logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
chung  
#1 Đã gửi : 22/04/2015 lúc 09:21:08(UTC)
chung

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 16-07-2013(UTC)
Bài viết: 1,773

7 giờ tối Thứ Sáu ngày 24-4-2015, tại Peace Mural Gallery of Miami Beach (địa chỉ 1606 Washington Ave. Miami Beach, Florida 33139), sẽ khai trương buổi triển lãm “No More War Exhibit” với hơn 500 bức tranh khổ lớn của họa sĩ Hương Alaska, bao gồm bộ tranh “Chiến Tranh” (The War Pieces) với khoảng 80 bức, bộ tranh chiến tranh Iraq và Afghanistan với khoảng 300 bức, và bộ tranh “Hòa Bình” (The Peace Pieces). Mục đích của triển lãm này, theo lời tâm tình của họa sĩ Hương Alaska, là kêu gọi người xem hãy suy tưởng về những bi thương mà chiến tranh mang tới, đó là chết chóc, tàn phá, đau thương. Chiến tranh là bi kịch lớn nhất của nhân loại và ai đã từng sống trong cảnh khói lửa chiến tranh mới hiểu hết cái giá trị của hòa bình. Thông điệp lên án chiến tranh và ước vọng hòa bình để con người cùng sống trong hạnh phúc là điều mà triển lãm “No More War Exhibit” muốn gửi đến người xem tranh.


