Giai đoạn cao niên được so sánh với mùa đông của cuộc đời. Cách đây nhiều thập niên, khi xã hội chưa ở tình trạng thành-thị-hóa, gia đình chưa chia nhỏ thành tiểu gia đình phân tán khắp nơi như ngày nay, kinh tế còn ổn định, quan niệm đông con còn được đề cao, thì cao niên ở nhiều nước Á đông có thể được hưởng phúc bên con cháu. Ở Việt nam cũng như ở Trung hoa trước đây có nơi tứ đại đồng đường (bốn thế hệ ở chung nhau dưới một mái nhà).
Nhưng ngày nay Đông cũng như Tây, giới cao niên dần dần bị tách rời khỏi lực lượng lao động, cho dù nhiều chính quyền đã nâng tuổi về hưu lên cao, lúc đó lực bất tòng tâm, cao niên đành gác kiếm quy ẩn.
Quy ẩn ở đâu? Hoặc là vào nhà già, hay nhiều người có nhà riêng, khi con cái đã trưởng thành và rời cha mẹ, thì tổ ấm khi xưa chỉ còn thui thủi thân già. Tuổi già cô đơn là tình trạng chung. Tuổi già là gánh nặng của xã hội cũng là tình trạng phổ biến trên toàn thế giới.
Thế giới ngày nay đang phải đối phó với viễn ảnh biến đổi dân số khá bi quan khi mái tóc trắng tăng cao trong khi mái tóc xanh giảm bớt. Trong hai chục năm nữa nhân loại khó tránh tình trạng “khủng hoảng thế hệ” (generational crisis) và chắc chắn sẽ mang lại khó khăn về kinh tế và bi kịch cho cao niên.
Tại sao có hiện tượng trên?
Lý do ở sự tiến bộ và phát triển của xã hội.
Sự tiến bộ đã giải phóng phụ nữ. Họ được giáo dục đầy đủ, có bằng cấp có địa vị nên mở rộng môi trưởng hoạt động, không còn giam mình trong nhà làm nội tướng hay là “chiếc máy đẻ” như trước 1945, như một nhà văn trong Tự lực văn đoàn (trong tác phẩm Đoạn tuyệt) đã chỉ trích. Xã hội tiến bộ cũng cho phép nữ giới chọn lựa sinh nở, có thể phá thai, dùng thuốc ngừa thai, và có nơi áp dụng chế độ kiềm chế sinh suất như Trung quốc với luật gia đình chỉ có một con. Cũng vì thế sinh suất hay tỷ số sinh đẻ (fertility rate) giảm hẳn. Hậu quả, lớp trẻ giảm trong khi lớp tuổi cha mẹ tuổi thọ tăng cao!
Các nhà dân số học, xã hội học nghiên cứu các xã hội phát triển của phương Tây đã thấy rõ thế hệ được gọi là “baby boomers”, chỉ những người ra đời sau Đệ nhị Thế chiến nghĩa là sinh khoảng 1946 tới 1965, trong tương lai sẽ khó tìm ra người săn sóc. Viễn ảnh phải sống cô đơn trong tuổi già đe dọa những bậc cao niên chỉ mới bước vào mùa thu của cuộc đời.
Có bằng chứng số con cái trong gia đình giảm hay không?
Chuyên viên dân số học tìm thấy kết quả này: Số con cái trong gia đình, nhìn chung giảm xuống rất rõ, chẳng hạn ở Canada vào năm 1971, một phụ nữ trung bình có 2,2 con thì hai mươi năm sau vào 1991 con số này còn 1,7 và gần nhất năm 2011 con số này giữ nguyên mức 1,7.
Không phải chỉ ở những quốc gia tiên tiến sinh suất mới giảm mà ở vùng Đông Á và Thái Bình Dương tỷ số này còn hạ thấp khá rõ, từ 5,6 trong năm 1971, xuống 2,6 trong năm 1991, và còn 1,8 trong năm 2011. Cụ thể là ở Nam Hàn, từ tỷ số 4,5 xuống còn 1,4 trong vòng 40 năm và Hong Kong từ 2,5 thì bốn thập niên sau còn 0,9.
Tại sao tuổi già tăng lên nhanh?
Do xã hội tiến bộ, chế độ dinh dưỡng, thuốc men đầy đủ nên lớp cao niên tuổi thọ kéo dài. Lấy thí dụ ở Nhật Bản, xưa nay sinh suất vốn giữ ở mức thấp so với các quốc gia láng giềng. Thế mà giờ đây lớp cao niên đã chiếm một phần tư dân số!
