Trời bắt đầu đổ lạnh và những ngày lễ quan trọng nhất trong năm đang nối tiếp nhau đến để nhắc nhở mọi người một năm
nữa lại sắp sửa qua đi. Bên cạnh đó, nhịp sinh hoạt của nhiều người cũng nhộn nhịp hẳn lên. Ở những khu mua sắm,
không chỉ những ngày cuối tuần mà luôn cả ngày thường, số người đổ tới cũng đông hơn bình thường. Hầu như ai cũng
bận rộn chuẩn bị quà cáp cho những người thân. Nhìn vào khuôn mặt của họ ta thấy ánh lên niềm vui sướng và không khỏi
bật lên trong đầu câu hỏi: Phải chăng họ thật sự đang vui sướng hạnh phúc vì trên tay chất đầy những quà cáp vừa mới
mua? Hay nói rõ hơn một chút: Phải chăng tiền bạc có thể mang lại hạnh phúc cho người ta?
Câu hỏi này quả thật có hơi cũ, nhưng các nhà nghiên cứu tâm lý và xã hội vẫn cứ muốn đi tìm câu trả lời cho rốt ráo. Có
người tìm được rồi thì chỉ vài năm sau lại có người khác tiếp tục nghiên cứu để xem có câu trả lời nào mới hơn cho câu
hỏi trên. Cũng vì vậy mà trong mấy năm qua, một số nghiên cứu mới đã cho người ta hiểu rõ hơn về sự liên hệ giữa tiền
bạc, vật chất và cảm xúc của con người. Một số nhà kinh tế cũng đã cẩn thận xem xét kỹ lưỡng sự liên hệ giữa lợi tức cá
nhân và hạnh phúc ở tại nhiều quốc gia khác nhau, và một số nhà tâm lý đã điều tra trên nhiều cá nhân để tìm hiểu xem
điều gì thật sự làm người ta vui hẳn lên khi nhắc đến tiền bạc.
Dựa trên kết quả của nhiều nghiên cứu, mới nhìn vào, quả nhiên câu trả lời thật rõ ràng là những ai có lợi tức cao nói
chung hạnh phúc hơn là những người có lợi tức thấp thường xuyên phải vật lộn với cuộc sống. Và người dân ở những
quốc gia giàu có dĩ nhiên là có cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều so với người dân ở những nước nghèo.
Thế nhưng, nếu tìm hiểu kỹ hơn nữa, các nhà nghiên cứu thấy rằng có nhiều điều gây ngạc nhiên không ít và nhờ vậy họ
cũng hiểu rõ hơn về mối liên hệ phức tạp giữa tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống của con người.
Nói ngắn gọn, theo kết quả nghiên cứu mới đây, sung túc thôi chưa đủ để bảo đảm một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Cái
quan trọng hơn cả đồng tiền rất nhiều, đó là cách người ta tiêu xài nó ra sao. Chẳng hạn, cho đi hoặc biếu ai đó hoặc hiến
tặng sẽ làm người cho cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với cách tiêu xài phung phí cho chính cá nhân họ. Và khi người
ta tiêu xài cho chính cá nhân họ, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi người ta sử dụng số tiền ấy cho kinh nghiệm
sống, như đi du lịch, hơn là để mua những món hàng thuộc về vật chất.
Với ý nghĩ đó, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những bằng chứng qua kết quả nghiên cứu gần đây để khuyến khích người
ta sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan hơn, đúng với giá trị của nó và sử dụng sao để mang lại hạnh phúc nhiều nhất.
Nhiều cuộc nghiên cứu kéo dài trong 10 năm qua cho thấy kinh nghiệm sống mang lại cho người ta niềm vui sướng lâu
dài hơn là đồ dùng vật chất, tuy vậy người ta vẫn thường phủ nhận điều đó và dành ưu tiên cao hơn trong việc mua sắm
những món hàng.
Theo giáo sư Ryan Howel thuộc đại học San Francisco State University, qua một nghiên cứu công bố vào đầu năm nói
rằng phần đông người ta nghĩ mua sắm những món hàng vật chất làm cho giá trị đồng bạc cao hơn là vì kinh nghiệm sống
không hiện hữu trước mặt và biến mất rất nhanh trong khi những vật vừa mới mua đó thì vẫn sờ sờ ở quanh đó và người
ta có thể nhìn và chạm vào được.
