3. Trong phần kết, cô gái bày tỏ nỗi lo âu nhưng vẫn giữ niềm tin và lạc quan:
Trở về câu chuyện, sau khi mơ ước quân Nam về Thăng Long, cô gái khắc khoải ngóng trông chàng khi màn đêm dần tàn, để mặc những giọt sương đêm rơi đọng trên mi mắt. Nỗi cô đơn thiếu bóng chàng khiến tim nàng lạnh lẽo như buổi chiều mùa đông nơi biên ải xa xôi ("Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi/ Tim em lạnh lẽo như chiều đông ngoài biên thùy.")
Trong đêm khuya thanh vắng, có tiếng ai hát bài ca buồn thảm, khiến nàng chạnh nhớ ngày hai ngưởi chia tay nhau trước khi nàng vào Nam ("Ai gieo chi khúc hát lâm ly/ Như khơi niềm nhớ cuộc từ ly lòng não nùng.")
Thế rổi, như mọi đêm trước, vẫn không thấy bóng dáng chàng trong đêm tối chập chùng, núi non trùng điệp, nàng bùi ngùi thương xót lo lắng cho người yêu chắc đang gặp khốn khó nơi quê nhà ("Bùi ngùi nhìn cách xa ngàn trùng/ Giờ đây anh điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm.") Tại sao nàng có ý nghĩ người yêu đang bị điêu linh nơi quê nhà? Vào khoảng thời gian đó, chiến tranh hai miển chưa bùng nổ, vì hiệp định Geneva mới được ký và Ủy Ban Quốc Tế đang giám sát cuộc ngừng bắn. Do đó, "điêu linh" đây không thể ám chỉ tai họa chiến tranh. Nhưng ta hiểu cuộc sống người dân dưới chế độ cộng sản rất khổ cực cả về tinh thần lẫn vật chất. Cuộc sống con người như bị "chìm đắm" trong ngục tù bùn lầy. Cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu đang xảy ra khấp nơi trên các vùng đồng quê miền Bắc lúc ấy, dẫn đến cuộc thảm sát 172.008 người. Ngoài ra, như trình bày ở trên, chính quyền cộng sản cố ngăn cản dân miền Bắc di cư vào Nam và trừng phạt những người cố gắng ra đi. Do đó, khi không thấy người yêu đến nơi hẹn qua suốt bao nhiêu đêm, cô gái lo âu và nghĩ chàng đang bị khốn khó khi đang tìm đường ra đi.
Đêm này cũng như bao đêm khác, chàng vẫn không ̣đến, khiến nàng buồn bã thổn thức dưới ánh trăng trắng ngà. Nhưng nàng vẫn không nản chí, và thả hồn mơ đến ngày hội ngộ với người yêu để sống bên nhau trong tình ấm ("Bao đêm thổn thức dưới trăng ngà/ Hồn đắm say chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau.") Tại đây, ta thấy lại lần nữa tình yêu thương đồng bào, không phân biệt Nam Bắc khi tác giả dùng chữ "về" trong "chờ đón ngày anh về sưởi lòng nhau." Câu này xác nhận chữ "về" trong "quân Nam về Thăng Long" không phải là chữ chọn lựa chỉ để nghe xuôi tai hoặc thuận vần điệu. Đối với tác giả, nơi nào trên đất nước cũng là quê nhà, và do đó cho dù anh ở Bắc vượt vĩ tuyến để vào Nam, anh cũng "về" quê nhà sưởi ấm lòng nhau.
Qua lời cô gái kể lể tâm sự, khán giả thương cô gái, nỗi cô đơn, ước vọng, và mối tình cách chia của cô. Mối tình đó lồng trong một mối tình cao cả hơn là tình yêu quê hương và đồng bào. Khán giả cảm nhận nỗi cô đơn lắng đọng trong màn đêm, đi theo những biến thể của tâm trạng cô gái, qua cực đỉnh hy vọng cho một vinh quang thanh bình cho toàn dân, và sau cùng ước mơ cho ngày xum họp với người yêu. Giai điệu và tiết tấu làm nổi bật ý tưởng thêm. Trong phần dẫn nhập và kết, giai điệu êm ái, điều hòa, nhịp nhàng, tiết tấu trung bình, thích hợp cho kể lể tâm tình. Trong phần cực đỉnh, giai điệu thay đổi, tiết tấu chậm, cộng thêm với câu hò, tạo tác dụng mạnh trên khán giả.
