381 trên 403 Đại biểu Quốc hội CSVN đã bỏ phiếu thông qua Dự luật Căn cước công dân vào ngày 20.11.2014 vừa qua. Theo đó, các công dân Việt Nam từ 14 tuổi sẽ được cấp Thẻ Căn cước Công dân. Đây là giấy tờ tùy thân của công dân VN có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi dự luật này được thông qua thì Thẻ Căn cước công dân sẽ thay thế cho Giấy Chứng minh thư nhân dân, và sự thay đổi này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.
Thẻ được bổ sung ngôn ngữ tiếng Anh, gồm thông tin như: ảnh, số thẻ, họ và tên khai sinh, ngày sinh, giới tính, dân tộc, quê quán, nơi thường trú ; ngày hết hạn. Mặt sau có thông tin được mã hóa như vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ, ngày cấp thẻ, họ và tên cùng với chức danh và chữ ký của người cấp thẻ đóng dấu có hình Quốc huy.
Thẻ căn cước công dân có thể được sử dụng thay hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Thẻ phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Số thẻ căn cước mà mỗi công dân được cấp cũng chính là mã số định danh cá nhân riêng, không lặp lại ở người khác.
Về việc thay thế giấy tờ tùy thân này, Ủy ban thường vụ Quốc hội CSVN cho biết, tên gọi thẻ căn cước công dân phù hợp với tên gọi của luật, phù hợp nội dung các thông tin trên thẻ và giá trị sử dụng của thẻ là để chứng minh thông tin căn cước của công dân ; đồng thời để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa giấy tờ công dân tiến tới sử dụng thẻ công dân điện tử theo Đề án 896 của Chính phủ CSVN và phù hợp với yêu cầu hội nhập và thông lệ quốc tế.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội CSVN hồi tháng 6 năm nay, đã có tranh cãi giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an xoay quanh Dự luật Căn cước công dân. Khi đó, Bộ Công an CSVN đề xuất giữ nguyên tên gọi Giấy Chứng minh thư nhân dân do Bộ này cấp, còn Bộ Tư pháp lại muốn cấp Thẻ Căn cước công dân để thay thế cho Giấy CMTND của Bộ Công an cấp. Tuy nhiên, Thẻ Căn cước sau này sẽ vẫn do bên Bộ Công an CSVN cấp.
Chưa rõ việc cấp thẻ căn cước công dân nhằm cải tổ thủ tục hành chính cho công dân có tính hiệu quả có cao hay không. Đối với một đất nước độc tài, toàn trị, với hệ thống quản lý theo mô hình công an trị, an ninh trị như tại Việt Nam hiện nay, thì mọi giấy tờ tùy thân của công dân như Chứng minh thư nhân dân, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe và sổ hộ khẩu đều do Công an CSVN cấp và lưu thông tin theo dõi. Chế độ sổ hộ khẩu cũng là một điểm làm hạn chế quyền tự do cư trú và nhiều quyền lợi của công dân – đã có nhiều kiến nghị, yêu cầu bãi bỏ chế độ sổ hộ khẩu.
Mặt khác, việc cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục giấy tờ, tránh sự trồng chéo trong nền hành chính công đối với công dân vẫn chưa được giải quyết triệt để bởi sự cồng kềnh trong bộ máy hành chính, mang nặng tư duy quản lý kiểu “xin – cho”, chứ không phải là tư duy của nền hành chính phục vụ. Người dân thường ví von “Hành chính tức là hành (người dân) là chính”.
Nhật Nam / SBTN