logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 12/10/2014 lúc 06:39:43(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
WESTMINSTER, CALIFORNIA (NV) - Đêm Thứ Bảy ở Hội trường nhật báo Người Việt dập dìu những tà áo dài ấm áp và nồng nàn sắc tím thân quen của đất thần kinh. Đó là đêm “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ,” do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học (CLBVN VVH) tổ chức để tưởng nhớ cố nhạc sĩ, người con của cố đô Huế.
UserPostedImage
Khi đêm nhạc bắt đầu, cũng là lúc hội trường không còn ghế trống. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Đêm nhạc bắt đầu cũng là lúc hội trường không còn ghế trống. Một người khán giả với mái tóc trắng bạc phơ mang trên tay tờ giấy có lời của bài hát “Huế Xưa.”

“Tôi nhờ con của tôi viết ra để có thể hát theo. Già rồi, tôi sợ mình không nhớ hết.” Bác Liên, người yêu nhạc Châu Kỳ vì “ổng viết về Huế của tôi ngọt ngào lắm.”

Cố nhạc sĩ Châu Kỳ, người đã khởi xướng cho tân nhạc Việt Nam tại Huế với 310 tác phẩm để lại cho đời, một dòng nhạc mà theo lời ông Bùi Đường, người điều hợp chương trình, đó là “những bài hát phủ đầy chất thơ, thấm đẫm nét lãng mạn, gợi nỗi nhớ bâng khuâng về một thành phố đã xa.”

“Là người con xứ Huế, nên ông là người nhạc sĩ có nhiều bài hát về đất thần kinh nhất,” MC Bùi Đường nói.

Chỉ có thể là Châu Kỳ mới lột tả được nét đẹp của cô gái Huế trong vỏn vẹn ba câu: “Buổi trưa em che nón lá, cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ, lũ chim quyên ngất ngây từ xa…” (Huế xưa).

“310 tác phẩm của cố nhạc sĩ Châu Kỳ nay được bà Kha Thị Đàn, phu nhân của ông trao lại cho Viện Việt Học, như lời ký gửi, gìn giữ những tâm tư, thao thức của người nhạc sĩ,” bà Kim Hân, đại diện cho Hội đồng Việt Học gửi lời tri ân đến gia đình cố nhạc sĩ, các thân hữu và CLBVN VVH.

Nét phác hoạ nhanh về cuộc đời tài hoa của nhạc sĩ Châu Kỳ được MC Mai Dung nhắc đến, để hiểu rằng ông được sinh ra và lớn lên trong một môi trường âm nhạc “gốc.” Cha của ông là nghệ nhân cổ nhạc cung đình Huế. Chị ruột, Châu Thị Minh, là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung (trong “Ngũ nữ minh tinh” thời đó, miền Nam có Phùng Há, Năm Phỉ. Miền Trung có Châu Thị Minh. Miền Bắc có Ái Liên, Bích Hợp.) Và chính Châu Kỳ cũng là một trong những ca sĩ thuộc lớp đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam trước khi ông trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp.

“Trở Về” vừa là bài hát đầu tay trong cuộc đời sáng tác của ông, vừa là tiếng vang trong giới tân nhạc lúc đó.

“Về đến Huế, Châu Kỳ bàng hoàng nghe tin mẹ mình bị chết đuối trong một cơn lũ. Những buổi chiều bên dòng Hương Giang ngổn ngang tâm sự, Châu Kỳ viết nhạc phẩm đầu tay ‘Trở Về’” MC Bùi Đường kể về lịch sử ra đời của bài hát nổi tiếng này.

Những người đến với đêm nhạc Châu Kỳ không ai không biết bài hát này. Một vị khán giả lớn tuổi tỏ ý, “đây là bài hay nhất chương trình.”

Được xem là một trong những người tiên phong đưa thể loại boléro của Việt Nam lên đỉnh vinh quang, mà theo lời MC Bùi Đường là “ông hoàng của nhạc mùi,” nhạc của Châu Kỳ thật sự ghi khắc vào tâm hồn người nghe những giai điệu mượt mà của “Huế Xưa,” khắc khoải một nỗi nhớ nào đó của “Tiếng Ca Đó Về Đâu,” hay thổn thức của những lời “Đừng Nói Xa Nhau.”


UserPostedImage
Ca sĩ Kim Thoa với "Sao Chưa Thấy Hồi Âm." (Hình: Kalynh/Người Việt)

Từng bài hát dặt dìu đưa người nghe về một miền ký ức. Ca sĩ Kim Thoa trong tà áo dài tím đặc trưng của Huế lấy trọn cảm xúc của những mái đầu “hai màu tóc” khi cất lên câu hát đầu tiên “Theo năm tháng hoài mong…”

“Hát không thua gì Hoàng Oanh,” một mái đầu không còn xanh khẽ nói.