C. Câu chuyện được diễn tả qua kỹ thuật phối hợp tả cảnh và tả tình thật đặc sắc:Bài hát "Chuyện Đò Vĩ Tuyến" là lời kể lể tâm trạng của cô gái mong chờ người yêu đến để cùng nhau đi trên chuyến đò qua vĩ tuyến vào Nam. Câu chuyện được diễn tả linh động, đầy tình cảm, và hiệu quả qua các kỹ thuật diễn tả độc đáo.
1. Tác gỉả phối hợp tả cảnh và tả tình với kỹ thuật táo bạo nhưng thật hữu hiệu:
Lam Phương kể câu chuyện qua lời cô gái với những sắc thái nổi bật của tả cảnh và tả tình.
Trong tả cảnh, ông phối hợp màu sắc, không gian, thời gian, và các giác quan một cách chặt chẽ. Ông dùng màu sắc linh động vẽ ra hình ảnh cảnh đêm khuya (màu bạc của nước sông lóng lánh dưới ánh trăng sáng, màu ngà của trăng đêm), cảnh đồng ruộng phì nhiêu (màu vàng của lúa chín). Những yếu tố không gian (mông mênh, vượt rừng vượt núi, đầu làng, phương Nam, biên thùy, ngàn trùng, quê nhà) được liên kết chặt chẽ với thời gian (đêm nay, đêm thâu, chiều đông, bao đêm). Chỉ trong một đêm, ông đưa khán giả qua toàn thể đất nước Việt Nam, khởi đầu với trăng sáng trên trời, xuống con đò nhỏ lênh đênh trên giòng sông Bến Hải, chuyển đột ngột sang quê nhà chàng đi qua rừng núi tới nơi hẹn ở đầu làng, lân la qua khắp miền Nam đầy lúa vàng, trở về thủ đô Thăng Long, rồi lan rộng ra nơi biên thùy xa xôi, cuối cùng trở về con đò dưới trăng ngà. Lam Phương tinh tế đưa người nghe chìm vào cảnh tượng qua những giác quan: xúc giác (lạnh lẽo, sưởi ấm, thấm ướt, sưởi lòng), thị giác (trăng sáng, bạc hai màu, nhìn... ngàn trùng), thính giác (khúc hát, thổn thức), và khứu giác (ngát hương, ngào ngạt).
Trong tả tình, ông biểu lộ tâm trạng cô gái qua những giai đoạn trong lúc chờ người yêu: than thở ("sao ta lìa cách"), mong mỏi ("chờ mong gặp bóng chàng"), sôi nổi ("vượt rừng vượt núi"), vui tươi ("sống trong thanh bình"), trách móc ("ai nỡ chia đôi"), hy vọng ("xây một nhịp cầu," "quân Nam về Thăng Long," "đem thanh bình"), cô đơn ("tim em lạnh lẽo"), nhớ nhung ("khơi niềm nhớ"), buồn bã ("não nùng," "bùi ngùi," "thổn thức"), lo âu ("anh điêu linh"), mơ mộng ("đắm say"). Chỉ trong một đêm mà tác giả diễn tả đủ mọi tâm trạng của cô gái với những cường độ tình cảm khác nhau. Khán giả được đưa qua những biến thể của tâm trạng này, không ý thức rõ rệt mà chỉ cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi qua những bức chụp (snapshots) của cảnh tượng cô gái chờ người yêu trên con đò vào đêm khuya. Khán giả không bị ngộp thở bởi những hình ảnh cụ thể liên tiếp và cũng không bị nhàm chán qua những lời kể lể tâm tình. Lam Phương đạt được tác dụng này qua cách phối hợp hoàn hảo giữa "cho thấy" và "kể" như được trình bày sau đây.