UserPostedImage
Tác phẩm “Mother and Child” của họa sĩ Hương Alaska

Vài nét về họa sĩ Hương Alaska và những dự án nghệ thuật
Họa sĩ Hương Alaska tên thật là Nguyễn Thị Thanh Hương, con của trung tá Nguyễn Thượng Thọ (ông có bút hiệu là Lê Huy Linh Vũ), giám đốc đài truyền hình Quân Đội, là tác giả của truyện về chiến tranh Việt Nam “Nguyện Cầu”. Tháng 4-1975, bà rời Việt Nam trên một con thuyền di tản, đến định cư tại Hoa Kỳ. Sau một thời gian sống ở California, bà quyết định chọn Alaska để định cư cùng cậu con trai nhỏ. Chính tại tiểu bang lạnh giá ở cực Bắc của Hoa Kỳ, bà đã tìm thấy con đường nghệ thuật của riêng mình, trở thành một họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh vẽ Alaska và được gọi là “Hương Alaska”. Chỉ bằng tài năng thiên phú và tự học, nhưng những sáng tạo trong tranh của bà đã được giới thưởng ngoạn Hoa Kỳ thán phục. Đến thập niên 1980, ở tuổi 34, bà đã sở hữu vài gallery của riêng mình tại ba thành phố Kodiak, Anchorage và Juneau. Tranh của họa sĩ Hương Alaska từng được triển lãm khắp nơi ở Hoa Kỳ và nhiều nước, được treo trong thư viện của quốc hội Hoa Kỳ. Trong số các nhân vật nổi tiếng đã mua tranh của bà có dân biểu tiểu bang Alaska Don Young, chủ tịch công ty xe hơi Chrysler Lee Iacocca... Nhưng bà lại quyết định ngưng vẽ những bức tranh có giá hàng chục ngàn Mỹ kim để giới nhà giàu và những người nổi tiếng mua về treo trong nhà của họ. Vào năm 1995, bà bắt đầu phác thảo một trong những dự án nghệ thuật quan trọng nhất của chị, loạt tranh “Chiến Tranh” (The War Pieces) nói lên nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tại Việt Nam cùng những mất mát mà nó mang lại cho nhiều người, trong đó có chính gia đình của bà. Giữa những năm 2003-2009, bà tiếp tục một dự án nghệ thuật lớn: Bức Tường Hòa Bình, nói lên sự phản kháng của bà đối với cuộc chiến tranh Iraq... Ngoài ra bà còn thực hiện dự án nghệ thuật “Nước Mỹ Vẫn Sống” (USAlive) được thực hiện dành riêng cho Tổng Thống Barack Obama, bắt đầu từ lúc ông Obama đọc diễn văn nhậm chức Tổng Thống và kết thúc vào tháng 12-2009 khi ông lên đường sang Oslo nhận giải Nobel Hòa Bình nhờ những nỗ lực của ông để kết thúc cuộc chiến tranh tại Iraq.
Tâm tình của họa sĩ Hương Alaska
Phóng viên nhật báo Viễn Đông đã có buổi trò chuyện với họa sĩ Hương Alaska về những tâm tình của bà, xin được gửi đến quý độc giả qua bài phỏng vấn dưới đây.
Hỏi: Thưa họa sĩ Hương Alaska, với nhiều họa sĩ, hội họa là một cách “nhận thức thế giới”, còn với họa sĩ thì sao? Hội họa có phải là một cách để bà yêu thế giới, và bà tạo ra một thế giới để yêu mến và giữ gìn?
Họa sĩ Hương Alaska: Tôi trở thành họa sĩ là điều rất bình thường, nó không có cao vọng như câu hỏi đâu. Hồi còn ở Việt Nam, tôi là sinh viên tốt nghiệp khóa 2 báo chí đại học Vạn Hạnh; khi mới ra trường, có đi thực tập với những tờ báo nhỏ ở Sài Gòn, từng thực tập viết về những tin tức chiến trường, về bao nhiêu người chết, thương tích... Khi chạy thoát khỏi Việt Nam, tôi muốn đem ngòi bút của mình kể cho mọi người nghe, nhưng ngôn ngữ bất đồng, không thể viết nữa. May mắn thay khi đến sống ở Alaska, nhìn cảnh đẹp thiên nhiên, tôi thấy đây chính là cảnh của hòa bình. Thay vì lấy ngòi bút diễn tả sự xúc động của mình bằng con chữ, thì tôi lấy cọ vẽ lên cảnh Alaska để nói lên lòng xúc cảm của mình trước cảnh đẹp hòa bình. Cơ duyên đến với hội họa của tôi bắt đầu từ đó. Khi đó tôi chỉ có một mẹ một con thôi, chuyện thương yêu cũ tôi quên hết. Tôi đã mất tình yêu cũ, nhưng tôi tìm được tình yêu mới là hội họa. Khi đó tôi vẽ suốt ngày suốt đêm, vẽ mê say không ngừng. Tôi may mắn lắm, lần đầu tiên vẽ mà vẽ tới đâu là bán liền tới đó, sáng leo núi vẽ, tối là có người đến mua tranh rồi. Thành ra tôi đâu có nghĩ đến chuyện đi làm hãng làm chi, vì ở đó chỉ có mấy hãng đóng hộp đồ cá đông lạnh, lạnh quá, tôi làm đâu có nổi. Ngày nào tôi cũng vẽ 5 bức, bán mỗi bức được 20 mỹ kim, 1 ngày có 100 mỹ kim để sống rồi. Khi bán tranh cho người khác, lúc đầu tôi sợ lắm, vì nghĩ nếu mấy người mua biết tôi không có đi học trường lớp chắc sẽ trả tranh và đòi tiền lại. Lúc đó bán tranh mà cứ phập phồng. Nhưng thấy người ta cứ đến dúi tiền đặt mua tranh, nên tôi cứ vẽ mê say. Một năm sau là tôi có đủ tiền để mở phòng triển lãm đầu tiên ở ngay thành phố. Hai năm sau, tôi chưa hề đến trường học về hội họa mà được trường đại học Kodiak Community College mời dạy hội họa cho sinh viên của trường. Báo chí Mỹ, đài truyền hình, truyền thanh Mỹ đã phỏng vấn tôi, đài VOA cử người đến phỏng vấn tôi và truyền đi khắp thế giới...


