Đối với phần đông chúng ta, nếu không nói là tất cả, mục tiêu quan trọng nhất trong đời là có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc
và sống có ý nghĩa. Để biết nhận định này đúng hay sai, ta cứ thử vào trang mạng Amazon.com rồi đánh chữ “happy” thì sẽ
tìm thấy vài chục ngàn đầu sách về đề tài này. Nhưng, hạnh phúc và cuộc sống có ý nghĩa, hai thứ này có song hành với nhau
hay có đồng nghĩa không? Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu thì dường như là không. Có nhiều công việc chúng ta
vẫn thường làm và là những việc làm ít nhiều có ý nghĩa – như nuôi dạy con cái hoặc tham gia những công việc xã hội –
nhưng lại là những công việc không làm cho cuộc sống của chúng ta vui vẻ, hạnh phúc hơn. Một nghiên cứu mới đây cho biết
trong khi hạnh phúc và ý nghĩa của cuộc sống thường có sự liên hệ chồng chéo nhưng cả hai khái niệm này cũng vẫn có
những cái bất tương đồng.
Để chỉ ra sự khác biệt giữa một cuộc sống vui vẻ và một cuộc sống có ý nghĩa, giáo sư Roy Baumeister thuộc Đại học Florida
State giải thích rằng những gì làm cho chúng ta hạnh phúc không hẳn hoàn toàn mang lại một cuộc sống có ý nghĩa hơn, và
ngược lại. Khi người ta cảm thấy hạnh phúc thì cái cảm giác đó có sự tương quan mật thiết với điều người ta thấy ở một cuộc
sống thư thái, vui vẻ và không phải bận tâm với những lo âu, phiền não. Hạnh phúc cũng tương quan với tình trạng sức khỏe
tốt và cảm giác vui tươi. Tuy nhiên, những điều trên có thể giúp cho cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn, nhưng không hẳn
sẽ giúp ta ý thức hơn về mục đích của cuộc sống như chúng ta mong đợi.
Một điều lý thú hơn nữa từ kết quả nghiên cứu của giáo sư Baumeister cho thấy, trái với những gì người ta thường nói, tiền
bạc quả thật có thể mua được hạnh phúc. Trong cuộc sống, khi người ta không phải lo lắng đến chuyện tiền bạc, người ta có
thể mua những gì người ta cần cũng như những gì người ta thích, thì cuộc sống của họ cũng tự nhiên được vui vẻ, hạnh phúc
hơn. Tuy nhiên, có tiền không hẳn sẽ làm thay đổi khác đi ý thức của họ về ý nghĩa của cuộc sống.
Một nghiên cứu khác cho thấy người dân ở những quốc gia giàu có thường sống hạnh phúc hơn, tuy nhiên, họ lại không thấy
cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn. Trong khi người dân ở những xứ nghèo lại thường thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa. Mặc
dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ nguyên do chính từ đâu, nhưng rất có thể là vì đời sống người dân ở những quốc gia
nghèo thường có niềm tin tôn giáo mạnh hơn, họ có nhiều con hơn, và mối liên hệ xã hội chặt chẽ hơn. Có lẽ, thay vì chúng ta
nói “tiền không mua được hạnh phúc” thì nên đổi lại là “tiền không mua được ý nghĩa của cuộc sống”.
Khi nói đến làm thế nào để được hạnh phúc hơn, nhiều người trong chúng ta thường tưởng tượng ngay đến sự hưởng thụ,
như không phải đi làm, được nghỉ phép thường xuyên hơn, hoặc tránh phải làm những công việc nhàm chán. Chúng ta có thể
mong ước thay vì ngày nào cũng phải làm những công việc nhà như dọn dẹp, lau chùi thì được làm những việc vui thích hơn
như tản bộ ngoài công viên hay khiêu vũ trong quán nhạc. Tuy nhiên, những công việc trên chỉ có tính cách giai đoạn, chúng
có thể mang tới cho ta một chút vui thú, nhưng về lâu về dài thì không thể làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng những công
việc chúng ta thường làm mỗi ngày, thậm chí là những việc được lặp đi lặp lại, như nói chuyện điện thoại, nấu ăn, lau chùi nhà
cửa, viết thư, cầu nguyện, lại là những việc làm mang đến nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống, nhưng chắc chắn là những công
việc này không làm cho chúng ta thấy vui vẻ, hạnh phúc ngay lúc đó.
Nói rộng ra, kết quả nghiên cứu cho thấy hạnh phúc thuần túy là đạt được những điều ta muốn trong cuộc sống, dù đó là do ở
hoàn cảnh cuộc sống, từ tiền bạc, hay ai đó mang lại. Ngược lại, ý nghĩa của cuộc sống dường như có liên quan nhiều với sự
cho đi, đức hy sinh, và những nỗ lực bản thân. Một cuộc sống có ý nghĩa không hẳn là hạnh phúc chúng ta có được trong
ngày. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, khi người ta bị nỗi ám ảnh của cái bóng hạnh phúc cứ mãi đè nặng lên cuộc sống thì
rất có thể là vì trong tâm hồn người đó trống rỗng, hoặc là vì người đó sống nhưng thiếu ý nghĩa.
Một ví dụ về hạnh phúc: khi ta đói, ta muốn ăn cho no và sau đó ta thấy vui vẻ, hạnh phúc – nghĩa là ta đã làm thỏa mãn cho
chính cá nhân mình. Nói cách khác, người ta hạnh phúc khi đã có được những gì người ta mong muốn. Nhưng loài người
không chỉ là loài duy nhất có khả năng cảm nhận được hạnh phúc. Như các nhà nghiên cứu chỉ ra, loài vật cũng có những nhu
cầu và khi chúng thỏa mãn được những nhu cầu đó thì chúng cũng cảm nhận được hạnh phúc. Loài người hơn loài thú ở chỗ
có khả năng vượt xa hơn sự mưu cầu hạnh phúc để tìm cho mình một cuộc sống có ý nghĩa.