Trong các bài trước, tôi nhấn mạnh kỹ thuật "cho thấy, ̣đừng kể" và "kể, đừng cho thấy" trong việc diễn tả cảnh tượng. "Kể" và "cho thấy" phải được dùng một cách cân bằng, và tùy vào hậu quả của tác dụng. Có những cảnh được diễn tả linh động và lôi cuốn qua "cho thấy" và có những cảnh được diễn tả hữu hiệu qua "kể." Với câu chuyện cô gái chờ người yêu trên con đò bên bờ sông vào đêm khuya trong bối cảnh đất nước chia đôi, cách diễn tả nào hay hơn? Lam Phương cho ta câu trả lời: cả hai.
Nhưng cả hai bằng cách nào? Lam Phương dùng một kỹ thuật táo bạo: luân phiên. Đó là kỹ thuật sắp xếp "cho thấy" và "kể" luân phiên nhau một cách mạch lạc, có thứ tự, đi từ cảnh tượng này sang cảnh khác một cách nhịp nhàng. Tại sao táo bạo? Kỹ thuật này có điểm nguy hiểm là cách diễn tả tổng quát có vẻ giả tạo, mưu mẹo, và người nghe có cảm tưởng bị lôi kéo dưới mánh khoé của tác giả và dễ có ác cảm. Nhưng Lam Phương tài tình tránh né cái nguy hiểm đó bằng cách dàn xếp các cảnh theo một thứ tự tự nhiên, từ tốn, đưa lên cực điểm, rồi đi xuống nhẹ nhàng.
Hình 1 minh họa các câu trong ca khúc với "cho thấy" và "kể" luân phiên nhau. Màu vàng là "cho thấy" và màu xanh dương là "kể."
Ta nhận ra kiểu luân phiên không theo một mẫu cố định mà có những biến thể. Thí dụ "Em và cùng anh xây một nhịp cầu" và "Để mai đây quân Nam về Thăng Long" là hai câu "cho thấy" liên tiếp; "Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến" và "Phương Nam ta sống trong thanh bình" là hai câu "kể" liên tiếp. Bằng cách thay đổi nhịp luân phiên này, Lam Phương tránh cơ chế máy móc và tạo thêm phần sống động.
Mỗi câu không hoàn toàn là "cho thấy" hoặc "kể." Vài câu "cho thấy" có chút "kể" và vài câu "kể" có chút "cho thấy." Thí dụ câu "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu" là câu kể (lìa cách) nhưng có chút "cho thấy" qua ẩn dụ "hai màu"; câu "Giòng sông mơ màng và đẹp lắm" là câu "cho thấy" (mơ màng) nhưng có chút "kể" (đẹp). Bằng cách pha lẫn chút "cho thấy" trong câu "kể" và ngược lại, Lam Phương làm tăng sự tự nhiên trong cách diễn tả, và giúp người nghe hòa nhập vào tâm tư cô gái một cách dễ dàng vì có sự chuyển tiếp.
Ta thấy các câu luân phiên này gia tăng cường độ cho đến cực đỉnh (khung đỏ trong Hình 1). Sau đó, cường độ giảm xuống và nhẹ nhàng trôi đi và lên cao một chút lúc hết. Các cường độ tình cảm này như sau:
Than thở → Mong mỏi → Sôi nổi → Vui tươi→ Trách móc → Hy vọng (cực điểm) → Cô đơn → Nhớ nhung → Buồn bã → Lo âu → Mơ Mộng
Cách xếp đặt những biến thể của tâm tư cô gái rất tinh tế và khán giả không nhận ra rõ rệt, nhưng cảm nhận được một cách nhẹ nhàng nhờ sự chuyển tiếp chậm chạp. Ngay cả khi được dẫn lên đến cực đỉnh, khán giả không thấy cái kích thích mạnh mà chỉ biết lâng lâng trong một nỗi niềm đê mê. Chỉ đến khi sang đoạn kết, với câu "Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi" trở lại phiên khúc kể lể tâm tình, khán giả mới hoàn hồn, đắm chìm theo lời cô gái, để cơn đê mê đó vương vấn theo sau.