UserPostedImage
 Tác phẩm trong bộ tranh hòa bình “The Peace Pieces”


Hỏi: Bà có chịu ảnh hưởng bởi một họa sĩ bậc thầy nào không? Điều mà bà tâm đắc nhất từ vị thầy đó là gì?
Họa sĩ Hương Alaska: Có một họa sĩ nói là thầy thì không đúng, vì tôi chưa bao giờ được gặp, nhưng mỗi khi tôi đau khổ, tuyệt vọng, hay đạt được thành công gì đó, thì vị họa sĩ này vẫn về nói chuyện với tôi, đó chính là họa sĩ Van Gogh (Vincent Willem van Gogh sinh ngày 30 tháng 3 năm 1853, mất ngày 29 tháng 7 năm 1890). Tôi xem ông như một người bạn rất thân thiết, tôi rất thích tranh và màu sắc trong tranh của ông. Bản thân ông khi còn sống, cả đời chưa bao giờ bán được một bức tranh, không được triển lãm. Ông lại có máu điên nữa, ít bạn, cũng không có người đàn bà nào yêu thương ông hết. Khi muốn vẽ người đàn bà, ông phải đi mướn cô điếm để ông vẽ. Cuộc đời ông là sự tuyệt vọng, đáng lẽ ông tuyệt vọng, đau khổ, bỏ vẽ cho rồi, nhưng ông không bao giờ bỏ vẽ hết. Ông vẽ đến ngày cuối cùng trước khi chết. Ngày xưa khi tôi du mục khắp nơi để vẽ, những lúc sắp hết tiền, tôi sợ lắm, làm sao có tiền để đi tiếp đây. (Được biết vào năm 1985, bà rời tiểu bang Alaska để bắt đầu hành trình triển lãm cá nhân khắp nước Mỹ và Canada. Trong bốn năm, trên chiếc xe Buick có kéo theo rơ-moóc chở dụng cụ, vật liệu vẽ và tranh, bà đã cùng cậu con trai mười tuổi rong ruổi qua các tiểu bang nước Mỹ, đi tới đâu, vẽ rồi triển lãm tranh tới đó, vừa đi vừa dạy con học. Đến năm 1990 thì hai mẹ con dừng bước ở Florida. Tại đây bà gặp và kết hôn với người chồng hiện nay, người Hoa Kỳ, một viên chức ngành ngân hàng yêu nghệ thuật). Khi tôi tuyệt vọng, thì Van Gogh về nói chuyện với tôi, ông nói rằng “mày vẫn còn 2 tai, tay của mày còn vẽ được, có gì mà tuyệt vọng, hãy cứ tiếp tục vẽ, như tao ngày mai chết mà hôm nay vẫn tiếp tục vẽ.” Ông luôn là họa sĩ nâng đỡ tôi, luôn về nói chuyện với tôi những lúc tôi tuyệt vọng.


 
UserPostedImage
Tranh “Moon Song” trong bộ tranh hòa bình “The Peace Pieces”


