Từ cổ vũ bạo lực, dạy con trẻ nói dối cho đến giáo dục suy nghĩ nhảm nhí, sai lệch, những điều mà không một phụ huynh nào muốn con em đọc được, lại có thể xuất hiện đầy rẫy trong nước.
Những kiểu hỏi đáp nhảm nhí xuất hiện nhan nhản trong các cuốn sách đố vui, rèn luyện trí thông minh cho trẻ. Không chỉ mang nội dung phi logic, thiếu tính giáo dục, một số nhà xuất bản còn ngang nhiên đưa những hình ảnh rùng rợn, bạo lực vào trong những cuốn sách rèn luyện trí thông minh cho trẻ.
Một vài thí dụ như như câu hỏi: “Làm thế nào để giữ tóc không bị rụng? Trả lời: “Cạo trọc đầu đi”; “Anh Phong và chị Vân đã kết hôn rồi nhưng tại sao lúc hẹn hò họ vẫn phải lén lén lút lút sợ người khác thấy? – Vì mỗi người đều hẹn hò với một người khác”, “Loại người nào không cần kiểm tra X-quang vẫn biết được bên trong? Người lòng lang dạ thú”…
Thêm vào đó cuốn Hỏi đáp nhanh trí của nhà xuất bản Văn Hóa có những câu hỏi rùng mình như, Anh A bị chặt đầu lúc 40 tuổi, vậy con cái anh A bị làm sao?. Đáp án là: bị mồ côi, kèm theo đó là hình ảnh người đàn ông nằm trên máy chém với khuôn mặt hoảng hốt.
Cũng liên quan đến những hạt sạn trong sách thiếu nhi, cách đây một vài năm đã từng có cuốn sách dạy kiến thức cho thiếu nhi của một nhà xuất bản khá uy tín, được chuyển ngữ từ tiếng nước ngoài. Sách đã dạy trẻ làm cách nào để gian lận, với những thủ thuật nhằm qua mặt thầy cô trên lớp như viết đáp án lên tay, kết bạn với người bạn khác lớp đã làm bài kiểm tra với mục đích biết đáp án…
Các nhà xuất bản đang chạy theo doanh thu, thả lỏng cho đối tác muốn làm gì thì làm, trong khi người chịu trách nhiệm cuối cùng là giám đốc, tổng biên tập cũng không kiểm soát được nội dung những ấn phẩm liên kết, đứng tên nhà xuất bản của mình.
Khi các nhà xuất bản còn dễ dãi trong việc liên kết xuất bản và đưa những sản phẩm văn hóa rác rến ra thị trường, thì các bậc phụ huynh còn lo lắng vì những sản phẩm kém chất lượng, có thể tiếp cận con em mình dễ dàng.
SBTN