Riêng ở Canada, hiện nay lớp 65 tuổi trở lên chiếm 15 phần trăm tổng số dân số, phần đông có nhiều con. Nhưng vào năm 2030, lứa tuổi 65 trở lên sẽ trở thành một phần tư dân số mà đa số ít con cái. Vấn đề săn sóc cao niên trở nên cam go vô cùng. Càng sống lâu càng lắm vấn đề sức khỏe. Hậu quả, không những gánh nặng kinh tế đổ vào đầu lớp trẻ mà gánh nặng săn sóc cao niên trở thành vấn nạn trong xã hội. Chỉ lo cho bệnh tâm trí của người già, Mỹ đã phải chi ra ít nhất 50 tỷ mỗi năm.
Tại sao việc săn sóc tuổi già gặp trở ngại?
Trước hết là càng ngày càng thiếu người săn sóc. Hiện giờ săn sóc con thơ và cha mẹ già là gánh nặng của các phần tử gia đình ở Mỹ cũng như ở Canada. Nhưng phần tử trẻ suy giảm thì trong tương lai sao đây?
Theo truyền thống, săn sóc người già trong gia đình là nàng dâu và con gái không xuất giá. Nhưng số phụ nữ có khuynh hướng giảm.
Ở Á đông vốn trọng nam khinh nữ, đặc biệt là ở Trung hoa, người phụ nữ hoài thai đã chọn thai nam và phá bỏ thai nữ. Ngày nay ở Trung hoa cũng như Nam Hàn số nam đông hơn số nữ hàng triệu. Phụ nữ thời đại lại không muốn giam mình trong bổn phận “gánh vác giang sơn nhà chồng” suốt đời và nếu phải làm, chỉ coi việc đó là gánh nặng không công, chứ không phải chu toàn bổn phận thiêng liêng như ngày xưa:
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao!
Con gái thời đại mới phải hòa nhập vào xã hội tạo dựng hạnh phúc bản thân và cho công ích. Trong khi ấy, khuynh hướng nam ngoại nữ nội, khiến phái nam được chuẩn bị vào đời và tách rời khỏi cha mẹ ngay từ tuổi 18, 19 và vì bận xây dựng sự nghiệp hay kiếm sống khó lòng chu toàn bổn phận làm con. Gần như tuổi trẻ cho dù hiếu thuận cũng chẳng có thì giờ săn sóc cha mẹ già. Về điều này, một nhận định của sử gia Hendrik Hartog của Princeton tỏ ra hữu lý: “Trong kỷ nguyên tân tiến không ai nghĩ rằng trông coi cha mẹ già là việc trọn đời của mình. Tốt nhất là chia sẻ với thời gian kiếm sống, và tệ nhất là một gánh nặng.”
Người già thường đổi tính, khó chiều nên kẻ săn sóc phải được giáo dục cách nuôi người già sao cho họ cảm thấy thoải mái. Cao niên thường tật bệnh và săn sóc người tật bệnh là việc cực kỳ khó khăn và cần có kiến thức, sức khỏe và sự kiên nhẫn.
Giới cao niên còn có nguy cơ bị chứng lú lẫn Alzheimer hoặc các dạng tâm thần khác. Theo một thống kê ở Mỹ thì số bệnh nhân Alzheimer và các chứng tâm thần khác có khả năng tăng gấp đôi trong vòng 30 năm và tác hại tới một phần ba số cao niên.
Walter Greenleaf ở trung tâm nghiên cứu tuổi thọ của Stanford (Stanford Center on Longevity) nhìn nhận: “Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu với bệnh tim mạch, ung bướu nhưng chưa có kết quả đáng kể với các chứng bệnh tác hại tới khả năng suy tư.”
Việc thuê mướn người săn sóc là một gánh nặng khó có gia đình trung lưu nào có thể cáng đáng.
Ở Canada mới có những trung tâm lo cho dịch vụ tuổi già như Care.com và mới đây có thêm một chi nhánh của đại công ty Right At Home của Mỹ mở ở Burlington, để cung cấp dịch vụ săn sóc người già ở những gia đình neo đơn nhưng giàu có.
Dĩ nhiên đụng tới công ty là đụng tới vấn đề tài chính, tiền thuê mướn nhân viên săn sóc tính theo giờ phải từ trên 20 Gia kim trở lên, kể cả việc chuyên chở cao niên đi lại shopping hay tới các điểm hẹn khác. Tiền thù lao có khi tới 60 Gia kim nếu săn sóc thường nhật kiêm trông nom về thuốc men cho người cao niên. Tiền này đừng mong chính quyền trang trải, nên các vị mới bước vào đầu thu của cuộc đời đã phải lo chuẩn bị sẵn tài chính lúc đông sang như dành dụm, ký thác bảo hiểm. Nhu cầu săn sóc người cao tuổi và trẻ thơ càng ngày càng gia tăng, diễn ra tình trạng cầu nhiều mà cung ít nên phải lo từ trước.