Hỏi: Chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt 40 năm, nhưng câu chuyện về chiến tranh chưa bao giờ thôi ám ảnh dân tộc Việt Nam. Phải chăng vì lẽ đó mà chiến tranh vẫn mãi ám ảnh không nguôi trong sáng tác của bà?
Họa sĩ Hương Alaska: Tôi vẽ những bức tranh về chiến tranh, không phải là để nhớ về chiến tranh Việt Nam. Tôi luôn cố lãng quên những chuyện đau thương cũ về chiến tranh. Lúc ấy tôi không nghe nhạc Việt Nam, không ăn đồ Việt Nam, không nói chuyện về Việt Nam. Thành ra riêng về cá nhân tôi, hai tiếng Việt Nam là những đề tài mà tôi cố tình quên lãng, không muốn nói đến. Vì vậy tôi cố tình chuyển đến sống ở Alaska 10 năm, nơi tôi ở khi ấy không hề có người Việt Nam.
Nhưng Việt Nam mà tôi cố tình muốn quên, vẫn không làm sao quên được, bởi sự đau thương nó vẫn nằm tiềm ẩn. Sau 10 năm sống ở Alaska, khi tôi đã trở thành họa sĩ rồi, thì những chuyện Việt Nam vẫn còn dai dẳng trong tâm tưởng. Do đó tôi thấy muốn quên là một sự chạy trốn, mà không thể trốn được, thì phải đối diện nó mà thôi. 20 năm sau (năm 1995) khi Mỹ nối lại quan hệ với Việt Nam, đó cũng là lúc tôi bắt đầu nhìn lại quá khứ của quê hương mình, những chuyện mà tôi muốn quên. Tôi đã suy nghĩ đến 20 năm rồi, không muốn vẽ về chiến tranh Việt Nam, và nghĩ rằng mình cũng không có khả năng vẽ. Một người họa sĩ tự học, muốn vẽ bông hoa, cảnh đẹp thiên nhiên... thì có thể làm được, nhưng làm sao mà vẽ được sự hận thù, làm sao mà vẽ được sự đau khổ, vẽ được sự điêu tàn? Lúc đó tôi cứ luôn nghĩ rằng tôi không có khả năng vẽ ra được những điều đó. Nhưng 20 năm sau khi tôi trở thành họa sĩ, tôi thấy mình không có cách nào chạy trốn được, và tôi quyết định vẽ ra. Do đó bộ tranh chiến tranh Việt Nam ra đời, dưới góc nhìn của một người viết báo nhưng không viết được nữa, đã mượn tranh vẽ để nói nỗi lòng của mình, nói lên sự chứng kiến của mình, nói về những quá khứ của mình. Những vấn đề này lúc ấy tôi không hề nghĩ sâu xa là để cho nhân loại hay thế giới hay cho nước Việt Nam mình, mà tôi chỉ muốn vẽ ra những điều tôi đã chứng kiến và cảm xúc.
Hỏi: Nhắc về những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, nếu phải nói về một bài học lớn nào đó mà chị nhận được, thì đó là gì?
Họa sĩ Hương Alaska: Nếu hỏi về bài học chiến tranh Việt Nam thì đối với tôi, đó là bài học đau đớn, uất nghẹn, đau khổ cho chính cá nhân của tôi, của gia đình tôi, của ba tôi (đã từ trần sau 9 năm bị tù đày trong trại tù “cải tạo”) của anh tôi (bị bắn khi ngày tàn của cuộc chiến), em trai tôi (tự tử trong trại tù cải tạo sau 3 lần trốn trại), cho những người bạn của tôi, cho những hàng xóm của tôi, cho những người đàn bà cùng thời với tôi đã trở thành những người góa phụ. Sau này khi tôi có cơ hội ra đi vào những ngày cuối cùng thì đối với tôi, sợ hãi lắm khi nhìn lại những bài học quá đau đớn. Cuộc chiến mà hai người đánh nhau để cả hai cùng tàn tật, để cho những người đàn bà, con nít bị tàn lụy và đau khổ, để những người con Việt Nam lớn lên không có tương lai. Và bây giờ, một đất nước điêu tàn. Không có bài học nào mà đau đớn như thế. Mỗi lần nói đến là cơn giận dữ trong cá nhân tôi lại bùng lên, những giọt nước mắt đau khổ của tôi vẫn còn chảy mãi. Đó là bài học không của riêng gì cá nhân tôi, mà còn của những người đàn bà Việt Nam, những người đàn ông Việt Nam, những người còn sống, những người bị thương, đều phải học bài học đó.


