Lể hội vua Hùng. UNESCOHôm qua 06/12/2012 tổ chức Unesco Liên Hiệp Quốc đã chính thức công bố Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên thuộc loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được Unesco công nhận, nhưng riêng đối với Phú Thọ thì là di sản phi vật thể thứ hai, sau khi hát xoan được vinh danh vào năm 2011.
Như vậy tính đến nay Việt Nam đã có được 7 di sản văn hóa phi vật thể. Đó là nhạc cung đình (2003), cồng chiêng Tây nguyên (2005), quan họ (2009), ca trù (2009), Thánh Gióng (2010), hát xoan Phú Thọ (2011) và năm 2012 là lễ hội Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ.
Unesco nhận xét, hàng năm có hàng triệu người hành hương đến đền các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh tỉnh Phú Thọ, để thờ kính tổ tiên và cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được sung túc, cầu may mắn và sức khỏe. Dân các làng xung quanh mặc trang phục truyền thống, và cộng đồng chuẩn bị lễ vật dâng lên các vua Hùng như bánh chưng, bánh dày. Lễ hội đền Hùng còn có lễ rước kiệu, dâng hương, đánh trống đồng, các trò chơi dân gian đặc sắc…
Theo Unesco, truyền thống giỗ tổ Hùng Vương phản ánh sự liên đới về tinh thần và là dịp để nhìn nhận cội nguồn dân tộc, bản sắc văn hóa và đạo đức của người Việt.
Được biết năm nay có 35 hồ sơ ứng viên di sản phi vật thể của nhân loại, và Unesco đã công nhận 27 hồ sơ. Tính đến nay, trên toàn thế giới có 232 di sản văn hóa phi vật thể, tại 86 quốc gia.
Source: RFI