Danh ca Út Trà Ôn
Người nhìn thấu kho tàng nghệ thuật Út Trà Ôn Ngôi vị “đệ nhứt danh ca “hoặc” vua vọng cổ” đã đến với Út Trà Ôn từ năm 1947, trong suốt mấy chục năm vẫn còn rực rỡ vàng son, vang lừng tên tuổi trên cả nước, làn hơi ca trời cho đã tạo cho ông một sự nghiệp lớn lao về nghệ thuật, cả về cuộc sống.
Út Trà Ôn đã thu thanh được khoảng 600 bộ dĩa hát, kể cả phần đơn ca và tuồng hát (thật là kinh khủng). Một giọng ca để đời! Người ta bảo vậy. Và lúc nào Út Trà Ôn cũng được trả giá đắt hơn mọi đào kép khác.
Làn hơi thiên phú của Út Trà Ôn không một địch thủ nào qua mặt nổi. Không riêng gì người miền Nam tặng cho biệt danh trên, mà đào Kim Chung đất Bắc cũng đã từng nói: “Theo tôi thì trước nay ngôi vị vua vọng cổ của Út Trà Ôn không ai lung lạc nổi. Làn hơi của anh không những phong phú mà lại còn thần tình. Anh ca một cách tự nhiên không cần gò gẫm và không hề thấy mệt”.
Có những sự việc chẳng liên quan gì đến ca hát hay nghệ thuật sân khấu, người ta cũng đưa Út Trà Ôn ra làm điển hình. Chẳng hạn như tại một đơn vị quân đội tiền đồn ở ngoài Trung, ngày kia có phái đoàn Bộ Tổng Tham Mưu đến thanh tra. Viên sĩ quan đơn vị trưởng thuyết trình mạch lạc, không bị khiển trách gì hết, và khi phái đoàn thanh tra ra về thì vị đại tá tư lệnh đến vỗ vai vị sĩ quan rồi nói: “Bữa nay Út Trà Ôn ca vọng cổ hay quá...” (ý nói thuyết trình hay, lưu loát). Đó là một trong hằng bao thí dụ mà thiên hạ đã đề cập đến giọng ca Út Trà Ôn.
Các thế hệ sau này, những người đang theo đuổi, tập luyện đờn ca cổ nhạc, họ cũng có nghe qua Út Trà Ôn, nhưng rất hiếm người biết được tường tận về tiểu sử, về thành tích, đặc biệt là con đường nào đã đưa đến sự nổi danh.
Út Trà Ôn tên thật là Nguyễn Thành Út, sinh quán tại làng Đông Hậu, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ (về sau Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Long), là con thứ út trong gia đình. Người trong làng sân khấu thường gọi ông là Cậu Mười hay là Cậu Mười Út. Từ năm 14 tuổi nghe dĩa hát rồi bắt đầu tập ca theo giọng ca của các danh ca Tám Thưa, Năm Nghĩa... và đi ca đình đám với các nhóm đờn ca tài tử ở địa phương.
Vài năm sau thì Út Trà Ôn theo ghe lá lên Sài Gòn, lúc đầu cũng tham gia các ban đờn ca tài tử, và có một lần dự cuộc thi tuyển của hãng rượu Bình Tây tổ chức. Theo thể lệ là ai ca được nhiều bài trúng tuyển thì được thưởng... rượu. Tuy vậy cũng là một bực thang đầu để bước dần lên đài danh vọng.
Thời gian sau thì Út Trà Ôn xin vô gánh hát Tân Thinh, Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân đóng vai phụ. Lúc này thì chưa nổi danh nên người ta cũng ít chú ý đến Cậu Mười, dù rằng làn hơi ca của ông được nhiều người khen hay.
Thuở đó vào khoảng 1946 thời oanh liệt của đào Kim Anh là vợ của bầu gánh Mộng Vân, vừa là bà bầu, vừa là đào chánh đóng cặp với danh ca Năm Nghĩa. Còn Út Trà Ôn chỉ chuyên đóng vai phụ nên lương hướng chẳng bao nhiêu, và lúc ấy bầu gánh Mộng Vân cũng chưa đánh giá đúng mức giọng ca Út Trà Ôn nên đâu có nghĩ đến chuyện khai thác.
Tiền lương thì ít mà lúc ấy Út Trà Ôn hỏi bầu gánh mượn 5 ngàn đồng (số tiền này rất lớn vào thời đó), bà bầu Kim Anh đã không nhìn thấu cái kho tàng nghệ thuật đang tiềm ẩn trong người kép phụ Út Trà Ôn, nên bà bầu có tánh keo kiệt cứ hẹn lần hẹn lựa mãi.
Lúc bấy giờ có ông Tư Lâu người Bạc Liêu, ông này đang làm thám tử cho Cò mật thám người Pháp, nhưng ông đã quyết định xin thôi việc để nhảy ra làm bầu gánh cải lương. Ông trao cho Út Trà Ôn 10 ngàn đồng và dựng đoàn hát lấy tên Sao Mai, giao cho Út Trà Ôn thủ vai chánh.
