Sở dĩ trái tim sống khỏe vì trái tim rất quảng đại và hy sinh, luôn luôn bơm hết những dòng máu quý báu của mình để cống hiến
cho toàn thân được sống. Lẽ sống của tim là liên tục cho đi những gì đã lãnh nhận. Sở dĩ hai buồng phổi khỏe mạnh và sung
mãn vì phổi vị tha, không ích kỷ, luôn luôn chuyển dưỡng khí trong lành cho những phần chi thể khác. Sở dĩ bao tử và ruột hoạt
động tốt là vì chúng luôn trao ban và dâng hiến: một khi tiếp nhận được thức ăn, bao tử và ruột chuyển hóa thành chất dinh
dưỡng và chuyển hết cho những bộ phận khác, không giữ lại gì cho riêng mình. Nói chung, lẽ sống của từng cơ quan là hy
sinh, quên mình, dâng hiến tất cả cho những cơ quan khác cũng như cho toàn thân.
Lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay, (Ga 12,20 -33), nhắc đến một nguyên tắc xem ra nghịch lý, nhưng không phi lý mà lại rất
thực tế để duy trì cuộc sống của con người: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu
nó chết đi thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Càng gần tới Tuần Thánh, phụng vụ càng đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm cao cả của
sự chết của Đức Giêsu Kitô. Cái chết của Chúa Giêsu không phải chỉ là một biến cố đau thương làm cho mọi người kinh hãi,
đưa con người đi tới tuyệt vọng. Chúa Giêsu chết là để vào vinh quang với Thiến Chúa Cha và trở nên Đấng ban sự sống.
Chúa chết là để trở nên nguồn ban ơn cứu độ, để tất cả những ai nhìn lên Ngài sẽ được cứu sống. Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt
lúa mì để bộc lộ chính con người của Ngài: hạt lúa phải chết đi, phải mục nát, nghĩa là nó phải biến đổi mới trở nên cây lúa
được. Chúa Giêsu đã nêu gương cho nhân loại, cho chúng ta bằng chính cuộc sống của Ngài. Ngài đã chấp nhận kiếp con
người dù rằng Ngài là Thiên Chúa để sống với, sống vì, sống cho chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Trong cuộc sống ở trần thế 30 năm
ở Nagiaret, Chúa đã sống lặng lẽ âm thầm, làm nghề thợ mộc để sinh nhai và 3 năm rao giảng Nước Trời cùng với các môn đệ.
Ngài đã sống rất bấp bênh, không nhà không cửa: “Con chồn có hang, chim có tổ, con người không hòn đá gối đầu”. Đây là
một thực tế nói lên thân phận làm người của Con Thiên Chúa. Vâng, Chúa Giêsu đã hoàn toàn hy sinh, từ bỏ tất cả để luôn
thuộc về Thiên Chúa Cha. Ngài đã chấp nhận nỗi kinh hoàng, thê lương, đau khổ tột bực để được chết đi như một hạt lúa mì
mục nát, hầu trổ sinh nhiều bông lúa vàng.
Đời người mau qua, mau tàn, mau lụi. Cuộc đời giống như bông hoa, sáng nở, tối tàn, như lời thơ của Đỗ Quý Toàn: “Nếu như
hoa biết chiều nay rụng, âu cũng vui mà nở sáng nay”. Nhưng là một bông hoa có đức tin, đức cậy và đức mến nơi Thiên Chúa.
Do đó, đang khi sống trên trần gian, con người vẫn phải cần cù lao động để kiếm ra của cải, vật chất mà sống an vui ở đời này,
nhưng con người vẫn phải tin tưởng lạc quan hướng về tương lai bằng những việc làm hữu ích, bằng những việc thiện, lập
nhiều công phúc. Tin vào tình yêu thương quan phòng của Chúa, sống như Chúa là sứ điệp quan trọng để mỗi người biết từ
bỏ, hy sinh, hầu đời sống tỏa hương thơm, tốt đẹp.
Lm Joseph Nguyễn Thái