Lam Phương còn dùng một kỹ thuật đặc sắc rất khó thực hiện. Đó là liên kết tả cảnh và tả tình đồng bộ (synchronously) với "cho thấy" và "kể." Khi tả cảnh, ông "cho thấy," và khi tả tình, ông "kể." Thí dụ, câu "Đêm nay trăng sáng quá anh ơi" tả cảnh,và ông cho thấy "trăng sáng"; câu "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu" tả tình và ông kể "lìa cách"; câu "Lênh đênh trên sóng nước mông mênh" tả cảnh, và ông cho thấy "lênh đênh," "mông mênh"; câu "Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng" tả tình, và ông kể "bao đêm," "chờ mong."
2. Kỹ thuật chuyển tiếp từ đặc thù sang bao quát và tương phản tạo tác dụng mạnh trên khán giả:
Một kỹ thuật đặc sắc mà Lam Phương dùng trong việc diễn tả cảnh tượng, tình cảm, và tâm trạng cô gái là cách chuyển từ hình ảnh đặc thù sang hình ảnh bao quát, tương phản với hình ảnh đặc thù. Kỹ thuật này rất hiệu quả để trình bày ý tưởng một cách chậm chạp và tránh những cảnh hoặc lời đột ngột mà khán giả không kịp chuẩn bị. Quan trọng hơn, kỹ thuật này có tác dụng mạnh trên khán giả vì khán giả dễ bị lôi cuốn vào sự tương phản hơn là sự tương tự. Thí dụ, nếu bạn nói với một người bạn, "Anh hai tôi giàu kếch xù." Câu đó không có tác dụng mạnh lắm, và người bạn chắc chỉ gật đầu cho qua chuyện. Nhưng nếu bạn nói, "Chị ba tôi làm nghề rửa bát ở nhà hàng với lương $10 USD một giờ trong khi anh tôi giàu kếch xù," thì người nghe chú ý nhiều hơn, và cái giàu kếch xù của ông anh hai trở nên quan trọng. Người nghe có được hai qui chiếu so sánh: mối liên hệ họ hàng giữa anh hai và chị ba, và lợi tức nghèo khó của chị ba, và do đó có ấn tượng mạnh với sự giàu có của ông anh hai.
Trong câu "Anh ơi ai nỡ chia đôi bờ để tình ta ngày tháng phải mong chờ," cô gái trách việc đất nước chia đôi đã khiến hai người phải mong chờ. Cái hậu quả đặc thù và trực tiếp của đất nước chia đôi là hai người bị xa cách. Như đã trình bày ở trên, câu này nghe có vẻ ích kỷ vì cô gái chỉ tha thiết đến mối tình của mình. Nhưng ngay sau đó, cô gái biểu lộ ước mơ cao quý hơn, bao quát hơn. Đó là đem thanh bình cho toàn dân. Ta thấy nếu ngay từ lúc đầu cô gái nói đến cái ước mơ cao quý này, khán giả sẽ không có một ấn tượng mạnh vì không có một qui chiếu so sánh. Ngoài ra, khán giả có cảm tưởng cô gái giả tạo. Bằng cách khởi đầu từ hình ảnh đặc thù cho hoàn cảnh riêng mình, cô gái thiết lập một qui chiếu so sánh và bày tỏ lòng thành thật. Tuy có chút ích kỷ, cô gái tạo được sự đáng tin. Do đó, khi cô nói đến ước vọng đem thanh bình cho toàn dân, khán giả có được sự so sánh và tin được đó quả thật là ước vọng chân thành của cô. Ngoài ra, cái ước vọng "Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng" là ước vọng cao quý cho toàn dân, tương phản với lời than vãn cá biệt "để tình ta ngày tháng phải mong chờ" trước đó. Chính cái tương phản đó tạo nên tác dụng mạnh mẽ trên khán giả.
Tương tự, trong câu "Vượt rừng vượt núi đến đầu làng/ Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến," tác giả cho thấy hình ảnh đặc thù của cuộc hành trình đi qua vĩ tuyến, nhưng không giải thích lý do. Hình ảnh đó thật sôi nổi, sống động, khó nhọc, vất vả ("Vượt rừng vượt núi") khiến khán giả tự hỏi tại sao. Câu kế tiếp cũng chỉ nói cô gái sẽ đưa anh sang vĩ tuyến mà không cho biết lý do. Với những người không quen thuộc lịch sử Việt Nam và hiệp định Geneva năm 1954, họ sẽ không biết lý do. Nhưng ngay sau đó, câu kế tiếp cho biết lý do qua một hình ảnh bao quát, rộng lớn ở miền Nam. Đó là cuộc sống thanh bình, đầy tình cảm, và trù phú của miền Nam, tương phản với cảnh khó nhọc chàng phải trải qua trong cuộc hành trình đến gặp nàng ("Phương Nam ta sống trong thanh bình/ Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng.")
