Cần hiểu rõ cơ chế tự bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh sốt rét để phát triển dòng vắc-xin mới (Nguồn: Macquarie University) (Credit: ABC Licensed) .Các nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện hai phân tử trong tế bào tiểu cầu của con người có thể phối hợp để chống lại bệnh sốt rét.
Phát hiện nghiên cứu cũng đưa ra cách lý giải mới nguyên nhân tại sao bệnh sốt rét lại là một vấn đề nan giải ở Châu Phi.
Trong bài đăng trên tạp chí ‘Khoa học’, phó giáo sư Brendan McMorran và đồng nghiệp từ Đại học Macquarie cho biết yếu tố tiểu cầu 4 (PF4) và cơ quan thụ cảm kháng thể Duffy phối hợp với nhau để tiêu diệt kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum.
P. falciparum là nguyên nhân gây nên đa số trong khoảng 655 ngàn ca tử vong do sốt rét mỗi năm, phần lớn xảy ra ở khu vực cận sa mạc Sahara thuộc Châu Phi.
Trong một bài bình luận về báo cáo nghiên cứu của phó giáo sư McMorran, giáo sư Michael Good tại Đại học Griffith và tiến sĩ Christian Engwerda từ Viện Nghiên cứu Y khoa Queensland cho rằng cần phải hiểu rõ cơ chế tự bảo vệ của cơ thể chống lại bệnh sốt rét để phát triển các loại vắc-xin phòng bệnh và liệu pháp điều trị mới.
Hai nhà nghiên cứu cho rằng tiểu cầu thường chỉ được cho là yếu tố quan trọng trong ngăn ngừa xuất huyết nhưng vai trò của nó bị đánh giá thấp trong các ca bệnh sốt rét.
Nghiên cứu của phó giáo sư McMorran cho thấy PF4 đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa P. falciparum vì nó xâm nhập vào các tế bào hồng cầu nhiễm ký sinh trùng sốt rét và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra nếu có cơ quan thụ cảm kháng thể Duffy.
“Kháng thể Duffy có lẽ là một bãi đáp cho phép PF4 tiếp cận được kí sinh trùng,” ông McMorran cho biết. “Chúng tôi chưa biết PF4 tiêu diệt kí sinh trùng ra sao nhưng chúng hoạt động khá hiệu quả. PF4 can thiệp vào chức năng màng tế bào ở các vi sinh vật khác như vi khuẩn. Như vậy, chúng tôi cho rằng một cơ chế tương tự có thể có tác dụng với ký sinh trùng sốt rét.”
Nhiều người Châu Phi không có kháng thể Duffy
Phát hiện giúp hiểu rõ hơn tình trạng lây truyền bệnh sốt rét ở Châu Phi bởi hầu hết người dân Châu Phi không có cơ quan thụ cảm Duffy
Phó giáo sư McMorran cho rằng từ hiện tượng này có thể nhận định người dân Châu Phi không có phân tử Duffy dễ bị lây nhiễm bệnh sốt rét do kí sinh trùng P. falciparum gây ra hơn.
Cũng theo ông McMorran, hiện tượng thiếu kháng thể Duffy ở bộ phận dân số này có lẽ do tại một thời điểm nào đó trong quá trình tiến hóa, việc không có cơ quan thụ cảm Duffy là một lợi thế để sống sót.
“Kí sinh trùng Plasmodium vivax chỉ có thể xâm nhập tế bào nếu chúng có kháng thể Duffy,” ông McMorran cho biết và bổ sung thêm kí sinh trùng P.vivax không phổ biến ở Châu Phi. “Có lẽ từ hàng ngàn năm trước, không có cơ quan thụ cảm Duffy là một lợi thế để có thể tồn tại”.
Ông McMorran bác bỏ khả năng tái xuất hiện của cơ quan thụ cảm kháng thể Duffy bởi điều này rất khó xảy ra. Theo ông, nghiên cứu giúp cho các nhà khoa học hiểu rõ cơ chế tấn công kí sinh trùng sốt rét của cơ thể và biết thêm một vấn đề cần phải đối mặt trong nỗ lực loại trừ bệnh sốt rét.
Source: ABC Australia