Năm 1946, tác giả Viktor Frankl, một bác sĩ gốc Do Thái sống ở Áo, cho xuất bản cuốn Man’s Search for Meaning (Đi tìm ý
nghĩa của cuộc sống), kể lại kinh nghiệm sống ông đã trải qua trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Frankl chiêm nghiệm,
phân tích, để rồi đi đến kết luận rằng sự khác biệt giữa những người sống sót và những người đã chết được quy lại một điều:
Ý nghĩa của cuộc sống.
Như ông chứng kiến ngay trong trại tập trung, những ai tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống dù trong những hoàn cảnh ngặt nghèo
nhất thì thường chịu đựng được những đau khổ về thể xác cũng như tinh thần giỏi hơn là những người khác.
Mà ngay chính Viktor Frankl cũng là một chứng nghiệm về một cuộc sống có ý nghĩa. Ông sống cho người khác, luôn lo lắng
và quan tâm đến những người xung quanh ông, từ khi còn sống tự do ở ngoài đời, lúc bị bắt vào trại tập trung, và cả sau khi
được giải cứu. Ông luôn luôn dành một phần đời mình để sống cho người khác.
Năm 1941, Frankl đã là một bác sĩ khoa tâm lý và thần kinh nổi tiếng, sống hạnh phúc cùng vợ và gia đình ở thành Vienne.
Cùng năm đó, ông có một quyết định quan trọng cần phải làm, một quyết định sẽ làm thay đổi cả cuộc đời ông. Có nhiều tin
đồn khi ấy nói rằng có nguy cơ quân đội Đức Quốc Xã sẽ chiếm Áo và sự nghiệp của ông có thể sẽ chấm dứt. Frankl nộp
đơn xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ và được chấp thuận ngay sau đó. Trong khi quân đội Đức Quốc Xã bắt đầu vây bắt
người Do Thái và đưa về trại tập trung, lúc đầu là những người lớn tuổi. Frankl biết sớm muộn gì quân Đức cũng sẽ bắt cha
mẹ ông mang đi. Ông cũng biết rằng một khi bị bắt rồi, ông phải có bổn phận ở bên cạnh cha mẹ để giúp đỡ họ vượt qua khỏi
những chấn động tinh thần để thích nghi với cuộc sống trong trại. Mặt khác, là một người mới cưới vợ với chiếu khán trong tay,
ông cũng thèm muốn đi Mỹ, tìm tới một nơi an toàn, nơi ông có thể phát triển hơn nữa trong lãnh vực y khoa của mình.
Frankl cảm thấy bối rối không biết phải làm sao, nên ông tìm đến ngôi giáo đường Thánh Stephan cho đầu óc thoáng đãng.
Lắng nghe tiếng nhạc trong nhà thờ, rồi ông tự hỏi đi hỏi lại chính mình, “Có nên để cha mẹ ở lại không?… Có nên nói lời từ
biệt và để họ đối diện với số mệnh của chính họ?” Vậy còn bổn phận làm con thì ở đâu?
Khi quay về nhà, ông thấy một mảnh gạch hoa nằm trên bàn. Cha ông giải thích miếng gạch đó lấy từ đống đổ nát của một
ngôi giáo đường Do Thái giáo gần đó mới bị quân Đức phá hủy. Ông đọc được trên miếng gạch hoa một đoạn của một trong
Mười Giới Luật – đó là hãy thảo kính cha mẹ mình. Với dòng chữ đó, Frankl quyết định ở lại Vienne và bỏ luôn cơ hội được tới
một nơi bảo đảm một đời sống an toàn và một tương lai sự nghiệp rạng rỡ đang chờ ông ở Mỹ. Ông đã quyết định gạt qua
một bên những mưu cầu cá nhân để lo cho gia đình của ông, và sau này, là những người bạn tù đồng cảnh ngộ trong trại tập
trung.
Ba năm sau, khi trại của ông được giải thoát, phần lớn gia đình ông, trong đó có người vợ đang mang thai khi bị bắt, đều đã
chết – nhưng riêng ông, người tù mang số 119104 đã sống sót.
Bài học cao quý mà Frankl rút ra từ kinh nghiệm sống, giữa muôn vàn những khổ đau không thể tưởng tượng nổi mà con
người phải gánh chịu, đó là trước sau chỉ một điều này: “Đã là người thì luôn luôn gặp phải, hoặc bị đưa đẩy tới, điều gì đó hay
người nào đó, khác hơn là chính mình – vậy hãy xem đó như là ý nghĩa của cuộc sống mà ta mong đạt được hay chấp nhận
như là một người bạn ta tình cờ quen biết. Người nào càng tự quên chính mình – bằng cách hiến thân để phục vụ cho một
mục đích hay để thương yêu một đồng loại – thì càng là người có lòng nhân hơn”.
Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng mưu cầu một cuộc sống có ý nghĩa là cái làm cho loài người thành một loài cá biệt, khác với
các loài khác. Biết gạt bỏ quyền lợi cá nhân của mình để phụng sự cho tha nhân hay cho lý tưởng nào đó hơn là cho chính
mình, biết tận tụy đời mình để “cho” hơn là để “nhận” – tức là ta không chỉ bày tỏ tính nhân đạo cơ bản của mình mà còn nhận
biết rằng trên đời này còn có những thứ cao quý hơn là mưu cầu một hạnh phúc đơn giản.
Huy Lâm