Bằng cách khởi đầu với hình ảnh đặc thù, rõ rệt, và hạn hẹp rồi đưa đến một hình ảnh rộng lớn, bao quát, và có ý nghĩa cao xa, tương phản với hình ảnh đầu, tác giả tạo tác dụng mạnh trên khán giả một cách nhẹ nhàng, "lịch sự," và giúp khán giả quý, coi trọng cái hình ảnh bao quát cao xa đó.
3. Cách dùng chữ bình dị và mỹ từ hiệu quả tô điểm thêm nét sống động và tình cảm của câu chuyện:
Lam Phương là bậc thầy của cách dùng chữ có hiệu quả.
Ông dùng từ ngữ giản dị, đơn sơ, không cầu kỳ bóng bẩy, phù hợp với bản chất đơn giản, hiền hòa của dân Việt. Nhưng có cái gì chọn lọc trong việc xếp đặt ngôn từ đơn gỉản đó. Thí dụ, câu đầu tiên, "Đêm nay trăng sáng quá anh ơi," thật là bình dân. Chữ "quá" và "anh ơi" là những ngôn từ ta dùng hàng ngày. Nhưng tác giả dùng đó là câu mở đầu, và theo sau là lời than vãn, "Sao ta lìa cách bởi giòng sông bạc hai màu," khiến khán gỉả giật mình vì cái tương phản ("trăng sáng" hàm ý vui tươi, tương phản với "lìa cách"). "Anh ơi" không còn là một câu gọi thông thường nữa, mà trở thành một câu buồn than thống thiết. Ta thấy "anh ơi" lần nữa trong "Anh ơi ai nỡ chia đôi" có tác dụng tương tự.
Ông dùng động từ mạnh (mạnh đây là mạnh về tạo tác dụng, không phải mạnh về hoạt động vật chất): lìa cách, lênh đênh, vượt, dâng, xây, về, sưởi, rơi thấm, gieo, khơi,̉ thổn thức, đắm say; tính từ tượng hình, gây ấn tượng mạnh, linh động: (trăng) sáng, (sông) bạc, (nước) mông mênh, (đêm) thâu, (đêm/ tim) lạnh lẽo, (hương) nồng thắm, (lúa vàng) ngào ngạt, (sông) mơ màng, (đôi mi) ướt, (khúc hát) lâm ly, (lòng) não nùng, (anh) điêu linh, (quê nhà) chìm đắm, (trăng) ngà.
Ông dùng ẩn dụ một cách chọn lọc, và chính xác. Thí dụ "bạc hai màu" ám chỉ hai miền Nam Bắc, "nhịp cầu" hàm ý tình yêu thương tuy xa cách, "sưởi ấm" hàm ý hạnh phúc. Ngoài ra, ông dùng mỹ từ/ so sánh tinh tế, gợi hình, và có tác dụng mạnh. Thí dụ, trong câu "em chờ mong gặp bóng chàng," chữ "bóng" là một mỹ từ tuyệt vời, nói lên tâm trạng tha thiết, gần như tuyệt vọng của cô gái. Nàng chỉ cần thấy "bóng" chàng thôi là đủ sung sướng rồi. Trong câu "Sương khuya rơi thấm ướt đôi mi," ông vẽ ra đôi mi ướt, gợi ý cho nước mắt đọng long lanh.
Với chỉ 21 câu, bài hát là một đoạn phim sống động diễn tả cảnh cô gái đợi chờ người yêu trên con đò nhỏ giữa lòng sông bao la trong đêm khuya sáng trăng để cùng ̣vượt qua vĩ tuyến đến vùng thanh bình trù phú.
