logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
xuong  
#1 Đã gửi : 27/01/2013 lúc 10:03:53(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời tại Việt Nam
UserPostedImage
Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời chiều ngày 27/01/2013 tại Sài Gòn. Ra đi ở tuổi 92, Phạm Duy được xem là một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Với hơn 70 năm sự nghiệp, ông để lại một khối lượng đồ sộ cả nghìn tác phẩm ghi đậm dấu ấn của một nhạc sĩ dành trọn đời cho tình yêu âm nhạc.
Tác giả của « Nghìn Trùng Xa Cách » đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều nay khoảng 14 giờ 45 tại bệnh viên 115 Sài Gòn vì tuổi cao sức yếu.

Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Sinh ngày 05/10/1921 tại Hà Nội. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1942 với tác phẩm đầu tay là « Cô Hái Mơ ». Hai năm sau, ông gia nhập gánh hát Đức Huy và trong hành trình « hát rong » ấy, Phạm Duy đã đi khắp mọi miền đất nước, trước khi đi theo Việt Minh tham gia kháng chiến chống Pháp năm 1945. Sau đó, do không chịu được sự trói buộc với những sáng tác âm nhạc của mình, ông đã rời bỏ những người cộng sản để trở thành nghệ sĩ tự do cống hiến cho âm nhạc. Năm 1949, ông lập gia đình với ca sĩ Thái Hằng và có với bà 4 người con.

Hai năm sau, ông đưa gia đình vào Nam sinh sống. Đến năm 1953, nhạc sĩ Phạm Duy sang Pháp học về âm nhạc. Sau khi du học ở Pháp trở về, ông thành lập ban Hợp ca Thăng Long và đắm mình cho những sáng tác lãng mạn mang đậm chất Phạm Duy. Biến cố năm 1975 đã đưa nhạc sĩ Phạm Duy sang định cư tại Mỹ và đến năm 2005, ông trở lại Việt Nam cho đến ngày " Nghìn trùng xa cách" hôm nay.

Trong sự nghiệp trải dài hơn 70 năm, Phạm Duy để lại những trường ca « Con đường cái quan », « Mẹ Việt Nam » hay « Bầy chim bỏ xứ ». Trong số những bản nhạc được coi là xuyên thời gian của Phạm Duy, phải kể đến « Bên cầu biên giới », « Tình kỹ nữ », hay những lời tự tình với quê hương, dân tộc bản « Tình Ca », « Tiếng hò miền Nam » hay « Qua cầu gió bay ».

Nếu như các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đau đáu một tình yêu thương quê hương đất nước con người Việt Nam, thì đó là bởi cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này luôn gắn liền với những biến cố thăng trầm của đất nước và của một Phạm Duy luôn " vui buồn với nước non".

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI, nhà thơ Đỗ Trung Quân, từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của ông trước tin nhạc sĩ Phạm Duy vĩnh viễn ra đi.

Tải để nghe nhà thơ Đỗ Trung Quân-Sài Gòn


Source: RFI

Sửa bởi người viết 27/01/2013 lúc 10:17:17(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

xuong  
#2 Đã gửi : 27/01/2013 lúc 10:18:19(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhạc sĩ Phạm Duy từ trần
Tin từ Việt Nam cho biết nhạc sĩ tài hoa Phạm Duy mới qua đời lúc 2 giờ 30 chiều ngày hôm nay, hưởng thọ 93 tuổi.
Ông mất tại bệnh viện 115 ở Sài Gòn sau 3 ngày nằm điều trị.

Ông là một trong những khuôn mặt lớn của nền âm nhạc Việt Nam, để lại một gia tài đồ sộ với cả nghìn bản nhạc, trong đó có những bản đã đi sâu vào lòng người yêu nhạc, từ ca khúc đầu tay Cô Hái Mơ được viết hồi 1942, cho tới Tình Ca, Giọt Mưa Trên Lá, hay những bản nhạc được ông phổ thơ như Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng. Người yêu nhạc cũng không quên trường ca Con Đường Cái Quan, một trong những bản trường ca bất hủ của làng âm nhạc Việt Nam mà ông mất tới gần 7 năm mới soạn xong.

Một tháng trước đây, hôm 19 tháng 12 năm 2012, người con trai đầu của ông là ca sĩ Duy Quang cũng từ trần. Sức khỏe ông lúc đó vốn dĩ đã yếu, và cái chết của người con ông lại khiến ông yếu hơn.

Hiện chưa rõ ông sẽ được chôn cất ở Việt Nam hay sẽ được đưa về Hoa Kỳ an táng.
Source: RFA
xuong  
#3 Đã gửi : 27/01/2013 lúc 10:46:32(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời

(TNO) Sau thời gian điều trị các bệnh về tim, gan, gút, nhạc sĩ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào chiều nay 27.1 tại phòng cấp cứu Bệnh viện 115, TP.HCM, thọ 92 tuổi. Gia đình của nhạc sĩ Phạm Duy đã xác nhận với Thanh Niên Online thông tin trên.

UserPostedImage
Nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Thiên Hương
Nhạc sĩ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, sinh ngày 5.10.1921, tại phố Hàng Cót, Hà Nội.
Ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc VN với số lượng nhạc phẩm đồ sộ cũng như đa dạng thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca...). Cùng với sáng tác, ông còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc VN có giá trị.