UserPostedImage
Họa sĩ Hương Alaska bên tác phẩm trong bộ tranh hòa bình “The Peace Pieces”


Hỏi: Sau khi vẽ những bức tranh về chiến tranh Việt Nam, cảm xúc của bà ra sao? Có còn uất ức, giận dữ, sợ hãi hay đã nhẹ nhõm phần nào vì chị đã giải thoát được những ký ức nặng nề, đau đớn? Bà muốn nhắn gửi điều gì?
Họa sĩ Hương Alaska: Ngày xưa, những ký ức chiến tranh quá khủng khiếp, chính vì khủng khiếp, nên tôi không muốn nói đến. Nhưng nay tôi thấy rằng nếu tôi không nói ra thì tôi cũng khó mà yên lòng được. Những bức tranh của tôi là nhân chứng của chiến tranh, khi mà tôi đã giãy bày ra, thì chính những bức tranh đó giúp tôi giải thoát. Năm nay tôi 65 tuổi, tôi đẻ ra cùng thời với cuộc chiến Việt Nam, từ nhỏ đến lớn tôi luôn nhìn thấy chiến tranh, ngày chạy ra khỏi Việt Nam tháng 4 năm 1975 là “chạy sống chạy chết”, chạy mà còn thấy mọi người chết đuối trên biển, người bị bắn ở phía sau... Thời điểm đó, tôi đâu phải là người duy nhất chạy khỏi đất nước Việt Nam. Tôi chạy thoát đến Mỹ, chạy tuốt lên trên núi Alaska để trốn trên đó, tôi tưởng tôi đã quên được chuyện khủng khiếp của chiến tranh Việt Nam. Nhưng khi tôi chạy thoát khỏi đất nước mình, thì cuộc chiến Việt Nam cũng chạy khỏi Việt Nam. Nó đổi tên, trở thành chiến tranh Trung Đông. Mà bản thân tôi nhìn thấy chiến tranh từ nhỏ đến lớn, tôi rất sợ, tôi đã biết dung nhan gương mặt chiến tranh thế nào. Khi tôi chạy qua đến đây, không còn là đứa bé sợ hãi như ngày xưa, đã thành một người thiếu phụ Việt Nam, thì lại thấy những cuộc chiến tranh khác tràn lan trên thế giới, mà câu chuyện thì cũng giống y như câu chuyện ở Việt Nam ngày xưa. Vì vậy tôi không còn nhìn cuộc chiến với con mắt của người thiếu phụ Việt Nam, họa sĩ Việt Nam nữa, mà cái nhìn của tôi là của một công dân thế giới. Sau khi hoàn tất bộ tranh chiến tranh Việt Nam (80 tranh khổ lớn) tôi vẽ tiếp bộ tranh về chiến tranh ở Iraq, Afghanistan.
Hiện tôi đang sống ở tiểu bang Florida; nếu ngày mai mà có trận bão tới, thì làm thế nào mà mình ngừng nó lại được. Việc làm rất nhỏ bé của tôi, mà tôi muốn gửi thông điệp đến mọi người, đó là mình có thể ngừng chiến tranh được. Vì chiến tranh không phải do Chúa, Phật làm ra, không do thiên nhiên làm ra, mà người làm ra thì có thể ngưng được.
Hỏi: Xem bộ tranh “Chiến Tranh” (The War Pieces) của bà, người xem dù không am tường lắm về kỹ thuật hội họa vẫn có thể cảm nhận được sự bạo liệt trong tranh, những ám ảnh đôi khi còn khốc liệt hơn cả những gì văn học về đề tài chiến tranh đã phản ánh, qua hình ảnh của đầu lâu, những đôi mắt trợn trừng, những khuôn mặt chết, những thân thể sống lẫn lộn trong cùng một không gian vây hãm, tối tăm.à Kỹ thuật rải màu, những gam màu nóng, bén cạnh chực chờ bùng nổ, sắc đậm trong sự tương phản, đường cọ ngắn dài, chồng chất, bủa vây, nét sơn đa dạng tượng hình tạo nên sự đè nặng, sâu thẳm, nghìn trùng. Xin bà giải thích rõ hơn để giúp người xem hiểu hơn về bút pháp nghệ thuật của bà?