“Mỗi một bài hát, là một câu chuyện tình buồn của ông,” MC Mai Dung nói về những tác phẩm của nhạc sĩ Châu Kỳ.

Đó là chuyện tình sáu năm với nghệ sĩ Mộc Lan, “nàng là chim hoạ mi với tiếng hát lảnh lót, chàng là con bướm đa tình gieo rắc giọng hát tiếng đàn.” Từ đó mà người nghe có được những tác phẩm sầu bi để đời như Khúc Ly Ca; Đón Xuân Này, Nhớ Xuân Xưa; Con Đường Xưa Em Đi…

Đó là “Giọt Lệ Đài Trang” ông viết khi hội ngộ với mối tình đơn phương thời tuổi trẻ.

Và lần lượt, từng bài hát được giới thiệu và những tiếng hát của ban hợp ca CLBVN VVH như đưa người nghe đến với từng đoản phim nhạc tình.

Khán thính giả bên dưới hội trường như vỡ oà khi ban tổ chức giới thiệu một người khách mời đặc biệt, ca sĩ Thanh Mỹ, người được cố nhạc sĩ Châu Kỳ dẫn dắt bước đầu tiên vào con đường ca hát.
UserPostedImage
Ca sĩ Thanh Mỹ, khách mời đặc biệt của chương trình. (Hình: Kalynh/Người Việt)

“Khuya nay anh đi rồi” và “Được tin em lấy chồng,” giọng ca khàn không thay đổi theo thời gian hoàn toàn lấy hết cảm xúc của khán giả, đưa người nghe quay về những con đường không còn tên cùng một thành phố đã xa.

“Tôi đã 52 năm không đi hát. Khác với 52 năm trước, tôi biết đứng trên sân khấu, tôi sẽ không còn tự tin như thời trẻ. Run lắm. Nhưng đêm nay là đêm nhạc của anh Châu Kỳ nên tôi nhận lời. Đó là sự tri ân và tấm lòng tưởng nhớ của tôi về một người thầy, người anh,” ca sĩ Thanh Mỹ trả lời nhật báo Người Việt khi được hỏi về tâm trạng của bà trong đêm nay khác gì với 52 năm trước.
UserPostedImage
Những mái đầu không còn xanh thả hồn theo dòng nhạc Châu Kỳ. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Có vẻ như ban tổ chức có ý dành tất cả những điệu nhạc boléro nhẹ nhàng, “mùi mẫn” cho phần sau của chương trình. Khi đó, khán giả cũng dồn hết về gần sân khấu. Ca sĩ hát, khán giả hát.

Có thấy những tràng vỗ tay vang dội, những lời gọi chào chân tình từ khán giả với giọng hát “52 năm trước,” mới thấy rằng khán giả sẽ không bao giờ quên người nhạc sĩ, người hát, và những tác phẩm đã vượt thời gian đi vào lòng người.

Dòng nhạc Châu Kỳ, sẽ không bao giờ chỉ là 60 năm.

Kalynh Ngô/Người Việt
nga  
#2 Đã gửi : 18/10/2014 lúc 11:12:16(UTC)
nga

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,657

Cảm ơn: 1 lần
Dư âm và lắng đọng trong chương trình "60 năm dòng nhạc Châu Kỳ"