Cũng theo giáo sư Howell, nhiều người nghĩ rằng kinh nghiệm sống chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời, nhưng thật ra nó
mang lại cả hai thứ hạnh phúc và giá trị lâu bền. Nhưng đa số vẫn cứ thích mua đồ hơn vì những thứ ấy là những vật thể
hiện hữu và người ta nghĩ rằng họ có dùng những thứ ấy ngày này qua ngày khác.
Thế nhưng sự thật thì con người dễ quen với những món đồ vật chất đó lắm. Một chiếc áo mới hay một chiếc xe đẹp có
thể mang lại niềm vui sướng trong chốc lát, nhưng ngay sau đó người ta quen mắt quen hơi đi, chiếc áo còn mới nhưng
không được lộng lẫy như lúc ban đầu nữa, và mùi thơm mới của chiếc xe còn đó nhưng không mang lại cảm giác êm dịu
như hôm qua.
Ở mặt khác, kinh nghiệm sống thường mang lại cho con người những nhu cầu tâm lý tiềm ẩn. Và người ta thường sẵn
sàng chia sẻ những kinh nghiệm sống đó với người khác, và điều này mang lại cái cảm giác được nối kết, từ đó đưa đến
mối quan hệ thắt chặt hơn và hình thành một phần diện mạo của chính người đó. Nếu một lần được leo lên những ngọn
núi ở Himalaya, hay được chèo thuyền trên sông Amazon, hoặc được đưa tay sờ vào những bước tượng Phật khổng lồ ở
Đế Thiên Đế Thích, thì những điều đó sẽ được người ta ghi mãi vào trong ký ức và lâu lâu có dịp lại nhắc về những kỷ
niệm đó, trong khi những áo quần, giày dép, máy móc điện tử thì đã ra nằm phơi nắng ở ngoài bãi rác từ lâu.
Một trong những lý do chính vì sao vật chất không hẳn lúc nào cũng mang lại hạnh phúc cho chúng ta là vì chúng ta dễ
quen với những thứ ấy. Con người là giống rất giỏi thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống của họ, đặc biệt là
những thay đổi có chiều hướng tốt đẹp.
Ví dụ, nếu một bức tranh trong nhà cứ treo mãi ở một chỗ, thì chỉ trong một thời gian ngắn không ai còn thèm nhìn ngắm
bức tranh đó nữa. Thế nhưng, nếu dời bức tranh đó qua một phòng khác rồi đem bức tranh ở một phòng khác lại treo ở
ngay chỗ ấy thì tự nhiên mỗi lần đi ngang qua chúng ta sẽ nhìn ngắm chúng bằng cặp mắt mới hơn, và cảm kích cái đẹp
nghệ thuật của chúng hơn.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy tiền bạc thật sự có mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng điều nghịch lý ở đây
là mặc dù có nhiều tiền thường làm cho cuộc sống của người ta vui vẻ hạnh phúc, nhưng người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc
hơn nữa bằng cách cho đi hơn là tiêu xài cho chính họ.
Theo kết quả của một loạt nghiên cứu của giáo sư Elizabeth Dunn, Khoa Tâm lý thuộc Đại học British Columbia, cho thấy
những ai dùng tiền của họ cho người khác thì thấy được hạnh phúc hơn so với những người chỉ biết tiêu xài cho chính họ.
Mà đây là hiện tượng chung không có biên giới, không phân biệt quốc gia giàu nghèo hay sắc tộc. Giáo sư Dunn chỉ ra
cho thấy từ những quốc gia giàu có như Canada đến những quốc gia bậc trung như Nam Phi rồi đến quốc gia nghèo nát
vì chiến tranh triền miên như Uganda, cho tiền đi một cách đều đặn làm cho người dân ở những nơi đó cảm thấy hạnh
phúc hơn. Thậm chí khi người ta cho đi tiền của chính họ, và ngay cả khi những người này là những người không mấy
giàu có dư dả gì nhiều.
