Công Thành bắt đầu đến với ca hát vào thập niên 60 khi mà nhạc ngoại quốc du nhập nhiều vào Miền Nam, đặc biệt là nhạc
Pháp. Chàng học sinh trường Jean Jacques Rousseau ( hiện là trường Lê Quí Đôn ) chương trình Pháp nên thích nghe
những bài ca tiếng Pháp và hát theo. Thời đó người ta gọi loại nhạc này là Nhạc Trẻ, vì nó trẻ so với loại nhạc xưa mà các
bậc phụ huynh đang thưởng thức. Mấy chục năm trôi qua, những bài hát đã cũ, những chàng thanh niên đã già nhưng cái
tên Nhạc Trẻ vẫn được dùng để gọi các bài hát đó.
Thời trung học, Công Thành học chung với ca sĩ Elvis Phương, Paolo Tuấn. Anh là ca sĩ trong ban nhạc Les Fanatiques,
trình diễn ở những buổi tiệc tư gia hoặc trên sân khấu các trường đại học. Lúc này đàn hát là một niềm vui chứ không có
thù lao. Lần trình diễn đầu tiên đáng nhớ của anh là tại vũ trường Đại Kim Đô cho các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim,
Tôn Thất Đính xem vào cuối năm 1963, cũng vẫn không có cát sê.
Qua năm 1964, trường trung học Tabert có tổ chức Đại hội Nhạc Trẻ đầu tiên với sự tham gia của nhiều ban nhạc và Công
Thành hát cùng ban nhạc Les Fanatiques được giới trẻ biết đến nhiều .
Con đường ca hát của Công Thành chuyển sang khúc rẽ mới, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp khi bắt đầu hát các nhạc phẩm
Mỹ cho các câu lạc bộ giải trí dành cho khách ngoại quốc nghe. Năm 1965, anh cộng tác với vũ trường Baccara, (góc
đường Trần Quí Cáp và Lê Văn Duyệt), chỗ này từng có ca sĩ chính là Pat Lâm, rồi Jo Marcel, rồi Elvis Phương và kế đến
là Công Thành.
Có một giai đoạn, chính quyền cấm các vũ trường hoạt động và Baccara phải đóng cửa một năm và Công Thành tiếp tục
đi hát ở các Club Mỹ.
Năm 1967, chàng học sinh trung học kiêm ca sĩ Công Thành thi đỗ bằng Tú Tài Pháp và ghi danh vào Đại học Luật Khoa
Sài Gòn. Chàng sinh viên Luật khoa vừa học vừa hát mỗi đêm từ 9 giờ đến nữa khuya tại vũ trường Baccara. Vì không có
thì giờ ôn bài vở cho nên vào kỳ thi cuối năm thứ ba, chàng không vượt qua được, và phải học lại chương trình năm này.
Qua năm sau, chưa kịp thi lần thứ nhì thì Công Thành bước sang một khúc rẽ quan trọng khác là sang Úc trình diễn và từ
giã quê hương cho đến nay.
Có một bà người Úc quản lý các chương trình ca nhạc tại Úc thường đến vũ trường Baccara nghe Công Thành hát và rất
thích giọng hát của anh nên mời anh lưu diễn một chuyến trong vòng 3 tháng; lúc đó là năm 1970.
Sang bên Úc trình diễn năm 1970, Công Thành yêu mến đất nước này nên định cư luôn bằng cách lập gia đình với một
người bản xứ. Và kể từ thời điểm đó cho đến bây giờ, Công Thành chưa một lần trở lại Việt Nam.
Trở thành công dân Úc, thành phố Sydney, Công Thành vừa đi hát vừa đi làm công nhân ở các hãng để sinh sống. Anh vào
trường nhạc học một lớp gọi là Breathing Control- kiểm soát hơn thở; vì anh cho rằng chất giọng mỗi người là trời cho, còn
kỹ thuật thở trong khi hát rất cần thiết để phô diễn làn hơi trọn vẹn hơn. Học mỗi tuần vài tiếng đồng hồ và kéo dài đến 3
năm. Cô giáo của anh là một trong những nữ ca sĩ Opera nổi tiếng của nước Úc. Bà nói rằng có thể chỉ cho Công Thành
vẫn hút thuốc, uống rượu mà vẫn có thể hát hay, nhưng nếu mất ngủ thì không thể nào hát được. Và Công Thành đồng ý
với điều này sau mấy chục năm trong nghề.