Sau năm 1975, Phạm Duy sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5.2005 ông chính thức trở về Việt Nam định cư. Nhiều ca khúc của ông cũng dần được cấp phép phổ biến trở lại như Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng (đến nay khoảng 60 bài)…

Mới đây nhất là 8 ca khúc trong 10 bài của tập Đạo ca vừa được cấp phép biểu diễn. Song, tâm nguyện cuối đời của ông, từng được ông chia sẻ trên giường bệnh, là "phát hành cuốn phim tài liệu Phạm Duy - nhạc và đời" đến nay vẫn chưa thành...

Cha của nhạc sĩ Phạm Duy là nhà văn Phạm Duy Tốn. Vợ của ông là ca sĩ Thái Hằng nhưng bà đã qua đời vào năm 1999. Các con của ông cũng là những ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như con trưởng là ca sĩ Duy Quang (vừa qua đời vào tháng 12.2012), ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo, nhạc sĩ hòa âm Duy Cường...
UserPostedImage
Nhạc sĩ Phạm Duy giao lưu trong chương trình Tạ ơn đời mừng sinh nhật ông vào ngày 5.10.2012 - Ảnh: Thiên Hương
Đến cuối đời vẫn miệt mài sáng tác

Cách đây không lâu, khi tìm gặp nhạc sĩ Phạm Duy vào đúng dịp sinh nhật của ông (ngày 5.10.2012), vị nhạc sĩ lão làng này khiến chúng tôi khá bất ngờ vì sức khỏe dẻo dai và sự minh mẫn của ông.

Nhạc sĩ cho biết 30 năm ở ngoại quốc tưởng chừng đã khiến ông cạn kiệt nguồn cảm hứng. Thế nhưng từ khi trở về Việt Nam, ông “như sống lại” với những ý tưởng và cảm hứng dào dạt để cho “ra lò” gần 40 tác phẩm mới.

Ông khoe đã hoàn thành 10 bài Hương ca, 10 bài phổ nhạc từ thơ Bích Khê mang tên Dị khúc đồng thời hoàn tất Truyện Kiều với 37 khúc, dài gần 3 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này đều đang trong quá trình xin cấp phép để phát hành rộng rãi.

Ngoài ra, khi đó nhạc sĩ Phạm Duy cũng cho biết đang thực hiện một quyển sách tập hợp các kinh nghiệm mà ông học hỏi được trong suốt 30 năm ở xứ người, cũng như toàn bộ những tinh hoa ông chắt lọc được trong hành trình đến với âm nhạc.

Đồng thời, ông còn dự định phát hành quyển sách mang tên Vang vọng một thời viết về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của các ca khúc.

“Tôi mắc bệnh… nghiện làm việc dù sức khỏe đã không còn được như xưa. Lúc trước tôi ngồi 5 tiếng trước máy vi tính, giờ thì chỉ 2 tiếng thì phải nghỉ tí rồi mới làm tiếp được”, nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự khi gặp chúng tôi vào dịp sinh nhật của ông năm vừa rồi.

Vào khoảng tháng 11.2012, nhiều nguồn tin cho biết sức khỏe nhạc sĩ Phạm Duy đã suy giảm rất nhiều. Khi đó, Thanh Niên Online đã lập tức liên lạc với ông. Qua điện thoại, người nhạc sĩ già vẫn tỉnh táo và trả lời rành rọt rằng: “Tôi bị bệnh tim tái phát, nằm viện được gần một tuần thì xin bác sĩ về nhà vì nằm viện tốn kém quá…”.

Khi ấy chỉ vừa xuất viện được ít ngày, vẫn phải nhờ đến xe lăn để di chuyển nhưng nhạc sĩ Phạm Duy đã liền bắt tay vào công việc soạn nhạc. Trong mail gửi cho bạn bè thân hữu, ông viết: “Moa đã ra viện. Lại làm việc như thường”.

Từng “hỏi gở” nhạc sĩ Phạm Duy về sự ra đi, khi ấy ông cười bảo: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ chết vì tôi sẽ không bao giờ chết được cả. Tôi có chết đi chăng nữa thì nhạc của tôi vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát. Vậy thì làm sao tôi chết được? Còn cái chết xác thịt thì ai cũng phải chết thôi. Tôi sống đến giờ cũng hơi lâu rồi...”.
Ca sĩ Đức Tuấn khóc rất nhiều khi nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời

Nghe tin nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, Đức Tuấn, ca sĩ trẻ từng được nhạc sĩ Phạm Duy dành những lời khen tặng khi anh thể hiện thành công các bài hát của ông, từ Pháp chia sẻ với PV Thanh Niên Online qua điện thoại: “Tôi xem nhạc sĩ Phạm Duy như người thân trong gia đình. Khi nhạc sĩ đi cấp cứu, gia đình nhạc sĩ có nhắn tin cho tôi nhưng không ngờ ông lại ra đi sớm như vậy. Hiện tôi đang ở Pháp. Tôi sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để về đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy”.

“Trước khi nhạc sĩ Phạm Duy mất, tôi đang ấp ủ một dự án tâm huyết về nhạc sĩ nhưng nay...”, ca sĩ Đức Tuấn nghẹn ngào.

