“40 năm đã trôi qua, những vết thương vẫn âm ỉ trong cơ thể những người thương binh nay đã già, vẫn để lại di chứng trên
những thế hệ kế thừa, vẫn hằn lên nỗi nhớ của người ở lại, vẫn cồn cào trong tâm khảm những người ra đi. Chúng như những
vết sẹo không dễ xóa mờ ngay được.”
.Bài tường thuật trên tờ Huffington Post về hành trình tìm lại cha mẹ đã thất lạc của những người là nhân vật trong chiến dịch
Không vận trẻ em vào năm 1975 đã gây xúc động mạnh trong tôi.
Hân Huỳnh (Ảnh được cung cấp
Cuộc tìm kiếm đầy gian nan và nhiều khi không tưởng bởi thời gian và không gian cách trở cũng như những thông tin ít ỏi mà
các nhân vật liên quan còn giữ lại về nhau. Thế nhưng niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong những người mẹ, người cha,
những đứa con và anh chị em của họ. Một số người đã tìm thấy nhau và những người còn lại vẫn không thôi tiếp tục.
Câu hỏi trong tôi là vết thương chia cắt máu mủ và quê hương của họ có thực sự đã lành hay chưa. Câu hỏi này tôi cũng
thường tự hỏi mỗi khi nghĩ về những thuyền nhân Việt Nam đã trải qua những tháng ngày lênh đênh trên biển và chứng kiến
những điều khủng khiếp trước mắt mình. Điều này có lẽ cũng không kém kinh khủng hơn những gì mà những người lính trong
chiến tranh tại Việt Nam đã phải trải qua.
Ở Úc tôi có những người bạn là con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba trong gia đình của những người từng là thuyền nhân Việt Nam
sau năm 1975. Những cô chú ấy nay đã định cư ở Úc gần hơn nửa đời người và phần lớn họ vẫn kể cho chúng tôi nghe về
những gì họ đã trải qua sau cuộc chiến. Tôi hiểu cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng, nếu không muốn nói là vô cùng khắc
nghiệt, với họ trong suốt những tháng ngày trên biển, trên đảo tỵ nạn và những ngày đầu khi bắt đầu cuộc sống tại một đất
nước hoàn toàn xa lạ từ một con số 0 tròn trĩnh - của cải, ngôn ngữ, văn hoá bản địa, và sự liên kết với những người xung
quanh. Nhưng nhìn vào cuộc sống hiện tại của gia đình và con cháu họ, tôi chỉ có thể chia sẻ rằng tôi ngưỡng mộ cách họ
vượt qua những biến cố và khó khăn trong quá khứ và sự thông minh, cần mẫn để xây dựng một cuộc sống sung túc và hạnh
phúc như bây giờ.
Tôi không sinh ra trong khói lửa chiến tranh như thời của ông bà cha mẹ mình, nhưng không hẳn mọi thứ đã thực sự yên ổn.
Đâu đó vẫn còn những cuộc chiến trong lòng người ở lại. Hậu chiến, thời của những thứ ngổn ngang cần được sắp xếp lại, và
phải mất quá nhiều năm để mọi thứ đi vào trật tự hoặc vẫn đang loay hoay tìm giải pháp tốt nhất cho mình. Tôi vẫn nhớ thức
uống thường xuyên của chị em tôi ngày thơ bé là nước cơm mà bà nội tôi vẫn chắt ra đầy tô mỗi lần nấu cơm trên bếp lửa sau
nhà. Nhưng ít nhất tôi đã được nuôi lớn bằng sự tảo tần của cha mẹ mình và trưởng thành trong một đất nước không còn
chiến tranh - dù tàn dư vẫn còn phảng phất và những tiếng bom tưởng đã ngủ yên dưới lòng đất lâu lâu lại chực chờ phát nổ.
Những năm tháng sống tại Úc đã cho tôi một cái nhìn đa chiều hơn về lịch sử dân tộc mình và những biến cố mà nhiều người
đã trải qua trong cuộc đời họ. Tôi hiểu được rằng những mất mát gây ra bởi chiến tranh với cả hai chiến tuyến là không gì có
thể bù đắp được. 40 năm đã trôi qua, những vết thương vẫn âm ỉ trong cơ thể những người thương binh nay đã già, vẫn để lại
di chứng trên những thế hệ kế thừa, vẫn hằn lên nỗi nhớ của người ở lại, vẫn cồn cào trong tâm khảm những người ra đi.
Chúng như những vết sẹo không dễ xóa mờ ngay được.
Những câu chuyện về hành trình tìm lại nguồn gốc của những người trong chiến dịch Không vận trẻ em đã phần nào cho thấy
sợi dây liên kết vô hình trong mỗi con người với người thân và nguồn cội của mình. Cũng như những ví dụ về sự thành công
của người gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt xa quê, và trực tiếp hoặc gián tiếp
tạo nên một hình ảnh đẹp về dân tộc mình. Với cộng đồng du học sinh Việt Nam và các bạn Việt kiều không chỉ là tình bạn,
mà trong đó còn cả tình đồng hương và các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Lịch sử đã để lại cho ta nhiều bài học đắt
giá, những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ không thể đổi thay và thời gian chẳng thể quay ngược trở lại. Nhưng tôi cũng tin rằng,
người ta luôn có quyền chọn cho mình một thái độ sống cho hiện tại và tương lai, những gì thuộc về quá khứ hãy để lại sau
lưng để cuộc sống mỗi người được trọn vẹn yên bình và ý nghĩa hơn.
Hân Huỳnh tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Quan hệ công chúng & Kinh doanh quốc tế tại QUT, Queensland. Cô từng làm MC cho
các chương trình truyền hình và sự kiện tại Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 2005. Hân có nhiều kinh nghiệm làm việc trong
lĩnh vực truyền thông đa văn hóa và kết nối cộng đồng tại Úc và khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hiện nay cô là Giám đốc
điều hành Công ty tư vấn giáo dục V Education và Công ty truyền thông Han Huynh PR & Communications tại Brisbane.
Theo ABC