Có lẽ do phẫn nộ trước việc Hà Nội đang tìm cách xoá bỏ toàn bộ hình ảnh Sài Gòn cũ, để chuẩn bị cho đợt lễ ăn mừng 40 năm cưỡng chiếm miền Nam vào 30-4-2015 sắp tới, một nhóm thanh niên Sài Gòn đã bất ngờ tổ chức biểu thị việc phản đối chặt hàng cây cổ thụ trăm tuổi trên đường Sở Ba Son cũ, nay gọi là đường Tôn Đức Thắng.
Sáng 16.11.2014, một nhóm các bạn trẻ yêu cây xanh thuộc một website vừa thành lập, có tên Happy Tree in Saigon đã đến ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn để căng băng rôn dài 150m với những khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, cây cổ thụ trong thành phố mà Uỷ ban Thành phố cho đốn hạ để gọi là phục vụ dự án cầu Thủ Thiêm 2.
Đây là một trong những con đường đẹp nhất của Sài Gòn, và đầy kỷ niệm của nhiều thế hệ, nhưng cũng đang bị xoá bỏ không thương tiếc. Những người trẻ này đã giăng khẩu với ngôn ngữ quyết liệt là "chúng tôi không đổi cây xanh lấy cầu".
Một website của các bạn trẻ này, cùng có tên là Happy Tree In Saigon cũng được lập ra để yêu cầu giữ lại cây xanh, đồng thời mở ra mục ký tên vào thư ngỏ, thu thập thêm ý kiến để yêu cầu chính quyền CSVN ngừng hành động đầy tính chính trị này, hơn là một mục đích phát triển. Tuy nhiên, rất nhiều người dự đoán rằng việc ký tên thư ngỏ này cũng không thể lay chuyển được những người cầm quyền cộng sản hiện nay.
Hàng cây cổ thụ bị đốn có đường kính trung bình trên 80cm, và có tuổi thọ gần 100 năm hiếm hoi còn sót lại ở thành phố giúp con đường này trở thành một trong những cung đường cây xanh rợp bóng mát.
Nếu dự án cầu Thủ Thiêm 2 này khởi công, người dân Sài Gòn sắp tới sẽ không còn được tận hưởng vẻ đẹp, bóng mát và không khí dịu mát trong lành của những hàng cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng.
Giới trí thức cũng có nhiều người đồng quan điểm với giới trẻ trong việc bảo vệ cây xanh. Giáo sư người Nhật Norihiro Nakai, đang giảng dạy tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng "Nhật Bản có rất nhiều thành phố lớn như Tokyo, Osaka… phải cạnh tranh phát triển với các thành phố lớn khác như Thượng Hải, Hong Kong. Quá trình phát triển các siêu đô thị với hàng chục triệu dân này đặt ra những thách thức lớn về môi trường. Việc phá huỷ cây xanh là điều đáng tiếc”.
Mặc dù nỗ lực của giới trẻ Sài Gòn sẽ không thành công, tuy nhiên, có thể thấy quá trình hoạt động dân chủ xã hội đang hình thành, và người dân đang bắt đầu cất lên tiếng nói của mình.
Nguyễn Khanh / SBTN