Công Thành cho rằng kiến thức từ môn học kiểm soát hơi thở đó đã giúp làn hơi của anh rất nhiều và cho đến hôm nay tuổi
trên lục tuần mà giọng ca của anh vẫn còn sung mãn và trẻ trung. Nhờ nó mà anh ca thêm được một hai nốt cao hơn và giữ
được chính xác của nốt nhạc khi kéo dài và hát nhiều mà không biết mệt.
Khi làm nghề ca sĩ ở Úc, Công Thành thường một mình trình diễn, vừa hát vừa nói chuyện giao lưu với khán giả trong
những buổi ca nhạc dành riêng cho các nhóm, các câu lạc bộ mỗi cuối tuần ( được gọi là Floor Show). Anh may mắn có
một người quản lý giỏi, tìm cho anh những hợp đồng ca hát bận rộn suốt năm. Thời đó người Việt Nam ở Úc rất ít, anh chỉ
có quen một cặp chồng Úc vợ Việt mà thôi, bây giờ có cả trăm ngàn đồng hương ở đây.
Điều hãnh diện của Công Thành là anh có mặt trên các Talk Show ca nhạc của các đài truyền hình nước Úc. Anh trình diễn
khắp nước Úc và nhiều nước Á châu. Khi đến quốc gia nào thì anh hát thêm một bản tiếng nước đó như hát tiếng Nhật,
tiếng Nam Dương, dĩ nhiên nhạc Mỹ là chính.
Công Thành có thêm hai giọng nữ là hai chị em sinh đôi hát bè chung. Một cô nghỉ và anh mời Lynn vào thay. Đi hát cùng
nhiều năm và Lynn trở thành người bạn đời của anh cho đến hôm nay.
Năm 1982, Công Thành qua Mỹ chơi, gặp nhạc sĩ Ngọc Chánh giám đốc vũ trường Ritz và trình diễn vài tháng ở chỗ này,
khán giả tán thưởng. Năm 1985 anh trở lại Quận Cam lần nữa và bắt đầu thấy thích cộng đồng ở đây. Năm 1987 anh được
ba của anh bảo lãnh sang định cư ở Hoa Kỳ cùng với Lynn.
Cặp đôi Công Thành và Lynn xuất hiện đầu tiên trên băng hình Thúy Nga năm 1987 bản Lối Về Xóm Nhỏ của Trịnh Hưng.
Hình ảnh của cô ca sĩ Lynn với mái tóc vàng, mắt xanh mà hát tiếng Việt Nam rất ăn khách. Hát được vài cuốn rồi Bạch
Đông giám đốc trung tâm Asia mời Công Thành làm MC cùng với Kỳ Duyên chủ đề Đêm Sài Gòn 1. Anh giữ vai trò MC
cho Asia liên tục 10 cuốn và vừa hát trong chương trình này.
Anh đồng thời hát và làm MC cho nhiều cho trung tâm như Hollywood Night, và các trung tâm khác và lưu diễn nhiều nước
Á châu.
Vẫn là ca sĩ đi hát cuối tuần cho cộng đồng Việt Nam khắp nơi. Năm 1994, anh lấy bằng hành nghề địa ốc và mua bán nhà
cho bằng hữu cho đến nay.
Năm 2011, anh có Công Thành Show trên đài truyền hình VHN và sang năm 2014 anh cộng tác với đài SBTN. Công Thành
Show với tiếng cười rộn rã, với những câu pha trò vui nhộn, với những câu chuyện trao đổi thoải mái cùng ca nhạc sĩ, trở
thành một trong những chương trình được khán giả SBTN ưa chuộng.
Có lẽ thời gian trình diễn ở Úc vừa hát vừa nói chuyện với khán giả đã tạo cho Công Thành một khả năng ứng đối trên sân
khấu để sau này anh trở thành một trong những MC linh động.
Với dáng người cao ráo, sức khỏe tốt, anh vẫn tập thể dục đều, có vốn liếng ca nhạc ngoại quốc phong phú, có kinh
nghiệm trình diễn nhiều năm và vốn sống từng trải, MC kiêm ca sĩ Công Thành là một trong những khuôn mặt nghệ sĩ đặc
biệt của làng ca nhạc hải ngoại.
Trần Chí Phúc /SBTN