Run Tay
Chào bác sĩ,
Năm nay tôi 63 tuổi. Từ hơn năm nay, bàn tay trái của tôi cứ bị run, nhất là khi tôi dơ tay cầm một vật gì. Tôi đã đi bác sĩ khám bệnh và bác sĩ cũng cho thuốc uống. Khi uống thuốc thì có bớt rung, nhưng chiều chiều lại rung nhiều.
Bác sĩ vui lòng cho biết tại sao lại run như vậy. Tôi có hỏi bác sĩ, nhưng vì tiếng Anh tôi cũng không khá lắm cho nên không hiểu rõ.
Ngoài ra có người bạn nói tôi bị thiếu vitamin và bảo tôi uống thêm vitamin, liệu có đúng không.
Cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Hương
Thưa bà,
Run tay chân là chứng bệnh mà tiếng Anh gọi là Tremor hoặc Shaking Movement. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào kể cả nam lẫn nữ, nhưng thường thấy hơn ở người tuổi cao. Chúng tôi sẽ nói rộng hơn về bệnh này để độc giả thêm hiểu biết, trước khi trả lời riêng cho câu hỏi của bà.
Run là một chuyển đông nhịp nhàng, không chủ động tức là mình không kiểm soát được của một bộ phận nào đó trong cơ thể như bàn tay, cánh tay, đầu, mặt, thân mình và chân. Run thông thường nhất là ở 2 bàn tay.
Đây là dấu hiệu của nhiều rối loạn thần kinh nhưng cũng thấy ở người lành mạnh.
Bệnh không gây nguy hiểm nhưng người bệnh cảm thấy bối rối và đôi khi không làm đựoc các sinh hoạt hàng ngày như và cơm vào miệng, cài khuy cúc quần áo, đánh răng, cầm một vật gì hoặc khi đi đứng.
Các hình thức run
Run chân tay có nhiều dạng khác nhau như:
-Run khi cơ bắp nghỉ và hết run khi cơ bắp co ruỗi làm một động tác nào đó
-Run khi cơ bắt đầu làm một công việc nào đó, như cài cúc áo, dơ tay cầm một vật gì, như cầm ly uống nước
-Run khi tay giữ ở một vị thế nào đó trong một thời gian lâu, như là cầm bút viết cả giờ đồng hồ hoặc hai cẳng chân run run khi đứng lâu.
Có người đầu run giật lên xuống hoặc lắc lắc ngang lắc dọc như khi gật đầu có có, lắc đầu không không hoặc khi đưa ngón tay gãi sống mũi thì tay run run không đụng tới mũi được…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra run tay chân nhưng thông thường nhất là nhóm run mà không biết nguyên nhân do di truyền.
Ngoài ra run còn thấy ở những trường hợp như sau:
-Run khi tinh thần căng thẳng, lo âu, sợ hãi;
-Khi nóng sốt, đường huyết xuống thấp;
-Run khi có thương tích, rối loạn chức năng tế bào thần kinh kiểm soát sự vận động của cơ bắp như trong bệnh liệt rung Parkinson;
-Tổn thưong tiểu não sau tai biến động mạch não, u bướu tiểu não;
-Tác dụng ngoại ý của mộtsố dựoc phẩm như thuốc trị tâm bệnh, thuốc nhóm corticosteroid;
-Tác dụng của rượu khi quá chén hoặc khi thèm nhớ rượu mà không có rượu;
-Hậu quả của ghiền ma túy hoặc ngộ độc thủy ngân;
-Trong các bệnh như cường tuyến giáp, suy gan, chứng đa viêm xơ cơ multiple sclerosis;
-Tổn thương dây thần kinh ngoại vi khiến bàn tay bàn chân run.
Điều trị
Về điều trị thì rất khó khăn vì không có thuốc trị dứt mà chỉ giảm dấu hiệu, giúp khả năng cơ thể ổn định hơn.
Điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Chẳng hạn trong liệt rung Parkinson thì dùng hóa chất bổ sung thiếu chất này ở não bộ hoặc do stress thì dùng các thuốc an thần, thuốc chống co giựt cơ.
Phẫu thuật đôi khi cũng được áp dụng khi bệnh quá trầm trọng, gây khó khăn cho sự sống của người bệnh.
Ngoài ra còn điều trị với gắn các thiết bị kích thích tế thần kinh vào não bộ gọi là Deep Brain Stimulation cũng công hiệu, nhưng thường thường là dành cho các trường hợp run nặng như ở bệnh run khi nghỉ Parkinson.
Nói chung, bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh nội, ngoại theo dõi và đưa ra các phương án trị liệu.
Vật lý trị liệu cũng giúp bệnh nhân rất nhiều. Chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách kiềm chế sự run của cơ; hướng dẫn duy trì sự cân bằng của cơ thể. Chẳng hạn, đế tránh run giựt ở cánh tay, có thể giữ tay sát vào thân mình, đeo vật nặng ở cổ tay hoặc mang thanh nẹp gỗ hoặc kim loại.
Thân nhân cần thường xuyên hỗ trợ người bệnh cả về tinh thần cũng như thể chất, giúp họ thích nghi với khó khăn, đặc biệt là các hoạt động thường nhật như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cơ thể. Luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn họ cách thức kiềm chế sự run.
Lưu ý là run tay mà lại kém theo cảm giác tê tê ở đầu ngón tay, ½ mình như liệt mất cảm giác, nhức đầu thì kêu cấp cứu vì có thể là dấu hiệu của Stroke tai biến động mạch não.
Về trường hợp của bà, chúng tôi có ý kiến như sau:
Bà cho biết là khi uống thuốc thì dấu hiệu run có thuyên giảm. Như vậy thì bác sĩ đã điều trị đúng bệnh rồi đó. Xin bà cứ tiếp tục uống thuốc do bác sĩ chỉ định nhé. Bệnh này cũng khó chữa lắm. Tôi có một thân hữu, cũng bị run bàn tay bên trái. Ông ta mang một cái vòng cổ tay nặng chừng 30 gram. Khi mang vật nặng như vậy, cổ tay sẽ ở vị thế phải hơi gồng lên, không cho cổ tay run.
Ngoài ra bà cũng nên giới hạn cà phê, rượu là những chất kích thích thần kinh, gây ra run.
Lâu lâu, bà ngồi tập trung thư dãn cũng giúp kiểm soát sự run tay.
Mua áo có băng dán dính loại Velco để thay thế cho cài khuy cúc. Dày dép cài cũng bằng băng dính thay vì cột dây.
Ăn với muổng nỉa có cán lớn để cầm lọt bàn tay.
Bà nên để ý tránh rủi ro té ngã trong khi đi lại hoặc làm một việc gì mà bị cơn run tay chân xuất hiện.
Như đã nói ở trên, nếu run tác động lên công việc hàng ngày thì bà nên trở lại bác sĩ để được khám và thay đổi thuốc.
Chúc bà và gia đình được vui mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức