 năm sau, “Nhà hạnh phúc” lại được cất lên trong trại “cải tạo,” lần này không biết
sáng kiến của ai, để cho tù cải tạo ngủ với vợ ra thăm. Những người trong nhà tù trên bảy năm, may ra mới thấy mặt
mũi cái “motel dã chiến” này, thời gian đã có những phái đoàn báo chí ngoại quốc đến thăm trại tù, còn từ năm
1980 trở về trước, đang còn hận thù sâu sắc, Bộ Nội Vụ (sau này đổi tên là Bộ Công An) chẳng có thời giờ nghĩ đến
chuyện này, những chuyến thăm viếng cho phép vợ chồng gặp gỡ chớp nhoáng, có sự giám sát của cán bộ và
chưa có chuyện cho vợ thăm tù được ở lại ngủ qua đêm với chồng.
Câu chuyện xây dựng “Nhà hạnh phúc” ngay trong trại tù để cho tù “cải tạo” ngủ với vợ, xem ra như là một chuyện
nhắm mục đích tuyên truyền với bá tánh rằng đảng ta hết sức nhân đạo khoan hồng. Mãi đến năm 1981 khi chúng
tôi được chuyển trại về Nam, một vài trại tù thuộc khu Z30D và Z30C (Hàm Tân) mới bắt đầu lục đục bắt tù kéo
tranh, nứa, gỗ... về cưa đục, khẩn trương xây dựng “Nhà hạnh phúc” cho vợ ra thăm tù được ngủ lại đêm với chồng.
Nhưng không phải tù nhân nào có vợ ra thăm cũng đều được trại chiếu cố khoan hồng nhân đạo, nếu như vậy phải
xây hàng nghìn căn nhà, hay một trại có những dãy giường để người ta có thể làm tình tập thể.
Tù “cải tạo” học tập tốt, lao động tốt, được bầu bán là cải tạo tiên tiến may ra mới được chiếu cố cho thêm một
phiếu quà, tức là được phép ăn thêm quà nhà, còn như được ngủ với vợ qua đêm phải là loại tù “xuất sắc” được
phê chuẩn từ ban chỉ huy trại, phải là loại “văn hóa, thi đua” mẫn cán, hay ăn ở được lòng cai tù.
May ra 1,000 anh tù “cải tạo” mới có một anh được hưởng cái “hạnh phúc” đêm thăm nuôi ngủ “ngoài chuồng” với
vợ, tức là không phải vào ngủ trong những căn nhà tù có điểm danh và được canh gác cẩn mật bởi vệ binh.
“Nhà hạnh phúc” là ngôi nhà một gian, làm bằng toàn tre nứa, may ra chỉ đủ kê một cái giường nhỏ, phần còn lại dư
chỗ cho một cái bàn, một cái ghế. Không nghe nói gian nhà có bếp hay có chỗ để một cái lu nước với một cái gáo
hay không, phần này tôi nghĩ là tù “hạnh phúc” có thể “khắc phục” được. Ngôi nhà nhỏ được xây cất gần bộ chỉ huy
trại nhưng nằm ngoài phạm vi trại tù có lính canh. Nhà lợp mái, vách trát bùn xong rồi, nhưng tù cũng chưa nghe
thông báo gì về tiêu chuẩn ai được ngủ, ai không, để tù có thi đua, ráng sức, may ra ngàn năm một thuở, vượt qua
số phận của anh em để ngủ với vợ nhà một đêm.
Sau đó, thỉnh thoảng một vài tuần, lại nghe một anh đội trưởng hay thi đua có vợ ra thăm, được phép cắp chăn chiếu
lên ngủ ở nhà hạnh phúc. Sáng hôm sau, anh tù được đặc ân ấy ở nhà một ngày bồi dưỡng lại sức lực, bẽn lẽn nhìn
anh em, còn bà vợ có mở cửa ra về lúc gặp đoàn tù xếp hàng đi làm, ăn nói xỏ xiên, thì che nón cúi gầm mặt, đi
thẳng. Mặt khác, đối với những người có chồng đi “cải tạo” cùng hoàn cảnh, sẽ nhìn người đàn bà vừa ra khỏi ngôi
nhà kia với những ánh mắt như thế nào. Cũng như những người tù chung trại nhìn chồng bà, tôi không nghĩ là họ có
lòng ganh tỵ hay thèm khát địa vị của những người đã ngủ qua đêm trong ngôi “Nhà hạnh phúc” ấy.
Tuy vậy, không phải không có những người chạy chọt, lo lót để được đặc ân ngủ qua đêm với vợ trong trại tù bằng
nhiều cách, như đem hết quà cáp gia đình gửi, lên nhà bếp cán bộ trại, hay lót tay quản giáo. Ranh giới giữa “học
tập tốt, lao động tốt, an tâm tin tưởng vào đường lối khoan hồng của cách mạng” và những người “nín thở qua
sông” khá mong manh, khó ai mà cân đo được.