Để tưởng nhớ cố nhạc sĩ Châu Kỳ (sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Dưỡng Mong, Thừa Thiên, Huế, mất ngày 6 tháng 1 năm 2008 tại Thủ Đức, Sài Gòn), người nhạc sĩ tài hoa của dòng nhạc trữ tình lãng mạn Việt Nam, và là một trong những người tiên phong góp phần đặt nền móng cho dòng nhạc này trong việc kết hợp giữa nhạc Tây với cổ nhạc Việt; cố nhạc sĩ Châu Kỳ cũng là người đã đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam tại Huế, vào tối thứ Bảy, 11-10- 2014 tuần qua, tại hội trường nhật báo Người Việt, câu lạc bộ văn nghệ Viện Việt Học đã tổ chức đêm nhạc thính phòng với chủ đề “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ,” thu hút rất nhiều khán giả đến thưởng thức, giúp các khán giả mộ điệu của dòng nhạc này, nhất là khán giả tuổi trung niên trở về với những giai điệu chân tình mộc mạc, những ca từ thổn thức, đậm chất văn chương, tình đời, tình người, vốn đã đi sâu vào lòng những người yêu nhạc, từng là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.
UserPostedImage
Các ca sĩ nhận hoa cám ơn của đại diện Viện Việt Học phút cuối của chương trình. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Qua đêm nhạc, người ta dường như quên hết mọi lo toan vất vả của cuộc sống thường nhật, được sống lại khoảnh khắc âm nhạc tuyệt diệu, cùng lắng đọng những cảm xúc, cung bậc bổng, trầm qua một số tình khúc vượt thời gian, “Sao Chưa Thấy Hồi Âm,” “Đừng Nói Xa Nhau,” “Giọt Lệ Đài Trang,” “Được Tin Em Lấy Chồng,” “Thương Về Miền Trung,” “Huế Xưa,” “Con Đường Xưa Em Đi” v.v..
Khán giả của đêm nhạc “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ” không chỉ nghe lại những giai điệu trữ tình mượt mà của nhạc sĩ Châu Kỳ, mà còn được nhắc lại nhiều câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của tác giả cùng sự ra đời những ca khúc của ông. Đó là nỗi đau đầy bi thương khi nghe tin mẹ bị chết đuối trong một cơn lũ và nhạc phẩm đầu tay “Trở Về” đã ra đời, gây một tiếng vang trong giới tân nhạc và để lại trong lòng người nghe nhiều cảm xúc.
Là tình yêu không thành với tiểu thơ khuê các trong “Giọt Lệ Đài Trang,” là tâm trạng đau khổ trước chuyện tình tan vỡ của mình với người vợ đầu, nữ ca sĩ Mộc Lan, để cho ra một loạt nhạc phẩm đầy tâm sự, “Từ Giã Kinh Thành” (lời Hồ Đình Phương, nhạc Châu Kỳ), “Mưa Rơi” (Châu Kỳ đặt lời cho ca khúc của người bạn nhạc sĩ hoàng tộc Ưng Lang), “Sao Chưa Thấy Hồi Âm,” “Hồi Âm,” “Cánh Nhạn Hồi Âm,” “Con đường Xưa Em Đi” (Lời Hồ Đình Phương, nhạc Châu Kỳ), “Đừng Nói Xa Nhau” (nhạc Châu Kỳ, lời Hồ Đình Phương), “Cuối Đường Kỷ Niệm,” “Nước Mắt Quê Hương,” “Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa,” “Vào Mộng Cùng Em,” “Em sắp Về Chưa?” v.v..
UserPostedImage
Ca sĩ Thanh Mỹ- khách mời đặc biệt của đêm nhạc. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Chất tự sự trữ tình trong dòng nhạc Châu Kỳ

Khán giả yêu nhạc Châu Kỳ bởi chất tha thiết chia sẻ, chất hoa mỹ nếu có trong ca khúc của ông cũng không phải là thứ ngôn ngữ hàn lâm, nó lên bổng xuống trầm như dân ca, như ca dao, như lời nói, gợi lại muôn vàn ký ức trong quá khứ, dù đó là đắng cay hay mộng đẹp.
Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, cha là Châu Huy Hà, một nghệ nhân ca Huế, được sống với nền cổ ca Huế từ nhỏ nên ông có một số vốn âm nhạc cổ miền Trung thật phong phú, điều này được ông thể hiện qua một số sáng tác đậm nét Huế như, “Thương Về Miền Trung,” "Miền Trung Thương Nhớ,” "Huế Xưa,” "Khúc Ly Ca,” "Từ Giã Kinh Thành,” "Mưa Rơi" (viết chung với Ưng Lang), "Khi Ánh Trăng Vàng Lên Khơi”...
Với ca khúc “Tiếng Hát Dân Chàm,” giai điệu mang âm hưởng cổ nhạc miền Trung, thang âm rất lạ. Ca khúc “Mùa Thu Còn Đó” dễ dàng bước vào trái tim của người nghe với cái buồn man mác của điệu blues và chất tự sự chất đầy của jazz.

UserPostedImage
Hai MC của chương trình Mai Dung- Bùi Đường. (Băng Huyền/Viễn Đông)

Có thể nói chất tình tự của dòng nhạc Châu Kỳ rất rộng và sâu lắng, sự mượt mà của giai điệu, nét tha thiết của lời ca có khả năng nâng dìu cảm xúc người nghe, khiến khán giả hát theo, thâu vào tâm tư, đánh thức những kỷ niệm. Giai điệu các ca khúc của ông độc đáo, sự dàn trải khúc thức bài hát thật cân xứng, khi nó vang lên ngoài những khán giả mộ điệu thì trong giới nhạc sĩ đều thán phục.
Ông được xem là một trong những “cây đại thụ” trong làng tân nhạc Việt Nam mà tên tuổi ngang hàng với những nhạc sĩ: Lữ Liên, Lê Thương, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy...