Ca sĩ Cẩm Vân: "Nhạc sĩ Phạm Duy là người tài ba, lỗi lạc"

"Tôi chỉ mới hát nhạc Phạm Duy nhân dịp mừng thọ ông vào năm ngoái. Nhạc sĩ Phạm Duy là một người tài ba, lỗi lạc của nền âm nhạc Việt Nam. Sự ra đi của ông thực sự là niềm tiếc thương của ca sĩ chúng tôi và người hâm mộ. Tuy không có nhiều kỷ niệm với ông nhưng tôi có thể cảm nhận được niềm hăng say lao động hết mình cho âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy", ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ.
UserPostedImage
Ca sĩ Cẩm Vân - Ảnh: B.N
Ca sĩ Thanh Thúy: “Tôi bần thần”

“Trước đó, tôi cũng nghe tin sức khỏe nhạc sĩ không tốt nhưng trong lần mừng thọ 92 tuổi của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi thấy ông vẫn còn nhanh nhẹn nên không nghĩ ông đi sớm như vậy. Không chỉ tôi mà những nghệ sĩ khác đều cảm nhận nhạc sĩ Phạm Duy là một con người rất nghệ sĩ, lãng tử, một nhạc sĩ tài hoa của dân tộc. Ông luôn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, những người hát nhạc của ông, không nhất thiết phải theo khuôn khổ nhất định mà luôn khuyến khích họ sáng tạo”, ca sĩ Thanh Thúy tâm sự.

Ca sĩ Ánh Tuyết: "Nghe tin ông qua đời, người tôi như tan chảy..."

Từ khi học lớp 2, lớp 3 tôi đã rất mê và hay hát bài Tình ca Quê Hương nhạc của Phạm Duy. Qua bài hát này, tôi hiểu được quê hương là gì. Đó là những hình ảnh rất dân dã, là con trâu, ruộng lúa, con đê; là những người nông dân đi cày, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên đồng ruộng. Rồi khi hát Tình ca, Mơ rừng bên sông... có cái gì đó hun đúc trong suy nghĩ của tôi về nhạc sĩ này dù chưa một lần gặp mặt.

Đến năm 2000, lần đầu tiên tôi gặp ông khi nghe tin ông về Việt Nam và có làm một buổi tiệc đón tiếp ông, trong đó có mời những bạn bè, thân hữu và những người bạn nhạc sĩ lớn tuổi của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tôi đang cố gắng làm một thứ gì đó cho người nhạc sĩ mà mình yêu mến vì âm nhạc của ông quá lớn, đồ sộ. Tôi đang thực hiện dự án âm nhạc gồm 3 album của nhạc sĩ Phạm Duy là: Quê Hương, Tình Ca, Thân phận... Tôi chỉ mới hát nháp được 5 bài trong album Thân phận và ông tỏ ra khá hài lòng dù chưa được hòa âm, phối khí.


UserPostedImage
Ca sĩ Ánh Tuyết trong một lần đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy dưỡng bệnh tại nhà - Ảnh: A.T cung cấp
Cách đây 2 tuần, khi nói chuyện với nhạc sĩ Phạm Duy, ông cũng nhắc khéo tôi về những bài trường ca của ông như: Thiền ca, Đạo ca, Con đường cái quan... Tôi rất muốn hoàn thành 3 album như một sự tri ân đối với người nhạc sĩ tài ba trước khi ông ra đi... nhưng không hoàn thành được ý nguyện. Khi nghe tin ông qua đời, người tôi như muốn tan chảy...

Bản thân tôi không đủ sức nhận xét về con người của nhạc sĩ Phạm Duy, nhưng trong âm nhạc, tôi có thể cảm nhận ông là một con người mạnh mẽ, hiên ngang dù ông có những nỗi đau giấu kín. Ông đã để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ.

Thiên Hương ghi
Source: Yahoo.com
xuong  
#4 Đã gửi : 27/01/2013 lúc 10:53:13(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhạc sĩ Phạm Duy đã “nghìn trùng xa cách”

TNO) Thế là nhạc sĩ Phạm Duy đã đi vào cõi vĩnh hằng vào chiều nay 27.1, để lại một khoảng trống trong đại gia đình âm nhạc Việt Nam và một “nỗi buồn sông nước” vang ra từ những lời ca ông đã viết: “Chiều rơi trên đường vắng - có ta rơi giữa chiều - hồn ta theo vạt nắng - theo làn gió đìu hiu”...
>> Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
>> Nghe những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy
>> Ca sĩ Ánh Tuyết: "Nghe tin ông qua đời, người tôi như tan chảy..."

Ca từ ấy cách đây chưa lâu đã được Phạm Duy nhắc đến khi chúng tôi đến thăm ông vào dịp kỷ niệm sinh nhật của nhạc sĩ đầu tháng 10.2012 vừa rồi.

Buổi sáng hôm đó trời Sài Gòn mưa sớm và mưa to đột ngột. Từ trong nhà, nhạc sĩ Phạm Duy bước ra gần cửa, đứng trên hàng hiên có lát những viên gạch đỏ hồng, trông ông vẫn còn “phong độ” trong bộ đồ màu đen và mái đầu bạc trắng. Vào nhà, ông ngồi trên chiếc ghế nệm khá rộng màu đỏ. Trước mặt chúng tôi là tượng điêu khắc chân dung ông, trên tường treo bức tranh của họa sĩ Hồ Thành Đức vẽ tặng ông đã lâu. Cạnh đó có treo bảng danh hiệu “Bàn tay vàng của danh nhân” ông vừa nhận được hồi tháng 8.2012.

Lúc ấy, chúng tôi không nghĩ rằng ông sẽ ra đi trước Tết Quý Tỵ thế này, vì tuy đang mang “bệnh tuổi già với nhiều biến chứng” như ông nói, nhưng trông sắc diện và giọng nói của ông vẫn chưa đến nỗi báo trước ngày “nghìn trùng xa cách” như chiều nay.

Hôm đó, ông nói về lịch sử âm nhạc lãng mạn của Việt Nam, vui vẻ khẳng định “mình có thể nói bất tận ngày này sang ngày khác” về đề tài trên. Song lần đó vào sinh nhật của ông, câu chuyện lại nóng lên quanh “ngày sinh của tình ca” trong cái “thuở ban đầu” của tân nhạc Việt Nam. Vì ông bảo giai đoạn đó đã xuất sinh những “hạt mầm” để về sau trưởng thành nên những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Nhưng đâu là cái mốc để đánh dấu?

Ông đưa ra câu trả lời rất nhanh như đã có sẵn trong đầu: "Cái mốc lớn đánh dấu sự xuất hiện của âm nhạc Việt Nam mà tới nay thế hệ trẻ yêu âm nhạc ở trong cũng như ở ngoài nước ít khi nhắc đến. Đó là cái mốc tôi khẳng định không thể quên là vào đầu năm 1938, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên lần đầu tiên đăng đàn lên tiếng vận động cho âm nhạc cải cách tại Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 3 năm ấy. Trong các buổi vận động nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đã giới thiệu ba bài hát của mình là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp hoa...".
UserPostedImage
Nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh do nhà báo Giao Hưởng chụp tại nhà riêng của nhạc sĩ ở TP.HCM, tháng 10.2012
Phạm Duy nói trong ba bài ấy thì bài Bông cúc vàng sử dụng thang âm ngũ cung Việt Nam nghe buồn mênh mang. Ông nhận xét bài Một kiếp hoa mang âm giai thất cung với ca từ thổn thức theo ngọn gió đông mà ông thuộc lời và nhắc: “Quét tan tành những cánh hoa vô tội - ta tưởng đâu như những mảnh tình xưa (...) Hoa tan tác lòng ta tan tác - một kiếp hoa, kiếp người đâu khác!”.

Khi ông nói, ngoài trời vẫn mưa lớn lắm. Ông chợt nhìn vào pho tượng của đức Quan Thế Âm Bồ tát đặt trước mặt ông, ngay chỗ tiếp khách. Chúng tôi không hiểu do tình cờ hay do nhắc đến “kiếp người” mà ông nhìn vào pho tượng Bồ tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn như thế. Chúng tôi cũng lặng im một lát nhìn ông, rồi nghe ông phân tích tiếp rằng hai bài ca cải cách đầu tiên của tân nhạc nước ta “đều là hai bài ca buồn các ông ạ, nó như một quyến rũ đối với thế hệ sáng tác những tình ca tiếp đó. Cũng trong thời điểm có các bài nhạc “mở đầu” cho âm nhạc cải cách (musique renovée) nêu trên, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã phổ nhạc những bài thơ của Thế Lữ như Hồn xuân, Chờ đợi bình minh", Phạm Duy hồi tưởng.

Ông cũng nhắc đến đỉnh điểm của tình ca “trào lên ngọn” với một loạt nhạc phẩm lãng mạn tiên phong như Bẽ bàng của Lê Yên và Văn Chung với Biệt ly, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn và tình ca của các nhạc sĩ như Văn Cao, Lê Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, La Hối, Nguyễn Mỹ Ca...

Ông nói dù đi Mỹ hay đi Tây, dù còn đang trẻ phơi phới hay tóc bạc trắng như mây, thì ông không bao giờ quên “thuở ban đầu” ấy.

Trong câu chuyện ông nhắc đến xu hướng nhạc yêu nước trong giai đoạn đầu của tân nhạc Việt Nam lúc phong trào nhạc cải cách đã ra đời và phát triển từ những năm đầu thập niên 1940 về sau như các bài của Thẩm Oánh: Trưng nữ vương, Bình Định vương, Hưng Đạo vương - và của Lưu Hữu Phước với: Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Nam tiến...

Trong những năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông nói ông vui mừng được gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở Bắc Cạn. Phạm Duy cho biết ông rất thích bài Gọi nghé của Nguyễn Xuân Khoát sáng tác năm 1947, tác phẩm này đã đọng lại trong ông rất nhiều, để sau này ông viết một số bài có âm hưởng dân ca, chẳng hạn như Nương chiều với các câu: “Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ - cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều - chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u - cô nàng về để suối tương tư, ới chiều...”.
Nói tới đó, ông đứng dậy dẫn chúng tôi qua phòng nhỏ bên cạnh chỗ đang ngồi, chỉ cho chúng tôi xem một số sách về âm nhạc mà ông đã lưu tâm, sắp xếp cẩn thận trong các lồng kính. Nhìn lên tường, chúng tôi thấy có bức chân dung của nhạc sĩ Phạm Duy chụp bởi nhiếp ảnh gia Mừng, trên nền bức ảnh có viết câu: “Mời người lên xe về miền quá khứ”.

Đó là một câu trong bài Nghìn trùng xa cách mà ông bộc bạch (nói “mình” thay vì “tôi” thân mật): “Mình viết bài này là để tặng cho một người tình trước khi cô ấy lên xe hoa, cô trẻ hơn mình đến hơn 10 tuổi, lúc mình 28 tuổi cô ấy mới 16 tuổi. Mình viết tới khoảng 50 tình ca cho cuộc tình đó, trong đó có bài Cỏ hồng với mấy câu đại ý rước em lên đồi cỏ xanh ngập lối, lấy khung cảnh từ Đà Lạt những ngày rất mộng kia”.

Rồi ông lại quay về chỗ tiếp khách. Chỗ ấy nhìn thẳng ra cửa có treo một khung nhạc rất lớn ở phía trên, mà đứng dưới đất nhìn lên, chúng tôi thấy rõ là bản Tình ca với mấy câu chép khá to giữa các dòng nhạc kẽ: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời - người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời, à ơi tiếng ru muôn đời”.

Đọc và thầm hát bài nhạc đó, chúng tôi muốn hỏi nhạc sĩ Phạm Duy đôi điều mà một số nhà văn, nhà báo trước đây ví ông như “người tình già” đã “trở về mái nhà xưa”.

Ông về Việt Nam đã 7 năm nay và vẫn sống trong căn nhà mà chúng tôi đến thăm nằm trên đường Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM, trong con hẻm lớn cách đường lộ đông đúc xe cộ khoảng vài chục mét nên khá yên tĩnh. Ở đó, ông thân mật nói với chúng tôi “một chút riêng” về lý do tại sao ông trở về Việt Nam. Ông nói điều đó với giọng trầm buồn, mà tốt hơn hết có lẽ chúng tôi cần để nguyên văn câu giải thích qua hồi ký của ông.

Ông viết rằng ở Mỹ, ông trầm mình trong cơn buồn bã và nhớ nhung: “Đó là chưa kể việc tôi thấy tôi đã mất dần cái quần chúng nghe nhạc đáng quý của thời xưa rồi. Nhạc đứng đắn mang tính chất quốc gia, dân tộc không còn được nhiều người thích nghe nữa. Lớp người Việt qua Mỹ đầu tiên nay đã già cả rồi, đã yên phận cả rồi, đã quen với đời sống thầm lặng ở Mỹ rồi. Mang con sang Mỹ chúng trở thành bác sĩ, luật sư cả rồi, nhưng chúng mời cha mẹ vào ở “nursing house” cả rồi.

Thế hệ thứ hai (second generation) này - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - tức là lớp tuổi 20 còn coi nhạc Việt là một sản phẩm văn hóa rất xa lạ. Chúng chỉ nghe nhạc Mỹ, âm nhạc Việt Nam bây giờ, than ôi, muốn được nhiều người mua và nhiều người nghe phải phù hợp với khối óc và con tim của lớp người Việt sang Mỹ sau cùng. Và nói chung, vì không hay hơn hoặc hay ngang với nhạc thời trước 1975, âm nhạc bây giờ đã xuống cấp. Cũng dễ hiểu thôi, trong môi trường “nhạc thương mại”, trình độ thưởng thức cùng với bài bản và ca sĩ, cả ba yếu tố này phải trở thành tầm thường hay dung tục”.

Ông nói buổi đầu về lại Việt Nam, ông rất bất ngờ với cảnh đón nhận các CD và một số chương trình ra mắt nhạc phẩm của ông phát hành tại Việt Nam từ TP.HCM, Đà Nẵng, Huế cho đến Hà Nội, với sự chuẩn bị nhiệt tình của Công ty văn hóa Phương Nam: “Tôi cảm động vì được trở về trong lòng của người yêu âm nhạc tại Việt Nam, điều ấy tôi không tìm thấy trong những tháng năm xa xứ.

Điều nữa, trong những ngày về lại Việt Nam, tôi nhớ đến vợ tôi là cô Thái Hằng mà trước đó nếu tôi về sớm hơn thì đã đưa thêm Hằng về nữa và có lẽ Hằng sẽ rất xúc động đến không ngờ vì khán giả Việt Nam vẫn còn yêu quý chồng mình. Đối với tôi, Thái Hằng là một á thánh của hạnh phúc gia đình, đã mất ở nước ngoài vào tuổi 73 vì bệnh ung thư. Nhưng phần nào tôi rất ấm áp khi có mặt ở Việt Nam để tự giới thiệu về các nhạc phẩm trong CD của mình, không lẻ loi, cô độc mà bên cạnh có bốn con trai của tôi là Duy Quang hát các bài trong CD, Duy Cường thì hòa âm chơi keyboard, bên cạnh có tiếng đàn của Duy Hùng và tiếng trống của Duy Minh hòa vào nữa”.

Trong số những bài ông giới thiệu nhân ngày trở về có một số phổ thơ của Huy Cận (Ngậm ngùi), thơ Xuân Diệu (Mộ khúc), thơ Hữu Loan (Áo anh sứt chỉ đường tà), thơ Huyền Chi (Thuyền viễn xứ). Nhân đó ông nhắc, bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu tiên được ông phổ thành ca khúc từ năm 1945 là bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: “Tôi xem đó như bài hát phổ thơ thành công đầu tay do mình viết trong cuộc đời làm âm nhạc của mình”.

Ông lại nhắc đến một bài khác cũng của Lưu Trọng Lư đã được ông phổ nhạc đến nay vẫn còn làm rung động người yêu nhạc: đó là bài Vần thơ sầu rụng với những câu có thể ứng với nỗi buồn khi ông đã đi xa vào chiều nay: “Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời - còn đâu bước chân người - mơ trên đường chiều rơi”.

"Chiều" đã "rơi", nhưng tiếng vang của Tình ca, của Hẹn hò, của Viễn du, của Trường ca Mẹ Việt Nam vẫn còn đó bên lời vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
TP.HCM, viết nhanh chiều vĩnh biệt 27.1.2013!
Giao Hưởng
Source: Yahoo.com
xuong  
#5 Đã gửi : 27/01/2013 lúc 10:55:37(UTC)
xuong

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 8,813

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Nhạc sỹ Phạm Duy qua đời
UserPostedImage
Nhạc sỹ Phạm Duy được cho như một trong những người đã kiến tạo nên nền tân nhạc Việt Nam
Người nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam, Phạm Duy, vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh ở tuổi 93, các nguồn thân thiết với gia đình ông cho biết.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân cho BBC hay ông được tin nhạc sỹ qua đời vào buổi trưa Chủ nhật 27/1. Có nguồn tin nói ông ra đi trong bệnh viện.