D. Kết Luận:Ca khúc "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" là một tuyệt tác phẩm, xuất sắc cả nhạc lẫn lời. Với giai điệu nhẹ nhàng, tiết tấu thay đổi theo ý, cộng với lời nhạc bình dị, đơn sơ và cách diễn tả điêu luyện, "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" tha thiết nói lên tâm trạng người dân Việt trong thời đất nước chia đôi. Qua câu chuyện đơn giản của cô gái chờ đợi ngưởi yêu trên con đò để sang vĩ tuyến, nhạc sĩ Lam Phương biểu lộ tâm tình hiền hòa, bản chất nhân bản, yêu thương đồng bào và đất nước của người miền Nam.
Cậu trai 18 tuổi Lam Phương vẽ ra bức tranh sống động như một chứng nhân lịch sử với ý tưởng sâu sắc, tinh vi và lối diễn tả độc đáo của một thiên tài âm nhạc. Ca khúc "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" đã làm rung động con tim hàng triệu người dân Việt trong gần 60 năm qua và sẽ mãi mãi trong các thế hệ sau.
CẢM TẠTôi xin có lời chân thành cảm tạ nhạc sĩ Lam Phương đã đồng ý cho tôi có cuộc nói chuyện với ông về những tác phẩm của ông và trả lời cặn kẽ những câu hỏi chi tiết về các bài hát, kể cả bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến," mặc dù tuổi cao sức yếu. Nhạc sĩ Lam Phương biểu hiện một tâm hồn nghệ sĩ thiết tha với âm nhạc. Ông là một thiên tài xuất chúng với bản chất bình dị, đầy tình cảm, và nhiệt tình trong tình yêu thương đồng bào và đất nước. Đất nước Việt Nam hãnh diện có nhạc sĩ Lam Phương đã đóng góp một sự nghiệp vĩ đại trong nền âm nhạc Việt Nam trong việc phát huy văn hóa dân tộc sáng ngời mãi mãi.
Tôi cũng có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là các bạn Nguyễn Văn Khôi, emSAIGON, Sài gòn, daubetangthuong, mythanh, và bức xúc, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn Nguyễn Văn Khôi.
(PS: Bài viết này được nhạc sĩ Lam Phương đọc và chấp thuận cho đăng. Khi ông gọi điện thoại cho tôi sau khi đọc xong bài này, ông rất nhún nhường và nói, "Khi tôi viết bài hát, tôi viết bằng con tim." Tôi nói, "Vâng, cháu hiểu. Nhưng hầu hết những thiên tài không biết họ là thiên tài." Tôi hy vọng ông tin lời tôi.)
Cao-Đắc Tuấn
_____________
Tài Liệu Tham Khảo:
Asselin, Pierre. 2013. Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965. University of California Press, California, U.S.A.
Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh – A Life, Hyperion, New York, U.S.A.
Huyen, N. Khac. 1971. Vision Accomplished? The Enigma of Ho Chi Minh. The Macmillan Company, New York, U.S.A.
Lind, Michael. 1999. Vietnam: The Necessary War. Simon & Schuster, New York. U.S.A.
Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Chuyến đò vỹ tuyến (Lam Phương).
http://://amnhacmiennam.blogspot.com/2014/11/chuyen-o-vy-tuyen-lam-phuong.html#more (truy cập 9-12-14).
Nixon, Richard. 1985. No More Vietnams. Avon Books, New York, U.S.A.
Nutt, Anita Lauve. 1970. On the Question of Communist Reprisals in Vietnam.
http://://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/papers/2008/P4416.pdf (truy cập 29-9-2014).
Zhai, Qiang. 2000. China and the Vietnam Wars, 1950 – 1975. The University of North Carolina Press, North Carolina, U.S.A.
Wikipedia. 2014a. Lam Phương. Thay đổi chót: 22-10-2014.
http://://vi.wikipedia.org/wiki/Lam_Ph%C6%B0%C6%A1ng (truy cập 6-12-2014).
Wikipedia. 2014b. Geneva Conference (1954). Thay đổi chót: 30-11-2014.
http://://en.wikipedia.org/wiki/Geneva_Conference_(1954) (truy cập 8-12-2014).
Sửa bởi người viết 10/12/2014 lúc 10:47:07(UTC)
| Lý do: Chưa rõ