Màu kỷ niệm và nét đẹp trong từng giọng hát

Kết cấu của chương trình “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ” và việc tạo nên điểm nhấn cho mỗi giọng ca hay màn song ca, hợp ca rất hợp lý khiến khán giả được đắm chìm vào nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong không gian tự sự - tự tình và 22 tác phẩm của Châu Kỳ được chọn lọc từ gia tài 310 tác phẩm của cố nhạc sĩ đã được những tiếng hát của các ca sĩ thân hữu câu lạc bộ văn nghệ Viện Việt Học thể hiện giàu cảm xúc. Góp thành công cho đêm nhạc còn phải kể đến phần hòa thanh của nhạc sĩ Quốc Vũ keyboard, Trần Toản đàn guitare, Ngọc Thạch guitare, ban nhạc gần như giữ nguyên tinh thần trong bản phối, đó là sự mềm mại, một chút mùi của dòng nhạc trữ tình nhưng lại không quá ủy mị.
Mở màn, ban hợp ca CLBVN Viện Việt Học tạo nên một không gian âm nhạc đầy màu sắc tươi vui, tràn ngập niềm tin yêu đời, yêu cuộc sống và cảnh vật, con người qua ca khúc “Tiếng Hát Đồng Xanh” (Lời Hồ Đình Phương, nhạc Châu Kỳ). Bằng chất giọng truyền cảm, trầm ấm, ca sĩ Chế Tùng đã thể hiện rất sâu lắng nỗi niềm của tác giả qua hai ca khúc “Tiếng ca đó về đâu,” “Đi Giữa Quê Hương.”
Ái Liên nồng nàn và da diết với các ca khúc “Huế Xưa,” tiếng hát trẻ Hàn Phúc cảm xúc và đủ khắc khoải trong “Trở Về” nhưng có lẽ vì quá hồi hộp khi được giao thể hiện ca khúc đầu tay nhưng cũng được xem là ca khúc “để đời” của cố nhạc sĩ Châu Kỳ, nên đoạn cuối kết bài, giọng hát của Hàn Phúc hơi lạc tông.
Lê Hồng Quang đã thể hiện khá mượt mà giai điệu trữ tình của “Thương Về Miền Trung” (Lời Duy Khánh), “Nén Hương Yêu” (Lời Duy Khánh). Với giọng hát ngọt ngào, ca sĩ Ái Phương đã truyền tải trọn vẹn cảm xúc “Cố Đô Yêu Dấu” (Lời Hồ Đình Phương).

UserPostedImage
Nhóm Sóng Xanh thể hiện ca khúc “Tiếng Hát Dân Chàm.” (Băng Huyền/Viễn Đông)

