Một ngày kia có một đoàn nghiên cứu khoa học của Mỹ vào trong vùng rừng sâu ở lục địa Phi châu nghiên cứu môi trường
sinh thái. Khi họ bước vào làng của một bộ lạc kia họ thấy vị tù trưởng đang ngồi đọc một quyển sách. Sau vài câu thăm hỏi
xã giao và cảm thấy vị tù trưởng này có vẻ đạo đức, họ mới hỏi ông đang đọc sách gì vậy? Ông trả lời đó là quyển Kinh
Thánh. Người trưởng đoàn khoa học ngạc nhiên và nói với vị tù trưởng: “Thời buổi hiện đại này ông còn đọc làm chi quyển
sách cổ xưa ấy, nó lạc hậu lắm rồi, ở nước tôi không còn ai xem quyển sách ấy nữa.” Vị tù trưởng không trả lời, nhưng ông
đứng dậy mời cả đoàn bước ra sau lều của ông. Ông chỉ cho họ xem những tàn tích mà bộ lạc của ông đã từng ăn thịt
người, lột da đầu của những người da trắng khi họ đi gần đến bộ lạc của ông. Sau đó ông đưa Kinh Thánh lên và nói: “Nếu
không nhờ những lời trong Kinh Thánh này thì số phận của ông và cả đoàn đều giống như những người đi trước mà thôi.”
Người trưởng đoàn cảm thấy một luồng khí lạnh chạy từ sống lưng lên đỉnh đầu. Sau khi trở về nước ông đã tìm một quyển
Kinh Thánh để đọc sau đó không bao lâu ông đã trở thành một Kitô hữu.
Bài Tin Mừng hôm nay, Mc 1,21-28 muốn nói đến sức mạnh uy quyền của Lời Chúa: “Người giảng dạy như Đấng có uy
quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc1,22). Chúa có uy quyền bởi vì Ngài dùng quyền của Ngài để giảng dạy chứ không
dùng thế giá, dùng quyền của người khác. Chúa hoàn toàn khác với bọn Biệt Phái và Luật Sĩ luôn chỉ gò bó luật lệ theo cái
nhìn, theo sự suy nghĩ của họ. Lời của Chúa là một giáo lý mới. Chính sự mới mẻ của Lời Chúa làm cho nhiều người tin
nhận Chúa là Đấng Cứu Thế và do đó, danh tiếng của Ngài vang dội khắp vùng Galilea. Lời của Chúa còn có sức mạnh
khiến các thần ô uế phải vâng theo (Mc1,27). Và lời đó không chỉ có uy quyền ở thời Chúa Giêsu đang giảng dạy,, nhưng
còn trong hiện tại của Giáo Hội nữa. Càng đọc Tin Mừng, càng có đức tin, chúng ta càng thấy sức mạnh của Lời Chúa và
uy quyền của Chúa Giêsu. Chính vì thế, ai biết đón nhận, biết tin theo, biết thực thi lời của Chúa thì chắc chắn sẽ thoát
được các bất hạnh trong đời sống, nhất là đời sống tinh thần và thiêng liêng như lời Thánh Vịnh đã khuyên dạy: “Lời Chúa là
đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường cho con đi”(Tv118,105). Chúng ta nên hiểu rằng ma quỷ không chỉ xuất hiện
như những hình chúng ta xem: đen đủi, có đuôi, xấu xí. Nếu thấy rõ chúng như thế, con người sẽ dễ tránh xa và không bị
sa ngã. Tuy nhiên, ma quỷ xuất hiện qua nhiều dáng dấp xinh đẹp, hấp dẫn để đánh lừa chúng ta, nếu không khôn ngoan,
tỉnh thức.
Bởi thế, chúng ta cần siêng năng học hỏi lời Chúa, suy niệm và sống lời Chúa, để luôn khám phá ra sự mới mẻ của lời
Chúa, đồng thời nhận ra uy quyền, sức mạnh, khả năng biến đổi của Lời Chúa. G.Courtois đã viết: “Nếu chúng ta khiêm nhu
sống Lời Chúa trong môi trường của mỗi người, chúng ta sẽ âm thầm trở nên “muối, men” cho cả nhân loại vì ánh sáng
của những người sống Lời Chúa chiếu tỏ xa hơn người ta tưởng rất nhiều”.
Lm Joseph Nguyễn Thái