Nhạc sỹ Phạm Duy có tiền sử bệnh tim và từng qua hai lần giải phẫu tim.

Ông Đỗ Trung Quân không giấu nổi nghẹn ngào: "Tôi thực sự rất xúc động khi nghe tin ông [Phạm Duy] qua đời".

"Ông là một trong những nhạc sỹ đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc Việt Nam."

Các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy đã kết hợp được những nét của âm nhạc cổ truyền, dân ca, với các trào lưu phong cách hiện đại.

Ông từng nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC: "Tôi nghĩ rằng tôi là người Việt Nam, nếu tôi muốn được gọi là một nhạc sỹ Việt Nam, thì tôi phải làm nhạc dân ca. Đó là chuyện rất giản dị".

"Tôi phải khởi sự sáng tác của tôi bằng những bản nhạc mang tinh thần Việt Nam và với chất liệu của Việt Nam nữa."

Mới tháng trước, con trai lớn của nhạc sỹ Phạm Duy, ca sỹ Duy Quang, cũng qua đời tại Mỹ.

Vợ của ông là ca sỹ Thái Hằng, bà qua đời năm 1999.

Tài năng lớnNhạc sỹ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921. Tên thật của ông là Phạm Duy Cẩn.

Không chỉ là tác giả của một khối lượng đồ sộ các sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc lớn, với công trình khảo cứu về âm nhạc có giá trị.

Phạm Duy bắt đầu con đường âm nhạc trong vai trò ca sỹ. Ông từng tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng sau di cư vào Nam.
Sau sự kiện 30/4/1975, khi ông vượt biên sang Hoa Kỳ. Các ca khúc của ông bị cấm ở trong nước một thời gian dài.

Việc ông trở về Việt Nam định cư năm 2005 đã gây ra nhiều tranh cãi.

Kể từ đó, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được biểu diễn ở trong nước.

Trong cuộc trao đổi với BBC, nhạc sỹ kỳ cựu thừa nhận ông từng có giai đoạn sáng tác tuyên truyền trong các giai đoạn chiến tranh, nhưng cho rằng ông chỉ làm như vậy vì yêu nước.

"Lẽ tất nhiên bổn phận của chúng tôi là thế. Bổn phận của người nhạc sỹ khi đi theo kháng chiến, thì phải dùng cái đàn của mình để xưng tụng cuộc kháng chiến."

"Ngoài những bản nhạc về tình ái, hay về những chuyện khác, thì những bản nhạc có tính chất gọi là tuyên truyền đó thực ra cũng là những bản nhạc yêu nước thôi. Đừng nói là tuyên truyền hay không tuyên truyền."

Nhạc sỹ cho rằng âm nhạc của ông đa dạng và luôn biến đổi vì thân phận và tâm trạng của ông luôn "vui buồn" và "trôi nổi" theo vận nước.
Source: BBC

phai  
#6 Đã gửi : 28/01/2013 lúc 11:16:35(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Hai nhà thơ ở Mỹ nhớ nhạc sĩ Phạm Duy

Bấm vào đây để nghe phỏng vấn

Chủ nhật, 27 tháng 1, Phạm Duy, nhạc sĩ được nhiều thế hệ người Việt mến mộ, đã qua đời tại Sài Gòn sau thời gian nằm bệnh viện, thọ 92 tuổi.

Cung Trầm Tưởng, Saint Paul, Minnesota

Từ Saint Paul, thủ phủ của tiểu bang Minnesota Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng, người có nhiều bài được Phạm Duy phổ nhạc; trong đó có Tiễn Em, Mùa Thu Paris…nhớ lại thời gian trước 1975:

“Khi còn ở Việt Nam tôi có nhiều sinh hoạt văn nghệ với anh Phạm Duy, và nhất là chiều chiều chúng tôi hay ngồi ở La Pagode, nơi tụ tập của văn nghệ sĩ, chính trị gia, doanh nhân Việt Nam Cộng Hòa.”

Về tính tình của Phạm Duy, nhà thơ Cung Trầm Tưởng cho biết:

“Anh Phạm Duy có tài lắm, có nhiều người nói anh kiêu ngạo, nhưng anh rất khiêm tốn với những người bạn thân thiết, trong đó may mắn có tôi.”

Khi nhà thơ sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1993, nhạc sĩ đích thân đến thăm. Từ khi nhạc sĩ về Việt Nam thì hầu như Tết nào cũng gọi điện thoại chúc Tết thi sĩ. Tháng 7 năm ngoái, khi nhà thơ ra mắt tập thơ ở Nam Cali thì từ Việt Nam nhạc cũng gọi điện thoại sang chúc mừng ngay trong buổi ra mắt sách:

“Tôi không ngạc nhiên nhưng tôi xúc động vô cùng bởi ở ngoài đời, anh Phạm Duy với tôi là hai người bạn chung thủy về mặt tình cảm. Riêng cá nhân tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với anh, đặc biệt nhờ anh phổ nhạc thơ của tôi mà tên tuổi của tôi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam và các nước.

Cách đây 20 năm, anh Phạm Duy có đến nhà tôi ở Saint Paul, anh có thổ lộ với nhà tôi và tôi nghe được là như thế này: ‘Chị Tưởng ạ, tôi thế nào cũng phải chết ở quê hương vì tôi thấy mình phải trở về với đất tổ.’
Bây giờ thì ít nhất ý nguyện của anh đã thành đạt.”