Khang Huy đầy tâm trạng với “Xin Làm Người Tình Cô Đơn” (Thơ Hồ Đình Phương), tiếng hát Thùy Linh thật sâu lắng khi thể hiện “Con Đường Xưa Em Đi.” Bằng giọng hát mềm mại, ca sĩ Thùy Linh đã khắc họa “Con Đường Xưa Em Đi” (Lời Hồ Đình Phương) đầy hoa mộng êm đềm.
Kim Thoa là ca sĩ thân quen với các khán giả trong những chương trình văn nghệ của Viện Việt Học, lần xuất hiện nào của chị cũng đem lại sự hài lòng cho người thưởng thức bởi giọng hát đẹp và khả năng truyền cảm xúc khi chị hát.
Trong đêm nhạc “60 năm dòng nhạc Châu Kỳ,” chị đã nhận được những tràng pháo tay ngợi khen của khán giả khi thể hiện thành công “Sao chưa thấy hồi âm” và ca khúc “Mùa Thu Còn Đó” theo thể điệu Blues jazz, vốn là sở trường của chị. Cách hát trau chuốt, phát âm từng chữ, vừa đĩnh đạc chuẩn xác, vừa biểu cảm tinh tế và càng quyến rũ hơn bởi cảm xúc toát ra từ bên trong, đã chạm sâu vào trái tim người nghe.
Sở hữu chất giọng giọng trữ tình, khàn nhẹ và da diết, ca sĩ Hương Thơ còn có khả năng lên những nốt cao rất tự nhiên và thể hiện những nốt trầm thật cảm xúc. Cô rất tình cảm và đầy thuyết phục khi hát “Chuyện Lòng” và “Giọt Lệ Đài Trang.”
Khán giả đêm nhạc đã dành những tráng pháo tay ưu ái với lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình văn nghệ do Viện Việt Học tổ chức của ca sĩ Thanh Mỹ, chị hiện là President của Hội thiện nguyện ROF (Reaching Out Foundation) và là em ruột của ca sĩ Thanh Thúy. Sự xuất hiện của chị thật đặc biệt bởi chị chính là người ca sĩ đã được cố nhạc sĩ Châu Kỳ dẫn dắt bước đầu tiên vào con đường ca hát.
Dù đã nhiều chục năm không đi hát, tiếng hát đã không còn phong độ như thuở xuân thì, nhưng chị vẫn nhận lời góp mặt trong chương trình để tri ân và tưởng nhớ đến người thầy, người anh. Với chất giọng trầm ấm có độ khàn độc đáo, tiếng hát của chị đã đưa khán giả ngược thời gian trở về quá khứ với những kỷ niệm đẹp nhưng buồn qua “Khuya Nay Anh Đi Rồi” và khi được yên cầu tặng thêm cho khán giả, chị đã hát “Được Tin Em Lấy Chồng,” vốn là ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ viết riêng tặng ca sĩ Thanh Thúy khi nghe tin người ca sĩ này lên xe hoa.
Song song với những tiếng hát đơn ca, những màn song ca cũng đã đem lại nhiều đặc sắc cho buổi diễn. Quỳnh Nhi và Kỳ Hương khá thành công khi dẫn dắt người nghe chìm đắm vào giai điệu da diết, đượm buồn của ca khúc “Đừng Nói Xa Nhau” (Lời Hồ Đình Phương). Thùy Linh và Hải Âu mang lại sự dễ chịu thân thương và không kém phần sâu lắng cho người nghe qua “Người Em Văn Khoa” (Thơ Hoài Hương Tử, nhạc Châu Kỳ). Sự hòa quyện trong giọng hát và bè phối của Ái Phương và Vương Lan chuyển tải trọn vẹn nỗi ngậm ngùi, man mác của 2 ca khúc “Khúc Ly Ca,” “Mưa Rơi” (viết chung với Ưng Lang).
Và có lẽ điểm nhấn đặc sắc nhất của buổi diễn chính là màn trình diễn của nhóm Sóng Xanh gồm những tiếng hát của các bạn trẻ Việt Hải, Đỗ Quyên, Coco, Lee Lee, Mai Linh. Bằng cách phối bè đặc biệt vừa thể hiện được sự đồng điệu của các giọng ca, lại vừa khoe được chất giọng riêng có của từng thành viên trong nhóm. Tuy còn non tuổi đời, hầu hết các bạn đều sinh ra hoặc đến Mỹ từ bé, nhưng các bạn đã làm sống lại một dòng nhạc đậm chất hoài niệm, cứ tưởng chừng như chỉ dành riêng cho lứa tuổi cao niên. Ca khúc “Tiếng Hát Dân Chàm” được nhóm hát thể hiện trong cách phân đoạn ca khúc, hát bè hay phụ họa, nhóm hát ít dựa vào một giọng ca chủ đạo, các giọng ca tuy mỗi người một thanh sắc nhưng về vị trí và tầm cỡ đều ngang bằng với nhau.
Hai giọng ca của nhóm Sóng Xanh, Việt Hải và Đỗ Quyên khi song ca với nhau đã chuyển tải thật duyên dáng chất đa tình, chắt chiu bao hoài niệm qua ca khúc “Đường về nhà em,” hai bạn trẻ đã gửi vào giai điệu xưa ấy một hơi thở rất nay, mang màu sắc mới mẻ, trẻ trung, quyến rũ.
Và không thể không nhắc đến phần dẫn chuyện đầy xúc cảm của Bùi Đường- Mai Dung, chất giọng ấm áp, sự chuẩn bị đầy đủ những tài liệu liên quan đến tác phẩm của cả 2 MC này đã mang lại cho đêm nhạc có đủ sự tinh tế, sang trọng và đầy chất tâm tình. Đêm nhạc đã kết thúc, nhưng những dư âm sâu lắng, dìu dặt của âm nhạc Châu Kỳ cùng những đóng góp của ông cho tân nhạc Huế nói riêng và tân nhạc Việt Nam sẽ không bao giờ có thể mất đi trong sự rung động của trái tim những người yêu dòng nhạc trữ tình lãng mạn Việt Nam.

BĂNG HUYỀN
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.113 giây.