Họa sĩ Hương Alaska: Tranh của tôi là tranh lập thể. Họa sĩ Picasso (Pablo Ruiz Picasso sinh ngày 25 tháng 10 năm 1881, mất ngày 8 tháng 4 năm 1973) là họa sĩ vẽ tranh lập thể nổi tiếng. Khi tôi vẽ người, cách vẽ có ảnh hưởng chút ít của Picasso. Tôi có duyên với tranh của Picasso từ nhỏ. Khi tôi mới 9 tuổi thì ba tôi mang về từ Pháp tặng cho tôi một bức tranh chụp của Picasso mang tên “Three Musicians”, đây là bức tranh Picasso đầu tiên của tôi.
Màu sắc trong tranh tôi rất mạnh bạo, đó là màu sắc trộn lẫn của tranh trừu tượng (abstract). Tôi còn dùng kỹ thuật mix-media. Tôi rất thích tranh của họa sĩ Van Gogh, màu sắc của ông rất mạnh, ông bỏ rất nhiều màu sắc vào tranh, gân rất nổi. Màu tranh của tôi cũng rất nổi. Sở dĩ được như vậy là tôi học cách đục, chạm của người Eskimo, người da đỏ ở Alaska, cách vẽ của tôi cũng là đục, chạm để màu sắc trở nên nổi, có gân trong tranh như vậy. Tôi nghĩ có thể do tôi tự học, nếu tôi có học trường lớp, chắc tôi cũng sẽ vẽ như mọi người.
Bộ tranh “Chiến Tranh Việt Nam” được tôi vẽ ra là của một nữ họa sĩ, dưới đôi mắt nhìn của một đứa bé gái, hay cách nhìn dưới khía cạnh một người đàn bà trưởng thành trong chiến tranh, trải qua cuộc sống mới mà vẫn nhìn thấy chiến tranh. Trong tranh, tôi chú trọng đến sự đau khổ của người đàn bà Việt Nam trong thời chiến của cả hai miền Nam- Bắc. 40 năm chiến tranh Việt Nam đã ngừng, nhưng tương lai của đàn bà Việt Nam vẫn mờ mịt, nhiều thiếu nữ Việt Nam phải đi bán thân để nuôi gia đình vì tương lai không có, chỉ mong có ai vớt thoát ra khỏi cảnh đau khổ ở trong nước.
Bộ tranh của tôi muốn nói đến sự đau khổ của người đàn bà Việt Nam ở cả Nam và Bắc. Khi qua đến bên này, tôi còn nhìn thấy những người đàn bà của nhiều dân tộc khác còn thảm thương hơn mình nữa. Nên bộ tranh của tôi còn nói lên sự đau khổ của người đàn bà nói chung.
Hỏi: Còn với bộ tranh Hòa Bình (The Peace Pieces) thì sao?

Họa sĩ Hương Alaska: Vẽ về đau khổ, hận thù, đau thương thì rất khó, phải vẽ làm sao để một người chưa chứng kiến chiến tranh khi xem tranh chiến tranh của tôi thấy sợ hãi bởi sự rùng rợn, ác liệt, thấy được đau khổ. Nhưng mà vẽ về hòa bình thì rất dễ. Nhưng để vẽ hòa bình, tôi phải đem chuyện chiến tranh kể cho mọi người, để mọi người mong ước về hòa bình. Sau 15 năm hoàn tất bộ tranh chiến tranh, tôi bắt tay vào vẽ bộ tranh hòa bình. Bộ tranh về chiến tranh không phải là nói về chiến tranh mà bộ tranh là nhân chứng kể về chiến tranh để mọi người mong ước chuyện hòa bình. Bộ tranh về hòa bình của tôi là trong thông điệp đó. Và được vẽ ra trong tình yêu thương mong ước hòa bình. Tôi vẫn đang tiếp tục sáng tác, vẽ những bức tranh hòa bình. Nếu ngày mai tôi chết, hôm nay tôi vẫn còn tiếp tục vẽ. Tranh hòa bình sẽ còn bự hơn tranh chiến tranh, tôi muốn bán tranh hòa bình mỗi ngày 100 bức. Nếu ai cũng mua thì tôi sẽ vẽ suốt ngày.


