Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này xin trân trọng giới thiệu đến quý vị nhạc sĩ Đức Trí.
RFA. Ca sĩ Phương Thanh và nhạc sĩ Đức Trí. Hình chụp từ bìa một CD của nhạc sĩ Đức Trí.Tay trái nổi tiếng hơn tay phảiVũ Hoàng: Trước hết xin được chào đón và cám ơn nhạc sĩ Đức Trí dành thời gian cho chương trình ANCT hôm nay. Vũ Hoàng đã được nghe nhạc của anh rất nhiều cũng như đọc nhiều bài viết về anh, và hôm nay hân hạnh được tiếp chuyện anh.
Nhạc sĩ Đức Trí. Photo courtesy of bluemelodyvn.Thưa anh, được biết anh học rất nhiều nhạc cụ truyền thống, nhưng vì sao cuối cùng anh lại trở thành một nhà sáng tác hơn là một nhạc công?
Đức Trí: Xin chào bạn, cái duyên của tôi đến với âm nhạc rất tự nhiên, tức là gia đình nào ngày xưa yêu âm nhạc thì có xu hướng là muốn con cái của mình được học nhạc, và tôi cũng là một trong số đó, được học nhạc rất sớm nhưng theo cách rất là thụ động, nghĩa là ở đâu có nhạc là cho con đi học. Tôi được học dương cầm từ rất nhỏ, nhưng rồi cũng chuyển sang học những loại nhạc truyền thống khác, vì gia đình tôi rất thích âm nhạc truyền thống.
Thực sự cho đến hôm nay, thì tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người sáng tác nhạc chuyên nghiệp bởi vì tôi vẫn xem mình là người sản xuất âm nhạc, một người hòa âm, một người làm việc trong studio thì đúng hơn và luôn luôn coi nghề sáng tác là tay trái. Nhưng cũng buồn cười là cái tay trái của mình nổi tiếng hơn cả tay phải, mọi người biết đến tôi như một người sáng tác ca khúc.
Cuộc đời đôi khi nó vậy đó bạn, mình không nghĩ nó là nghiệp của mình nhưng nó đã đến và mình đón nhận nó, cho đến ngày hôm nay, tôi rất là vui vì mình là người không sống bằng nghề sáng tác nhưng lại được rất nhiều người biết đến vì mình là người sáng tác ca khúc.
Vũ Hoàng: Nhiều nhận xét cho rằng trong sáng tác của anh ranh giới giữa ca khúc nghệ thuật và ca khúc theo thị hiếu thị trường rất hẹp, vậy làm sao để anh có thể gọi là đi hai hàng, sáng tác một ca khúc có nhiều “tính năng” như vậy?
Đức Trí: Có thể câu hỏi của anh bắt nguồn từ câu hỏi thứ nhất, bởi vì tôi không sáng tác để mưu sinh, cho nên tôi sáng tác chỉ để cho tôi hoặc là cho những người mà tôi cộng tác cùng hoặc vì một cảm xúc nào đó mà tôi viết.
Nói như vậy, không có nghĩa là sáng tác của tôi không phục vụ cho việc giải trí bởi vì tôi vẫn là người sản xuất và tôi vẫn có con mắt nhìn như một nhà sản xuất, nghĩa là một bài hát phải được đón nhận, phải có công chúng, có lẽ vì thế cho nên nó luôn đi hai hàng như cách nói của anh.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn anh. Thú thực khi nghe nhạc của anh thấy chất hiện đại với dòng nhạc nhẹ rất rõ, vậy anh đã kết hợp thế nào giữa dòng nhạc dân gian được học và đào tạo bài bản với chất hiện đại của các ca khúc đương đại?
Đức Trí: Chắc là vì tôi được lợi thế là được học nhiều dòng nhạc và vì thế cái chất nhạc truyền thống thấm sâu đến mức tôi không cần phải dùng đến nó, nhưng thực sự nó vẫn nằm trong sáng tác của tôi, dù nó đã được khoác áo âm nhạc Tây Phương, nhưng thực chất bên trong nó là những giai điệu rất ngũ cung, rất là Á Đông, từ những bài như Giấc Mơ Xa Vời cho đến những bài như Nắng Có Còn Xuân, hay bài Có Một Chút.
Những bài hát đó là những bài được khoác lên hơi thở của tiết tấu thời đại, nhưng sâu bên trong đó vẫn là những âm giai của Việt Nam và có lẽ đó là con đường mà tôi vẫn làm, có nghĩa là tôi viết một cách tự nhiên, chứ không phải vì tôi muốn viết một giai điệu mang âm hưởng ngũ cung.
Vũ Hoàng: Quay lại cuộc trò chuyện hôm nay, thưa nhạc sĩ Đức Trí, được biết anh là một trong số rất ít nhạc sĩ Việt Nam, nếu không muốn nói là duy nhất đã sang Hoa Kỳ học tập và được đào tạo bài bản về sản xuất âm nhạc, khi đi có bao giờ anh nghĩ sẽ quay về để phục vụ cho đất nước?
Đức Trí: Thực ra tôi không nghĩ lớn lao như anh nghĩ, bởi vì tôi chỉ nghĩ rằng tôi đi học là bởi vì tôi còn thấy mình rất dốt trong lĩnh vực tôi đang làm, bởi vì trong những năm 1995 đến 2000 là những năm tôi được may mắn có công việc đến rất nhiều và tôi tham gia rất nhiều dự án, mà lỗ hổng về kỹ thuật đối với những người trong nước lúc đó rất lớn.
Lúc đó, tôi đã từng nghĩ sang châu Âu học, bởi ai cũng nói đi học nhạc thì phải học ở Châu Âu, chứ không ai nói đi sang Mỹ học cả, nhưng lúc đó tôi vẫn nhìn thấy điều là nếu trung tâm của nghệ thuật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nó nằm ở Paris, Châu Âu, thì dường như cuối thế kỷ 20, nó dịch chuyển sang New York, Hoa Kỳ, bởi vì ngoài nghệ thuật thuần túy nó còn gắn liền với giải trí. Vì suy nghĩ đó làm cho tôi nghĩ đến ngành sản xuất âm nhạc, là ngành dạy cho tôi những kỹ năng về phòng thu, phối âm, phối khí cho dàn nhạc lớn, chỉ đơn thuần vì tôi muốn lấp vào những lỗ hổng về kỹ thuật của tôi mà thôi.
Vũ Hoàng: Khi nghe bài hát của anh thì thấy lời rất đẹp, rất nên thơ, rất trữ tình, vậy khi sáng tác một bài hát, anh viết lời trước hay anh tập trung vào giai điệu trước, thưa anh?
Đức Trí: Nó luôn gắn liền với nhau, nó ra đời cùng lúc, không biết những người khác sáng tác thế nào, chứ tôi luôn sáng tác cùng lúc, có thể nói là 98%, nếu tôi có 100 bài thì chỉ 2 bài là tôi viết lời riêng, viết nhạc riêng.
Nghĩa là tôi viết giai điệu trước, tôi luôn viết giai điệu trước, nhưng lời hát đến cùng lúc đó, hoặc là đến sau vài giây hoặc hai, ba phút, nghĩa là sau khi tôi có giai điệu thì lời hát đến ngay sau đó, chứ tôi không viết nhạc xong rồi mới đặt lời bài, cũng không làm điều ngược lại là viết lời xong rồi đặt giai điệu vào.
Vũ Hoàng: Xin được cám ơn nhạc sĩ Đức Trí rất nhiều và xin chúc anh thành công hơn nữa trên cả hai vai trò nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc.
Source: RFA