Quả nhiên ông bầu Tư Lâu đã nhìn người không sai, vì với một kép chánh có làn hơi ca vọng cổ hái ra bạc, nên đoàn Sao Mai rực sáng như sao bắc đẩu. Và chính Út Trà Ôn đã tạo cho mình một thành tích bất hủ, một huyền thoại về ca ngâm ở miền Trung. Một đêm hát nọ tại Nha Trang khán giả nghẹt rạp, bỗng nhiên bị cúp điện. Giữa lúc ông bầu đứng ra xin lỗi khán giả để trả vé, thì chính khán giả lại không chịu, đã đứng lên bảo thẳng với ông:
- Ông bầu đừng trả vé, đốt đèn măng sông lên đi, nếu hổng có thì tụi này về nhà lấy đem cho mượn, rồi nói với Út Trà Ôn ra sân khấu ca bản vọng cổ Tôn Tẫn Giả Điên đi.
Người khác nói:
- Ca xong tụi này vui vẻ ra về liền mà khỏi cần hát xướng gì ráo!
Trước đó hãng dĩa Asia đã thu thanh tiếng của Út Trà Ôn ca bài vọng cổ Tôn Tẫn Giả Điên, phát hành bán khắp nơi được giới mộ điệu hoan nghinh. Giờ đây cũng chính Út Trà Ôn bằng xương bằng thịt ca trở lại bài nói trên thì khán giả lại hoan nghinh nhiều hơn. Coi như buổi hát đó Út Trà Ôn đã cứu vãn cả đoàn hát, mà vui vẻ nhứt có lẽ là ông bầu gánh Sao Mai.
Nhưng rồi cũng chẳng lâu dài, thời gian sau Út Trà Ôn rời gánh Sao Mai để đi đoàn khác, và đến khoảng 1953 thì về với đoàn Thanh Minh của nghệ sĩ Năm Nghĩa (Út Trà Ôn bỏ gánh Mộng Vân chẳng bao lâu thì Năm Nghĩa cũng tách ra lập gánh Thanh Minh). Và từ đó gánh Mộng Vân suy sụp đi đến chỗ rã gánh, đào Kim Anh lại về hát cho Thanh Minh. Lúc bấy giờ đoàn Thanh Minh có đến 3 cô đào chánh là Kim Chưởng, Thúy Nga và Kim Anh. Trong thời gian cộng tác với gánh Thanh Minh, Út Trà Ôn không thể bỏ gánh này được, do bởi tờ giao kèo 2 triệu bạc mà đệ nhứt danh ca đã ký để hát cho gánh này thời gian 2 năm, và vừa mãn hạn thì lại tiếp tục ký thêm 2 năm nữa cũng cái giá đó.
Những năm đầu ở gánh Thanh Minh, Út Trà Ôn đã gián tiếp quảng cáo mạnh mẽ cho gánh hát này mà ngay cả chính ông cũng chẳng biết. Số là lúc bây giờ, buổi tối thì Út Trà Ôn lên sân khấu đóng tuồng, ban ngày thì đến hãng dĩa hát Hoành Sơn tập ca thu dĩa hát (muốn vô một bộ dĩa phải tập luyện cả tháng). Dĩa hát phát hành khắp nơi nên đi tới chỗ nào có giàn máy hát là có nghe Út Trà Ôn ca.
Thời đó dân miền Lục Tỉnh và các lái buôn đi ghe từ tỉnh lên Sài Gòn, thường hay đậu tại mé sông bến Hàm Tử, bến Bình Đông. Thời gian chờ lên hàng cho vựa, ban ngày thì họ lo việc mua bán, tối đến là đi coi cải lương, mà phần lớn là tìm gánh Thanh Minh để thấy tận mắt Út Trà Ôn, trực tiếp nghe danh ca này xuống “hò” vô vọng cổ, thay vì nghe trong dĩa hát.
Coi như người đầu tiên nhìn thấy cái kho tàng nghệ thuật trong người Út Trà Ôn là ông bầu Tư Lâu, gánh Sao Mai, và người tiếp tục đầu tư vào cái kho tàng này là nghệ sĩ Năm Nghĩa (dưỡng phụ của Thanh Nga), ông đã dám bỏ ra 2 triệu đồng đưa trước cho Út Trà Ôn mà không sợ rủi ro nếu như đệ nhứt danh ca có mệnh hệ nào (tai nạn chẳng hạn). Cũng nên biết vào thời điểm này vàng y một lượng 3 ngàn, nếu làm bài toán người ta sẽ thấy ngay Năm Nghĩa đã khơi khơi “tặng” Út Trà Ôn 6, 7 trăm lượng vàng, chỉ với điều kiện là hát đủ thời gian hai năm. Đó là chưa kể lương mỗi đêm hát 4 ngàn đồng (thời này vé số kiến thiết trúng độc đắc 1 triệu đồng). Nói một cách khác mỗi lần hạ bút ký giao kèo là Út Trà Ôn trúng 2 lần vé số độc đắc vậy!
Theo RFA