 
UserPostedImage
Tác phẩm “Red Rain” của họa sĩ Hương Alaska



Hỏi: Xin bà giới thiệu về cơ duyên khởi nguồn của triển lãm “No More War Exhibit”, sẽ được bắt đầu vào tối thứ Sáu, 24-4- 2015 và kéo dài đến hết ngày 30-4-2015. Trong những tác phẩm triển lãm lần này, tác phẩm nào khiến bà day dứt khôn nguôi?


Họa sĩ Hương Alaska: Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 4 là tôi lại đem bộ tranh chiến tranh Việt Nam để triển lãm, để nhắc đến chuyện hòa bình. Ngày mai khi thế giới này không còn chiến tranh nữa, thì tôi sẽ đem bộ tranh đi đốt, không cần phải triển lãm nữa. Nhưng nhìn đi nhìn lại, chiến tranh vẫn còn chỗ này chỗ kia, khi nào tôi nghe cuộc chiến sắp xảy ra ở đâu, tôi lại lôi bộ tranh chiến tranh ra triển lãm.
Khi tôi vẽ bộ tranh chiến tranh Việt Nam, tôi đã 45 tuổi. Tôi vẽ trong vòng 20 năm mới hoàn tất. Lúc còn trẻ thì còn mạnh lắm, khiêng một bức tranh từ dưới sàn nhà lên trần nhà, bây giờ 20 năm sau hết khiêng một mình, nhưng vẫn đi nhờ mọi người khiêng ra, do tranh tôi vẽ kích thước to lắm. Vẽ tranh về chiến tranh mà tôi vẽ lớn như vậy, là vì cuộc chiến quá lớn, quá đau, tàn khốc, nên không thể vẽ trong khung nhỏ. Khi chọn khung vải để vẽ, tôi chọn khung bự nhất rồi, nếu còn khung to hơn nữa, thì tôi đã mua rồi. Khi vẽ, tôi còn sợ vẽ chưa hết, chưa đủ ý nghĩa.
Nơi triển lãm lần này không phải là bảo tàng viện, mà là nơi trung tâm của Miami, ai đến đây cũng phải ghé nơi này. Do bộ tranh lớn quá, nên phải trưng bày trong 3 nhà triển lãm, một nhà trưng bày bộ tranh chiến tranh Việt Nam, nhà thứ hai thì bộ chiến tranh Iraq, nhà thứ ba trưng bày bộ tranh hòa bình. Người họa sĩ triển lãm là để bán tranh, còn tôi triển lãm là chỉ mong bán được hòa bình. Nếu ai xem xong triển lãm cũng đều lên tiếng hãy dừng chiến tranh, muốn đem bức tranh hòa bình treo trong nhà, kể chuyện hòa bình cho con cháu nghe là tôi thành công rồi.
Trong triển lãm lần này, tác phẩm để lại nhiều cảm xúc nhất trong tôi là bức “Con Không Cha Như Nhà Không Nóc” diễn tả sự tàn bạo của chiến tranh, sự thống khổ của đàn bà và trẻ thơ trong cuộc chiến, khi người chồng, người cha bị giết chết bởi chiến tranh. Con không cha thì sẽ hư. Làm sao người đàn bà có thể dạy dỗ thế hệ mới nếu không có mẫu mực của người đàn ông. Tác phẩm này là tác phẩm đầu tiên trong bộ tranh “Chiến Tranh Việt Nam” của tôi, nó được phác thảo và hoàn thiện trong vòng 5 năm, song song trong thời gian đó tôi hoàn thiện bộ tranh gồm 80 bức khổ lớn.


UserPostedImage
Họa sĩ Hương Alaska bên tác phẩm trong bộ tranh hòa bình “The Peace Pieces”


Hỏi: Trong tương lai, triển lãm này có hạnh ngộ với người xem tranh tại quận Cam hay không?