Những chuyên viên săn sóc tuổi già đã được huấn luyện bài bản, ngoài việc sử dụng được phương tiện cơ bản trong sinh hoạt, còn có thể giúp người già cảm thấy thoải mái trong cuộc sống. Nhu cầu dịch vụ săn sóc người già khiến những quốc gia tân tiến hay giàu có như Canada, Nam Hàn, Saudi Arabia phải cho nhập một lực lượng lao động đáng kể từ Philippines. Phi đã cung cấp một lượng lớn nhân viên săn sóc chuyên nghiệp ra ngoại quốc. Tiền gửi về của lực lượng này đã chiếm 10 phần trăm tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Philippines.
Các quốc gia tiên tiến đã hoạch định chính sách đối với chi phí cho tuổi già và săn sóc cao niên.
Theo chuyên viên xã hội học của Đại học Toronto là Ito Peng thì:
Nhật Bản từ 1997 đã thiết lập một chính sách đối phó với gánh nặng cao niên tăng cao. Quốc gia này đã đặt ra một khoản thuế mới khá lớn, lên tới gần 5 phần trăm lợi tức để chi trà cho việc săn sóc cao niên.
Vào năm 2008, Nam Hàn dự liệu sẽ ở tình trạng Nhật bản trong vòng 20 năm nữa, nên quyết định ra tay trước và theo gương Nhật bản. Ngân khoản này ở Nam Hàn rất khẩn thiết vì nhu cầu nhân viên săn sóc từ nước ngoài gặp sự chống đối.
Nam Hàn đã áp dụng chính sách cấp visa đặc biệt cho người Hoa gốc Hàn nhập cảnh dù không nói được tiếng Hàn thông thạo. Hiện giờ ở Hàn đã có tới 300.000 nhân viên phần lớn là nữ giới, làm việc săn sóc cao niên và trẻ thơ.
Ở Nhật cũng thế, chính quyền cũng áp dụng với những người dân Mỹ Latinh gốc Nhật trong thập niên 1980, nhưng lực lượng lao động dù mang dòng máu nào thì ở Hàn và ở Nhật vẫn không được coi là chọn lựa tốt nhất cho xã hội mà các quốc gia này nảy sinh khuynh hướng sản xuất “robot “ để làm việc này.
Chính quyền Nhật đã khai triển kế hoạch dùng người máy để săn sóc cao niên vì thiếu nhân lực và giới hữu trách giải thích rằng vì nhân viên thường bỏ việc vì than đau lưng tối ngày phải giúp đỡ cao niên nào lên giường nào ngồi xe lăn. Sự thực công nhân bỏ việc vì việc nhiều mà lương thấp.
Vào tháng Tư 2013, Tokyo chi ra 25 triệu Mỹ kim cho 24 công ty để chế tạo phương tiện săn sóc cao niên (nursing care robot equipment.) Công ty Carmaker Toyota có dự án chế tạo phương tiện giúp các vị cao niên xê dịch, còn công ty Sekisui Hometechno.Co chế ra một dụng cụ bồn cầu di động thích hợp với tuổi già sức yếu, còn các công ty khác lại chế ra loại máy theo dõi người cao niên đi lạc.
Một sáng chế khác có hình con hải cẩu nhỏ rất dễ thương, nó là một Paro therapeutic robot để làm vui cho người già cô đơn khi cảm thấy buồn tẻ. Tsugie Nakanishi, một vị cao niên 88 tuổi người Nhật ở một nhà già có con hải cầu máy cao 40 cm, có thể chơi trò chơi, đố vui, ca hát và khiêu vũ với các bạn già đã tâm sự: “Nó biết rõ đủ chuyện. Tôi học hỏi ở nó nhiều lắm.”
Người Nhật không phải dân tộc duy nhất trông cậy vào việc phát triển kỹ thuật để săn sóc người già. Walter Greenleaf cho rằng kỹ thuật cung cấp nền tảng vững chắc cho triển vọng lạc quan săn sóc người cao tuổi. Ông hy vọng: “Ứng dụng robots, ipad có thể gợi trong tâm trí người già những điều quan trọng (như uống thuốc), và loại xe không cần tài xế trong tương lai gần có thể giúp các vị cao niên được độc lập.”
Trong khi nhân lực thiếu, tiền bạc thiếu và kỹ thuật cũng không giải quyết được khó khăn này. Greenleaf đề nghị cần phải có sự thay đổi về văn hóa. Ông đưa ra chương trình “ngân hàng thời gian” (time-banking plans) trong đó những vị cao niên khỏe mạnh có thể dành thời giờ giúp đỡ cao niên ốm yếu và giờ tự nguyện của họ được ghi lại như một thứ “điểm” và sau này có thể chi ra lúc cần. Lúc này Tây phương mới quay về Đông phương và hô hào con cái chia nhau trong việc săn sóc cha mẹ để giải quyết việc nuôi dưỡng song thân lúc bóng xế, chiều tà!
Chu Nguyễn
Theo Maclean’s Magazine