Riêng người đàn bà vợ tù, “chẳng may” thụ thai sau cái đêm trùng phùng ấy, biết ăn nói, giải thích ra sao với gia
đình, lối xóm nên bộ chỉ huy trại tù đã chu đáo cấp cho một cái giấy chứng nhận ngày tháng, bà này có được ngủ với
chồng qua sự khoan hồng, nhân đạo của đảng và chính phủ, có đóng con dấu đỏ và chắc chắn là có mấy chữ độc
lập tự do, hạnh phúc kèm theo. Ðó là nói về lý, nhưng về tình, làm sao khỏi miệng tiếng ở đời, khi người đàn bà có
chồng đi “cải tạo” chưa thấy về mà bụng thì mỗi ngày mỗi lớn. Một đêm hạnh phúc, nhưng có những đến “chín
tháng mười ngày” xót xa.
Phần ông chồng, được “đặc ân” ngủ với vợ, dù chỉ một đêm, trong khi bạn bè, chiến hữu mình nằm san sát nhau
trên sạp tre cách đó không xa, hẳn cái “hạnh phúc” này cũng không trọn vẹn. Vả lại, được hưởng đặc ân này, người
tù phải có “công trạng” ra sao, hay phải lo lót, quà cáp tới mức nào để đưa vào danh sách được ngủ trong ngôi nhà
mang tên “hạnh phúc.”
Và đứa con, được thụ thai trong cái nhà tù xa xôi giữa núi rừng ấy, trong đêm, giữa tiếng kẻng đổi phiên của cai tù,
lớn lên sẽ nghĩ sao về sự ra đời của mình?
Một cựu sĩ quan VNCH, vốn là con trai độc nhất của gia đình, khi anh lớn lên, người mẹ thường trông chờ con lấy vợ
để sinh cho bà một đứa cháu nối dõi, nhưng chiến tranh đã đưa anh đi xa, không có cơ hội lập gia đình. Ðầu năm
định mệnh 1975, nghe lời mẹ, anh lấy vợ. Lấy vợ chưa được bao lâu thì quân đội tan hàng, anh khăn gói đi tù. Cuộc
đời tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản không hy vọng và không biết được thuở nào ra, nhất là đối với một sĩ quan
tác chiến có “nợ máu” như anh.
Qua bảy năm ở trong tù, thương nhớ vợ thì ít, mà xót xa nghĩ đến mẹ già đau yếu, mỏi mắt chờ con thì nhiều. Khi
biết được có “chế độ” ngủ qua đêm tại “Nhà hạnh phúc,” anh đã tìm cách liên lạc với gia đình, để có phương tiện
đút lót hầu có chút cơ may mang về cho mẹ một đứa cháu, thì dù phải chết trong tù, anh cũng yên tâm. Ðến ngày
hẹn gặp vợ, anh cũng mong đợi từng ngày và hy vọng làm tròn bổn phận của một đứa con chưa tròn đạo hiếu, và
bỏ qua tất cả những lời dị nghị, xì xầm của bạn bè trong nhà tù.
Lâu ngày vợ chồng gặp nhau, sau một vài giờ mừng rỡ, tưởng chừng như câu chuyện không bao giờ dứt. Khi tiếng
kẻng của trại nhắc nhở giờ ngủ, anh cũng háo hức nghĩ đến chuyện ái ân. Họ hôn nhau những nụ hôn vụng về, và
anh lần lượt gỡ bỏ bộ y phục mà anh còn nhớ rõ bảy năm về trước, được người vợ mang theo. Trên vạt giường tre,
anh đau xót khi thấy thân thể vợ qua nhiều năm nghèo đói, tuyệt vọng, thương nhớ. Hai cánh tay chị khẳng khiu,
xương vai nhô cao. Hai bầu vú đầy đặn năm xưa không còn nữa, hai núm vú như muốn lặn sâu vào lồng ngực. Cái
bụng thiếu ăn sát xuống giường và hai đầu xương hông gầy guộc nhô cao. Anh yên lặng ôm vợ vào lòng và mặc
cho hai hàng nước mắt tuôn chảy, chị cũng khóc theo, cả hai đều thương xót cho số phận của nhau.
Mười bảy năm tù, khi anh trở lại nhà thì mẹ anh qua đời, chưa có được một lần gặp mặt con trai và đứa cháu mà bà
hằng mong đợi. Khi trở về thì anh chị đã quá già, tương lai vô định, họ không nghĩ đến chuyện có một đứa con.
Những ngôi “Nhà hạnh phúc” lập ra cho các bộ đội “cụ Hồ,” cho những cơ quan xa thành phố ngày trước của Cộng
Sản, may ra còn có thể hiểu, nhưng những ngôi “Nhà hạnh phúc” được bày trò ra trong các “trại cải tạo” sau năm
1980, như một đặc ân cho người thất thế, mang nỗi đau đớn của phận người, trông nhếch nhác, bẩn thỉu và mỉa mai
vô cùng.
(1) Ðảng làm“kiểng” do ông Trường Chinh lập ra và cơm gạo thì do ông Nguyễn Lương Bằng, phụ trách tài chánh,
cấp.
Tạp ghi Huy Phương