Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu
Sống ở đời, làm người vất vả một kiếp, ngày về hưu (retirement) là thời khắc người ta mong đợi nhiều nhất. Có người coi
retirement là thời gian nghỉ ngơi lúc tuổi xế bóng, chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa sau bao nhiêu cực nhọc, thời gian để
người ta “dưỡng già”.
Nhiều người Việt chuyện trò về tương lai, không ít người đã nói: Anh đi làm lãnh tiền mặt, khỏi bị trừ thuế, sướng thấy mồ.
Dĩ nhiên thì người đi làm lãnh tiền mặt như mấy nghề phụ bếp nhà hàng, làm nail, giữ trẻ… sẽ nói: Thì anh đóng thuế sau
này anh có phúc lợi an sinh xã hội. Anh có retirement, còn như tụi tôi làm gì có! Tựu trung lại người Việt mình tỏ ra quan
tâm đến ngày về hưu. Vì vậy không ít người thường dặn nhau: Thôi ráng làm cho đủ credits đi, mai mốt lãnh tiền hưu mà
sống. Cần nhắc lại, những ai sinh sau năm 1929 cần có đủ 40 credits (tức tương đương với 10 năm làm việc full-time) sẽ
được nhận retirement benefits. Những ai sinh trước năm 1929 cần ít tín chỉ hơn. Tất nhiên số tiền nhiều hay ít phụ thuộc
vào số tiền đã đóng thuế lúc còn trẻ đi làm.
Nhiều người cho rằng người Mỹ cũng vậy, tức cũng mong đợi tới ngày hưu trí. Đa số họ làm ra làm, chơi ra chơi. Có thể nói
họ rất nghiêm túc trong việc này. Ở xứ này ai cũng phải đi làm, ngoại trừ người làm biếng. Không đi làm thì lấy đâu ra tiền
để trả ‘biu bọng’. Rồi có người cho rằng chế độ hưu trí ở Hoa Kỳ là tuyệt vời nhất, bởi Mỹ là cường quốc số một mà.
Nhưng, nói vậy mà không phải vậy.
Theo Tổ chức NGAM (Natixis Global Asset Management) có trụ sở chính tại Paris và Boston quản lý một lượng vốn khổng
lồ; gần 900 tỷ Mỹ kim: A company with $894.3 billion under management, trong vòng ba năm liên tục, Hoa Kỳ vất vả lắm
mới giữ được vị trí trong danh sách 20 nước có hệ thống chế độ hưu trí khá nhất trên thế giới.
Tất nhiên vị trí các nước đứng trong bảng xếp hạng có chế độ hưu trí an toàn (security of retirement) thay đổi theo mỗi
năm. Một nước có nền kinh tế phát triển hơn năm cũ sẽ đứng ở vị trí mới. Còn nước nào kinh tế đi xuống sẽ nhường chỗ
cho các nước khác phát triển tốt hơn thay thế. Tuy nhiên các nước đứng trong danh sách “top” thường ít khi dao động, bởi
bản thân nền kinh tế của họ xưa nay được coi là vững mạnh và ổn định.
Các nước thuộc khu vực Tây Âu (Western European) thường chiếm giữ vị trí top 20 trong danh sách các nước có chế độ
hưu trí an toàn nhất. Điều này được giải thích là thuế thu nhập (income tax) tại những nước này đánh cao hơn Hoa Kỳ.
Ngoài ra chính phủ các nước này đưa ra các chương trình hưu trí có nền móng vững chắc; nên các chương trình hưu trí
của họ hoạt động có hiệu quả hơn. Lấy Switzerland làm ví dụ, tại đây có một hệ thống hưu trí bắt buộc (a mandatory
pension system) áp đặt lên các hãng xưởng và mọi người được yêu cầu tham gia; cùng với một hệ thống bảo hiểm y tế
chung cho mọi công dân được chính phủ tài trợ đầy đủ ngân sách. Còn tại Norway thì khoảng chênh lệch thu nhập giữa
các công dân không cách nhau quá xa nên an toàn hưu trí của quốc gia này được coi là hiển nhiên. Vì thế những công dân
tuổi hưu tại hai nước này nghiễm nhiên có đủ tiền hưu và có bảo hiểm y tế sống thong dong cho tới ngày cuối đời.
Tổ chức NGAM đã sử dụng hệ thống thang điểm The Natixis Global Retirement Index trong việc xếp hạng 150 nước với
20 điều khoản liên hệ đến các địa hạt như sức khỏe (health), tài sản (wealth), điều kiện sống (quality of life), và điều kiện vật
chất (material well-being). Bên cạnh đó các thông số như thu nhập bình quân đầu người (per capita income), chi phí phải
trả cho dịch vụ y tế (health-care costs), và tuổi thọ bình quân (average life expectancy). Các thông số của những tổ chức uy
tín trên thế giới được NGAM sử dụng trong hệ thống thang điểm của mình như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức
Y tế Thế giới WHO (World Health Organization), của Liên hiệp quốc (the United Nations), và của tổ chức Gallup chuyên
môn thực hiện các trắc nghiệm kinh tế xã hội về chỉ số hạnh phúc và chỉ số mãn nguyện với cuộc sống.
Người ta cứ ngỡ Hoa Kỳ không tệ lắm trong các lĩnh vực này, bởi Mỹ là một siêu cường, nhất là Hoa Kỳ hiện nay vẫn là
nước thuộc nhóm các nước phát triển có mức tăng trưởng kinh tế GDP tương đối khá, cộng với một tỷ lệ lạm phát thấp mà
ngay cả nhiều nước khác (trong đó có những nước ở Tây Âu) rất thèm thuồng có được. Nhưng theo phân tích của NGAM
Hoa Kỳ không có một hệ thống bảo hiểm y tế tốt và khoảng chênh lệch thu nhập giữa người nghèo và người giàu quá lớn.