Hoàng Song Liêm, Fairfax, Virginia

Nhà thơ cựu Trung tá Không quân Việt Nam Cộng Hòa này nói rằng khi còn làm Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, một vài người con của nhạc sĩ Phạm Duy phục vụ trong ban văn nghệ của ông:

“Tôi có cơ may được biết ba cây cổ thụ của làng âm nhạc Việt Nam, Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, nhưng Phạm Duy là người tôi rất gần, đặc biệt ông đã gửi mấy người con ông vào Không quân; Duy Quang, Duy Minh, và Duy Cường.

Khi nhạc sĩ nói với tôi: "Tôi đẻ chúng nó ra và nay chúng nó nằm trong quyền sinh sát của ông’; tôi bèn trả lời ‘Dạ không, tôi phải dành cho chúng sự chú ý đặc biệt chứ."

Ai cũng phải công nhận Phạm Duy là một thiên tài. Ông sáng tác rất nhanh, đặc biệt trong Không quân, trong những trường hợp tử vong đặc biệt, ông đã sáng tác những bài như Phạm Phú Quốc, Trần Thế Vinh, và ông cũng đề nghị với tôi sáng tác một bài riêng cho Không Quân Việt Nam.

Khi tôi về Việt Nam đến thăm ông ở phòng trà Lam Sơn, ông bảo các con ra chào chú Liêm, nói tóm lại tôi với ông cũng như người trong gia đình.

Tôi rất quý mến ông. Nghe tin ông ra đi tôi vẫn còn bàng hoàng mặc dù ông đã trên 90.”
Source: VOA
phai  
#7 Đã gửi : 30/01/2013 lúc 11:20:05(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Phạm Duy qua con mắt Nguyễn Đắc Xuân
UserPostedImage
Ông Phạm Duy vui khi sống trong lòng người hâm mộ Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một trong những người bạn tâm giao và cũng là người có thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc, đã nói chuyện với BBC về cả tài năng lẫn sự 'ham chơi' của nhạc sỹ.

Ông Xuân coi ông và Phạm Duy là hai người cùng thời "khóc cười theo vận nước nổi trôi" và "tâm sự với nhau hết...không che giấu gì".

Trả lời phỏng vấn BBC hôm 28/1, nhà Huế học nói:

"Đối với tôi tất cả những chuyện về cá nhân rồi nó sẽ đi qua, nếu các tác phẩm còn lại mà nó tồn tại với thời gian...mà cái đó được càng nhiều giá trị nó càng lớn.

"Theo tôi thấy đối với sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy thì ở Việt Nam, trên thế giới tôi không biết thế nào, khó có người giống với Phạm Duy, có thể nói đó là cái đỉnh cao mà những người thấp cũng phải thấp cách xa chứ không thể gần được cái sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy.

Ông Xuân nói cố nhạc sỹ nổi tiếng Trịnh Công Sơn có gia tài khoảng 600 bài so với hơn 1000 bài của Phạm Duy.

Nếu tính cả những bài ông phổ nhạc cho thơ của người khác, con số lên tới 2000.

'Sướng hơn ở Mỹ'
Nhạc sỹ Phạm Duy trở lại Việt Nam hồi năm 2005, tròn 30 năm sau khi ông rời Sài Gòn tới Hoa Kỳ.

Ông Xuân nói ông là người từng được ông trùm văn nghệ Tố Hữu giao vào Sài Gòn mời ông Phạm Duy ở lại sáng tác nhưng nhạc sỹ đã rời đi khi ông Xuân tới nơi.

Nhà nghiên cứu và người cũng có ba bài thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc nói về một trong số các lý do khiến nhạc sỹ trở về quê hương:
"Anh Phạm Duy đã nói một điều anh Phạm Duy kinh khủng nhất là nhìn cái thực tế anh Phạm Đình Chương, anh Duy Khánh, anh Hoàng Thi Thơ chết. Khi đau người ta cũng tới người ta nói chuyện hận thù, khi chết người ta đọc một cái điếu văn cũng hận thù mà khi lấp đất cũng nêu một cái hận thù thì anh ấy quá khiếp.

"Cho nên anh phải về Việt Nam, anh sống, anh chết ở Việt Nam mà anh tin chắc rằng giờ phút anh chết không có ai gây hận thù nữa.

"Và bây giờ sự lựa chọn của anh là đúng."

Ông Xuân nói nhạc sỹ Phạm Duy đã có được sự bảo vệ của người hâm mộ và cũng có được thu nhập từ con số khoảng 100 bài hát được cấp phép.

Nhà nghiên cứu cũng nói nhạc sỹ ở Việt Nam "sướng hơn ở Mỹ."

'Có tội với đất nước'
Ông Phạm Duy từng bị lên án khi rời bỏ vùng kháng chiến về thành, rời bắc vào nam và rời đi Hoa Kỳ.

Nhà lý luận Trần Bạch Đằng từng kêu gọi ông Phạm Duy hãy "tự sát" vì chỉ khi đó các tác phẩm của ông mới được cho phép diễn ở Việt Nam.

Ông Xuân nói các phát biểu như của ông Đằng mang dấu ấn của một giai đoạn và sau này khi gặp lại ông Phạm Duy, thái độ của ông Đằng đã khác.