Họa sĩ Hương Alaska: Bộ tranh này đã được triển lãm trong cộng đồng Mỹ rất nhiều lần và đã được triển lãm rất nhiều nơi, nhưng chưa hề về với cộng đồng Việt Nam tại quận Cam. Nếu đem bộ tranh này qua quận Cam phải mang bằng 3 xe truck. Tôi cũng rất mong có dịp triển lãm bộ tranh này tại quận Cam. Nếu có nhà bảo trợ nào bảo trợ 1 chỗ triển lãm khoảng 10 ngàn sqf, thì tôi sẵn sàng đem bộ tranh qua cho đồng bào Việt tại quận Cam xem.


UserPostedImage
Tác phẩm “War, Mother and Child” của họa sĩ Hương Alaska


Hỏi: Bà có thêm điều gì muốn chia sẻ với độc giả Viễn Đông không?

Họa sĩ Hương Alaska: Nếu một người muốn trở thành họa sĩ thì chắc cũng được, vì có bao nhiêu là trường hội họa đào tạo ra người họa sĩ, nhưng để có dấu ấn riêng thì mỗi người phải có sự sáng tạo. Đối với tôi, trở thành họa sĩ không phải là nghề, mà là nghiệp. Khi trở thành họa sĩ, con đường này rất đau khổ, tuyệt vọng, vì không bỏ vẽ được. Gia đình họa sĩ thành danh trên thế giới này rất ít, gia đình tài tử giai nhân thì rất nhiều, thơ văn, chính trị gia cũng rất nhiều, nhưng họa sĩ thì rất ít, hãy vào bảo tàng viện xem, sẽ thấy họa sĩ không nhiều. Với tôi một họa sĩ không được đi học, mà được vô trong gia đình này, thì tôi biết tôi cũng có cái ghế, dù đó là cái ghế rất nhỏ, chứ không dám mơ ghế bành to như của Picasso...
Với tôi hội họa là cứu cánh cuộc đời. Tôi cũng hiểu được cái nghiệp mà mình mang, đem tài nghệ của mình cống hiến cho đời. Nhìn lại đường đi của mình, từ một sinh viên báo chí, một người đàn bà Việt Nam lớn lên trong chiến tranh, thoát ra khỏi đất nước, lên tu tận Alaska để trau dồi hội họa, và cuối cùng vẽ lại những câu chuyện về chiến tranh, đó là cơ duyên, nhưng cũng là cái nghiệp của tôi. Hồi xưa tôi vẽ để mà sống, còn bây giờ tôi sống để mà vẽ. Chồng tôi hiện nay ủng hộ cho tôi sống để mà vẽ, vì ông biết nếu tôi không vẽ ra thì tôi sẽ “điên”!


UserPostedImage
Tác phẩm “River of Death” của họa sĩ Hương Alaska


Đoạn cuối cuộc đời tôi đã thấy rồi, đoạn đầu tiên cuộc đời tôi đã trải qua rồi, nên tôi là người rất hạnh phúc, không còn ước vọng gì nữa, chỉ mong hoàn tất cho xong những tác phẩm mà tôi đã phác họa. Tôi mong ước người Việt Nam mình thương yêu nhau hơn, đất nước Việt Nam khá hơn. Mình may mắn ra sống ở đây, nhìn lại trong nước, nhiều người đàn bà Việt Nam còn đau khổ, không có cơ hội như mình, thương lắm, nên mình cám ơn Trời và cầu mong cho mọi người được hạnh phúc, mong hòa bình hãy đến trên thế giới, không riêng gì đất nước mình. Cầu mong cho tất cả những người đàn bà trên thế giới bị đau khổ về chiến tranh sẽ nhìn thấy hòa bình.
Xin cám ơn nhật báo Viễn Đông đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với độc giả những tâm tình của tôi, và tôi rất mong có cơ hội được hội ngộ với đồng bào tại quận Cam!
(B.H)


UserPostedImage
Họa sĩ Hương Alaska bên tác phẩm “Con Không Cha Như Nhà Không Nóc”


Băng Huyền
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.289 giây.