Được biết đây là năm thứ 3 NGAM thực hiện phân tích và trong 3 năm liền Hoa Kỳ vẫn giậm chân tại chỗ ở vị trí thứ 19. Sở
dĩ NGAM xếp hạng Hoa Kỳ như vậy vì tại đây không có một chương trình tiết kiệm hưu trí chung áp dụng đồng đều
(retirement savings program with universal access) cho mọi người. Hiện tại Hoa Kỳ có khoảng 50% người lao động không
có những chương trình này, chẳng hạn như 401(k).
Xét về tài chánh công (public finances), Hoa Kỳ đứng thứ 14, dù lạm phát tăng rất thấp và lãi suất ngân hàng thấp, nhưng
do chính phủ nợ nhiều và dân số càng ngày càng lão hóa nhanh nên điều này sẽ là gánh nặng cho chính phủ trong việc duy
trì một chế độ hưu trí khả thi xét về mặt lâu dài.
Về sức khỏe (health), Hoa Kỳ nâng từ vị trí 21 lên 19 nhờ vào Obamacare. Theo báo cáo của NGAM, chi phí y tế trên đầu
người tại Hoa Kỳ cao hơn các nước khác rất nhiều nhưng hiệu quả thực tế lại kém những nước khác.
Ở mục đánh giá về điều kiện sống (quality of life), Mỹ xếp hạng 25, theo NGAM vì Hoa Kỳ có lượng khói xe thải ra quá cao,
vô tình ảnh hưởng xấu đến tiêu chuẩn lành mạnh chung.
Về điều kiện vật chất Mỹ xếp hạng thứ 37. Tại sao? Vì thu nhập của người Mỹ đâu có thấp. Nhưng theo đánh giá của
NGAM thì Hoa Kỳ là nước có khoảng chênh lệch thu nhập rất cao (giữa người giàu và người nghèo) so với nhiều nước
khác.
Sau đây là danh sách xếp hạng của các nước thuộc top 20: (1) Switzerland, (2) Norway, (3) Australia, (4) Iceland, (5)
Netherlands, (6) Sweden, (7) Denmark, (8) Austria, (9) Germany, (10) New Zealand, (11) Luxembourg, (12) Canada, (13)
Finland, (14) South Korea, (15) Czech Republic, (16) Belgium, (17) Japan, (18) France, (19) Hoa Kỳ, và (20) Slovenia.
Trong đó Nhật nhảy từ bậc 27 (năm 2014) lên bậc 17 (năm 2015). Netherland từ bậc13 (năm 2014) nhảy lên bậc 5 (năm
2015). Tệ nhất là Finland, từ vị trí thứ 8 (năm 2014) tuột xuống hạng 13 (năm 2015). Hoa Kỳ thì giữ nguyên vị trí thứ 19
cho cả hai năm 2014 và 2015. Canada hơn Hoa Kỳ tới 7 bậc.
Trên thực tế đây là một lối đánh giá mang tính ước lệ, thiên về diện rộng, có phần khá chung chung, trừu tượng. Bởi lẽ nếu
khảo sát các chỉ số trung bình sẽ dễ làm loãng những chi tiết sát thực với từng hoàn cảnh riêng. Ví dụ, nếu lấy lương của
anh A là $65.000/năm và của anh B là $18.000/năm ta sẽ có lương trung bình là $41.500/năm. Thực tế thì lương của A và
của B không gần với con số trung bình này lắm. Hoặc kiểu ước tính chi phí trung bình nuôi dưỡng một đứa trẻ ở Hoa Kỳ
sinh năm 2013 cho tới khi em được 18 tuổi (trong một gia đình trung lưu), theo
www.huffingtonpost.com trích dẫn từ Bộ
Nông nghiệp Mỹ, sẽ tốn khoảng $245.340. Con số này, theo nhiều người, chỉ là con số mang tính tham khảo, bởi mỗi gia
đình có một cách chi tiêu rất khác nhau cho con cái của họ.
Áp dụng với người Việt mình sống ở Mỹ (xem ra) những chỉ số nói trên có phần không mấy ăn nhập. Bởi lẽ người Việt về
hưu nhu cầu không cao, không có những thú tiêu khiển đắt đỏ, xa xỉ như người Mỹ. Cũng bằng với số tiền đó, người Mỹ sẽ
khó có dư, trong khi đó người Việt mình vẫn có thể dành dụm được, thậm chí còn gởi về bên nhà cho người thân nữa.
Nói thì nói vậy, khi nắng hạn kéo dài, cây lớn cũng khô mà cây nhỏ cũng héo. Mọi người trong xã hội đều có những ảnh
hưởng liên hệ tới nhau. Và ngẫm lại, so với 150 nước trên thế giới, Hoa Kỳ đứng hạng thứ 19 xem ra cũng không quá tệ.
Và rồi biết đâu, nếu như có một bản trắc nghiệm riêng cho người Việt cao niên sống tại Mỹ, (rất có thể) họ sẽ đánh giá tình
hình tốt đẹp hơn; ít nhất, nếu không được là top 5 cũng sẽ không đến nỗi ở mức thứ 19 như bảng xếp hạng của Tổ chức
NGAM đã công bố.
Nguyễn Thơ Sinh