Nhóm ba nhạc sỹ Phạm Tuyên, Trọng Bằng và Hồn Đăng cuối cùng cũng "xin lỗi" Phạm Duy sau khi có bài tấn công ông lúc nhạc sỹ mới về nước, theo ông Xuân.
Nhắc tới những chỉ trích với Phạm Duy, ông Xuân nói:

"Người ta có thể lên án chuyện ông bỏ Kháng chiến ông về. Nhưng mà nếu lúc đó có hại cho Kháng chiến một thì cái chuyện trở về của ông theo Nghị quyết 36 thì cái ảnh hưởng lớn đối với chính trị, đối với xã hội cái thời điểm ông về là có thể nói 10 lần giá trị so với chuyện ông đã ra đi.

"Ông có ra đi như vậy mới có sự trở về cho nên người ta không công bằng, người ta chỉ nói đến sự ra đi mà không nói đến sự trở về."

Ông Xuân nói với BBC bản thân ông cũng từng chất vấn ông Phạm Duy về những quyết định của nhạc sỹ trong quá khứ:

"Ví dụ như hồi năm 1996... hàng đêm tôi liên hệ qua điện thoại viễn liên thì có lần tôi đã hỏi anh là 'Anh Phạm Duy có khi nào anh nghĩ rằng anh có tội với đất nước không'?

"Ông nói 'Có chứ, mình cũng có chứ nhưng do hoàn cảnh. Mình biết chứ và bây giờ mình cũng phải làm cái gì đó để bù đắp lại cái tội đó của mình.'

"Đứng trên thế của người Kháng chiến mình là có tội.

"Anh Phạm Duy có nói một câu là thực tế anh cũng có suy tính là anh muốn tìm nơi nào an toàn nhất, nơi nào thuận lợi nhất để anh có thể phục vụ đất nước, phục vụ tổ quốc bằng tài năng của anh.

"Còn ở trong vùng Kháng chiến lúc đó trong hoàn cảnh của anh, anh phục vụ Kháng chiến không tốt, không đúng với khả năng của anh nên anh phải chấp nhận sự sai lầm, sự ..."khuyết điểm" của mình để mình có được một thành tựu lớn hơn."

Ông Xuân cũng kể lại một sự kiện hồi năm 2001 trong cuộc gặp gỡ giữa nhạc sỹ Phạm Duy với các cựu thiếu sinh quân, những người thích bài 'Thiếu sinh quân' của ông.
Một trong số các vị khách đã đứng lên hỏi tại sao ông Phạm Duy lại bỏ vùng kháng chiến ra đi sau khi đã sáng tác ra bài hát để "mê hoặc" họ.

Vị khách này cũng đọc một bài thơ của Huy Phương chỉ trích nhạc sỹ nhưng không thuộc hết.

Theo lời ông Xuân, ông Phạm Duy đã đứng lên và đọc toàn bộ bài thơ và nói tác giả đã không công bằng.

Nhạc sỹ cũng giải thích ông về thành không phải để hưởng nhà lầu, có lương bổng mà về đi làm để "nuôi vợ nuôi con hết sức khó khăn, nghiệt ngã" nhưng lại có thể sáng tác 'Tình ca' và 'Mẹ Việt Nam'.

'Ham chơi'
Nhạc sỹ Phạm Duy cũng từng bị chỉ trích nhiều về điều được coi là tính "ham chơi" của ông.

Về điều này, ông Xuân nói:

"Bản thân anh Phạm Duy anh ấy cũng biết là anh ấy có những cái gọi là 'ham chơi'.

"Trong toàn bộ cái nhạc của anh, hồi anh chưa về, tôi và Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Khê gặp nhau là thường hai anh em tâm sự cũng chê anh Phạm Duy nhiệt liệt lắm.

"Nhưng mà anh Phạm Duy là một nghệ sỹ là một nhạc sỹ chứ không phải là một chí sỹ, không phải là nhà tu hành và cũng không phải là nhà lãnh đạo mà phải gương mẫu.
"Anh là một nghệ sỹ mà anh lại có tài nữa nên anh sống như thế mới trung thực.

"Nhiều người che giấu nhưng anh không che giấu.

"Có nhiều người nói vậy mà không phải vậy."

Ông Xuân cũng nói ông cũng đem một số lời đồn về đời tư của ông Phạm Duy để hỏi chính nhạc sỹ.

Trong số này có những lời đồn tại về chuyện ông Phạm Duy có quan hệ với con dâu Julie, vợ của Duy Quang, con trai ông.

Nhạc sỹ đã bác bỏ chuyện mà ông gọi là "vu khống' này.

Nhưng ông Xuân nói ông cũng chưa tin cho tới khi chính Julie cũng nói tương tự trong một Bấm bài viết sau Duy Quang qua đời.

'Hồn Việt' Nhà Huế học nói ông tin rằng nhiều tác phẩm của Phạm Duy sẽ được phép biểu diễn ở Việt Nam sau khi nhạc sỹ đã nằm xuống.

Ông nói: "Tôi nghĩ không có lý gì mà không cho sau khi mà anh Phạm Duy đã mất rồi... Mà không cho là chúng tôi đòi.

"Phải để cho quần chúng, dân chúng họ hưởng được đúng cái nội dung của bài Việt Nam Việt Nam nó mới đúng cái hồn Việt của đất nước Việt Nam hiện nay, lấy cái tình thương, cái tình người, tình dân tộc để sống thương yêu nhau, bao dung giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau.

"Cái đó nó rất đúng với cái tinh thần của dân tộc đang phấn đấu...

"Không cho cái đó là một sự thiệt thòi cho dân tộc mình."
Source: BBC
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.274 giây.