Hình bìa CD 'Ru Con Nam Bộ - Ầu Ơ... Con Ơi Con Ngủ Cho Ngoan...'
Nhân ‘Ngày Của Mẹ’, chúng ta hãy cùng quay về với những bài hát ru con thưở nhỏ và đặc biệt, nghe Giáo sư Trần Văn Khê – cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam nói về đặc điểm hát ru con 3 miền Nam, Trung, Bắc.
Lời ru của Mẹ...Trong những tháng ngày đầu tiên của một đời người, đứa trẻ không chỉ được ấp ủ bằng hơi ấm từ da thịt của người Mẹ, mà còn được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bài hát ru ngọt ngào.
Những bài hát ru truyền thống tự nó không có nhạc đệm. Nhưng với cách ngân nga, luyến láy mộc mạc cộng với tình yêu vô bờ bến của người mẹ đã thấm sâu vào tiềm thức của đứa bé, trở thành một ký ức của tuổi thơ không dễ gì xoá bỏ.
GS Trần Văn Khê giải thích:
“Tiếng hát ru là điệu hát đầu tiên mà đứa trẻ nhận được từ mẹ, bà, chị hay cha, ông, để đưa đứa bé vào giấc ngủ êm đềm. Tiếng hát ru đó không chỉ đẩy đưa cho đứa trẻ đi vào giấc ngủ mà còn là bài giáo dục đầu tiên của người mẹ truyền sang cho con mặc dù đứa nhỏ không thể nhớ nhưng trong tiềm thức đã ghi lại cấu trúc phát âm.”
Không chỉ thế, Giáo sư Trần Văn Khê còn nói rằng những thang âm “hò, xự, xang, xế, cống” trong điệu ru con chính là bài học âm nhạc đầu tiên cho mỗi con người:
“Chúng ta thầy rằng nó có 1 ảnh hưởng với đứa trẻ. Nó đã ghi trong tiềm thức cấu trúc âm thanh. sau này nó muốn sáng tác thì chỉ cần dựa vào cái cấu trúc âm thanh đó mà sáng chọn. do đó, tiếng hát ru là bài giáo dục âm nhạc đầu tiên của đứa trẻ nhận được từ bà mẹ.”
Nuôi dưỡng tâm hồn conNhững bài hát đồng dao mang tính chất tự phát, không có giai điệu chính là minh chứng cho điều Giáo sư Trần Văn Khê vừa nói. Chính sự cảm thụ âm nhạc từ trong tiềm thức thuở nhỏ đã giúp cho đứa trẻ khi lớn lên có thể cảm tác ra những bài đồng dao mang đặc trưng của từng miền.
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nói về Mẹ, người ta hay dùng hình ảnh cái có lặn lội bờ sông và cả nàng Tô Thị đợi chồng…Những biểu tượng ấy vô hình trung là một suy tưởng bắc cầu để nói về tình Mẹ. Vì Người mẹ, qua những bài hát ru, đã truyền hết tình yêu thương của mình vào tâm hồn của đứa trẻ.
“Mỗi câu hát ru phần nhiều là nói chuyện đời sống hàng ngày và nói chuyện tình thương của người mẹ đối với con, rồi có khi vừa ru vừa dạy con như ‘nấu cơm thì phải nấu canh, bỏ tiêu cho ngọt bỏ hàng cho thơm’ là dạy cách nấu ăn của Việt Nam.”
Hoặc đó cũng là lời tâm sự những nỗi niềm sâu thẳm của người mẹ:
"Trong tiếng hát ru của 3 miền, chúng ta đều thấy rằng những câu hát ru đều là lục bát hoặc lục bát biến thể. Trước khi bắt đầu câu lục bát đó là câu mở đầu ‘ầu…ơ…’. Miền Nam, Trung, Bắc khác nhau do cách phát âm khác nhau, thanh giọng khác nhau và quan điểm nghệ thuật cũng ít nhiều khác nhau.”
“Tuy khác nhau ở đầu nhưng giống nhau ở chỗ là: 3 loái hát ru đều có 1 thang âm đặc biệt gọi là quãng tư”
Vì sao lại có sự xuất hiện của quãng tư trong những bài hát ru? Giáo sư Trần Văn Khê giải thích rằng:
"Tâm sinh học chứng minh rằng quãng tư và quãng 5 là 2 quãng đem lại sự bình tĩnh cho tâm hồn của con người. Vì vậy mà trong lời hát ru không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới không thể nào tránh được 2 quãng đó.”
Chỉ với hai chữ “ầu…ơ…” mượt mà ở quãng tư, thêm vào làn gió mát rượi cùng với nhịp đu đưa của chiếc võng sau hè, cũng vừa đủ ghi khắc vào tâm hồn con người một tình luyến ái ruột thịt thiêng liêng cho đến ngày cuối đời. Vì những bài hát ru đó chính là kho tàng vô tận đúc kết từ các câu chuyện dân gian do người đời truyền lại.
Hãy giữ lời Mẹ ru con!Qua những bài hát ru, người mẹ không những bày tỏ tình mẫu tử, mà còn dạy cho con mình tình yêu gia đình, quê hương đất nước qua hình ảnh cây đa, bến chợ, sân đình, yêu thiên nhiên, sông núi. Những làn điệu này đã hình thành nên nền tảng cho nhân cách của một con người:
“Đứa trẻ nào đã thấm nhuần tiếng hát ru bao nhiêu rồi thì lớn lên thương mẹ bấy nhiêu. Có rất nhiều trường hợp chứng minh rằng những người mẹ nào ru con thì đứa con đó thương nước Việt Nam, thương văn hoá Việt Nam.”
Đúng vậy, lời bộc bạch tinh tế của người mẹ qua những hình ảnh mộc mạc, chân tình trong bài hát ru đã định hình trong mỗi chúng ta một nét văn hoá ứng xử truyền thống của người Việt Nam- chịu thương chịu khó.
Giáo sư Trần Văn Khê cũng bộc bạch về một điều mà ông cho rằng rất đáng tiếc khi những đứa trẻ ngày nay không còn cơ hội để được thấm nhuần những bài học đầu đời như thế. Theo ông, đó cũng là một trong những lý do hình thành “tính cách dễ kích động” của những đứa trẻ ngày nay:
“Trẻ con bây giờ thích kích động không phải là do lỗi của nó. Vì trong 1 hoàn cảnh xã hội mà tiếng hát ru đã tắt trên môi của các bà mẹ thì chừng đó không còn gì để nối liền tình thương cha mẹ và thi ca, âm nhạc. Tôi rất mong người Việt Nam sớm suy nghĩ lại. Những câu hát ru không phải là khó học. Nếu xem những bài hát ru là căn bản, là sự sống của dân tộc Việt Nam thì chúng ta phải gìn giữ nó. Mà chúng ta là người VN, làm chủ lãnh thổ VN thì phải nên làm chủ nền văn hoá Việt Nam, là thi ca, âm nhạc của Việt Nam.”
Dù có đi đến đoạn đường nào trong cuộc đời, mỗi khi nghe một khúc hát ru mượt mà, không ai không thể xao lòng, nhớ về mẹ và những ngày “mẹ bồng trên tay.”
Theo RFA