Điều cảm động hơn nữa, cũng theo giáo sư Dunn, là mức độ hạnh phúc không hẳn là từ số tiền người ta cho đi mà là sự
nhận thức tác động của việc hiến tặng. Nếu người ta có thể chính mắt thấy số tiền của họ làm thay đổi cuộc sống của
người khác, điều đó sẽ làm người ta cảm thấy thật hạnh phúc, thậm chí nếu số tiền người ta cho đi chỉ là một con số nhỏ
nhoi không đáng kể.
Một điều nữa mang lại hạnh phúc là hãy dành nhiều thì giờ cho gia đình. Vậy điều này thì có liên quan gì đến tiền bạc? Có
chứ. Ví dụ như khi dự định mua một căn nhà ở vùng ngoại ô để ở. Đây có thể là một ý tưởng hay nhưng hãy cẩn thận xem
coi mỗi ngày lái xe đi làm có quá xa và mất thì giờ không. Một nghiên cứu năm 2004 của hai nhà nghiên cứu Alois Stutzer
và Buno Frey thuộc Đại học Zurich cho thấy khi người ta phải lái xe đi làm quá xa có thể làm cho cảm giác thỏa mãn cuộc
sống của họ nói chung giảm sút. Hai nhà nghiên cứu trên tính ra là cứ một tiếng lái xe đi làm như vậy mức lương phải
được tăng lên 40% mới bù đắp được nỗi khổ và bất tiện khi phải lái xe xa.
Thay vì mua một căn nhà to đẹp ở vùng ngoại ô thì nên mua một căn nhà gần sở làm, để dành một tiếng buổi sáng đó với
gia đình, cùng nhau ăn một bữa điểm tâm, hay đi bộ với mấy đứa con ở công viên cạnh nhà. Một buổi sáng như vậy mang
nhiều ý nghĩa hơn là phải chờ trên xa lộ vì nạn kẹt xe, vừa phải ngửi khói xăng vừa nhìn những khuôn mặt nhăn nhó thiếu
thiện cảm ở xung quanh, thì chán chết.
Cuối cùng, mặc dù phần lớn những cuộc nghiên cứu về đề tài tiền bạc và hạnh phúc chú trọng tới cách tiêu xài hơn là việc
tiết kiệm, các nhà nghiên cứu cũng đồng ý rằng chi tiêu phung phí hơn là những gì mình có là con đường đưa đến khốn
khổ sau này. Điều quan trọng là phải tự lo lấy những nhu cầu căn bản cho chính mình và cố gắng đạt được một mức độ
bảo đảm tài chánh trước đã.
Kinh nghiệm sống mang lại hạnh phúc nhiều hơn là vật chất, nhưng người ta cũng cần phải lo lấy bản thân và những điều
thiết yếu cho cuộc sống của mình trước hết rồi mới nên tính những chuyện khác.
Trong khi một vài nghiên cứu cho thấy nợ nần có ảnh hưởng bất lợi lên sự hạnh phúc, thì ngược lại tiết kiệm và bảo đảm
tài chánh lại làm tăng hạnh phúc lên.
Vì vậy, trước khi chuẩn bị chi ra một số tiền lớn để làm một chuyến nghỉ mát hằng mong ước bấy lâu nay, thì trước hết hãy
thử xem xét lại là mình đã lo đầy đủ cho những nhu cầu căn bản cho cuộc sống chưa, đã thanh toán hết nợ nần rồi chứ,
và đã để dành đủ tiền phòng ngừa những xui xẻo bất ngờ ập tới vào lúc trái gió trở trời không lường trước được.
Nếu tất cả đã sẵn sàng, vậy ta còn chờ gì nữa.
Những ngày lễ cuối năm đang đến gần, tại những góc đường và trước những siêu thị, có những ông và bà mặc những
chiếc áo đỏ đứng lắc chuông kêu gọi chút lòng hảo tâm của mọi người để những cơ quan từ thiện như Salvation Army có
khả năng giúp đỡ cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Vậy, mỗi khi đi ngang qua những nơi này, nếu nghe thấy
tiếng chuông, bạn hãy dừng lại thử tìm xem sâu trong túi áo túi quần có còn sót lại vài đồng cắc thì hãy moi chúng ra thả
vào trong những chiếc ống từ thiện đó. Làm xong, thử xem ngày hôm đó bạn có cảm thấy vui hơn chút nào không, như lời
những nhà nghiên cứu đã mô tả.
Huy Lâm