Rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa và thiếu thông tin về quá trình tuyển dụng là những vấn đề mà sinh viên quốc tế gặp phải trong quá trình đi tìm việc làm lấy kinh nghiệm ở Úc.
http://
Shuang Xia (trái) cùng các ứng viên nhận được vị trí thực tập tại Úc. (Claire Sheed-Finck - ABC)
Là điểm đến yêu thích thứ ba trên thế giới đối với sinh viên quốc tế, Úc nhận được nhiều lợi ích về kinh tế cũng như văn hóa từ những sinh viên đến đây du học. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy cơ hội tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp ở đây đối với sinh viên quốc tế vẫn rất mong manh. Hạn chế này hiện nay là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên ngại ngần hơn khi chọn du học Úc.
Shuang Xia, người đứng ra tổ chức chương trình tìm việc làm ‘Job Hunt Show’ cho sinh viên Trung Quốc tại Melbourne vào trung tuần tháng Mười, cho biết tìm được việc làm để lấy kinh nghiệm thực tế về ngành học của mình sau nhiều năm học tại nước ngoài là một nhu cầu của sinh viên quốc tế.
“Sinh viên cần thông tin về các loại bằng cấp mà các nhà tuyển dụng của Úc quan tâm,” cô nói. “Sự kiện mở ra cửa sổ để các bạn hiểu hơn về quá trình tuyển dụng mà sinh viên quốc tế thường khó có thể lấy thông tin và là một cơ hội tốt để mở rộng các mối quan hệ.”
Chương trình ‘Job Hunt Show’ của Xia được tổ chức dưới dạng một chương trình truyền hình trực tuyến, trong đó 6 sinh viên Trung Quốc, được chọn từ hơn 100 hồ sơ, thi đấu để dành một vị trí đi làm lấy kinh nghiệm trước những giám khảo được mời từ những công ty của Úc. Năm nay là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức tại Melbourne và đã có 200 sinh viên đến đây theo dõi và học hỏi.
Những sinh viên tham gia sự kiện đều đồng ý rằng những vấn đề chính mà sinh viên phải đối mặt khi đi tìm việc làm là khác biệt về văn hóa cũng như các rào cản ngôn ngữ, thiếu kiến thức về ngành và mạng lưới quen biết.
http://
Kate Li học về truyền thông tại Đại học Melbourne. (Ảnh Claire Sheed-Finck - ABC)
Jin Lei Cao, một sinh viên từ Đại học Melbourne, cho biết sự khác biệt về văn hóa trong phỏng vấn xin việc ở Úc và Trung Quốc khiến họ khó thích ứng.
“Rất khó đối với sinh viên quốc tế tìm được việc vì gốc văn hóa của họ cũng như những khó khăn về ngôn ngữ,” cô nói.
“Ví dụ, tại Trung Quốc bạn cần thể hiện thái độ khiêm tốn trước nhà tuyển dụng tiềm năng, trong khi tại Úc điều quan trọng là biết cách đề cao và nhấn mạnh về bản thân, chứng tỏ mình là một ứng viên tốt nhất cho công việc.”
Jin Lei nói rằng những khác biệt về văn hóa này nên được các nhà tuyển dụng ưu ái vì họ có thể giúp công ty phát triển và đa dạng hơn.
“Thế giới thay đổi rất nhanh chóng và vì thế nếu như muốn phát triển rộng hơn ra toàn thế giới, các công ty cần những nhân viên quốc tế tham gia làm việc.”
Cô nói chương trình 'Job Hunt Show' là một kinh nghiệm tốt đối với những sinh viên như cô.
“Chúng tôi nhận được những lời khuyên tốt để tìm việc cũng như tiếp xúc với những cơ hội mà có thể tiến gần hơn đến việc làm mơ ước của mình. “
Qian DeLi đang theo nốt học kỳ cuối cùng ngành Kỹ sư Xây dựng tại RMIT. (Ảnh: Claire Sheed-Finck - ABC)
Kate Li, một sinh viên của Đại học Melbourne, cho biết các trường đại học thường chú trọng vào các cơ hội việc làm đối với sinh viên người Úc bản địa hơn.
“Rất khó, chúng tôi có rất nhiều các triển lãm cho sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Melbourne nhưng có rất ít chọn lựa cho sinh viên quốc tế,” cô nói.
Qian DeLi, sinh viên của Đại học RMIT thì nói lời khuyên của anh cho các sinh viên quốc tế là nên tìm các công ty nhỏ.
“Bạn có thể liên lạc trực tiếp vì họ không có nhiều bộ phận vì thế bạn có thể tiếp xúc trực tiếp với người tuyển dụng,” anh nói.
Qian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có thể gặp mặt và nói chuyện với các nhà tuyển dụng tiềm năng.
“Phụ thuộc vào đơn xin qua mạng thôi không đủ”, anh nói.
Momo Su, một sinh viên mới tốt nghiệp tại Đại học Monash nói rằng cô đã thu nhận được nhiều típ hay từ chương trình.
“Sự kiện này tuyệt vời”, cô nói. “Tất cả những người thi đấu cho thấy họ có thể thể hiện tốt và những nhà tuyển dụng đã cho rất nhiều típ đối với từng ứng viên lẫn người xem, ví dụ, làm thế nào để viết đơn xin việc tốt và thể hiện tốt trong phần phỏng vấn."
Không ai phải thất vọng khi ra về, không phải một mà cuối cùng cả sáu ứng viên đã đều nhận được thư mời làm việc lấy kinh nghiệm của những nhà tuyển dụng có mặt tại sự kiện.
Theo ABC
Sửa bởi người viết 28/10/2014 lúc 05:18:53(UTC)
| Lý do: Chưa rõ